Đức Mẹ Hiện Hình Tại Họ La Mã – Bến Tre – Mẹ La Mã Bến Tre
Tại làng Hiệp Hưng, Tỉnh Bến Tre, thuộc Giáo Phận Vĩnh Long có một nơi gọi là Bầu Dơi. Nơi đây là một cánh đồng trũng bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, là nơi dành cho chim cò dơi cú đến tụ họp. Dân chúng vùng này phần đông quây quần tụ họp chung quanh chợ Sơn Đốc, cách Bầu Dơi chừng hai cây số.
Khoảng năm 1930, cha sở Cái Bông là cha Lu-ca Sách ở gần đấy, sai một thầy đến giảng đạo và cất một ngôi Nhà Thờ nhỏ ở gần khu chợ để làm nơi phượng tự và giảng dạy những người tân tòng. Từ năm 1945, chiến tranh làm cho họ Cái Bông và Sơn Đốc không giao thông được với nhau.
Mãi tới năm 1947, chiến tranh lan rộng, dân chúng Sơn Đốc phải tản cư hết, trong số đó có 11 gia đình tản cư lên Bầu Dơi. Thế là nhóm Công Giáo này không có Linh Mục chăm sóc. Mấy năm sau họ mới tiếp xúc được với xứ Cái Sơn do cha Phê-rô Dư cai quản, cách xa tới 20 cây số. Sau đó một năm, dân làng Bầu Dơi cất được một ngôi Nhà Thờ làm nơi thờ phượng.
Ngày 11 tháng 11 năm 1949, Đức Cha Vĩnh Long về làm phép Thêm Sức tại Cái Sơn, ngài đã thân hành đến thăm Bầu Dơi và đổi tên là họ La Mã, Bến Tre. Từ đó La Mã xuất hiện tại Việt Nam.
Nguyên khi lập Nhà Thờ Sơn Đốc năm 1930, cha Lu-ca Sách, Bổn Sở Cái Bông có tặng Nhà Thờ này một bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có lộng khám kiếng. Nhưng năm 1957, khi bổn đạo bỏ nhà cửa, đền thờ, chợ búa đi tản cư khắp nơi, ông già Nguyễn Văn Hạt là trùm trong họ phải rước ảnh Đức Mẹ về nhà mình. Sau ông cho con trai là Nguyễn Văn Thành mượn đem về nhà riêng. (Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Họ Đạo La Mã, tỉnh Bến Tre, Giáo Phận Vĩnh Long, khác với Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp nguyên gốc DCCT Rô-ma, là đã xuất hiện thêm vòng triều thiên trên đầu Mẹ).
Ngày mùng 2 tháng 2 năm 1957, có cuộc khủng bố Đạo ở vùng này, gia đình anh Thành cũng như bao gia đình khác phải nhiều sự khốn khó, đến bức ảnh cũng bị mất tích, ông trùm Hạt rất là buồn bã.
Một hôm vào thượng tuần tháng năm, người láng giềng của nhà anh Thành tên là Võ Thị Hiền đi xúc cá ngoài ven sông, vớt được một cái khung ảnh. Anh Thành nhận ra là cái khung ảnh Đức Mẹ của gia đình đã bị mất từ mấy tháng trước. Chị Hiền cho lại anh Thành. Anh đem khám đi rửa nhưng ảnh không còn nét chi nữa, ngoài mấy nét mờ mờ như nét viết chì. Nhân ngày ấy các bà Phước đang tô điểm bàn thờ, chị vợ đã đến xin thuốc về cho chồng tô lại bức ảnh, nhưng các bà đã hết thuốc, lại bảo về nhà mua ảnh khác mà dùng chứ vẽ lại sao được.
Ảnh thật sự hư rồi, ảnh không còn để tôn kính được mà đem ra che mưa đỡ nắng ở nơi mái hiên nhà bị dột. Đến tháng tám dương lịch, vì tình thế chiến tranh, anh Thành là thanh niên nên cũng không thể ở nhà được, phải dọn sang Tam Bình là quê vợ sinh lánh nạn. Ông Hạt đến nhà dọn đồ cho con thấy bức ảnh vứt trong kẹt vách, lấy về đặt trên bàn thờ sáng tối cầu nguyện.
Hai tháng sau, ngày mùng 7 tháng 10 năm 1950, chiến sự lại diễn ra ngay trong khu vực Bầu Dơi, lửa đạn bắn ra tơi bời khiến dân làng phải chạy trốn. Ông Trùm Hạt cùng người con út không kịp chạy phải núp dưới tủ thờ cho qua cơn sóng gió. Lúc im tiếng súng, căn nhà ông đã bị tan nát vì súng đạn, chỉ trừ nơi tủ thờ ông núp là còn nguyên vẹn, nhìn lên ảnh Đức Mẹ để tạ ơn thì ôi lạ lùng xiết bao! Bức ảnh mờ phai mục nát trước kia, sao đã sáng rõ mọi nét, tốt tươi mọi màu sắc từ lúc nào? Ông Trùm cảm động vô cùng. Với tâm hồn đơn sơ và thành tín của một ông già đạo đức nơi thôn dã, ông tin ngay là một phép lạ của Đức Mẹ: Đức Mẹ chẳng những đã cứu thoát hai cha con ông trong lúc nguy khốn cực điểm, lại còn hiển linh trên bức ảnh phai mờ mà xưa nay ông vẫn tôn kính và hết niềm cậy tin.
Hai mắt rướm lệ, ông Trùm Hạt cùng con quỳ xuống tạ ơn Đức Mẹ. Ngay chiều hôm đó ông Trùm Hạt đi Nhà Thờ cầu kinh, rồi kể cho hai bà phước nghe biết sự lạ đã xảy ra trên bức ảnh của ông. Hai bà nói:“Ngày mai Chúa Nhật, ông đem bức ảnh đến cho chúng tôi coi”. Sáng hôm sau ông đi lễ mang theo bức ảnh và hai bà nói: “Quả thiệt, hồi vớt bức ảnh lên thì mục nát phai mờ, mà bây giờ ảnh Mẹ đẹp tốt tươi thế này, ấy là Đức Mẹ thương ông lắm”.
Các bổn đạo trong họ cũng đều nhận sự lạ lùng đã xảy ra nơi bức ảnh. Ai nấy đều như phấn khởi và hân hoan vì đã thấy sự lạ, nhất là được thấy một bức ảnh đẹp chưa từng có. Sau ông Trùm Hạt đưa ảnh tới Cái Bông cho cha sở cũ của mình là cha Sách coi. Ngài bảo: “Để bức ảnh lại đây tôi giữ giùm, đợi khi nào La Mã dựng xong Nhà Thờ sẽ cho rước về”.
Ngày 20 tháng 6 năm 1951, họ La Mã khánh thành ngôi Nhà Thờ mới, tuy cũng lợp lá sơ sài, nhưng khang trang rộng rãi hơn trước. Ngày 15 tháng 8 năm 1951, nhân dịp mừng lễ Đức Mẹ Mông Triệu lần đầu tiên, kể từ khi Đức Giáo Hoàng Pi-ô 12 ban sắc lệnh phải tin về tín điều Mẹ Lên Trời cả hồn cả xác này, cha Phê-rô Dự xin họ La Mã cho họ chánh xứ Cái Sơn mượn bức ảnh lạ về tôn kính trong một tuần 9 ngày. Chính ngày Lễ Mẹ Mông Triệu, trước giờ hành lễ, người ta rước bức ảnh xung quanh Nhà Thờ, đến khi sắp đặt bức ảnh lên đài, cha Phê-rô Dự đang sắp giảng, ngài nhìn lên bức ảnh cầu nguyện thì ôi, lạ lùng thay, ngài thấy trong bức ảnh một mũ triều thiên hiện thêm ra trên đầu Đức Mẹ. Ngài nhớ rõ bức ảnh trước đây không có triều thiên. Ngài quay ra chỉ cho bổn đạo thấy sự thay đổi lạ lùng ấy. Hàng ngàn người có mặt ở Nhà Thờ đều cảm động.
Ngày 12 tháng 1 năm 1952, Đức Cha Ngô Đình Thục đến viếng họ La Mã. Sau khi ở Nhà Thờ về, ngài hỏi cha Dự: “Ủa! Sao trên đầu Đức Mẹ lại có cái triều thiên từ bao giờ? Lần trước tôi có thấy đâu?” Bấy giờ cha Dự mới kể cho ngài nghe câu chuyện xảy ra hôm 15 tháng 8 năm 1951. Hiện nay nhiều người còn giữ được hình chụp bức ảnh trước ngày 15 tháng 8 năm 1951, nghĩa là khi chưa có mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ. Đó là tang chứng rất rõ ràng.
Một điều khác cũng đáng để ý, là khi bức ảnh mới vớt lên, vì ảnh gắn vào với kính, nên khi gỡ ra thủng nhiều chỗ. Bây giờ chẳng những chân dung Mẹ hiện lên rất đẹp, mà những chỗ thủng trước kia cũng biến mất, chỉ còn một lỗ ở phía sau. Tuy vậy mặt sau bức ảnh và trên cái khung gỗ, vẫn còn nhiều dấu vết do sự ngâm lâu dưới bùn và nước.
Từ đó, tin Đức Mẹ hiện hình đồn ra khắp nơi và người ta tuôn đến La Mã cầu xin Đức Mẹ đông đúc vô ngần. Nhiều người đã tuyên bố mình đã được phép lạ tỏ tường… Trước lòng cậy trông và sùng kính của dân chúng, Đức Giám Mục Vĩnh Long đã ban một tâm thư huấn dụ như sau:
- “Dù Bề Trên chưa đoán định hư thật thế nào, Toà ta không cấm bổn đạo đến viếng Nhà Thờ ấy, miễn là sẵn lòng vâng phục lý đoán Hội Thánh sẽ ra, sau khi đã truy cứu rõ ràng cẩn thận, và miễn là hằng nhớ mình đến viếng nơi Thánh ấy cho được cầu nguyện và hãm mình, không phải đi du lịch, ăn chơi sung sướng. Cho nên Ta khuyên lơn ai đi đến nơi ấy – từ hàng Giáo Sĩ cho đến bổn đạo thường – như không ăn chay được thì ít ra kiêng thịt và không dùng các thứ rượu. Nếu không thức được trót đêm cầu nguyện thì it là thức một giờ làm Giờ Thánh hay là lần hạt Mai Khôi.Nếu không thinh lặng được thì nói nhỏ tiếng, không nên ồ ạt, cợt giỡn vì là nơi Thánh. Nam nữ không nên trà trộn, nhất là nhựt một chiều rồi. Người nữ phải ăn mặc nết na kín đáo, không nên lòe loẹt son phấn.Ta khuyên ai nấy đừng lợi dụng chốn thánh mà buôn bán kiếm lời hoặc phổ khuyến xin khất gì.
Muốn cho ai nấy dễ bề chịu các phép Bí Tích thì ta ban cho các cha đã có quyền giải tội trong Địa Phận mình cũng được giải tội ở La Mã.
Sau hết ta ước ao cho những kẻ tưởng mình đã được ơn riêng Đức Mẹ ban ở La Mã, thì trình bày việc ấy cho cha bổn sở, tốt hơn là xin giấy chứng minh lương y trước khi đi La Mã và sau khi nghĩ mình được ơn riêng Đức Mẹ cho thuyên giảm bệnh tật rồi, gửi giấy má ấy đến tay Cha Sở La Mã”.
Làm huấn lệnh này tại Vĩnh Long ngày 11 tháng 2 năm 1952 cũng là ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức”.
Đức cố Phê-rô Ngô Đình Thục, nguyên Giám Mục Vĩnh Long