Lời để lại dấu ấn không quên trong Kinh Mân Côi, ngắm thứ nhất Mùa Vui, là lời “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria. Đây là lời ngắn nhất xướng lên trong một hoàn cảnh nhất định là buổi Truyền Tin, nhưng lại có một âm hưởng dài nhất khởi đi từ đó cho đến hết cả cuộc đời của Mẹ. Một lời “Xin Vâng”; một đời “Xin Vâng”. Trong dịp cử hành lễ Đức Mẹ Mân Côi, cũng là dịp khép lại Năm Đức Tin tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, và trùng vào ngày kỷ niệm lần thứ 97 Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima, xin được cùng với cộng đoàn hành hương ôn lại lời “Xin Vâng” tự khởi nguồn và thử xem trong đời tín hữu, con cái của Mẹ, ta có thể sống lời “Xin Vâng” ấy một cách thiết thực ra sao.

1. Lời “Xin Vâng” của Đức Maria

Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, không gì Người không làm được. Sứ thần Gabriel đã nói như thế để trấn an Đức Maria trong ngày Truyền Tin. Nhưng có một điều Người không làm được, hay đúng hơn, Người không dễ dãi cho phép mình được làm, là bỏ qua không hỏi dò ướm thử xem có sự ưng thuận không, khi sai Con mình xuống thế nhập thể làm thai nhi trong cung lòng của Đức Maria. Nội dung cuộc Truyền Tin từ phía Thiên Chúa chỉ có thế, và thật hạnh phúc từ phía Đức Maria đã vang lên sự đồng ý qua chữ vắn gọn “Xin Vâng”. Cả câu là: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”, nhưng tâm tình “Xin Vâng” là quan trọng hơn cả.

Khỏi cần gợi lại sự trang trọng của lời sứ thần chào Mẹ, mà chỉ dựa vào câu hỏi của Đức Maria “Việc đó xảy đến thế nào vì tôi không biết đến người nam?” cũng đủ cho thấy khi đáp lời “Xin Vâng”, Đức Maria ở trong tư thế tự nhiên của người tớ nữ trước thiên ý nhiệm mầu, nhận thức việc mình ưng thuận và ý thức lời mình thân thưa. Ngoài ra, không mảy may bị một áp lực nào, dù là áp lực tôn giáo do việc đã đính hôn với Giuse (phải giãi bày chứ đâu thể im lặng!), hay rõ hơn, áp lực tình trạng hôn phối với ý nghĩ chưa về chung sống mà bỗng dưng có thai (phải giải trình thế nào?), hoặc áp lực xã hội do vị thế của bạn trăm năm là người thuộc hoàng tộc Đavít (phải giữ gìn danh giá!), sau khi đã bối rối lắng lo và cân nhắc đắn đo, Đức Maria biểu lộ thái độ ưng thuận. Đó là lời “Xin Vâng” thốt lên trong tình trạng ý chí hoàn toàn tự do. Rồi cuối cùng, khi lời “Xin Vâng” được thưa lên, là cả một trách nhiệm gắn bó để lời ấy được thực thi, không chỉ với mầu nhiệm Nhập Thể mà còn trải dài qua cuộc đời công khai đến công cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đấng Cứu Thế nữa. “Xin Vâng” không chỉ Mùa Vui; mà còn Mùa Sáng, Mùa Thương, Mùa Mừng. Đó là lời “Xin Vâng” của Đức Maria dọc dài đời sống.

2. Lời “Xin Vâng” trong đời tín hữu

Là con cái trong nhà, hôm nay gieo bước hành hương, gẫm suy lời “Xin Vâng” can trường Mẹ đã thể hiện với ý thức, tự do và trách nhiệm, từng người chúng ta một mặt thêm tin yêu cảm mến trước tấm lòng vĩ đại của Đấng chỉ dám nhận mình là tớ nữ của Thiên Chúa, nhưng đã được tuyển chọn để trở nên Mẹ của Con Một Người; và mặt khác cũng thêm lòng trông cậy mà quyết tâm noi gương theo bước Mẹ họa lại trong đời tiếng “Xin Vâng” tuyệt vời kia. Lời “Xin Vâng” của Mẹ năm xưa trở thành lời “Xin Vâng” của mọi người hôm nay.

Những khi gặp điều may lành đến với cá nhân, gia đình hay xã hội, như xác thân khỏe mạnh, công ăn việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc, đời sống bình an…, là khi lời “Xin Vâng” dẫu không thốt ra, nhưng mặc nhiên hòa nhịp trong tâm tình cảm mến tri ân: đội ơn Chúa; tạ ơn Đức Mẹ. Những khi chẳng may phải đối mặt với những lo lắng băn khoăn, gian nan thử thách cách này cách khác, như chờ kết quả thi cử, đợi có việc làm, mong tai qua nạn khỏi, ước điều ngay chính…, là khi lời “Xin Vâng” hóa thân thành niềm trông cậy, như thể hiện trong các ý khấn của cộng đoàn hôm nay. Nhưng khi phải chấp nhận những điều trái ý không chờ mà đến, không mong mà gặp, coi như thánh ý Chúa, thì rõ ràng lời “Xin Vâng” ở đây không chỉ được vận dụng mà còn được sống trọn vẹn với những nét hiện thực nhất. Chỉ là bình thường khi gặp phải đau khổ, người ta chẳng bảo đời là bể khổ đó sao? Nhưng sẽ là vô cùng an ủi nếu biết kết nối đau khổ đời mình như Đức Maria hợp với Thánh Giá Chúa Kitô thể hiện qua tiếng “Xin Vâng”. Năm Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo đã bước vào hồi kết thúc, sau khi đã rà soát và tuyên xưng, đây là lúc can đảm làm chứng cho đức tin bằng cuộc sống nhiều gương sáng đạo hạnh, trong đó âm thầm mà mạnh mẽ hơn cả chính là sống lời “Xin Vâng” với cả tâm tình.

3. Lời “Xin Vâng” của ngày 13/10 hằng năm

Và đặc biệt hơn nữa, ngày hành hương 13/10 hôm nay còn được ghi dấu bởi biến cố Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima năm 1917, với ba huấn lệnh không thể nào quên là: cải thiện đời sống; lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Mẹ. Biến cố ấy xảy ra đã gần một thế kỷ, nhưng huấn lệnh kia chừng như vẫn mới và luôn mang tính thời sự, nhất là trong thời buổi thế giới gặp nhiều nhiễu nhương và thảm họa chiến tranh còn đe dọa đó đây trên các châu lục.

“Xin Vâng” với lời kêu gọi cải thiện đời sống, ta quyết tâm không phải là làm cho đời sống dễ chịu thoải mái hơn theo nghĩa xã hội, mà là làm mới lại đời sống mình tự trong tâm hồn theo nghĩa tôn giáo, như sám hối đổi đời, hoán cải canh tân, giũ bỏ con người cũ với các tính mê nết xấu để mặc lấy con người mới vươn lên trong ơn thánh. Cụ thể là năng đến tòa giải tội.

“Xin Vâng” với việc tôn sùng Trái Tim Mẹ, ta quyết tâm gắn bó tình yêu với Mẹ thường xuyên hơn. Đừng ngại yêu Mẹ làm lấn át đi tình mến Chúa, bởi cách đến với Chúa chắc chắn nhất và hiệu quả nhất là đến qua Mẹ Maria: Ad Jesum per Mariam; như được minh họa trong tiệc cưới Cana, khi Mẹ can thiệp với Chúa Giêsu cho nhà đám có rượu ngon ngây ngất xóm làng. Cụ thể là siêng cầu nguyện trước ảnh tượng Đức Maria.

Và “Xin Vâng” với việc lần hạt Mân Côi, ta quyết tâm lần hạt hằng ngày: tới nhà thờ hay ở nhà, chung hay riêng, khi vui hay lúc buồn, theo chuỗi hay từng hạt, khẩu tụng hay tâm suy, tất cả đều có giá trị trước mặt Đức Mẹ. Kinh nghiệm cho thấy: cá nhân khi không biết phải cầu nguyện ra sao, hãy lần hạt Mân Côi; cộng đoàn muốn biểu lộ tình hiệp thông hay nêu gương thánh hóa, hãy lần hạt Mân côi, bởi lẽ “một hạt kinh chung bằng một thùng kinh riêng”.

Như vậy, thực thi huấn lệnh Fatima cũng là sống lời “Xin Vâng” trong đời mỗi người.

Tóm lại, lời “Xin Vâng” của Đức Maria rất ngắn-FIAT, nhưng âm hưởng thật mạnh mẽ trong đời của Mẹ và rộng rãi lan tỏa sang đời mọi tín hữu con cái Mẹ là chúng ta. Xin cậy nhờ tình thương bao la của Mẹ, cho từng người hôm nay biết noi gương Mẹ sống đời “Xin Vâng” đến cùng. Tại TTTM Tàpao ngày 2/7 vừa qua đã có một trường hợp sống lời “Xin Vâng” được Đức Mẹ nâng đỡ ủi an, đó là trường hợp của chị Phương Thủy 44 tuổi, giáo xứ Chu Hải, giáo phận Bà Rịa, bịnh nặng không đi lại được đã 15 năm, chỉ muốn đến chào Mẹ để sẵn sàng thưa “Xin Vâng” khi phải lìa đời. Gia đình can ngăn không được. Đành chiều. Nhưng từ chuyến đi ấy về, chị đã đi lại được và tham gia sinh hoạt như mọi người bình thường khác. Xin tạ ơn Đức Mẹ. Và giờ đây, bên Mẹ Tàpao, mời cộng đoàn đứng lên, ta cùng hát lời quyết tâm “Xin Vâng”.

Tác giả bài viết: ĐGM Giuse Vũ Duy Thống