THÁNH LỄ KHAI MẠC

Ngân Khánh bên Mẹ- Song Nguyền yêu thương

(30-1-2012)

Dẫn vào Thánh lễ:

Kính thưa cộng đoàn,

Hôm nay, chúng ta qui tụ về đây, bên Linh Đài của Mẹ La Vang, để cử hành Đại Hội Song Nguyền, dịp ngân khánh của chương trình thăng tiến đời sống hôn nhân và gia đình Công giáo.

Gia đình và hôn nhân là hai yếu tố nền tảng có tính cách quyết định cho sự sống còn và phát triển của xã hội và Giáo Hội. Vì thế, từ sau Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã đặt mục vụ gia đình lên một tầm cao mới, đã gọi gia đình là Giáo Hội thu nhỏ.

Năm 1981, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã công bố Tông huấn Familiaris Consortio, đề cập đến những bổn phận của gia đình Kitô giáo trong thế giới hôm nay. Mục đích của Tông Huấn là làm sao cho mỗi gia đình ý thức về sự phong phú của những giá trị và những bổn phận của mình, hầu xây dựng chính mình cũng như xã hội và Giáo Hội.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha viết: “Tương lai của nhân loaiï sẽ đến ngang qua gia đình. Thế nên thật khẩn thiết và cấp bách, tất cả mọi người thiện chí đều phải hết sức mình, bảo vệ và thăng tiến các giá trị và các đòi hỏi của gia đình“. (Số 86)

Riêng tại Việt Nam, Thư chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 đã viết: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Giáo Hội nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng…” (Số 43)

Đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội hoàn vũ và cách riêng Giáo Hội Việt Nam, chương trình “Thăng tiến Hôn nhân Gia đình” đã ra đời và lớn lên đến tuổi 25. Tại Việt Nam, chương trình đã phục vụ được 9 năm, cho cả ba miền Bắc Trung Nam.

Xin chúc mừng ngân khánh Song nguyền và xin hiệp ý dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria vì các Ngài đã chúc lành và tuôn đổ muôn vàn ân huệ xuống trên nhiều gia đình qua chương trình mục vụ nầy. Cầu chúc chương trình nầy tiếp tục hoạt động, củng cố sự bền vững của gia đình và mang lại hạnh phúc đích thực cho các song nguyền trong đời sống lứa đôi.

+++

Bài giảng

Phúc Âm Ga 2,1-11: Tiệc cưới Cana.

 

Kính thưa cộng đoàn,

Qua tường thuật tiệc cưới Cana với phép lạ nước hoá thành rượu, thánh sử Gioan lưu ý chúng ta đến hai điểm khá thích thú: Điểm thứ nhất, đây là phép lạ đầu tiên được Chúa Giêsu thực hiện chỉ sau ba ngày khởi đầu cuộc sống công khai của Ngài. Điều nầy nói lên sự quan tâm đầy yêu thương Chúa đã ưu tiên dành cho đời sống hôn nhân và cũng báo trước Ngài sẽ thành lập bí tích hôn phối để chúc lành cho các gia đình sau nầy.

Điểm thứ hai là ngay từ câu đầu tiên, Gioan đã cố ý nhấn mạnh đến sự hiện diện của Đức Maria, trước cả sự hiện diện của chính Chúa Giêsu và một vài môn đệ. Gioan đã muốn đề cao vai trò cũng như sự can thiệp đầy tế nhị và yêu thương của Mẹ Maria trong phép lạ đầu tiên nầy: “Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.”

Rượu ngày xưa cũng như hôm nay vẫn còn là một yếu tố không thể thiếu trong các bữa tiệc vui, nhất là trong đám cưới. Hết rượu không chỉ làm mất vui cho thực khách mà còn tạo nên một sự bẽ mặt cho đôi tân hôn.

Mẹ Maria mang một tâm hồn rất tế nhị, một con tim nhạy cảm, chia sẻ nỗi lo lắng và lúng túng của đôi tân hôn ngay cả khi họ chưa dám nói ra và cầu xin. Mẹ tự động đi bước trước đến bên Chúa Giêsu thì thầm: “Họ hết rượu rồi.”

Câu nói của Mẹ, tự nó chỉ trình bày một sự kiện khách quan, nhưng với tương quan mẫu tử, cũng gói ghém một lời đề nghị, cầu xin sự can thiệp của Người Con. Chúa Giêsu hiểu điều đó nên mới thưa với Mẹ sự khó khăn của mình: “Giờ của  tôi chưa đến.”

Mẹ không hiểu đó là một sự từ chối, nhưng chỉ là một yếu tố làm tăng thêm sự ưu ái của Chúa Giêsu khi phải miễn chuẩn một luật trừ, trước lời gợi ý của Mẹ, nên Mẹ nói rất tự tin với những người giúp việc: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo.” Và với sự cộng tác của những người giúp việc, đổ nước đầy các chum đá, phép lạ đã xảy ra, khoảng một trăm lít nước đã biến thành rượu ngon, để trả lại niềm vui cho đôi tân hôn hôm đó.

 

Kính thưa anh chị em,

Bữa tiệc vui nào rồi cũng phải kết thúc sau vài giờ ngắn ngủi, nhưng bữa tiệc hôn phối, giữa đôi song nguyền phải kéo dài cả một đời người. Để duy trì được niềm vui, để có đủ rượu nồng sưởi ấm cho tình yêu đôi lứa suốt đời là một điều rất khó khăn. Tất cả những ai ở trong đời sống gia đình đều có kinh nghiệm về vấn đề tế nhị nầy.

Với thời gian, tình yêu phai nhạt dần, chén rượu ân tình ngày cưới sẽ vơi cạn, cuộc sống bên nhau trở nên nặng nề và buồn chán, vợ chồng lúc đó mới bàng hoàng nhận ra là nhà mình hết rượu rồi!

Phản ứng trước nhận định đó có thể rất khác nhau. Họ đổ lỗi cho người bạn đời mà không nhận ra trách nhiệm về phía mình. Tại anh rượu chè say sưa, tại em tiêu xài lãng phí, tại anh nóng nảy vũ phu, tại em nhiều lời hỗn xược vv và vv…Phản ứng như thế chỉ đổ thêm dầu vào lửa, làm cho đời sống vợ chồng càng thêm gay cấn và rất dễ đi đến đổ vỡ.

Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côlôsê đã đem đến cho chúng ta một liều thuốc thần diệu khi viết: “Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hay tha thứ cho nhau” (Col 3,12-13).

 

Phải, tình yêu trong hôn nhân không phải là những tình cảm bốc đồng, hời hợt, nhất thời, dễ mua dễ bán, nhưng phải là một tình yêu xây dựng trên hy sinh, biết quên mình để nghĩ đến người mình yêu. Chính cái tôi ích kỷ, tự ái, kiêu căng, vụ lợi là kẻ thù số một làm khô cạn rượu nồng yêu thương, như tình yêu của con mèo đối với con chuột. Mèo yêu chuột không phải vì nghĩ đến con chuột nhưng chỉ nghĩ đến cái bao tử của nó, yêu để thoả mãn, yêu để giết chết người mình yêu.

Tình yêu hôn nhân còn là một tình yêu nhẫn nhục biết chịu đựng lẫn nhau. Nếu khi người vợ nhận ra rằng chồng là thập giá của mình, thì cũng phải khiêm tốn nghĩ rằng trong nhiều vấn đề mình cũng trở nên thập giá cho chồng, vì ai cũng có điểm yếu, ai cũng có sai lầm…Vợ chồng được mời gọi vác thập giá của nhau, chịu đựng lẫn nhau trong nhẫn nhục. Người ta nói trong hôn nhân có ba chiếc nhẫn: nhẫn đính hôn đầy mộng mơ, hoài bão, nhẫn cưới ngập tràn tình yêu nồng cháy và một chiếc nhẫn thứ ba là nhẫn nhục để bảo toàn và nuôi dưỡng tình yêu ban đầu.

Tình yêu hôn nhân còn là một tình yêu tha thứ. Giữa hai người nam và nữ có quá nhiều khác biệt: khác biệt về tâm lý, thể lý, tính tình, khác biệt về trình độ văn hoá, về sở thích cá nhân, đó là chuyện bình thường. Nhưng giữa những dị biệt đó, Chúa vẫn đòi hai người phải trở nên “một xương một thịt“. Thật là khó! Đâu là liều thuốc thần diệu để giúp đạt được tiêu chuẩn đó? Thưa đó là thái độ chấp nhận lẫn nhau và tha thứ cho nhau. Chấp nhận cả cái tốt và cả khuyết điểm, tha thứ cho nhau không phải bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy.

 

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu, nhờ lời cầu bầu của Đức Maria, đã biến nước thành rượu ngon để đem lại hạnh phúc cho đôi tân hôn ở Cana. Hôm nay, trong đời sống hôn nhân, Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng đang hiện diện giữa gia đình của anh chị em. Ngài thấy và biết tất cả những vui buồn của anh chị em. Ngài chia sẻ mọi ưu tư, lo lắng, mọi đau khổ và thất vọng đang dằn vặt cuộc sống gia đình của anh chị em. Ngài vẫn luôn sẵn sàng làm những gì cần thiết để chúc lành và bảo vệ tình yêu của anh chị em miễn là anh chị phải cộng tác với Ngài. Hãy lắng nghe lời của Mẹ Maria: “Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Nếu hôm đó các người giúp việc không vâng lời để đổ đầy sáu chum nước, thì phép lạ đã không bao giờ xảy ra.

Sở dĩ phép lạ chưa đến với gia đình anh chị em, không phải vì Chúa Giêsu và Mẹ Maria vắng bóng hay không quan tâm đến cuộc sống của anh chị em, nhưng rất có thể vì chúng ta chưa vâng lời Mẹ để làm những gì Chúa dạy bảo đó thôi. Lời Chúa đang mời gọi:

Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hay tha thứ cho nhau” (Col 3,12-13).

Nếu ngày nào anh chị em sống theo Lời Chúa dạy, phép lạ sẽ đến và nước lã nhạt nhẽo của cuộc sống gia đình sẽ biến thành rượu yêu thương nồng thắm sưởi ấm tình yêu của anh chị em.

Cầu chúc được như vậy. Amen.

† Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng

Giám Mục Phụ Tá TGP Huế