1. Vị trí, địa danh.
Thánh Địa La Vang nằm trong khu vực xưa gọi là Dinh Cát (đời Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam, thế kỷ XVI. Vùng này gọi là Dinh Cát, tức là Dinh xây trên một vùng đất cát, có khi còn gọi là Cát Dinh), nay thuộc xã HảI Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế cách thành phố Huế độ 60 km về phía Bắc, và cách thị xã Quảng Trị chừng 6 km về phía Nam.
Dinh Cát là vùng đất cống hiến nhiều vị anh hùng tử đạo và cũng là nơi có số người Công Giáo sinh động.
La Vang là một phường nhỏ bé, mất hút giữa chốn rừng thiêng nước độc, chẳng mấy ai lui tới, ngoại trừ một số tiều phu từ phía Quảng Trị lên. Sau nầy, trong thời kỳ cấm cách, nhiễu loạn, giáo hữu từ các xứ đạo như Hạnh Hoa, Cổ Vưu, Thạch Hãn… trốn lên rừng núi để tránh cơn bách hại. Khi bình yên, họ lại trở về quê quán. Như vậy, La Vang xưa được xem là nơi “lánh nạn” của nguời công giáo trong các thời kỳ khó khăn nhất trước đây.
2.Tại sao gọi là La Vang
a/. Cách giải thích thứ nhất:
• Cụ Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài (Phước Môn Quận Công), trong bút tích về Đền Thờ Thánh Mẫu La Vang đề ngày 28 tháng 2 năm 1925, tại Huế, có viết: “La Vang là tiếng kêu om sòm. Thường người ta đặt tên chỗ nọ chỗ kia, thì lấy tên cái khe, cây cổ thụ, hay tên người nào trước ở đó mà đặt tên chổ, song đây thì lấy tiếng La Vang mà đặt tên cũng là lạ. La Vang là tiếng khi người ta lâm nguy mà kêu cứu, tiếng đuổi thú dữ, la vang là tiếng rao truyền, la vang la tiếng khi người ta được sự vui mừng quá bội, hoảng hốt mà la vang hay là tiếng quở trách. Tưởng rằng ý định đã xui cho người ta dùng tiếng La Vang mà đặt tên cho chổ này cho ứng nghiệm về việc đã xảy ra bấy lâu nay về sau này nữa”.
• Đức Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn (1878 – 1948), trong bài diễn văn về Đức Mẹ La Vang (18.08.1932), có nói: “Tên La Vang là vì xưa ở nơi đó có nhiều cọp, xóm Trí Bưu vào làm chòi ở lại, làm gỗ vỡ đất, nên đêm nào củng đánh mõ la lối để đuổi cọp, vì thế xóm xung quanh nhà thờ gọi là La Vang”.
• “Ban đêm phường La Vang không có sự thinh lặng. Đêm nào người ta cũng la lối om sòm. Họ đánh mõ, đánh thùng rộn ràng, để đuổi các thú dữ như heo rừng, voi, cọp… từ rú xanh ra phá phách khoai, sắn, lúa. Nên người ta gọi là phường La Vang”.
b/. Cách giải thích thứ hai:
Tiếng La Vang do chữ Lá Vằng mà ra.
Linh mục Philiphê Lê Thiện Bá (1891 – 1981), Nguyên Giáo Sư Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện Huế, chánh quán làng Cổ Vưu (Trí Bưu), có để lại bút tích giải thích tên gọi La Vang như sau: “Trong địa bộ làng Cổ Vưu có ghi: “Phường Lá Vằng”, vì ngày xưa trên linh địa La Vang có vô số cây lá vằng. Loại cây này có hột đen, ăn được, vị đắng và lá là một vị thuốc. Người phụ nữ xứ Dinh Cát (Quảng Trị) thường dùng lá vằng sắc uống khi sinh con. Do đó khi lập phường thì nhà nước đặt tên là “Phường Lá Vằng”. về sau người ta đọc Lá Vằng thành La Vang”.
“Phường Lá Vằng”, Thánh địa La Vang là một vùng đất rừng rú xen kẻ nhiều thứ cây, trong đó có cây lá vằng nhiều hơn cả.
Từ chốn Lá Vằng, hay La Vang được loan truyền từ đời nọ sang đời kia, là Đức Mẹ Maria hiện ra an ủi nâng đỡ con cái của Mẹ trong thời kỳ bách hại này.
Từ đó tiếng lành đồn xa, khắp Giáo phận Huế, trong các giáo phận khác ở Việt Nam và cả Đông Dương, về việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang cùng nhiều ơn lạ của Mẹ Thiên Chúa.
Thật vậy, Đức Mẹ đã biến nơi âm u, rừng thiêng nước độc trở thành nơi qui tụ con cái muôn phương. Tiếng kêu của con cái Mẹ trong cảnh lầm than cũng là tiếng vang động tới cõi thiên đình. Từ đó nhiều người tứ xứ, từ khắp nơi tuôn về Mẹ.
“Phường lá vằng” đã trở thành “Thánh Địa La Vang”. Đồng bào lương giáo khắp nơi tuôn về hành hương, cầu nguyện, xin ơn độ trì. Mẹ đã nhậm lời và ban nhiều ơn lành phần hồn phần xác.