Thái Bình – Như tin đã đưa, phái đoàn hành hương giáo phận Thái Bình xuất phát từ chiều tối Thứ Sáu, ngày 18.05.2012 từ Nhà Thờ Chính Tòa Thái Bình và đã đến bên Mẹ Lavang vào lúc 6h30 sáng ngày 19.05.2012 (muộn hơn so với chương trình 30 phút).
Sau khởi hành, bỏ lại đằng sau những cung đường tối om, chốc chốc lại loé lên những tia sáng của các xe đi ngược chiều, chúng tôi đến địa giới thành phố Vinh lúc 11 giờ đêm. Qua cuộc điện đàm của cha trưởng đoàn, được biết xe của quý cha và các xe khác đi sau đã đến ngã ba Cửa Lò và đang tìm điểm dừng chân giải lao. Còn chúng tôi sau gần nửa tiếng vượt qua những đoạn đường đang tu sửa đầy cát bụi, đoàn dừng lại nghỉ và ăn nhẹ tại một điểm ven đường rồi lại tiếp tục chuyến đi.
Đúng 6h30 sáng, chúng tôi có mặt tại La Vang, sau khi đoàn đã đến đủ, chúng tôi tập trung dưới chân đài Đức Mẹ, cùng chiêm ngắm và cầu nguyện tạ ơn Đức Mẹ đã ban cho cả đoàn được mọi sự lành bằng an. Đúng 9h30, phái đoàn cùng hiệp dâng Thánh Lễ tại đài Đức Mẹ La Vang. Đồng tế thánh lễ hôm nay, có hai linh mục đồng hành với đoàn hành hương là cha Vinhsơn Ngô Thái Phong – văn phòng TGM và cha Giuse Trịnh Tiến Thành – Giám đốc Tòa Giám mục, kiêm phụ tá Nhà thờ Chính Tòa.
Đến với Đức mẹ La Vang, chúng tôi được nghe cha Vinh Sơn sơ qua về lịch sử Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Vào năm 1798, tại nơi này, Đức Mẹ đã hiện ra để gặp gỡ an ủi những tín hữu đang lánh nạn vì cuộc bắt đạo tàn khốc… Câu chuyện La Vang “xưa” mà không “cũ”. La Vang là sự kiện của quá khứ nhưng cũng là của hiện tại, là chuyện của hôm qua, mà cũng là chuyện của hôm nay. Thực thế, tình mẫu tử của Mẹ dành cho con có bao giờ là xưa cũ? Tình hiền phụ của cha đối với con có bao giờ là lỗi thời? Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu nhưng cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta. Trái tim Mẹ yêu thương Chúa Giêsu thế nào thì hôm nay Mẹ cũng thương chúng ta như vậy. Hôm nay, việc Đức Mẹ hiện ra để an ủi các tín hữu đang chịu bách hại, lại được tái diễn, ấy vậy mà mỗi lần diễn lại, câu chuyện ấy vẫn mới, vẫn làm nao lòng người.
Sau bữa cơm trưa tại trung tâm hành hương La Vang do các sours Dòng Mến Thánh Giá phục vụ, 12h00, đoàn chúng tôi lại tiếp tục lên đường đến thành phố Đà Nẵng, và dừng chân tại nhà thờ Đức Mẹ Sao Biển của các nữ tu dòng Phaolô. Cơ sở của nhà dòng thật rộng lớn, có lẽ mới xây dựng gần đây, chúng tôi chỉ thấy có ít soeurs phục vụ và hướng dẫn. Đây là điểm dừng nghỉ qua đêm của đoàn chúng tôi. Sau bữa cơm tối, tất cả mọi người cùng quy tụ dưới chân đài Đức Mẹ Sao Biển cầu nguyện, sau đó các nhóm chia ra đi thăm quan các danh lam thắng cảnh của thành phố sạch đẹp nổi tiếng này.
Sáng Chúa Nhật 20.05.2012, sau bữa điểm tâm tại Dòng Phaolô, chúng tôi lên đường đi viếng Đức Mẹ Trà Kiệu lúc 7h30. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại Trà Kiệu, tuy trên đường đi đoàn xe của chúng tôi có một xe phải dừng lại để thay lốp, nhưng chúng tôi vẫn hiện diện đầy đủ trước khi dâng thánh lễ lúc 9h30 dưới chân đài Đức Mẹ Trà Kiệu tại đồi Bửu Châu.
Được biết, Trà Kiệu là thành trì của người Chàm bỏ lại, khi bại trận trước sức Nam tiến của người Việt. Di tích thành này nay còn nguyên vẹn. Từ Ngọn Bửu Châu chạy đến Núi Kim Sơn là thành lũy phía Bắc, từ phía Bắc theo con Suối Hố Diêu vào phía Nam độ 300 thước là thành lũy phía Tây. Bức thành Chàm dài gần 1000 thước được xây đắp kiên cố là thành trì phía Nam. Mặt Ðông không có thành lũy, nhưng Ngọn Bửu Châu là kỳ đài vững chắc án ngữ phía Ðông. Gần đó là Thành Nội và Hoàng Cung của Chiêm Vương, tọa lạc tại Xóm Hoàng Châu, nằm sát cạnh sườn Ngọn Bửu Châu. Nơi đây, Đức Mẹ đã từng hiện ra cùng với các thiên thần lấy áo choàng che chắn cho các tín hữu khi đang bị bách hại dưới thời Văn Thân (1885).
12h00, sau khi dùng cơm trưa xong tại Giáo xứ Trà Kiệu, đoàn hành hương chúng tôi tiếp tục lên đường trở lại với thành phố Huế. Tại đây chúng tôi được các cha và các thầy Dòng Chúa Cứu Thế tiếp đón một cách rất ân cần và chu đáo. Chúng tôi tham qua thành phố huế qua các trung tâm mua sắm, các điểm du lịch, đặc biệt trên 9 chiếc Thuyền Rồng lênh đênh giữa dòng Sông Hương trong một khung cảnh chiều tối êm đềm, thưởng thức các làn điệu hò Huế đậm chất trữ tình của các cô gái trong đoàn nghệ sĩ xứ sở Huế.
Đúng 22h30 ngày 20.05.2012, đoàn chúng tôi rời cố đô Huế trở về giáo phận lúc 13h00 chiều ngày 21.05.2012. Trên đường trở về, chúng tôi ghé ăn sáng ngay tại chân cầu Bến Thủy của thành phố Vinh. Một lần nữa, chúng tôi lại được chiêm ngắm các kỳ công của Thiên Chúa qua các công trình Chúa đã tạo dựng. Trong đức tin, tôi biết rằng Thiên Chúa chính là tác giả của kỳ quan thiên nhiên. Ngài đã dùng nét cọ của nước, nét bút của gió để khắc họa nên khung cảnh tuyệt mỹ này cũng như bao danh lam thắng cảnh trên địa cầu và vô vàn cảnh sắc tuyệt đẹp trong vũ trụ mà ta chưa biết hết.
Qua chuyến hành hương này, chúng tôi cảm nghiệm rằng: Đức Mẹ luôn thương yêu mỗi người chúng ta. Đức Mẹ đến đất Việt vì thương yêu toàn dân Việt Nam không phân biệt lương giáo. Mẹ không chỉ là Mẹ La Vang, Mẹ Sao Biển, Mẹ Trà Kiệu, Mẹ Lộ Đức, hay Mẹ Fatima…nhưng còn là Mẹ Thế Giới nữa vì Đức Giêsu Kitô – Con của Mẹ đã đổ máu ra cứu chuộc cả nhân loại.
“Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời, cùng là Thánh Mẫu loài người chúng con. Cúi xin xuống phước hải hà, đoái thương con cái thiết tha van nài. Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu, đại lượng bao dung, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Xin Mẹ phù hộ chúng con, luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông. Và sau cuộc đời này, xin cho chúng con được về sống bên Mẹ, hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen“.
Nghi thức làm phép lá và nước Tại La Vang
Đoàn nghỉ giải lao trên dọc hành trình
Đến với quý Sơ Phaolô nơi Đức Mẹ Sao Biển (Đà Nẵng)
Bãi Biển nơi Đức Mẹ Sao Biển
Bên đài Đức Mẹ Sao Biển
Bữa cơm thân tình nơi Đức Mẹ Sao Biển
Đến với Đức Mẹ Trà Kiệu
Bên giếng Đức Mẹ Trà Kiệu
Viếng thăm Giáo Xứ Trà Kiệu và dùng cơm trưa cùng giáo xứ
Cầu nguyện dưới chân đài Đức Mẹ
Cơm tối tại Dòng Chúa Cứu Thế
Bên bờ Sông Hương
Thưởng thức giọng ca Huế