Không có thời điểm nào mà mọi người Công giáo Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, cảm thấy đời sống họ liên kết mật thiết với nhịp sống của Mẹ Giáo Hội, bằng những ngày Ðại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc, từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1998, Kỷ Niệm 200 năm Ðức Mẹ xuất hiện tại linh địa La Vang. Vì đây là một cuộc Hành Hương Lịch sử trong Năm Toàn Xá hướng về Ðại Năm Thánh Hai Ngàn của trên bảy triệu giáo dân Việt nam lần đầu tiên được tổ chức tại quê nhà.
Hai trăm năm đã trôi qua, chính biến cố lịch sử Ðức Mẹ xuất hiện đã biến La Vang trước đây chỉ là khu rừng hiểm trở hẻo lánh, nay đã trở thành một địa điểm hành hương danh tiếng chẳng những với Giáo Hội Công giáo Việt Nam và ngay cả trên thế giới. Từ một miền đất không ai biết đến, nhưng từ năm 1960, năm Tòa Thánh Vatican chính thức thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt nam, La Vang đã trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc của Dân tộc và Giáo hội Việt nam.
Nguyên nhân nào đã thay da đổi thịt cho miền đất quê hương khô cằn cày lên sỏi đá có tên là Linh địa La Vang, mà trong những ngày Ðại hội Lịch sử này, hàng đoàn khách thập phương gồm đủ mọi sắc tộc tôn giáo đang lũ lượt đổ về kính viếng Mẹ như tại Lộ Ðức nước Pháp và Fatima nước Bồ đào nha ?! Tại sao khi nhà nước tìm mọi cách để ngăn cấm, hạn chế thì các giáo dân trong và ngoài nước vẫn tìm về Thánh địa La Vang, bất chấp mọi hiểm nguy đang đón chờ họ ?! Và theo Linh mục Dương Ðức Toại, Trưởng ban Tổ chức Hành hương Toàn quốc, cho biết theo ước lượng khiêm tốn sẽ có trên 120,000 người tham dự, nếu được tự do sẽ có hàng triệu người hành hương kính viếng suy tôn Mẹ La Vang.
Phải chăng vì dòng dã 200 năm qua, Mẹ La Vang đã đổ chan hòa không biết bao nhiêu hồng ân cho dân tộc Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, chính kiến, miễn là họ thật lòng chạy đến cầu khẩn Mẹ nâng đỡ trong cơn cùng khốn trong cuộc sống. Cũng như tại Lộ Ðức và Fatima, khách hành hương kính viếng khấn xin Mẹ không phải chỉ là người Công giáo, mà thuộc mọi thành phần xã hội, nghĩa là tất cả những ai mà khổ đau tinh thần vật chất đang đè nặng trên cuộc đời, đang cần sự bảo trợ nhân lành của Mẹ trên trời.
Quả thật La Vang chính là niềm tự hào của mọi người Việt nam, vì chính tại nơi thánh địa này, Mẹ trên trời đã đặt chân đến viếng thăm, nâng đỡ, ủi an đồng bào chúng ta trong cơn nguy khốn. Người ta không thể nào kể hết biết bao ơn lành hồn xác đã được Mẹ chấp nhận và ban muôn hồng ân cho dân tộc chúng ta.
Với Giáo Hội Công giáo Việt nam, Năm Toàn Xá Kỷ niệm 200 năm Mẹ La Vang quả thật là một biến cố lịch sử trọng đại mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Theo suy nghĩ của người viết bài này, Mừng Kỷ niệm 200 năm này không phải là mừng một kỷ niệm chết, một biến cố đã qua trong lịch sử, nhưng nó đã dạy cho chúng ta một bài học. Bài học đó là hãy đặt trọn Niềm Hy Vọng và hãy Phó Thác Tương lai Quê hương và Giáo hội cho Mẹ La Vang.
Hơn nữa, biến cố lịch sử này là một dịp thuận tiện để mọi người đang sống trong lòng Giáo hội, từ giáo sĩ đến giáo dân, hãy kiểm điểm lại quá trình sống đạo truyền đạo của mình, từ đó tìm một hướng đi, phác họa một chương trình sinh hoạt trong giai đoạn sắp tới, theo đúng Tinh thần và nguyện ước của Thượng Hội Ðồng Giám mục Á Châu, đặc biệt của Hội đồng Giám mục Việt nam.
Chính vì tầm quan trọng của biến cố lịch sử 200 năm Mẹ La Vang, mà cách đây đúng 10 năm, trong dịp Ðại Lễ Phong Thánh ngày 19.06.1988, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc đến linh địa La Vang, và Ngài đã chia sẻ niềm tự hào với dân tộc Việt nam, vì đất nước này đã đóng góp cho kho tàng thánh thiện của Giáo Hội Mẹ Rôma hàng trăm ngàn anh hùng tử đạo. Gần đây nhất, trong Ðại Hội Giới Trẻ Thế giới ngày 15.08.1993, tại Denver, Colorado, Hoa Kỳ, Ðức Thánh Cha đã gián tiếp ngỏ lời muốn đến tham dự Ðại Hội Kỷ niệm Lịch sử trọng đại này, nhưng nhà nước cộng sản đã cương quyết từ chối.
HAI TRĂM NĂM NHÌN LẠI
Người đời thường nói : Lịch sử luôn tái diễn. Những gì đã xảy ra trong dĩ vãng luôn là bài học cho tương lai. Với người Công giáo khi đọc lịch sử Giáo hội, họ luôn luôn phải có hai cái nhìn : một cái nhìn lịch sử và một cái nhìn tôn giáo.
Với cái nhìn lịch sử, chúng ta vô tư ghi nhận những sinh hoạt của Giáo hội qua những sự kiện tôn giáo, chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế đã và đang xảy ra trong Giáo hội qua các thời điểm. Nhưng với cái nhìn tôn giáo, chúng ta đặt tất cả những biến cố ấy dưới ánh sáng niềm tin, khác nào như những “dấu ấn thời đại” trong sự an bài và quan phòng của Thiên Chúa.
Ðọc lịch sử Giáo hội Việt Nam cũng như lịch sử Công giáo thế giới dưới cái nhìn lịch sử và tôn giáo nói trên, chúng ta có thể ghi nhận một bài học lịch sử thật quý giá và sâu sắc : Lấy vũ lực đàn áp niềm tin người công giáo, chẳng những đức tin không bị tiêu diệt, mà còn thúc đẩy cho hạt giống Tin Mừng nảy mầm, bám rễ sâu hơn và nhanh chóng quang tỏa khắp thế giới.
Bài học bách hại đạo Công giáo của Ðế quốc Rôma là một minh chứng lịch sử cụ thể. Hoàng đế Néron với đôi tay đẫm máu người công giáo đã chết, nhưng đạo Chúa vẫn tồn tại và phát triển ngay chính trên những di tích tro tàn lịch sử của đế quốc La mã. Ðiểm này cũng nói lên sức mạnh của Tinh thần và sự yếu kém của vũ lực, và sự xụp đổ không sao tránh khỏi của những thế lực bạo tàn !!
Căn cứ trên tài liệu Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục do Quốc Sử Quán biên soạn, thì tổ tiên chúng ta được hân hạnh đón nhận Ánh Sáng Tin Mừng của Ðức Kytô, do các vị thừa sai mang đến trước năm Nguyên Hòa (1533), dưới triều vua Lê Trang Tông, là năm đã có chỉ dụ cấm đạo công giáo.
Trong chỉ dụ có ghi rõ tên một người Tây phương, là giáo sĩ Inêkhu đã theo đường biển vào giảng đạo tại làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân tức tỉnh Nam Ðịnh hiện nay. Nếu trước năm 1533 đã có chỉ dụ cấm đạo, người ta có thể suy luận rằng : Tin Mừng Ðức Kytô đã được rao giảng trên non sông đất Việt , vào một thời gian nào đó trước năm 1533. Do đó năm 1533 được coi như dấu ấn quan trọng khởi đầu Lịch sử Giáo Hội Việt Nam.
Nhìn lại xuyên suốt chiều dài 465 năm (1533 – 1998) Lịch sử Giáo hội Việt nam, từ những năm đầu phôi thai qua giai đoạn thử thách trong khổ đau đến giai đoạn trưởng thành ngày nay, người ta mới nhận thức sự kiện Ðức Mẹ xuất hiện tại thánh địa La Vang, để an ủi những giáo dân trong cơn khốn cùng, không phải là một biến cố tình cờ ngẫu nhiên của Lịch sử, mà chính là một sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa với Giáo Hội Việt nam, qua vai trò của Ðức Mẹ.
Theo dõi lịch sử người ta thấy : Ðức Mẹ xuất hiện tại La Vang năm 1798, nghĩa là sau 265 năm (1798 – 1533) Giáo hội Việt nam được khai sinh. Và năm nay (1998) chúng ta mừng Kỷ niệm 200 năm, từ đó người ta có quyền coi Ðức Mẹ chính là Trung Tâm điểm đời sống của Giáo hội Việt nam. Vì trong thời gian 265 năm trước sự kiện La Vang, tòa nhà Giáo hội mới chỉ được thiết lập với những bước đầu phôi thai, do công lao các vị thừa sai Dòng Ða Minh, Dòng Tên, và sau này là Hội Thừa Sai Truyền Giáo Ba lê. Có thể nói mà không sợ ngụy biện rằng Giáo hội Việt Nam chỉ trưởng thành sau biến cố La Vang.
Công lao của các vị Thừa sai trong giai đoạn trước La Vang là việc Tòa Thánh thành lập hai giáo phận Ðàng Trong ( Chiêm Thành, Cao Miên, Thái Lan) và Ðàng Ngoài (Bắc, Trung Việt và miền Nam Trung quốc) ngày 09.09.1659 dưới thời Ðức Giáo Hoàng Alexandre VII. Tiếp theo là việc phong chức linh mục cho bốn Linh mục Việt Nam đầu tiên ngày 31.03.1669 và việc thành lập Dòng Mến Thánh Giá cho các nữ tu Việt nam đầu tiên năm 1670.
Do bối cảnh chính trị bất ổn, nhất là vì tranh chấp quyền lực của Chúa Trịnh, nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn, Giáo hội Việt nam đã phải trải qua một cuộc bách hại kinh hoàng khủng khiếp nhất, mà các sử gia đã so sánh khác nào cuộc bách hại những giáo dân đầu tiên của Giáo hội Công giáo Rôma của hoàng đế Néron trong thế kỷ đầu sau Công nguyên.
Chính trong cuộc sát hại kinh hoàng khủng khiếp bi đát dưới thời vua Cảnh Thịnh, tức là ông Nguyễn Quang Toản nối ngôi Nguyễn Huệ, Ðức Mẹ đã hiện ra an ủi nâng đỡ những giáo dân Cổ Vưu và các giáo xứ lân cận, đang trốn tránh trong khu rừng La Vang hiểm trở hẻo lánh. Tổng cộng từ ngày Ðạo Công giáo đến với dân tộc Việt nam có trên 130,000 tín hữu đã đổ máu đào tuyên xưng Niềm Tin, để trở thành Nhân Chứng cho Ðạo của Chúa.
Trên đây chúng tôi đã khẳng định : Giáo hội Việt nam chỉ trưởng thành sau biến cố La Vang năm 1798, vì thế mừng kỷ niệm 200 năm, chúng ta không thể nào quên công ơn trời biển của 130,000 cha ông chúng ta đã anh dũng hiến dâng chính mạng sống , và đã lấy máu đào xương thịt mình bồi đắp nên tòa nhà Giáo hội Việt nam hiện nay.
Nhìn lại 200 năm qua (1798 – 1998), dưới sự bảo trợ của Mẹ La Vang, Giáo hội Việt nam đã có những bước phát triển không ngừng :
* Trong 43 năm đầu với việc truyền giáo của các linh mục Dòng Tên (1615 – 1658), số giáo dân cả Ðàng Trong và Ðàng Ngoài có khoảng 300,000 người. Ðến năm 1840, nghĩa là sau hai thế kỷ, cả nước chỉ có 420,000 tín hữu, chứng tỏ những cuộc cấm đạo liên tiếp đã cản trở bước tiến của Giáo Hội Công giáo đến mức nào !! Mặc dầu vậy, người ta vẫn có quyền tự hào, trải qua bấy nhiêu đợt tàn sát đẫm máu, Giáo hội Việt nam chẳng những không bị tàn tạ như tại Nhật Bản, mà vẫn mạnh mẽ phát triển, đến nay số giáo dân đã vượt trên bảy triệu người.
* Từ con số khiêm tốn bốn linh mục Việt nam đầu tiên năm 1669, năm 1800 tăng 119 vị, đến nay Giáo Hội Việt nam tại quê nhà, không kể hải ngoại, đã có trên 2,000 linh mục, không kể hàng vạn tu sĩ nam nữ của hàng trăm dòng tu khác nhau, với các thày giảng, giáo lý viên đang nhiệt tình tham gia vào việc truyền giáo, mặc dầu đã có những đợt đàn áp, tàn sát đẫm máu vô cùng tinh vi khoa học của người cộng sản Việt nam, từ năm 1930 khi họ xuất hiện trên đất nước này.
* Tòa Thánh Vatican tuy ở xa nhưng vẫn liên tục theo dõi những bước tiến triển ấy, do đó ngày 25.05.1925, Ðức Thánh Cha đã chính thức thiết lập Tòa Khâm Sứ tại Việt Nam. Và Ngài đã bổ nhiệm vị Ðại diện của Ngài là Ðức Giám mục Constantino Ayuti là vị Khâm Mạng Tòa Thánh đầu tiên.
* Ngày 11 tháng 6 năm 1933 ghi dấu một biến cố lịch sử mới chứng tỏ sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam : Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã tấn phong một linh mục Việt nam làm Giám Mục Việt Nam tiên khởi, tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô, cái nôi của Giáo Hội Mẹ Rôma, là Ðức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868 – 1950), cai quản giáo phận Phát Diệm.
* Song song với việc truyền giáo, Giáo hội Việt nam còn đặc biệt quan tâm tới các sinh hoạt giáo dục, văn hóa, xã hội để nâng cao đời sống người dân qua việc thành lập các trường đại học, trung tiểu học, mẫu giáo, các bệnh viện, cô nhi viện, ký nhi viện, nhà dưỡng lão. Thông thường, khắp Trung Nam Bắc, bên cạnh ngôi thánh đường, người ta thấy xuất hiện một nhà trường hoặc một trung tâm giáo dục thanh thiếu niên, do các linh mục hoặc các dòng tu phụ trách.
* Một biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã đến chứng tỏ sự bảo trợ của Mẹ La Vang : Ngày 08.12.1960, ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban Sắc lệnh chính thức thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba Tòa Tổng Giám mục : Hà Nội, Huế, Sài gòn, bao gồm 25 giáo phận , từ miền Bắc xuống miền Nam, trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
* Thân phận đất nước chúng ta luôn sống trong vòng chinh chiến : Với biến cố 30.04.1975, sau khi người cộng sản xâm chiếm miền Nam, hàng triệu người Việt đã miễn cưỡng bỏ nước ra đi tìm tự do. Hiện nay trong tổng số trên hai triệu người Việt đang định cư khắp nơi trên thế giới, trong đó có hàng ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ và gần nửa triệu giáo dân Việt nam. Ðây là một lực lượng nhân sự đáng kể sau này sẽ xây dựng và tái thiết Giáo hội và Quê Hương thời hậu cộng sản.
* Năm 1976, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội và Dân tộc Việt : một người Việt nam được vinh dự Tòa Thánh chọn làm vị Hồng Y tiên khởi là Ðức Tổng Giám Mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê (1899 – 1978), cai quản Tổng Giáo phận Hà Nội. – Và ngay chính trong Năm Toàn Xá Kỷ niệm 200 năm Mẹ La Vang, ngày 24 tháng 6 năm 1998, một người Việt nam đầu tiên được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng Công Lý Hòa Bình, tương đương với chức vụ Tổng Trưởng trong Chính phủ dân sự của quốc gia Vatican, đó là Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.
LẤY GÌ ÐỀN ÐÁP 200 NĂM HỒNG ÂN MẸ LA VANG
Trên đây chúng tôi điểm lại những sự kiện lịch sử lớn đã tuần tự xảy ra, trên bước đường trưởng thành của Giáo hội Việt nam trong 200 năm qua. Từ đó với cái nhìn lịch sử và tôn giáo, người ta không thể nào không quan tâm đến ảnh hưởng của sự kiện La Vang đối với Giáo hội Việt nam.
Quả thật biến cố La Vang không đơn thuần chỉ là một sự kiện chết, đã qua đi trong quá khứ lịch sử, mà chính là Nguồn Sống cung cấp sức sống dồi dào phong phú để Giáo hội Việt nam trưởng thành. Cũng như sự xuất hiện của Mẹ trên trời đã thay da đổi thịt cho miền đất khô cằn hẻo lánh trở thành Thánh Ðịa La Vang thế nào, thì chính Ðức Mẹ cũng đã từng bước hướng dẫn dìu dắt Giáo hội Việt nam, từ giai đoạn phôi thai thuở ban đầu đến giai đoạn trưởng thành hiện nay.
Chính vì ý nghĩa lịch sử nói trên, mà trong Năm Toàn Xá 1998 kỷ niệm 200 năm, bảy triệu giáo dân thuộc 25 giáo phận trong nước đều hân hoan hướng tâm hồn về La Vang. Và tại hải ngoại, trong những tháng qua, Cộng đồng Công giáo Việt nam tại Hoa Kỳ đã liên tiếp tổ chức ba Ðại hội La Vang : Tại thành phố New Orléans, bang Louisiana, thượng tuần tháng 5 dương lịch; tại giáo phận Orange, Nam California, trung tuần tháng bảy và tại Dòng Ðồng Công Missouri, thượng tuần tháng tám. Ðỉnh cao của những ngày lễ hội Năm Toàn Xá là Ðại Hội Thánh Mẫu La Vang, được chính thức tổ chức trong hai ngày 21 và 22 tháng 8 năm 1998, tại Vương Cung Thánh Ðường Quốc gia của Giáo hội Công giáo Hoa kỳ ở Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn, Trung tâm quyền lực của nước Mỹ, với sự tham dự đông đảo các vị Hông Y, Tổng Giám mục, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân Việt Mỹ.
Dĩ nhiên mục đích những Ðại hội này là kêu gọi mọi người thực hiện Tinh thần Sám hối đón nhận ơn toàn xá, đồng thời kiên trì đào sâu Ðức Tin để Canh tân đời sống công giáo, và đặt trọn niềm Hy vọng Phó thác tương lai Quê hương và Giáo hội cho Mẹ La Vang.
Những tâm tình tôn giáo này rất tốt, đáng khen nhưng chưa đủ, vì không người nào trong chúng ta chỉ muốn thu hẹp Ý Nghĩa biến cố lịch sử La Vang trọng đại này trong những tâm tình đạo đức thiêng liêng, nhưng muốn biến nó thành những công tác cụ thể. Không ai trong chúng ta muốn những Ðại hội long trọng tốn kém này qua đi như bao đại hội khác, mà Giáo hội Việt nam không đặt cho mình một Hướng Ði, một Chương trình sinh hoạt trong tương lai, để đến đáp 200 năm hồng ân của Mẹ La Vang.
Vậy phải làm gì ghi dấu ấn 200 năm hồng ân ? Theo chúng tôi mạo muội suy nghĩ, có hai vấn đề quan trọng mà người công giáo Việt nam chúng ta cần quan tâm đặc biệt : Giáo Hội Công giáo đi vào Hội nhập Văn Hóa Việt nam.
Suy nghĩ về Bản Tuyên ngôn Thượng Hội Ðồng Giám mục Á Châu gửi các dân tộc lục địa Châu Á, đặc biệt Bản Ðề Cương Làm việc (Lineamenta) của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng đây chính là một sự quan phòng của Thiên Chúa, vì Thượng Hội Ðồng nhóm họp tại Vatican, từ 19.04.1998 đến 15.05.1998, cũng trong thời gian Năm Toàn Xá La Vang. Do đó những ưu tư thao thức của các Giám mục Việt nam, trong cố gắng đem Ðạo Chúa đi sâu vào lòng dân tộc, phải chăng chính là Sứ Ðiệp của Mẹ La Vang gửi đến mỗi người chúng ta. Hệ thống Giáo lý của Ðức Kytô chỉ là một tôn giáo xa lạ, không thể thuyế phục anh chị em ngoài công giáo, nếu Ðạo Chúa chưa hội nhập vào Văn hóa và Truyền thống Dân tộc Việt nam.
Trong phần quan điểm của bản Lineamenta, Hội Ðồng Giám mục Việt nam đã khẳng định : ” Chúng tôi nghĩ rằng cần phải quan niệm lại phương thức loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á Châu. Trước hết lục địa Á Châu không phải là một vùng đất hoang, mà người ta có thể gieo trồng bất cứ giống gì. Trái lại, đây là vùng đất của những tôn giáo và những nền văn hóa lâu đời nhiều hơn so với Âu châu… Hạt giống Tin Mừng của Ðức Kytô đã đến với dân tộc Việt nam trên bốn thế kỷ. Nhưng trước đó cả ngàn năm, trên đất nước quê hương đã có ba tôn giáo lớn là Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo và một số tín ngưỡng dân gian đã ăn sâu nơi tâm hồn người Việt nam. Vì thế việc đối thoại với ba tôn giáo lớn trên cũng như các tôn giáo bản xứ như Cao Ðài, Hòa Hảo phải là trung tâm sinh hoạt của Giáo hội Công giáo. Việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta chỉ có thể hoàn thành hiệu quả bằng cách hợp tác với các tôn giáo bạn.”
Vấn đề hội nhập Văn hóa và Truyền Thống Dân tộc Việt sẽ giúp các nhà thần học Việt nam có những lối suy tư diễn tả Ðạo Chúa theo vũ trụ quan, nhân sinh quan của người Việt nam. Từ đó đưa đến một quan niệm tôn giáo phong phú đậm đà tình tự dân tộc, dần dần tiến đến một nền Thần học Việt nam. Vấn đề hội nhập quan trọng này, người công giáo Việt phải làm, không ai làm thay cho chúng ta.
Vì thế chúng tôi rất vui mừng khi nhận thấy : song song với Ðại Hội Thánh Mẫu La Vang Hoa Thịnh Ðốn, viện Triết Thần Việt nam đã tổ chức Khóa Học Hội Thảo luận hai ngày về Sứ Mệnh Tôn giáo của Giáo hội, đặc biệt Vấn đề Hội Nhập Văn Hóa Việt nam. Hy vọng rằng sau Khoa Học Hội quan trọng này với những nhà chuyên môn thần học sẽ hình thành một Ủy Ban Nghiên cứu tiến đến một nền Thầøn học Việt nam. Ðây chính là một nhiệm vụ khẩn thiết hiện nay và phải chăng đây là Sứ Ðiệp của Mẹ La Vang vậy.
Ý Thức Sứ Mệnh Truyền Giáo của Giáo hội Việt nam
Mừng kỷ niệm 200 năm Mẹ La Vang, Giáo hội Việt nam cũng không thể nào quên Trách nhiệm Truyền giáo của mình với mọi người. Ðừng bao giờ quên rằng Ðức Tin mà chúng ta đã lãnh nhận nhờ các vị thừa sai là những nén bạc trong Phúc âm, người công giáo Việt có nhiệm vụ trả lại cho Chúa bằng cách đưa những người khác về với Giáo hội.
Ðể ghi công ơn bao vị thừa sai hiên ngang, can trường đã đến rao giảng Tin Mừng trên miền đất quê hương, nhân dịp kỷ niệm 200 năm biến cố Mẹ La Vang, đã đến Giáo hội Việt nam phải đáp trả món nợ tinh thần ấy. Nếu chúng tôi không nhớ nhầm thì trong một buổi họp thường niên năm 1972 tại Sài gòn, Hội Ðồng Giám mục Việt nam đã chấp thuận và ủy nhiệm đức Cố Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, đứng ra thành lập Hội Thừa Sai Việt Nam, trong hoài bão và ước vọng mang Tin Mừng Cứu Ðộ của Ðức Kytô đến tận các thôn làng xa xôi trên đất Việt và các nước lân cận như Ai lao, Campuchia, Thái lan, để Giáo hội Việt nam xứng đáng là Trưởng Nữ của Giao hội tại vùng Á Châu.
Nhưng rất tiếc việc thành lập Hội Thừa Sai Việt Nam đang tiến hành tốt đẹp thì biến cố đau thương 30.04.1975 xảy đến , nên công tác truyền giáo quan trọng này bị ngưng trệ. Và sau đó Ðức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Ðiền cũng qua đời đột ngột ngày 08.06.1988.
Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay riêng tại Hoa Kỳ, không kể các quốc gia khác , Giáo hội Việt Nam có cả một lực lương nhân sự hùng hậu : 600 linh mục, 800 nam nữ tu sĩ và gần 300,000 giáo dân. Trong thời điểm chưa thể về phục vụ tại quê nhà, thiết tưởng các vị Giám Ðốc Văn phòng Mục Vụ, các Bề trên Dòng, các Linh mục, các tu sĩ nam nữ và cả giáo dân nên suy nghĩ về việc thành lập Hội Thưa Sai Việt Nam, đem Tin Mừng của Ðức Kytô đến với mọi người, hơn là xây dựng những thánh đường nguy nga, những cơ sở lớn lao có tính cách phô trương nhiều hơn là truyền đạo.
Không phải là một sự tình cờ mà trong 10 năm nay, kể từ sau Ðại lễ Phong Thánh, mỗi khi có dịp gặp gỡ tiếp xúc với giáo dân Việt nam, Ðức đương kim Giáo Hoàng đều nhắc đến biến cố Mẹ La Vang. Và Ngài đã ân cần nhắn nhủ chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa biến cố quan trọng này, để sống xứng đáng là con cháu các Anh Hùng Tử Ðạo và con cái của Mẹ La Vang.
Nếu chúng ta chu toàn trách nhiệm trên, với Năm Toàn Xá Kỷ niệm 200 năm Mẹ La Vang, chúng ta có quyền tin tưởng rằng : ” Một Tương Lai Tươi Sáng hơn chắc chắn sẽ đến với Giáo Hội và Dân Tộc Việt Nam ” như lời Ðức Thánh Cha đã tiên đoán.
Ðại Hội Thánh Mẫu La Vang.
Hoa Thịnh Ðốn 21- 22.08.1998.
Linh Mục TRẦN QUÝ THIỆN.