Tôi là bức họa được người ta đặt cho nhiều tên, nào là “Kim Mẫu”, nào là “Đức Trinh Nữ chịu nạn”, “Mẹ của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế”, “Mẹ các gia đình Công giáo”. Nhưng tên được chọn cho tôi là “Mẹ Hằng Cứu Giúp”, đó cũng là danh hiệu mà Đức Giáo Hoàng Pio IX muốn các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế rao truyền cho mọi người biết đến.
Chuyện của tôi là chuyện Thiên Chúa đã ra tay biến những việc tầm thường nhân loại trở thành chuyện thiêng liêng linh thánh như thế nào. Tôi có một quá trình lịch sử phức tạp và phiêu lưu, nhưng nếu nhìn “từ trên cao” thì chỉ là một đường thẳng kéo dài xuyên qua lịch sử nhân loại.
Nhưng quan trọng hơn cả, ấy là việc tôi hiện diện trong đời sống tông đồ của các tu sĩ Dòng Chúa CứuThế Chí Thánh.
“Khi đã thấy Đức Mẹ một lần thì chỉ mong chết để được nhìn thấy lại gương mặt của Mẹ.” (Bernadette)
Lần kia, muốn biết giữa các kiểu ảnh Đức Mẹ đã được in ra phổ biến khắp nơi, ảnh nào giống Đức Mẹ thật nhất, người ta bày ra trước mặt chị Bernadette Soubirous, người đã được diễm phúc nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra 18 lần tại hang đá Lộ Đức. Các bức ảnh lần lượt được duyệt qua dưới con mắt chăm chú của chị Bernadette. Lúc ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (bức ảnh mô phỏng theo bức hoạ cổ truyền HODEGETRIA) vừa phớt qua thì chị Bernadette chụp lấy ngay và reo lên: “Bức ảnh này có một cái gì đó tương tự.” Không chỉ có chị Bernadette mà thôi, mà cả chị Lucia là người thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, khi nhìn thấy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng bảo rằng mẫu ảnh này giống với Đức Mẹ. Giống nét mặt hay giống bởi mầu nhiệm chất chứa trong đó ?
Gốc tích
Tương truyền rằng, ngày xưa Thánh Lu-ca có vẽ một bức họa Đức Mẹ bồng Chúa Giê-su Hài Đồng. Như ta biết, thánh Lu-ca là người đã viết những chuyện liên quan đến Đức Mẹ thật chi tiết. Có người cho rằng sở dĩ ngài đã viết được như thế là vì được Đức Mẹ “thủ thỉ” kể cho nghe. Khi bức họa được dâng lên cho Mẹ xem thì Mẹ phán: “Ơn thánh Mẹ sẽ theo bức ảnh này.”
Sang đến thế kỷ thứ V, tại thành Constantinople, có một bức họa rất thời danh được mọi người ca ngợi là tuyệt tác, lịch sử ghi dấu dưới cái tên HODEGETRIA (Đức Mẹ dẫn đường). Thời đó người ta cho rằng thánh Lu-ca là người đã phác hoạ nên nguyên bản bức ảnh này.
Vào đầu thế kỷ XII, tại đảo Crêta, Địa Trung Hải, bức hoạ HODEGETRIA được các hoạ sĩ Âu – Á dung hoà hai quan niệm hội hoạ Âu – Á để vẽ ra nhiều bức ảnh thời danh. Ngày nay, nguyên bản bức HODEGETRIA đã bị thất lạc. Tuy nhiên, người ta còn giữ được nhiều bản phụ mô phỏng theo bức hoạ đầu tiên mà bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là một trong các phụ bản đó.
Đến cuối thế kỷ XV, trên đảo Crêta, bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được các tín hữu sùng kính đặc biệt và được mệnh danh là bức ảnh hay làm phép lạ. Thế rồi một sự cố bất thường xảy ra. Người ta biết được biến cố này là nhờ tìm thấy tại sở văn khố Va-ti-ca-nô ba mảnh giấy rất cũ, chúng là bản sao của một mảnh giấy ghi lại lịch sử của bức ảnh, nội dung mảnh giấy đó như sau:
Bức ảnh bị đánh cắp
Trước cái chết đột ngột của chồng, bà vợ cứng lòng vẫn chưa lay chuyển, bà cứ khư khư giữ lại bức ảnh. Một hôm, đứa con gái 6 tuổi của bà hớt hải chạy đến nói với bà: “Mẹ ơi, con vừa gặp một bà đẹp lắm. Bà ấy bảo con về nói với mẹ rằng : Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp muốn được trưng
bày trong một ngôi thánh đường ở thành Rô-ma để dân chúng sùng bái, và Người muốn ra khỏi nhà chúng ta”. Nghe con nói vậy, bà mẹ bắt đầu nao núng, phát nghi là mình đã nhúng tay vào cái chết của chồng. Bà trù trừ… rồi quyết định vâng lời Đức Mẹ. Nhưng phút cuối bà lại gặp phải bà hàng xóm khô đạo. Bà này khi nghe chuyện liền nói với bà: “Hơi đâu tin chuyện trẻ con, Đức Mẹ bận tâm chi bức ảnh nhân tạo này. Không tin bà cứ đem quăng bức ảnh vào lửa, nó sẽ bốc cháy như bất cứ thanh củi gỗ nào. Nếu bà ngượng tay, bà để tôi.” Rồi bà ta còn hỗn láo nhiều lời với Đức Mẹ nữa. Đến chiều tối, lúc về nhà, bà khô đạo này đã lăn ngã xuống đất, trong mình đau nhức, ở cánh tay có cái ung độc mọc ra, sưng lên mỗi lúc một to. Trước cơn bệnh kỳ lạ, bà sực nhớ đến lỗi mình đã phạm. Bà khóc lóc, kêu van, xin đem ảnh Mẹ đến. Trước tôn nhan Mẹ, bà cầu nguyện xin ơn tha thứ. Một sự lạ bất ngờ xảy ra: tay bà vừa đụng vào bức ảnh thì bệnh lạ kỳ kia biến tan, không để lại vết tích gì. Một câu hỏi nảy ra trong đầu hai người phụ nữ sám hối này: Mẹ muốn chúng ta đưa Mẹ đi đâu ? Mẹ liền hiện ra với em bé và nói: “Con hãy nói với mẹ của con là Ta muốn được trưng bày ở khoảng giữa nhà thờ Đức Bà Cả và nhà thờ thánh Gio-an Lateranô, tức trong ngôi thánh đường kính thánh Mát-thêu”. Lần này, người mẹ nghe theo lệnh của Mẹ và đã liên lạc với các cha dòng Augustin là những người đang phụ trách nhà thờ thánh Mát-thêu. Bà mời các cha đến nhà, kể lại sự tình và chuyển giao bức ảnh cho các ngài.
Ba trăm năm tại nhà thờ thánh Mát-thêu
Ngày 27.3.1499, các cha dòng Thánh Augustin đã tổ chức một đám rước cực kỳ long trọng đưa ảnh Mẹ về nhà thờ Thánh Mát-thêu. Cũng vào ngày ấy, Mẹ mở đầu “sứ mệnh hằng cứu giúp” của Người bằng một phép lạ cả thể: một người đàn ông bị bại tay nhiều năm đã khiêm nhường cầu xin với Mẹ, nài xin người ta cho được chạm vào ảnh Mẹ, khi vừa chạm vào ảnh Mẹ, cánh tay khô cằn kia liền được chữa lành ngay tức khắc. Ông liền đi theo đám rước hát mừng ngợi khen Mẹ. Đây là phép lạ đầu tiên Đức Mẹ làm tại kinh thành Rô-ma. Phép lạ khai mào cho một chuỗi dài ơn thiêng mà Mẹ sẽ làm dưới tước hiệu “Mẹ Hằng Cứu Giúp”.
Năm 1778, là năm mà theo Sở Văn Khố Dòng Chúa Cứu Thế, bức ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp được tôn vinh gần 3 thế kỷ XVI, XVII, XVIII trên đồi Esquilinô, trong thánh đường kính Thánh Mát-thêu. Dân chúng tấp nập đưa nhau tới kính viếng và cầu nguyện với Mẹ Hằng Cứu Giúp và Mẹ đều đáp lại bằng muôn vàn ơn thiêng.
300 năm lừng danh Mẹ đã chinh phục lòng giáo dân Rô-ma. Nhưng rồi một biến cố xảy ra. Năm 1798, khi rầm rộ tiến vào Rô-ma để công bố cái gọi là “cộng hoà tự do cho người Rô-ma”, đạo binh của Napoléon I đã mặc sức hoành hành, phá huỷ gần 300 ngôi thánh đường trong đó có nhà thờ kính Thánh Mát-thêu (ngày 3.6). Các cha, các thầy Dòng Augustin phải lên đường tản cư mang theo bức ảnh về tu viện Đức Thánh Trinh Nữ ở Posterula. Vì đã có bức ảnh Đức Trinh Nữ trong nguyện đường, nên các ngài đặt ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong một nhà nguyện nhỏ của Dòng.
Vị tu sĩ già và chú giúp lễ
Thời kỳ loạn lạc kéo theo năm tháng dài thầm lặng. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như bị quên lãng. Nhưng Mẹ còn có một người đi theo Mẹ trên đường lưu lạc. Đó là thầy Augustin Orsetti. Nay thầy đã là một cụ già 86 tuổi, sức yếu, mắt đã loà, nhưng không ngày nào thầy quên đến quỳ trước ảnh Mẹ để cầu nguyện.
Từ năm 1838 đến 1851, tại nhà thờ Đức Trinh Nữ Posterula, có một cậu bé người Ý thường đến giúp lễ, tên là Mi-ca-en Marchi. Thầy Orsetti và cậu lễ sinh trở nên thân thiện. Cậu thích ngồi bên thầy già để nghe kể lại sự tích về mẫu ảnh Đức Mẹ và đã nhiều lần thầy Orestti dẫn bé Marchi đến trước bức ảnh linh thiêng đề cầu nguyện. Khi biết mình sắp rời khỏi cõi đời, thầy gọi Marchi đến và như muốn truyền cho cậu cả mối tâm sự của mình: “Con hãy nhớ, bức ảnh này trước đây đã được tôn kính đặc biệt tại nhà thờ kính Thánh Mát-thêu. Đừng quên nghe con… Con có hiểu không? Ôi, ngày xưa Đức Mẹ đã làm bao nhiêu phép lạ !” Cái giọng run run của thầy càng làm cho cậu bé cảm động. Cậu có ngờ đâu mình đến đây để thừa tự một lời di trối. Ít lâu sau, thầy Orsetti qua đời (1853). Năm 1855, Mi-ca-en Marchi xin gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế.
Duyên “tiền định”
Cũng chính năm ấy, Dòng Chúa Cứu Thế mua Villa Caserta tại Rô-ma để lập nhà chính. Sau khi hoàn thành công việc xây cất năm 1862, một thành viên văn khố là cha Edouard Schwindehammer, trong lúc lục lọi thư viện đã tìm thấy một mảnh giấy ghi lại những truyện lạ về bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được trưng bày tại nhà thờ Thánh Mát-thêu trên đồi Esquilinô, mà nay, trên chính mảnh đất này một ngôi thánh đường nguy nga vừa được xây lên để dâng kính Thánh An-phong, Đấng Sáng Lập Dòng. Và chính trong vườn của Nhà Dòng, người ta còn thấy vết tích của ngôi thánh đường kính Thánh Mát-thêu bị phá huỷ trước đây. Cha Edouard mang mảnh giấy đọc cho anh em nghe. Cha Mi-ca-en Marchi như người ngủ mê bỗng tỉnh dậy, vui mừng nói: “Vậy thì bức ảnh ấy ngày nay vẫn còn, tôi biết bây giờ ở đâu nữa. Vì chính mắt tôi đã từng thấy nhiều lần. Nguyên lúc còn nhỏ, tôi thường hay đi lại dòng Thánh Augustin. Một thầy dòng đã có tuổi và rất đạo đức tên là Orsetti không lần nào gặp tôi mà không chỉ và nói cho tôi nghe về bức ảnh hay làm phép lạ đó. Bức ảnh gần như không được tôn kính, không được trang hoàng gì, ngay cả bên cạnh không có ngọn đèn để thắp nữa… Bức ảnh ấy bị bụi bặm phủ đầy và chẳng ai đến kính viếng. Trong nhiều năm giúp lễ ở đó, tôi đã nhiều lần ngắm nhìn bức ảnh ấy.”
Cũng trong năm đó, tại nhà thờ Giê-su của các cha Dòng Tên, cha Francesco Blosi, một diễn giả trứ danh đang lần lượt giảng về các bức ảnh Đức Mẹ trong thành Rô-ma. Ngày 7.2.1863, khi giảng về ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ngài nói: “Kính thưa anh chị em, hôm nay tôi đến để nói với anh chị em về một bức ảnh Đức Mẹ, vốn rất nổi tiếng nhờ những phép lạ. Nhưng tiếc thay, mẫu ảnh linh thiêng ấy đã thất lạc 70 năm nay, từ ngày biến cố chiến tranh bùng nổ, không có dấu hiệu nào cho biết bức ảnh ấy hiện giờ ở đâu (…) Ước vọng của Mẹ là được trưng bày trong ngôi nhà thờ khoảng giữa hai Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả và Thánh Gio-an Latran. Chúng ta biết rằng vinh dự tìm thấy bức ảnh được dành cho thời đại chúng ta. Ai có thể biết hết những ơn lành được ban xuống trên thế giới với việc hồi sinh lòng tôn kính Đức Trinh Nữ, dưới tước hiệu Hằng Cứu Giúp mà Người đã chọn cho mình?”
Bài giảng hùng hồn ấy vọng đến tai các cha Dòng Chúa Cứu Thế, các cha chưa biết gì về ước muốn của Đức Mẹ. Cái tin kia khiến các ngài rất vui sướng. Giữa hai Vương Cung Thánh Đường, không có ngôi nhà thờ nào ngoài nhà thờ kính Thánh An-phong. Phải chăng Đức Mẹ đã tiền định cho các ngài duy trì bức ảnh? Với niềm mong ước, các ngài đã cầu nguyện, tìm tòi, tra cứu, âm thầm dõi theo bước chân của Đức Mẹ trong ba năm. Quả thực, mẫu ảnh các ngài cần tìm còn trong nhà nguyện nhỏ Posterula.
Dòng Chúa Cứu Thế đón Mẹ
Ngày 11.12.1865, Cha Bề Trên Cả Mauron và cha Marchi xin vào yết kiến Đức Thánh Cha Pi-ô IX. Sau khi thuật lại cho Đức Thánh Cha nghe lai lịch bức ảnh và niềm mong ước của Mẹ, cha Mauron xin rước ảnh Mẹ về nhà thờ Thánh An-phong để thực hiện mong muốn của Mẹ. Ngài còn dâng lên Đức Thánh Cha một bản tường trình các việc do cha Marchi viết và nhận thực. Đức Thánh Cha Pi-ô IX, một tông đồ nhiệt thành của Đức Mẹ, rất cảm động, vì thân mẫu ngài đã từng dẫn ngài
đến cầu nguyện trong nhà thờ Thánh Mát-thêu. Ngài không ngần ngại khi có thể làm hiển danh Mẹ. Ngài liền chuẩn y, ban phép cho các cha Dòng Chúa Cứu Thế rước ảnh Mẹ về với điều kiện: thay thế cho nguyên bản bằng một bức hoạ mô phỏng để lại cho các cha Dòng Augustin. Các cha Dòng Chúa Cứu Thế vui sướng trước cái hân hạnh được Đức Mẹ chọn làm kẻ giữ gìn bức ảnh của Người và nhiệt tâm chuẩn bị cho một cuộc rước linh đình.
Ngày 19.1.1866, cha Michel Marchi và cha Ernest Bresciani đến tu viện Posterula để thương lượng về việc chuyển giao bức ảnh. Bước vào ngôi nhà nguyện nhỏ, cha Marchi nhớ lại cách đây 15 năm khi còn là chú giúp lễ tí hon. Cha cảm động ngước nhìn lên ảnh Mẹ còn đó, cũng một vẻ hiền lành, khả ái, cũng màu sắc ấy, nhưng năm tháng đã ghi lên bức ảnh nhiều vết tang thương.
Sau khi đã lãnh nhận bức ảnh Đức Mẹ từ tay Cha Bề Trên tu viện Posterula chuyển giao, các cha Dòng Chúa Cứu Thế đem ảnh về nhà, mời hoạ sĩ trứ danh Leopold Nowotny người Ba Lan đến tu bổ lại nguyên bản.
Sau 70 năm trong bóng tối, ngày 26.4.1866, ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ra mắt lần thứ hai với dân thành Rô-ma. Ảnh Mẹ được rước qua các thành phố Rô-ma hết sức trọng thể. Trong lúc ảnh Mẹ đi ngang qua một con phố, bao lời kinh dâng Đức Mẹ vang lên, thì trong một căn nhà nhỏ bên đường đang có cảnh rất đau thương: một em bé bốn tuổi đang hấp hối trước đôi mắt bất lực của bà mẹ. Bà mẹ bỗng vụt ra một sáng kiến. Bà ẵm con chạy ra cửa sổ, với một lòng trông cậy mãnh liệt, bà nói to vọng qua cửa sổ: “Lạy Mẹ nhân từ, xin Mẹ hãy chữa cho con của con khỏi bệnh hoặc xin cho nó về thiên đàng.” Bỗng nhiên đứa bé tỉnh lại, bệnh tình thuyên giảm dần… Ngày hôm sau, hai mẹ con đến trước bàn thờ Đức Mẹ thắp một cây nến để tạ ơn. Chuyện thứ hai, trong một nhà khác, một bé gái lên tám, chân bị tê liệt đã bốn năm, khó nhọc lắm mới cử động được. Lúc cuộc rước ảnh Mẹ đi qua, người mẹ đứa bé liền cầu xin Đức Mẹ chữa bệnh cho con mình. Đứa bé bị xúc động mạnh, bệnh tình khỏi đi một nửa. Hôm sau bà giục con đến trước bàn thờ Đức Mẹ cầu nguyện rằng: “Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin Mẹ hãy hoàn tất việc Mẹ đã khởi công.” Tức khắc, dước con mắt kinh ngạc, sửng sốt của mọi người, em bé đứng dậy ngay và đi lại như thường. Đây là hai ơn lạ đầu tiên được ghi vào sổ vàng chính thức ngày Đức Mẹ ra mắt dân thành Rô-ma nơi thánh đường kính Thánh An-phong. Ảnh Đức Mẹ được trưng bày nơi bàn thờ chính.
Ngày 5.5.1866, Đức Thánh Cha Pi-ô IX thân hành đến kính viếng Mẹ nơi ngôi thánh đường mới và uỷ thác cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phải truyền bá Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho toàn thế giới. Nhìn lên ảnh Mẹ, ngài kên lên: “O quam formosa est… Ôi, Mẹ đẹp thật!”
Ngày 23.6.1867, sau tuần Tam Nhật Thánh long trọng, các kinh sĩ thuộc Hội Kinh Sĩ Thánh Phê-rô tại Rô-ma đã tổ chức một nghi lễ đặc biệt để tôn kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trước sự hiện diện của đám đông khách hành hương, các kinh sĩ đã đặt một triều thiên quí giá lên đầu Chúa Giê-su Hài Đồng và một triều thiên khác trên đầu Đức Mẹ. Sau đó, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã chọn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp làm bổn mạng cho sứ vụ chính của Dòng là giảng đại phúc. Và Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được thành lập ngày 31.3.1876.
Ngày ngày dân chúng lũ lượt kéo nhau lên đồi Esquilino nhà thờ Thánh An-phong để chiêm ngắm và cầu nguyện với Mẹ. Từ nay, nơi này cũng như trên khắp các lục địa, Đức Mẹ tiếp tục thi ân với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp cho tất cả những ai đến cầu xin Mẹ với lòng tín thác.