Liên tục chịu ảnh hưởng của bão và lũ lụt, một cách đặc biệt trong tháng 11/2013 này, các tỉnh miền Trung đã phải gánh chịu nhiều thiệt hạ và mất mát.
Cách riêng, Giáo Xứ TTTM Trà Kiệu, từ ngày 15 đến 17 tháng 11, đã bị nước lụt bao vây tràn ngập tứ phía. Tỉnh lộ 610 đi ngang Trà Kiệu, một con đường huyết mạch đi lên Mỹ Sơn đã thành sông, muốn lưu thông phải đi bằng thuyền…
Đặc biệt, Thánh Đường Đức Mẹ Trà Kiệu (Nhà Thờ Núi hay Đồi Bửu Châu) đã bị sạt lở nghiêm trọng vào ngày 18 tháng 11 năm 2013.
Cha Quản xứ thị sát hiện trường sạt lở
Đây là ngôi Thánh Đường được xây dựng năm 1966 dưới thời Lm. Phêrô Lê Như Hảo, được thiết bởi kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ. Tuy nhiên, theo truyền thuyết để lại thì ngọn đồi Bửu Châu này là do người Chăm xưa đắp lên, chứ không phải là ngọn đồi tự nhiên, nên đất nền rất yếu. Sau 25 năm, dưới thời Lm. Antôn Nguyễn Trường Thăng, ngôi Thánh Đường bị sạt lở và đã được tu sửa và gia cố vào cuối năm 1987. Đến thời Lm. Phaolô Mai Văn Tôn, ngôi đền tiếp tục bị đe doạ bởi mưa bão, xói mòn… và cũng đã được tu sửa vào năm 1993.
Lần sạt lở này nằm ở mạn trái của ngôi đền, là nơi mà trước đây chưa bị sạt lở nhiều. Như vậy dấu hiệu ngọn đồi đã bị “xuống cấp” rất nhiều… Để bảo vệ ngôi Thánh Đường, bảo vệ bảo chứng tình thương của Chúa và Đức Mẹ dành cho con cái mình…, thì chắc chắn trong thời gian đến Giáo Xứ TTTM Trà Kiệu có rất nhiều việc để làm và cũng chắc chắn rằng cần sự hỗ trợ của tất cả những người con hiếu thảo của Đức Mẹ.
Thiết tưởng cũng cần nhắc lại rằng sau biến cố Văn Thân 1885, để tỏ lòng biến ơn Mẹ và ghi dấu cho muôn đời sau, Giáo Xứ Trà Kiệu đã xây dựng một ngôi Thánh Đường để dâng kính Mẹ với tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu” trên ngọn đồi Bửu Châu này đầu tiên từ năm 1898.
Văn Thơm