Tháng sáu, cùng với lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, phụng vụ cũng có lễ Trái Tim Đức Mẹ. Hai lễ trái tim nhưng vẫn chỉ là một tâm tình yêu mến. Nếu lễ Thánh Tâm là tưởng niệm những kỳ công Chúa đã thực hiện vì yêu thương nhân loại nhằm kêu gọi người ta tìm đến hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng, thì lễ Trái Tim Đức Mẹ (TTĐM) là nhìn lại tấm lòng của ĐM trong đời Chúa Cứu Thế nhằm cổ võ lòng yêu mến Đức Mẹ (ĐM) đậm đà hơn. Tại Trung tâm thánh Mẫu (TTTM) Tàpao, tiếp nối lời dặn dò Fatima tháng trước, chúng ta trở lại đây để chiêm ngưỡng tình Mẹ và hun đúc lòng yêu mến Mẹ. Trang Tin Mừng của thánh lễ là ngắm thứ năm mùa vui quen thuộc minh hoạ cho thấy tình yêu nơi TTĐM như dòng chảy tự nhiên luôn đổ vào chỗ trũng cuộc đời con cái qua sự lo lắng không vơi.

1. Lo lắng vì con

Tuổi 12 đối với bé trai do thái được xem là tuổi trưởng thành phải bắt đầu tuân giữ luật lệ tôn giáo. Trẻ Giêsu 12 tuổi hành hương lên Đền thờ Giêrusalem cùng với cha mẹ vào dịp lễ trọng là chuyện bình thường tự nhiên, chẳng có gì phải lo lắng trong mắt mọi người. Nhưng khi trẻ Giêsu quyết định ở lại Đền thờ một mình sau lễ hành hương mà không cho cha mẹ hay biết thì không còn là chuyện bình thường nữa, mà đã thành chuyện nghiêm trọng rồi. Vì thế mới có việc lo lắng đôn đáo kiếm tìm, từ trong chỗ bà con thân thích qua chỗ bạn bè cùng trang lứa cho đến chỗ nhóm họp khách hành hương. Vô vọng liên tiếp. Lo lắng chất chồng. Giả như trong ngày hành hương Tàpao đây, có gia đình nào trong chúng ta bị thất lạc cậu con trai duy nhất, thử hỏi chúng ta có bình tĩnh được không, hay là dồn dập lo lắng thăm hỏi đổ xô kiếm tìm? “Tìm em như thể tìm chim” trong ca dao Việt Nam dầu sao vẫn có chút thi vị, nhưng “tìm trẻ lạc” thì trái tim không thể ngủ yên nếu không muốn nói là bồn chồn nôn nóng lo lắng đong đầy. Đó là tâm trạng của ĐM khi lạc mất Chúa Giêsu và cũng là tâm tình muôn thuở của lòng Mẹ đối với con cái.

Khi sánh ví “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”, ca khúc của Y Vân đã gợi lên hình ảnh rất đẹp về lòng mẹ nhân gian, nhưng đặt vào trường hợp ĐM trong chuyện Phúc Âm hôm nay, chắc tín hữu phải mượn hình ảnh ngọn lửa thiêu đốt, vì Mẹ nôn nóng cho ơn cứu rỗi mọi người và Mẹ cũng kêu gọi lo lắng tìm kiếm những người xa lạc trên đường thánh đức. Xin nhớ lại: phần ưu tiên trong Sứ Điệp Fatima là thuộc về TTĐM kêu gọi tội nhân biết ăn năn sám hối.

2. Lo lắng cho con

Khi không biết phải đi đâu, người ta quay trở lại nơi xuất phát. Lẽ khôn ngoan thường tình là thế. Khi tìm trẻ Giêsu khắp nơi mà không thấy, cha mẹ Người trở lại Đền thờ và bất ngờ làm sao, đã gặp lại con trong niềm vui khôn tả, xoá tan mọi lo lắng kiếm tìm. Nhưng niềm vui vừa nhen lên đã vội lắng xuống và thay vào đó lại là một nỗi lo mới, còn bất ngờ hơn nữa, đó là lo lắng cho con. Chỉ cần theo dõi bầu khí, lời thoại và phản ứng giữa ĐM và trẻ Giêsu, người ta cũng hình dung ra được tầm vóc của sự lo lắng này. Mới gặp lại con, mừng mừng tủi tủi, mẹ mở lời bằng câu hỏi “tại sao?” Sao con để cho cha mẹ thế này, phải lo lắng kiếm tìm? Và con nghe thế có vẻ tỉnh bơ trả lời bằng câu hỏi “tại sao?” khác, Sao cha mẹ lại kiếm tìm, cha mẹ không biết là con phải lo việc trong nhà Cha con sao?

Đặt mình vào trường hợp ấy, không biết cộng đoàn sẽ phản ứng ra sao, nhưng ĐM đã chọn thái độ im lặng, biết rằng trẻ Giêsu đã lớn, bắt đầu vượt thoát khỏi tầm tay của gia đình để chu toàn nhiệm vụ lớn là cứu rỗi nhân loại. Khi Phúc Âm kể “cha mẹ trẻ Giêsu không hiểu những gì Người nói”, thính giả chúng ta hôm nay thấy đã bao trùm nơi TTĐM một sự lo lắng mới, không phải lo lắng vì con nữa mà là lo lắng cho bước đường tương lai của con. Như vậy, nơi TTĐM, chỉ có một màu máu duy nhất thắm đỏ yêu thương, xưa lo lắng dành riêng cho Chúa Giêsu, nay lo lắng cho mọi con cái của Mẹ trong cuộc sống lữ hành trần thế, nhất là những người con biết tin tưởng và phó thác vào tình thương của Mẹ. Khi khấn xin ĐM điều gì, hãy tin rằng: Mẹ đã lo cho ta trước cả khi ta có thể trình bày nỗi lo của mình lên Mẹ.

 3. Lo lắng với con

Trong chuyện “lạc mất-tìm lại” Chúa Giêsu trong Đền thánh, có một chi tiết có lẽ gây thắc mắc cho nhiều người, đó là việc trẻ Giêsu bị lạc nhưng ba ngày sau mới được tìm thấy, vậy phải hiểu sao về tinh thần trách nhiệm hay ai là người đáng trách, trẻ Giêsu hay cha mẹ của Người? Thắc mắc này thật chính đáng trong khuôn khổ tự nhiên của gia đình vốn coi lễ phép con cái phải đi thưa về trình và vốn hiểu nước mắt cha mẹ chỉ có một chiều chảy xuôi, nhưng đây không phải là điều bài Phúc Âm muốn nhắm đến cũng như câu chuyện được ghi lại không vì một mục đích nào khác ngoài mục đích thần học, vì thế không nên tìm trong đó những điều mà thánh sử không bỏ vào. Tuy nhiên, giữa những chi tiết đầy nhân bản và giầu kịch tính, người ta thấy nổi lên cụm từ “ba ngày” vốn là kiểu nói đặc trưng gắn liền với việc Chúa Giêsu chịu an táng trong mồ, như được đọc trong Kinh Tin Kính, nên phải coi biến cố “lạc mất-tìm lại” này như một tiên trưng cho mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh của Chúa Kitô và ĐM đã đón nhận bằng một niềm thao thức đầy vơi lo lắng. Kết thúc bài Phúc Âm là một khoảng lặng bao trùm, trên đường từ Đền Thánh về quê nhà lẽ ra mẹ-con phải líu lo cười nói, nhưng trớ trêu chẳng ai nói với ai nửa lời, không phải vì buồn lẫn nhau cho bằng vì con thì trầm tư canh cánh, còn mẹ thì dự cảm từ nay sẽ phải âm thầm chia sẻ nỗi lo cứu độ cùng con, và phải lo hợp tác với con để một mặt nghĩa vụ cao cả này được thực thi trọn vẹn và mặt khác không ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành tự nhiên của trẻ Giêsu trong cuộc sống làm người, nghĩa là phải “lớn lên trước mặt Thiên Chúa và người ta”.

TTĐM luôn hoà chung nhịp đập với Chúa Giêsu, từ trong thai qua năm tháng tuổi thơ cho đến những biến cố vui buồn lo lắng, nhất là trong chương trình cứu rỗi muôn dân. Con dù lớn vẫn là con của mẹ, suốt đời mẹ cùng lo lắng theo con. Tất cả là vì con, cho con và với con.

TTĐM như thế đó, mênh mông bao trùm. Vấn đề là ta có sẵn sàng để cho ĐM lo cho ta không. Tại Trung Tâm Thanh Mẫu (TTTM) Tàpao đây, các ý khấn đều thể hiện những nỗi lo trong cuộc sống thường ngày, từ nỗi lo vật chất đến tinh thần, từ nỗi lo hiện tại đến tương lai, từ nỗi lo cá nhân đến gia đình cộng đoàn, từ nỗi lo giáo xứ đến giáo phận giáo hội. Tất cả đều là những nỗi lo chính đáng. Nếu TTĐM ngày xưa đã chuyển hoá những lo lắng trên đời Chúa Giêsu bằng cách sống ơn lo liệu, trở nên cung điện xứng đáng của Chúa Thánh Thần, thì ngày nay xin Mẹ thương mở rộng Trái Tim đón nhận và giúp mọi người chúng ta biết trong khi giải quyết những lắng lo trong đời cũng sống ơn lo liệu của Chúa Thánh Thần cách tích cực và cậy tin. Hôm nay là Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể giáo phận Phan Thiết lấn thứ XIII, xin cộng đoàn chung tâm tình với các em để tôn vinh Chúa và Đức Mẹ. Ngày 16.06 là “ngày người cha”, chúng ta chúc mừng và cầu nguyện cho mọi người cha được vuông tròn trách vụ. Ngày 19.06 kỷ niệm 25 năm phong thánh, xin nhờ lời chuyển cầu của 117 thánh Tử Đạo Việt Nam, cho Giáo Hội Việt nam luôn thăng tiến trong đời sống đức tin.

Mười ba tháng Sáu Tàpao,

Thiếu nhi họp dưới xôn xao nắng vàng.

Lời ca hát, khúc nhịp nhàng,

Trái Tim Mẹ xuống bình an tuổi hồng.

Tác giả bài viết: ĐGM Giuse Vũ Duy Thống