1.       Anh chị em thân mến,

Thật là một hồng ân, một phúc lộc lớn lao khi chúng ta cùng nhau về đây sum họp từ khắp các miền đất nước, hợp thành một đại gia đình chung quanh Mẹ La Vang, để chiêm ngắm Mẹ và noi gương Mẹ lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.

Chúng ta đến đây hôm nay để cử hành Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang, lòng dạt dào biết bao là tình: tình mẹ con, tình Giáo Hội, tình làng xóm, tình quê hương:

Đất Mẹ La Vang, đường vạn dặm,
Lòng con nhớ Mẹ, nhớ như in.
Và khi rừng thẳm đón chuông chiều,
Con đã về đây với Mẹ yêu.
Muốn nói ngàn lời, nhưng bỗng lặng,
Nhìn thôi, đã nói biết bao nhiêu
”.

(Trăng Thập Tự)

 

2.       Anh chị em thân mến,

200 năm La Vang: Lời kinh dài hai thế kỷ, khi lâm râm tấm tức nghẹn ngào trong thời chinh chiến, bách hại; khi cất cao dìu dặt ngân vang những lúc thái bình, tự do.

200 năm Mẹ La Vang: Câu chuyện ngày xưa, đêm đêm Mẹ hiện ra nơi đây, hồi đó là rừng thiêng nước độc hoang vu, để an ủi hộ phù đoàn con ẩn náu trong thời kỳ nhiễu nhương bắt bớ. Mẹ vỗ về con cái nheo nhóc: “Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”.

Câu chuyện những đêm xưa ấy đã biến vùng đất này thành một cõi trời, một vùng linh thiêng, vì nơi đây vĩnh hằng thiên quốc đã đến hội ngộ với kiếp phù du long đong, làm cho nó trở nên thanh cao, đầy ý nghĩa và có giá trị vô cùng.

Nơi đây, Mẹ Thiên Chúa đã đến và ở lại với con cái loài người, để biểu lộ tình hiền mẫu một cách đậm đà, để thi ân giáng phúc và dẫn dắt người lữ hành trần thế đi trên nẻo chính đường ngay, hầu gặp được Chúa Giêsu là đường đi, là sự thật, là sự sống, là Đấng cứu độ muôn loài.

–        200 năm La Vang: Một lịch sử tình yêu, lịch sử đá vàng, xuyên qua những thăng trầm dâu bể của cuộc đời.

–        200 năm câu chuyện Mẹ hiển linh tại La Vang đã đi vào lòng người, đã ghi vào ký ức các gia đình, các cộng đoàn, không hề bị thất truyền: ông bà tổ tiên kể lại cho cháu chắt, mẹ kể lại cho con, chị kể lại cho em và cứ thế mãi mãi như một dòng sông chảy qua các dòng đời, các thế hệ.

 

Chúng ta đều biết rằng Mẹ La Vang của chúng ta rất dịu hiền, gần gũi, dân dã, dung dị, như trầu cau, như ca dao tục ngữ, như lá trên nương, như nước giếng đầu vườn.

Khung cảnh La Vang không có gì là sang trọng, cao xa, trái lại rất bình dị, thiếu thốn nhiều mặt, bề ngoài không có gì hấp dẫn.

Nhưng sao La Vang lôi cuốn thu hút đến thế, không cưỡng lại được? Chắc chắn vì mỗi khi bước chân vào đây, lòng chúng ta được thanh lọc khỏi những vọng động phù phiếm và chúng ta cảm nghe được hương vị thanh thoát của các mối phúc thật tỏa lan khắp vùng trời vùng đất chốn này.

Tưởng không gì an ủi bằng, thư thái bằng, không gì lắng đọng bằng đứng ở đồi La Vang mà đọc lên và suy niệm bài giảng trên núi Bát Phúc của Chúa Giêsu.

Nơi đây, chúng ta hít thở được một thứ không khí thánh thiêng phảng phất mùi vị Tin Mừng:

–        “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”.

–        “Phúc thay ai ăn ở hiền lành, chính trực, biết xót thương”.

–        “Phúc thay ai có lòng trong sạch”.

–        “Phúc thay ai bị bắt bớ, vu khống…”

–        “Anh em hãy vui lên, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,1-12).

Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Nazareth là một phụ nữ bình thường của đời thường, bên ngoài không chút gì là khác thường, không có gì là khác người.

Nhưng bên trong Mẹ là những kỳ diệu khôn tả, là những chiều cao nhiệm mầu. Đó là chiều cao của Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến nơi Mẹ.

–        Tin, Cậy, Mến được thì thầm sâu lắng trong lời thưa Fiat – Xin Vâng ngày Truyền Tin.

–        Tin, Cậy, Mến được hát lên say sưa nhảy mừng, trong bài Magnificat – Tán Tụng Chúa Trời, ngày thăm viếng bà chị Elizabeth.

–        Tin, Cậy, Mến thấm vào da thịt và lắng sâu trong thăm thẳm cõi lòng dâng hiến, khi Mẹ đứng dưới chân Thánh giá, trên đồi Golgotha, Stabat Mater.

Tonino Bello gợi ý rằng:

–        Từ nơi những chiều cao đó, Mẹ nhìn thấu suốt cả thời gian vô tận. Mẹ thấy, Mẹ cảm nghiệm lòng Chúa thương xót trải dài qua các thế hệ, và như vậy, Mẹ giúp chúng ta đọc được lịch sử cứu độ một cách toàn vẹn, lịch sử tình yêu Chúa muôn đời thành tín.

–        Từ nơi những chiều cao đó, Mẹ nhìn thấu suốt cả không gian vô biên. Mẹ đoan chắc với chúng ta rằng bất cứ ngóc ngách nào dù bọt bèo bạc bẽo đến đâu trong cuộc đời chúng ta, cũng được Mẹ nhìn thấu, với cái nhìn cảm thông, bao dung, vực dậy, khích lệ, chở che…

3.       Anh chị em thân mến,

Trong cuộc sống đời thường, lòng trí chúng ta, tình yêu chúng ta cũng phải đứng ở chiều cao linh thiêng của Mẹ, chiều cao Tin, Cậy, Mến, để có thể nhìn xa thấy rộng hơn những gì xảy ra trước mắt:

–        để đừng bị choáng váng, mất kiên nhẫn trước chuyện đời đổi trắng thay đen,

–        để đừng buồn nản, loay hoay, ghì trói trong những chu vi nhỏ hẹp của cuộc sống đời thường.

–        Hãy nhìn các sự việc, các biến cố… theo viễn cảnh của Tin Mừng, thì chúng ta mới có thể trở nên những người “thông đồng” với Chúa Thánh Thần, bén nhạy với Ngài, và khi ấy mới có khả năng sáng tạo, dự báo, khai phóng, làm mới lại cuộc sống này, làm tươi lại mặt đất này.

–        Hãy đứng ở đỉnh cao Tin, Cậy, Mến để thấy được trong dòng lịch sử Giáo Hội pha lẫn ánh sáng và bóng tối, luôn có Chúa Thánh Thần phù trợ, đỡ đần, canh tân, và Giáo Hội vẫn là dấu chỉ và dụng cụ của hiệp thông, của yêu thương và phục vụ.

–        Hãy đứng ở chiều cao của cõi lòng, để có thể khoan dung tha thứ cho những yếu đuối của con người biết hối lỗi, không cố chấp.

–        Hãy đứng ở chiều cao, vượt lên trên để có thể nhận ra ý định của luật lệ trong Đạo là giải thoát con người chứ không phải nô lệ hóa con người.

–        Hãy lên ở nơi cao ấy để phá vỡ được sự lạnh lùng của một thứ cơ chế cứng cõi, mà thiếu mượt mà bác ái, của một dự phóng khúc chiết mà thiếu hứng khởi say mê, của một nghi thức tỉ mỉ mà không tỏa sáng tin yêu, của một chương trình kế hoạch rạch ròi mà không phập phồng thần hứng ở bên trong.

–        Hãy lên ở nơi cao ấy để chiêm ngắm những mầu nhiệm vui, thương, mừng của cuộc đời: đó là niềm vui, là hạnh phúc, là sức khỏe, là thành công; đó cũng là bất hạnh, là thất bại, là oan khiên, là khổ đau, là bệnh tật, là giờ chết… Chiêm ngắm từ đỉnh cao ấy để thắng không kiêu, bại không nản, để nhìn mọi sự dưới ánh sáng mầu nhiệm tử nạn phục sinh của Chúa Kitô.

–        Hãy đứng ở chiều cao tâm hồn ấy để không thụ động ngái ngủ, nhưng biết tỉnh táo nhận định, biết phản ứng lành mạnh trước những áp lực nhào nặn, điều kiện hóa của đủ loại thông tin, sách báo, phim ảnh và quảng cáo, trước vô số những chào mời rủ rê của một xu hướng đề cao tiêu dùng và hưởng thụ.

–        Hãy đứng ở nơi cao ấy để không cúi rạp trước một số đòi hỏi nghiệt ngã của kinh tế thị trường coi lợi nhuận là quy luật tối cao, cạnh tranh mạnh được yếu thua, lên án sự thất bại mà không kết án điều bất công, coi việc thành công cao hơn việc thành nhân, và thậm chí chà đạp lên cương thường đạo lý để thành công.

–        Hãy lên nơi tầm cao ấy để có thể nhìn thấy được tận cùng trái đất và nhận ra được những mặt nước nhân thế bao la, trên đó Chúa Thánh Thần đang bay lượn, ấp ủ và thổi sinh khí vào.

–        Hãy đứng ở chiều cao Tin, Cậy, Mến để thấy được chân, thiện, mỹ ở khắp nơi, nhất là trong các tôn giáo, và chắt lọc được những tinh hoa của các nền văn minh thế giới, mà luôn gìn giữ bản sắc văn hóa Dân tộc và những giá trị tinh thần, đạo đức, lễ nghĩa của giang sơn gấm vóc này.

–        Hãy lên ở đỉnh cao của Magnificat – Tán Tụng Chúa Trời, để thấy được chiều kích xã hội và liên đới của đức tin Kitô giáo, và sẵn sàng dấn thân lo cho công ích, phục vụ ưu tiên người nghèo khổ, khuyết tật, bất hạnh… để xóa bỏ đi những điều kiện sống phi nhân bất nghĩa làm cho con người bị tha hóa và nô lệ dưới nhiều hình thức, để xây dựng công lý và hòa bình, vun đắp nền văn minh tình thương và sự sống.

–        Hãy đứng ở chiều cao Tin, Cậy, Mến để có thể nhận ra nơi cát sỏi phù du ô trọc đời này những dấu vết lung linh của Vĩnh Hằng chan hòa khắp nơi, để thăng hoa và thanh cao hóa bụi trần.

–        Hãy đứng ở nơi cao ấy, để đón được ngọn gió mơn man tươi mát của Chúa Thánh Thần và được nhảy múa hân hoan với vô vàn ân sủng thần linh.

 

4.       Anh chị em thân mến,

Trong sứ điệp gửi toàn thể Giáo Hội Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi khách hành hương hãy đào sâu và sống mạnh Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến. Ngài nói:

Vì đã sống cách hoàn hảo thân phận người môn đệ Chúa, Mẹ Maria hằng kêu gọi các tín hữu tiến bước trên con đường sống Tin Mừng hăng say

… Ước gì Mẹ lôi cuốn họ thành những người hành hương kiên vững trong niềm tin vào Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại, thành những người hành hương của niềm hy vọng, hướng tới sự mong đợi giờ phút Thiên Chúa gặt hái mùa màng đã gieo vào lòng đất, thành những người hành hương của lòng bác ái, sống ơn gọi hiệp nhất, huynh đệ và phục vụ giữa các anh chị em mà họ cùng chia sẻ cuộc sống”.

Cùng Mẹ La Vang tiến về năm Đại Toàn Xá 2000.

Cùng Mẹ La Vang bước vào thiên niên kỷ thứ ba, trong vui mừng và hy vọng. Amen.