Đức Mẹ La Vang

1. Ðiểm thứ nhất của Sứ điệp Ðức Mẹ La Vang là “Bí quyết của việc cầu nguyện”.

Hiện ra tại La Vang với các tín hữu trong lúc bị bách hại, Ðức Mẹ khuyên khích con cái cầu nguyện. “Các con đến đây để cầu nguyện, để xin ơn trung thành với đức tin”. ÐHY nói:”Chúng ta đừng bao giờ quên cầu nguyện”. Rồi ngài kể lại gương cầu nguyện của ÐTC Gioan Phaolô II. Có lúc ÐTC cầu nguyện nhiều giờ trong đêm và phủ phục trên nền nhà nguyện. Càng gặp vấn đề khó khăn, lớn lao phải giải quyết, ngài càng gia tăng việc cầu nguyện. Chắc chắn nhờ vào việc cầu nguyện nhiều và sống thân mật với Chúa như vậy, ÐTC đã làm được nhiều công việc vĩ đại và gây ngạc nhiên trên cả thế giới. Trong diễn văn đọc cho các Giám mục Ðài Loan đến Roma viếng Tòa Thánh, hôm 29/01/2002, như chúng tôi đã tường thuật, ÐTC nhắc lại lời Thánh Gioan Crisostomo, Giám mục Tiến sĩ , nói rằng: “Không gì sánh được với lời cầu nguyện, bởi vì lời cầu nguyện làm được những cái không thể làm được; bởi vì lời cầu nguyện làm cho cái khó khăn trở nên dễ dàng” (L’ Osservatore Romano, 30/01/2002 ).
đức mẹ la vang 599
Tượng Đức Mẹ La Vang
Thế giới ngày nay đi đến sa đọa về đạo đức, luân lý, chạy theo vật chất, bởi vì con người không cầu nguyện nữa, bởi vì con người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài xã hội. Vì con người không thể loại bỏ Thiên Chúa được, con người tìm mọi cách tránh xa Ngài, quên hẳn sự hiện diện của Ngài trong Vũ trụ và trong đời sống, đàn áp, bách hại, tiêu diệt tôn giáo hoặc giới hạn tôn giáo vào lãnh vực tư riêng … để dễ theo những đòi hỏi của thể xác. Tội lớn hơn cả không phải chế độ vô thần (người vô thần hoàn toàn trên thế giới này chỉ khoảng 5%), nhưng là tội ngu dốt về tôn giáo, về giáo lý, tội lãnh đạm tôn giáo mỗi ngày mỗi lan rộng thêm…

Cha Rudolf Graber, tác giả cuốn sách nhỏ: “Năm tai họa mới trong Giáo hội ngày nay”, trong đó tai họa đầu tiên là “sự biến mất dần dần việc cầu nguyện” không những nơi người giáo dân, trong các gia đình công giáo, nhưng cả trong Hàng giáo sĩ , Tu sĩ nam nữ nữa. Có người nói: tôi không có giờ để cầu nguyện, để dự thánh lễ, để lần hạt Mân côi… Có đúng vậy không? Trong lúc đó, tôi có thì giờ để giải trí, tôi có thì giờ để coi TV, tôi có thì giờ để trò chuyện với bà con, bạn hữu…. Tại sao tôi lại không tìm được ít phút trong ngày, nhất là ban sáng và ban tối để cầu nguyện riêng, để cầu nguyện với gia đình, với cộng đoàn?

Mỗi người trong chúng ta tự kiểm thảo về bổn phận quan trọng này và quyết tâm tuân theo giáo huấn của Mẹ La Vang: “Các con đến đây để cầu nguyện”. Khi hiện ra ở Lộ đức hay Fatima, Mẹ Maria luôn luôn nhắc lại cho con cái: “Hãy ăn năn đền tội, hãy trở lại với Thiên Chúa, hãy đọc kinh Mân côi, hãy thi hành sứ điệp của Mẹ”. Sứ điệp của Mẹ, chính là sứ điệp của Chúa Giêsu đã nhiều lần nói lên trong Phúc Âm: “Các con hãy cầu nguyện luôn luôn. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi sa chước cám dỗ”. Chúng ta chỉ muốn được ơn này, ơn khác, nhưng lại không muốn mở miệng, hé môi cầu xin. Thánh Alphonsô quả quyết: “Ai cầu nguyện, sẽ được cứu rỗi. Ai không cầu nguyện sẽ bị hư mất”.


2. Giáo huấn thứ hai của Ðức Mẹ La Vang là “Sống tinh thần thơ ấu”. 

Ðây là tinh thần đã được chính Chúa Giêsu đề cao trong Phúc Âm: “Nếu các con không trở nên như trẻ thơ, các con sẽ không được vào Nước Trời”. Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu đã sống tinh thần này. Trong Ngày thế giới Thanh niên 1997 tại Paris, ÐTC đã loan báo “tôn phong Thánh Nữ lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh”, để đề cao cách riêng cho giới trẻ tinh thần thơ ấu, đơn sơ, khiêm tốn, phú thác. Mẹ Maria đã sống đời khiêm tốn, đơn sơ, phú thác, khó nghèo. “Lạy Mẹ La Vang khiêm tốn, xin nghe con mọn thở than mấy lời”.
Đức mẹ la vang việt nam 98

3. Giáo huấn thứ ba: “Mầu nhiệm Thánh giá”:
Khi hiện ra tại La Vang trong lúc các tín hữu bị bách hại, Mẹ nhắn nhủ con cái: “Các con hãy vui lòng chịu gian khổ”. Thánh Giá Chúa ban ơn cứu độ. Chúng ta hãy nhớ lại: “Mẹ đã đứng dưới chân Thánh giá Chúa Giêsu và đã thông công vào cuộc Tử nạn của Ngài”. Chúng ta nhớ lại: Ngay từ các thế kỷ dầu cho đến lúc này, thế kỷ XXI, Giáo hội Chúa vẫn bị bách hại. Chúa đã báo trước: “Họ đã bách hại Cha, họ cũng sẽ bách hại các con. Họ đã ghét Cha, họ cũng sẽ ghét các con”. “Ai muốn theo Cha, hãy từ bỏ chính mình, vác Thánh giá hằng ngày và theo Cha”. Người tín hữu Kitô không thể tránh khỏi thánh giá trong đời sống hằng ngày. Lãnh nhận mọi thánh giá lớn nhỏ Chúa gủi cho, tức là cộng tác với Người trong công việc cứu chuộc.

4. Giáo huấn thứ bốn là sống “Hoàn toàn thuộc về Mẹ”. 
Nghĩa là thuộc về Mẹ cách tuyệt đối. Ðây là khẩu hiệu của ÐTC: “Totus Tuus” (hoàn toàn thuộc về Mẹ). Ngài đã sống theo tinh thần phú thác hoàn toàn của Thánh Grignon de Montfort và tinh thần của Thánh Maximiliano Kolbe. Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại miền Tây nước Pháp tháng 9 năm 1996, ÐTC đã đích thân đến kính viếng mộ Thánh Grignon de Montfort. ÐHY Phanxicô quả quyết như sau: “Tất cả Triều Giáo Hoàng của ngài là “Totus Tuus”, hoàn toàn trong tay Mẹ và ngài đã được Mẹ dẫn dắt từng bước và che chở trong mọi hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, cách riêng trong vụ mưu sát ngày 13 tháng 5 năm 1981. Chính ngài xác nhận: “Ðức Mẹ Fatima đã cứu sống tôi”. Và ngày 12-13 tháng 5 năm 1982, Ðức Gioan Phaolô II hành hương Fatima để tạ ơn Mẹ và gắn viên đạn của ngày 13.5.1981 vào triều thiên của tượng Ðức Mẹ ở Ðền thánh Fatima.
 
5. Giáo huấn thứ năm “Phục vụ người nghèo khổ”. 
“Thánh Thần ngự xuống trên tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho các nguời nghèo khổ …”. Lời Tiên tri Isaia, được Chúa đọc lên trong nguyện đường Do thái và áp dụng vào chính mình. Mẹ đã đến với con cái Mẹ trong cơn bách hại ở giữa rừng xanh thanh vắng, không nhà cửa, không dân cư, thiếu thốn mọi sự.

Giáo hội theo gương Chúa, ngay từ ngày thành lập, luôn luôn dành ưu tiên cho các người nghèo khổ, các người bị loại ngoài lề xã hội, các người đau khổ, tàn tật, mồ côi, góa bụa… Song song với việc rao giảng Tin Mừng, Giáo hội thiết lập trường học, nhà thương, viện mồ côi, trại cùi, viện dưỡng lão … để làm giảm bớt những đau khổ của người dân. Ngày nay Giáo hội vẫn tiếp tục các công việc từ thiện bác ái này qua Hội đồng Tòa Thánh “Ðồng Tâm” (Cor Unum), Hội Caritas quốc tế, quốc gia, và giáo xứ… và nhiều cơ quan khác như Quỹ cứu nạn hạn hán trong miền Sahara, Quỹ phát triển tại Châu Mỹ Latinh. Sau Công đồng chung Vatican II, Giáo hội khuyến khích các con cái của mình sống đơn sơ, nghèo khó hơn. Trong suốt năm Toàn xá, bên cạnh bốn nhà thờ cả, Ủy ban Năm Thánh, theo ý muốn của ÐTC, đã tổ chức những bữa ăn phát không cho các người nghèo: 200 bữa bên cạnh Ðền thờ Thánh Phêrô và 100 bữa bên cạnh ba Ðền thờ khác: Thánh Phaolô ngoài Thành, Thánh Gioan in Laterano và Santa Maria Maggiore (Ðức Bà Cả).

ÐHY Phanxicô nói: “Người công giáo Việt Nam hãnh diện về hai gia tài quí báu: Ðền Thánh Ðức Mẹ Lavang và các Thánh Tử đạo”. Nhưng thử hỏi chúng ta, người công giáo Việt Nam, đã sống như thế nào, để xứng đáng với hai gia tài quí báu này? Tổ chức các cuộc hành hương và rước kiệu linh đình bên ngoài không đủ. Xây cất nhà thờ, Ðền thánh huy hoàng kính Ðức Mẹ và các Thánh Tử đạo không đủ. Ðiều quan trọng là sống “Sứ điệp của Ðức Mẹ Lavang” , sống đức tin, trung thành với Chúa, với Giáo hội, theo gương các Thánh Tử đạo.

Sứ điệp Ðức Mẹ La Vang đem đến cho con cái Việt Nam, lúc Người hiện ra vào năm 1798. Vào năm 1998, Giáo hội Việt Nam đã mừng trọng thể kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra. Hy vọng biến cố quan trọng này đã và còn sẽ đem lại nhiều ơn ích cho Giáo hội và cho Quê hương.
Đức Mẹ La Vang 498
6. Xây dựng Giáo hội là điểm thứ sáu trong Sứ điệp của Ðức Mẹ La Vang.
Mỗi lần hiện ra tại một địa điểm nào, như Lộ đức (1858) hay Fatima (1917), Ðức Mẹ yêu cầu xây cất một nhà thờ kính Mẹ. Dĩ nhiên những người đến hành hương tại các nơi thánh được Ðức Mẹ hiện ra, cần có nơi tụ họp nhau để cầu nguyện, nhất là để cử hành phụng vụ. Nhưng “nhà thơ” mà Ðức Mẹ yêu cầu xây cất đây, phải được hiểu theo ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Nhà thờ trong tiếng latinh là “Ecclesia”. Ecclesia chỉ về nhà thờ, nhưng cũng chỉ về Giáo hội nữa.

Vì thế Ðức Mẹ La Vang yêu cầu con cái thiết lập Giáo hội, sống trong Giáo hội, phát triển Giáo hội, yêu mến, trung thành và hiệp thông với Giáo hội. Ðể giải thích rõ hơn điểm nầy, ÐHY Phanxicô kể lại: Thánh Phanxicô thành Assisi chiêm bao thấy mình và các tu sĩ của Dòng đang nâng đỡ một Ðền thờ sắp sụp đổ. Ngài đến xin ÐTC châu phê Dòng ngài lập ra. ÐTC ưng thuận và trao cho Thánh nhân sứ vụ nâng đỡ Hội Thánh, lúc đó đang sống trong sóng gió bão táp. Ðền thờ Thánh Phanxicô và các Tu sĩ nâng đỡ đây, tức là Giáo Hội. Giáo Hội, từ ngày thành lập đến nay, trong hơn 20 thế kỷ, trải qua biết bao gian khổ, bách hại. Giáo hội, người Mẹ đau khổ này, cần sự nâng đỡ của con cái mình, nhất là bằng lời cầu nguyện, lòng trung thành, hiệp thông và yêu mến. Có một số người , xưng mình là con cái Giáo hội, luôn luôn chỉ trích Giáo hội, vì họ không hiểu Giáo hội là gì. Họ coi Giáo hội là những cơ quan, những tổ chức bên ngoài của Giáo Triều Roma hay Giáo hội là Quốc gia-Thành phố Vatican… Ðây là một sai lầm lớn lao. Giáo hội là một đại gia đình là một cộng đồng gồm tất cả các tín hữu đã lãnh Bí tích rửa tội và sống trong hiệp thông. Giáo hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô và Chúa Giêsu là Ðầu của Nhiệm thể này. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ta là Cây nho, các con là ngành nho”. Vì thế chúng ta hiểu tại sao biết bao nhiêu người nam, nữ, từ hơn 20 thế kỷ nay sẵn sàng hy sinh tất cả cuộc đời phục vụ Giáo hội, đến độ hy sinh cả mạng sống để trung thành với Giáo hội. Ðức Mẹ La Vang đã có lý do để yêu cầu con cái Mẹ thiết lập “Giáo hội”, tức là cộng tác trong việc mở rộng Nước Chúa, thiết lập và củng cố Giáo hội khắp nơi.

7. Giáo huấn thứ bẩy của Sứ điệp Ðức Mẹ La Vang: 
Thánh hóa Gia đình và yêu mến Tổ quốc. ÐHY nói: “Gia đình là một thách đố lớn lao của thời đại ta”. Mọi người đều thấy: Gia đình đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng. Tại nhiều nước, nhà cầm quyền đưa ra những luật lệ, thay vì củng cố gia đình, nền tảng của xã hội, tương lai của Ðất nước, lại nhằm đi đến li tán và phá hủy gia đình. Biết bao gia đình tan nát, biết bao nguời con mồ côi cha mẹ, biết bao trẻ em sống đầu đường xó chợ, không được giáo dục trong tình yêu thương đầm ấm của gia đình; biết bao trẻ em bị khai thác; biết bao tội ác xẩy ra hằng ngày trên thế giới… Muốn cải tổ xã hội, quốc gia, phải khởi sự từ gia đình. Gia đình lành mạnh, xã hội sẽ lành mạnh, an vui. Vì thế, chúng ta thấy, từ ngày lên làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan Phaolô II luôn luôn quan tâm đến Gia đình và Hôn nhân. Ngài đã thành lập Hội đồng Tòa Thánh phụ trách Gia đình và Hôn nhân. Ngài đã lập Học viện bên cạnh Ðại Học Laterano ở Roma, để chuyên việc nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình. Ngài đã lập Ngày thế giới Gia đình và ấn định cuộc gặp gỡ quốc tế của các gia đình ba năm một lần, để cổ võ việc lành mạnh hóa gia đình. Ngày thế giới các gia đình được tổ chức lần đầu tiên tại Roma năm 1994 – Lần thứ hai tại Thành phố Rio de Janeiro (Brazil), năm 1997 và lần thứ ba tại Roma, trong Năm Thánh 2000. Hiện nay Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình đang chuẩn bị cuộc gặp gỡ thế giới lần thứ bốn về Gia đình được ấn định vào năm 2003.

Ngoài gia đình, Ðức Mẹ La Vang xin các con cái Mẹ hãy yêu mến Tổ quốc, Quê hương của mình. Yêu mến Tổ quốc là một tâm tình thánh thiêng. Yêu mến Tổ quốc, tức là sẵn sàng cộng tác với nhau xây dựng một xã hội, một quốc gia công bình, huynh đệ, liên đới hơn giữa mọi tầng lớp xã hội. Người công giáo biết yêu mến Quê hương mình như bất cứ người công dân nào. Lịch sử Việt Nam chứng minh đã có nhiều người công giáo, trách nhiệm cao trong guồng máy Quốc gia, đã biết bênh vực quyền lợi quốc gia mình như thế nào. Người công dân công giáo cũng phục vụ Tổ quốc như mọi công dân khác. Nhiều binh sĩ công giáo đã cùng với anh em mình hy sinh tính mạng để bao vệ Tổ quốc, để tranh đấu cho tự do, cho chủ quyền.
Đức mẹ La Vang 577

8. Ðoàn kết và hiệp nhất: Ðây là giáo huấn thứ tám của Sứ điệp La Vang.
ÐHY nói: “Trước cuộc Tử nạn, Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ của Người: “Ut sint unum” (xin cho họ trở nên một). Ngài nói thêm: “Sống dưới các chế độ độc tài, không có tự do. Sống trong chế độ Dân chủ, lại có nhiều chia rẽ, phe này, đảng khác, cãi lộn nhau, đả phá nhau”. Hiện ra tại La Vang, Mẹ đã qui tụ con cái, không phân biệt lương giáo, từ Bắc đến Nam như anh chị em một nhà”.

Người Việt Nam chúng ta, trong gần một thế kỷ bị chia thành Bắc, Trung, Nam và bị người ngoài đô hộ. Có lẽ vì thế khó đoàn kết, hiệp nhất với nhau. Tâm trạng này còn kéo dài cho tới ngay nay và có lẽ còn mạnh mẽ hơn trước. Những chia rẽ mạnh mẽ này rất có thể gây nên do việc chia đôi Ðất nước năm 1954 thành hai miền Bắc-Nam. Miền Bắc theo chế độ Cộng sản, miền Nam theo chế độ Cộng hòa. Tuy được thống nhất từ năm 1975, nhưng cần nhiều thời gian mới gột bỏ được cái tâm trạng chia rẽ kia. Chúng ta không nói đến những chia rẽ về chính trị, ý thức hệ. Chỉ cần nhìn vào Giáo hội và nhìn vào quá khứ, chúng ta sẽ thấy rõ những chia rẽ ngày nay mạnh mẽ hơn ngày xưa.

Năm 1933, Tòa Thánh bổ nhiệm Vị Giám mục tiên khởi Việt Nam, Ðức Cha Gioan B. Nguyễn Bà Tòng, người Nam, làm Giám mục đại diện Tông Tòa coi sóc Giáo phận Phát diệm, không một ai than phiền hay đặt câu hỏi: Tại sao không đặt một người Bắc, một người chính đinh Phát diệm? Rồi năm 1936, Tòa Thánh lại bổ nhiệm Ðức Cha Dominico Hồ ngọc Cẩn, người Trung, làm Giám mục đại diện Tông Tòa coi sóc Giáo phận Bùi chu. Mọi người vui mừng đón nhận, không một kỳ thị. Ðến năm 1938, Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức Cha Phêrô Ngô đình Thục, người Huế, làm Giám mục Ðại diện Tông Tòa Giáo phận Vĩnh Long, không ai từ chối. Ngày nay, việc bổ nhiệm Giám mục gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi chỉ xin nói đến những khó khăn do phía Công giáo mà thôi. Có những vị, những người Công giáo đặt ra những câu hỏi biểu lộ rõ ràng chính cách kỳ thị: kỳ thị Bắc, Trung, Nam; kỳ thị địa phương. Vị được giới thiệu hay bổ nhiệm không phải là người Hà nội, không phải là người Huế, không phải là người Saigon, không phải là người Cần thơ hay Vĩnh Long v.v… Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Kỳ thị không phải là Giáo hội duy nhất, cũng không phải Giáo hội thánh thiện, càng không phải Giáo hội Công giáo (universalité) và Tông truyền.

Suy tư về sứ điệp của Ðức Mẹ La Vang, chúng ta tự vấn lương tâm về giáo huấn Mẹ để lại: “Ðoàn kết, hiệp nhất”. Nếu không có đoàn kết, hiệp nhất trong Giáo hội, thì đoàn kết, hiệp nhất trong quốc gia còn khó khăn hơn nữa, vì nhiều lý do khác nhau: tôn giáo, ý thức hệ, khuynh hướng chính trị, óc địa phương …. Chúa nói: “Nước nào chia rẽ, sẽ đi đến sụp đổ”. Việc Mẹ Maria tụ họp anh chị em lương giáo tại Lavang là gương sáng cho chúng ta theo, để cùng nhau, mọi công dân trong nước, bất cứ thuộc tôn giáo, khuynh hướng chính trị nào … hãy đoàn kết, hiệp nhất với nhau, vì Tổ quốc là gia tài chung của mọi người và mọi người có bổn phận bảo tồn, xây dựng, phát triển.

9. Ðiểm quan trọng khác của Sứ điệp: “Rao giảng Tin Mừng”.
Ðây là giáo huấn thứ chín của Ðức Mẹ Lavang truyền lại cho con cái khi hiện ra tại nơi rừng xanh, thanh vắng này.
ÐHY Phanxicô cho biết: Trong thời Cộng hòa, các Giám mục Việt Nam đã có chương trình lập Viện truyền giáo tại Lavang để đáp lại lời yêu cầu của Ðức Mẹ và công việc được trao phó cho Ðức Cha Philiphê Nguyễn Kim Ðiền, TGM Huế. Nhưng vì hoàn cảnh Ðất nước, công việc đã được khởi sự bị gián đoạn. Rao giảng Tin Mừng đây tức là đem Chúa đến cho các anh chị em chưa biết Người, cách riêng tại Châu Á (xem Ecclesia in Asia), tức là đem các giá trị cao quí của Tin Mừng vào nền văn hóa của dân tộc. Tin Mừng không đi ngược lại nền văn hóa của bất cứ dân tộc nào. Giáo hội đón nhận mọi dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. Việc rao giảng Tin Mừng có bổn phận tôn trọng và giữ lại những gì là “mỹ, thiện, chân” của các nền văn hóa địa phương, và cũng có bổn phận thanh tịnh hóa những gì không phù hợp với tinh thần Phúc Âm hoặc có tính cách dị đoan. Trong những ngày vừa qua, theo các Giám mục Việt Nam kể lại trong dịp viếng thăm Tòa Thánh (tháng Giêng năm 2002), có nhiều dấu hiệu hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho công việc truyền giáo tại Quê hương. Vẫn có nhiều người trở lại, vì thấy những công việc của Giáo hội công giáo, vì thấy những gương sáng của anh chị em Công giáo, cách riêng trong những thời kỳ bị thiên tai, như những vụ bão lụt tại miền Trung và miền Sông Cửu Long. Ngày nay, không riêng tại Việt Nam, việc rao giảng Tin Mừng cần đến chứng nhân đời sống gương mẫu hơn là lời giảng dạy. Chúa nói: “Các con hãy chiếu dọi ánh sáng của các con trước mắt mọi người, để họ thấy việc tốt lành các con làm, mà ca ngợi Cha các con ở trên trời”.

10. Giáo huấn sau cùng của Sứ điệp Ðức Mẹ La vang: “Chứng nhân hy vọng”. 
Với giáo huấn này, Mẹ dạy con cái Mẹ hãy “hoàn toàn tin nhiệm và đặt mọi hy vọng nơi Mẹ”. Mẹ đã hiện ra để an ủi con cái Mẹ trong cơn bách hại, Mẹ cũng sẽ theo dõi con cái Mẹ trên con đường lữ hành trần gian này và trong đời sống hằng ngày của các con cái Mẹ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here