Tôi năm nay đã 70 hơn. Tôi gốc người Quảng Trị, nhưng gia đình theo cha, một công chức hồi Pháp thuộc, ra Hà Nội làm việc. Thời đó tôi mới 12 tuổi.
Năm 1938, có đại hội Mẹ Lavang ba năm, tổ chức vào tháng 8, cha tôi xin nghỉ phép về dự đại hội, luôn thể thăm bà con hàng xóm. Tôi nhớ đại hội diễn ra ba ngày, nhưng gia đình tôi chỉ đến dự vào tối thứ hai và sáng thứ ba, lễ bế mạc.
Quang cảnh tại đền Mẹ Lavang năm đó không làm sao tôi quên được. Người ôi là người! Cha tôi nói có đến trên 50 ngàn. Trong đêm tối, người nằm, ngồi la liệt, tuy đông đúc thế nhưng không rộn ràng, có những cụm gia đình đọc kinh lần hạt nho nhỏ, tôi cảm thấy một cái gì linh thiêng đang bao trùm chúng tôi.
Buổi sáng, ngày cuối của đại hội, một cuộc rước kiệu chung quanh thánh đường đông đúc nhưng trang nghiêm. Tiếng kinh, tiếng hát vang lên, tuy tôi còn nhỏ, nhưng nghe cảm động, lòng trí như đi vào một thế giới thần tiên.
Thánh lễ bế mạc lúc 12 giờ trưa, tôi thấy có 2 vị người Pháp mà cha tôi cho biết đó là Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh và Ðức Giám Mục Ðịa Phận Huế. Lễ xong, đoàn người rời đền Mẹ như dòng thác, mặt hân hoan, có những người tay cầm bó lá, hoặc chai nước mà họ đã hái ở chung quanh đền Mẹ và múc nước ở giếng Mẹ. Họ đa số đi bộ về phía tỉnh lỵ Quảng Trị hoặc đến ga xe lửa cách đền Mẹ trên 4 km. Phần gia đình tôi theo bà con xứ đạo miền quê còn phải đi bộ trên 10 cây số nữa mới đến làng, nơi chúng tôi sinh ra.
Chúng tôi trở lại Hà Nội, hai hôm sau. Ngồi trên xe lửa tôi nhớ quang cảnh đông đúc mà linh thiêng của Lavang. Thế rồi, đệ nhị thế chiến bùng nổ, kéo dài 6 năm (1939-1945), tiếp đến là phong trào Việt Minh cướp chính quyền và Pháp trở lại trên đất nước Việt Nam, lúc đó tôi đã học xong ban trung học và đã có việc làm. Chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, gia đình tôi bỏ Hà Nội, tạm cư, rồi đi theo kháng chiến.
Thời gian trôi qua trong chiến tranh kéo dài hơn phần tư thế kỷ. Năm 1975 tôi từ Hà Nội về thăm quê Quảng Trị. Ðã 30 năm xa cách, đúng là cảnh biển đổi thay dời. Tôi đến Lavang. Thật điêu tàn! Không còn ngôi đền thờ năm xưa khi tôi và gia đình về dự đại hội năm 1938; tất cả đều tan nát. Nhưng điều tôi ngạc nhiên và còn thấy lạ lùng là nơi ba cây đa nhân tạo có bàn thờ, có tượng Ðức Mẹ vẫn không hề hấn gì. Tôi thấy có vài người, hình như một gia đình, đang quỳ cầu nguyện. Tôi cũng đến và như có một sức thiêng nào đó đang chỗi dậy trong tâm hồn tôi, tự nhiên tôi cũng quỳ xuống cầu nguyện. Năm 1990, có đại hội, tôi từ Hà Nội vào dự. Trong cảnh hoang tàn của hậu chiến tranh, có trên 20 ngàn người tham dự. Ðúng là một Niềm Tin khó lay chuyển. Cái mũ cối trên đầu tôi khiến nhiều người nhìn tôi như thầm bảo: “Ông ấy CS mà cũng đến với Mẹ Lavang!” Tôi có phần nghĩ ngợi.
Năm sau, gia đình tôi về Sàigòn lập nghiệp. Ðại hội năm 1993 diễn ra đông đúc hơn, cả gia đình tôi, vợ chồng và hai con bốn cháu đều về dự. Tôi thấy Niềm Tin của tôi trở về trong tôi và lớn dần trong gia đình mình, tôi cảm tạ Ðức Mẹ.
Vợ tôi người Bắc, vào Nam mới theo đạo, chết chưa đầy một năm trong Niềm Tin vào Chúa, vào Mẹ, nên đại hội 1996 mặc dầu tôi đã 70 hơn, sức khỏe có phần kém nhưng vẫn về Lavang để cảm tạ Mẹ. Tôi thấy Mẹ Lavang đã thương gia đình tôi, đã hiện diện giữa Giáo Hội Việt Nam.
Sắp đến kỷ niệm 200 năm Mẹ hiển linh tại Lavang, nhân được đọc bản tin “Về Bên Mẹ Lavang”, tôi viết những dòng này nhờ người quen chuyển đến để con cái Mẹ khắp nơi biết rằng không thể có một thế lực nào ngăn cản được Niềm Tin vào Chúa Trời do Mẹ ban cho.