1. Trời ngày 20. 8. 1977: dịu, tốt, hơi âm u, tưởng mưa, nhưng không mưa. Từ chiều cho đến tối, có mưa một vài trận kéo dài từ năm đến mười phút. Sáng Chúa Nhựt, trời tốt, nắng dịu, gió dịu. Khi lễ xong rồi thì có trận mưa nhỏ.
2. Chiều thứ bảy áp lễ, nhứt là khi có chuyến xe lửa đổ tại ga Quảng Trị, giáo dân ùn ùn kéo lên Đức Mẹ La Vang: đủ mọi hạng người, ngay cả những em nhỏ vài tháng cũng được mẹ bồng đi; từ nhiều nơi đến: Đà Nẵng, Tam Tòa, Lăng Cô, Loan Lý, Nước Ngọt, Cầu Hai, Phù Lương, Thần Phù, Hòa Đa, Phủ Cam, Gia Hội, Tây Linh, Tây Lộc, Phanxicô, Bãi Dâu, Kim Long, Thợ Đúc, Tân Sơn…v…v..Có những nơi bị ngăn trở không cho lên tàu, lên xe, hoặc bị chặn xe lại, soát kỹ. Ngày thứ hai, 22.8. 1977, có một số giáo dân đến viếng Đức Mẹ La Vang. Họ cho biết họ bị ngăn trở ngày thứ bảy và ngày Chúa Nhựt, nên bây giờ mới đến được.
3. Tối thứ 7, các Cha Thời, Phước, Huy ban phép giải tội. Cha Huy có dâng Thánh Lễ tại nhà nguyện. Các Thầy Đại Chủng Viện tổ chức canh thức cầu nguyện. Thanh niên nam nữ Trí Bưu làm giờ thánh. Ngoài Linh Đài thì đông đúc giáo dân cầu nguyện với Mẹ.
4. Điện sáng đến 11 giờ. Nhìn xa, Linh Địa La Vang nổi bật lên sáng ngời giữa màn đêm tối tăm. Đức tin vào Chúa được Mẹ thắp sáng lên giữa lòng đời u tối.
5. Trong đêm áp lễ, khoảng ba ngàn giáo dân có mặt tại Linh Địa La Vang. Sau khi cầu nguyện thật nhiều, và đêm đã về khuya, ba ngàn giáo dân nghĩ đêm la liệt tại ba nơi chính: Linh Đài Đức Mẹ, Vương Cung Thánh Đường, Nhà Nguyện Giáo Xứ; một số đông khác thì nằm ngoài trời, trong vườn, thềm nhà Tu Viện, nơi tế đài, nhà mẫu giáo.
6. Trong khuya thứ 7 nầy, Ủy Ban Xã Hải Phú có đến thăm anh chị em hành hương trong lúc anh chị em nghỉ đêm, và ân cần lưu ý đến vấn đề sức khỏe và vấn đề anh ninh cho anh chị em.
7. Sáng lễ, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền đến La Vang có hơi chậm một chút, vì thế cuộc lễ được cử hành lúc 08 giờ 30’. Đức Tổng Giám Mục đến Linh Đài cầu nguyện với Đức Mẹ, ban huấn từ khai mạc Thánh lễ. Thầy Dụ mang Thánh Giá dẫn đầu, tiếp theo là ban trống thiếu nhi của giáo xứ La Vang, rồi giáo dân hàng ngủ tiến vào Vương Cung Thánh Đường, tu sĩ nam nữ, đoàn giáo dân đại diện dâng lễ, đoàn vải hoa và dâng hoa, các cha đồng tế (Các cha Đức, Minh, Thanh, Giải, Cầu, Cao, Huy, Phượng, Cẩn, Kính, Tuyên). Thánh Lễ được cử hành để kỷ niệm 16 năm Đền Thờ Đức Mẹ La Vang được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường của Giáo Hội (22. 8. 1961). Đức Tổng Giám Mục giảng về “Anh chị em là đền thờ Chúa ngự”.
8. Giáo dân dự lễ quá đông: chật ních cả Vương Cung Thánh Đường, chật cả ngoài khuôn viên Vương Cung Thánh Đường. Tổng số giáo dân hành hương trong dịp này khoảng độ 15 ngàn người.
9. Vấn đề dân giáo theo thông lệ đến hành hương cầu nguyện tại Linh Địa La Vang trong dịp này gặp nhiều ngăn trở khi đi cũng như khi về…….
10. Giáo dân đến hành hương chỉ vì mục đích cầu nguyện siêu nhiên và tỏ lòng tin cậy vào Chúa và Đức Mẹ, vì thế họ chỉ biết cầu nguyện, lần hột, tham dự thánh lễ, hãm mình đền tội. Giáo dân đã đến trong trật tự và ra về trong trật tự. Thật đáng khen cho vấn đề kỷ luật của giáo dân Bình Trị Thiên. Khi ra về tại bến xe đò và bến ga xe lửa, một số không lên xe và không lên tàu được, nên họ nhẫn nại ở lại chờ đợi. Một số đi lui lại La Vang cầu nguyện với Đức Mẹ, đợi ngày mai tìm cách di chuyển về nhà.
11. Tối thứ bảy, có những nhóm cầu nguyện suốt đêm bằng cách hát những bài ca nguyện mến Chúa, yêu Mẹ. Càng mưa, giáo dân càng đọc kinh, càng hát nguyện. Mới ba giờ sáng, giáo dân đã vùng dậy và lần hột sốt sắng, tiếng kinh vang lên trong sương lạnh của sớm mai và trong thinh lặng của màn trời còn tờ mờ, dội vang khắp vùng, nói lên một lòng tin đầy yêu mến và chứa tràn bao hy sinh.
12. Không cho đi xe, giáo dân bỏ xe, đi bộ. Tiếng cười câu hát vang lên. Đây đó nổi lên những câu nói vui tươi: “Tôi đi bộ từ đây vào Cam Ranh cũng được, huống hồ đây đi lên Mẹ La Vang mới hơn một chục cây số”; “Hồi trước có xe đâu mà tôi đi bộ hàng chục cây số, bới gạo đi theo, đến đâu ngủ đó, miễn sao đến Mẹ là được”; “Hồi trước khi đi bộ hành hương đến viếng Mẹ La Vang, tôi tính là mình lần được 150 chuỗi”; “Khi kia mà biết Nhà Nước làm khó dễ như thế này thì mình bới gạo đi theo, đến đâu ăn đó, ngủ đó, miễn sao đến Mẹ là được”; “Lần sau mình đi xe đạp, sáng đạp, chiều tới”.
13. Sau lễ, giáo dân tuôn ra Linh Đài để dự cuộc Dâng Hoa kính Đức Mẹ La Vang. Khi nghe hát câu: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu Mẹ tại đây, Mẹ sẽ nhậm lời theo như ý nguyện”, nhiều người cảm động, chảy nước mắt.
13. Khi ra về đến bến xe, giáo dân hành hương được người ta tặng cho một biệt hiệu là: “Dân Bó Lá”. Dân-Bó-Lá lên xe nầy bị đuổi xuống, lên xe kia bị đuổi xuống. Dân-Bó-Lá vẫn vui vẻ. Tối đến, không về được, Dân-Bó-Lá ở lại đầy bến xe, bến nhà ga và cầu nguyện to tiếng. Suốt đêm, cả một vùng trời Quảng Trị rộn lên những tiếng cầu kinh. Ai cũng bỡ ngỡ: “Dân-Bó-Lá đọc kinh đó!”. Trong khi đó, một số đi bộ ban đêm vào Huế: “Ta cứ đi, đến đâu, ngủ lại đó”.)
Linh mục Emmannuen Nguyễn Vinh Gioang