Sáng ngày 13.1, có hai Đức Cha Giuse và 140 linh mục, đông đảo tu sĩ nam nữ và hàng ngàn khách hành hương về bên Mẹ Tà pao hiệp dâng thánh lễ đầu năm mới.
Mở đầu thánh lễ, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống ngỏ lời với cộng đoàn.
Xin cùng hợp với các cha đồng tế, cách riêng với Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân Giám mục Giáo phận Cao Bằng Lạng Sơn, gửi đến quý tu sĩ cùng toàn thể quý ông bà anh chị em, quý khách hành hương lời chào mừng rất đặc biệt trong ngày hành hương Mẹ Tà pao hôm nay.
Chắc là cộng đoàn cũng kịp ghi nhận thánh lễ hành hương ngày 13 tháng giêng năm 2015 hôm nay có những nét đặc biệt.
Đặc biệt thứ nhất, ai cũng trong tư thế chống lạnh, xem ra có cái gì xe lạnh với cộng đoàn chúng ta ở đây, đố biết từ đâu đến? Thưa, do Đức Cha Giuse đem từ Lạng Sơn đến đây. Hình như ở Cao bằng Lạng sơn, giờ này là 7 độ C, ngài vào với chúng ta trong cuộc hành hương sáng nay, ngài đem không khí lạnh từ Phương Bắc về đây. Chúng ta xin được mừng ngài bằng một tín hiệu vui mừng. Rồi đặc biệt hơn nữa, chúng ta thấy trên cung thánh có con số các linh mục rất đông. Chắc có một vài người đã đếm con số là trên 140 linh mục cử hành thánh lễ. Các ngài là những linh mục từ giáo phận Phan thiết và cùng một số linh mục từ các giáo phận tham gia hành hương hàng tháng, nhất là quý cha Dòng Châu Thủy đã phục vụ cử hành Bí Tích Hòa Giải tại trung tâm thánh mẫu này. Các ngài đang dự tuần tĩnh tâm hằng năm. Hôm nay, đến đây cũng dâng cuộc sống của mình nhất là dâng tuần tĩnh tâm cho Đức Trinh Nữ Maria tại Tàpao, xin Mẹ Tà pao cũng chuyển cầu và chúc lành cho các ngài. Vì vậy, chúng ta cũng một tín hiệu vui mừng nữa cho các linh mục đang hiện diện nơi đây. Và rồi nét đặc biệt thứ ba, đó là ngày hành hương, nếu như tháng 12 chúng ta đến đây trái tim căng tràn niềm tạ ơn, thì khởi đầu năm mới, chúng ta đến đây với tất cả niềm cậy trông. Những ca khúc, những lời kinh, những ý khấn đã được dâng lên chính là tâm nguyện của quý khách hành hương. Vì vậy, một khi đã được xưng tụng là Mẹ Thiên Chúa đầy uy quyền, và cũng thật gần gũi với dân sinh là Mẹ nhân loại, Mẹ vẫn là Mẹ dịu hiền. Đầy uy quyền nên Mẹ có thể chuyển cầu cho tất cả mọi người được những sở nguyện theo ý khấn xin. Và đầy nhân hiền nên Mẹ hiểu rõ chúng ta hơn bất cứ ai, là Mẹ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, và luôn luôn chúc lành cho con cái của Mẹ. Vấn đề là chúng ta vững niềm trông cậy nơi Mẹ, xin Mẹ chuyển cầu cho những ơn lành. Đó là niềm vui của thánh lễ và chúng ta cũng chung lời cầu nguyện cho tất cả những ý khấn hôm nay. Và để của lễ chúng ta hiệp dâng lên trong ngày hành hương được đẹp lòng Chúa, hãy chân thành sám hối nhìn nhận tội lỗi của chúng ta.
Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân giảng lễ, nội dung như sau:
“Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Trong dịp cùng quý Đức Cha, quý linh mục đoàn của Giáo phận Phan Thiết tĩnh tâm năm ở Tòa Giám mục Phan Thiết. Chúng tôi cùng hiện diện tại Trung Tâm Thánh Mẫu Mẹ Tà pao này để cùng với anh chị em Thờ lạy, Tạ ơn Chúa và tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Hôm nay, là những ngày đầu tiên của Năm Mới Dương lịch 2015, nên chúng ta cùng dâng lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại, Mẹ Giáo Hội và là Mẹ của các linh mục. Dịp tĩnh tâm năm của linh mục đoàn Giáo phận Phan Thiết cùng với sự hiện diện của quý cộng đoàn thật sự là một hồng ân của Chúa để giúp chúng ta nhìn lại một năm đã qua, nhìn lại cuộc sống của chính mình, nhìn lại những ưu khuyết điểm của mình. Nhìn lại chính mình để nhận thức những trách nhiệm, những bổn phận phải chu toàn trong ơn gọi của mỗi người. Nhìn lại chính mình để tự nhận ra những hạn chế, những bất lực, những yếu kém của thân phận làm người trong ơn gọi Kitô hữu. Thời gian trôi qua làm chúng ta cảm nhận, đã làm người không ai có trường sinh bất tử, bởi vì tiếng khóc chào đời cũng gắn liền với hơi thở cuối cùng của kiếp nhân sinh. Điều chúng ta cần cảm nhận là chúng ta đã làm gì, đã sống ra sao trong ơn gọi Kitô hữu của mình để giúp cho mình và giúp cho đời. Cùng bước vào những ngày đầu của Năm Mới Dương lịch và hướng tới Tết Âm lịch Ất Mùi 2015, có lẽ ai trong chúng ta cũng ước mong mọi sự tốt đẹp hơn với Phúc lành của Chúa.
Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Trước hết, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử tước hiệu Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Vào đầu thế kỷ thứ V, một cuộc xung đột lớn lao đã xảy ra trong Giáo Hội xoay quanh việc Ngôi Hai nhập thể. Thế nên, vào năm 431, Hội Thánh đã triệu tập công đồng Êphêsô dưới sự chủ tọa của thánh Cyrillô, các nghị phụ Công đồng đã tuyên bố cất chức giáo chủ Nestoriô và đánh đổ lạc thuyết của ông chống đối tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ Maria. Bởi vì theo Nestôriô, chỉ nên gọi Mẹ Maria là Mẹ của Đức Giêsu Kitô, chứ không được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Công đồng Êphêsô đã định tín Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vì thực sự Mẹ đã sinh ra Con-Thiên-Chúa-Làm-Người. Bắt đầu từ công đồng Êphêsô tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa đã trở thành tước hiệu chính thức của Đức trinh nữ Maria. Đức giáo hoàng Piô XI đã viết khi thiết lập thánh lễ kính trọng thể Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào năm 1931 nhân dịp kỷ niệm 1500 năm Công đồng Êphêsô: “tín điều Mẹ Thiên Chúa là một nguồn nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa” (Lux Veritatis 1931).
Bởi vâng phục Thiên Chúa, Đức Mẹ đã chấp nhận sứ mạng được Thiên Chúa trao phó cho Mẹ một cách quảng đại và mau mắn. Khi Mẹ thưa với Thiên thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” chính là lời đáp trả của đức tin, một đức tin đầy lòng tin tưởng và khiêm hạ. Với đức tin toàn vẹn, Mẹ Maria nhận thấy công cuộc tạo dựng kỳ diệu đang xảy ra nơi việc Nhập thể của Ngôi Lời hằng hữu, đó là sự tạo dựng của trời mới đất mới, sự tạo dựng kỳ diệu hơn sự tạo dựng cũ trụ hữu hình thuở ban đầu, Đức Mẹ Maria đã cưu mang trong lòng Ngôi Lời là Con Một Thiên Chúa Cha, để đưa Ngài vào thế gian khởi đầu cho công cuộc cứu độ nhân loại.
Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Giáo Hội
Công đồng Vaticanô II trong hiến chế Lumen Gentium sau khi tuyên bố Đức Maria là thành viên trổi vượt” là “kiểu mẫu” và “gương sáng” của Giáo Hội, Công đồng dạy tiếp: “Giáo Hội Công giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Người tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu” (LG 53). Chính khi mô tả những tình cảm con thảo của mình, Giáo Hội nhìn nhận Đức Maria là người Mẹ yêu quý nhất của mình, gián tiếp tuyên bố người là Mẹ Giáo Hội, vì Đức Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi nhận làm Mẹ Chúa Giêsu. Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã muốn công đồng Vaticanô II tuyên bố: “Đức Maria, với tư cách là Mẹ Đức Kitô cũng là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và các chủ chăn, nghĩa là Mẹ Giáo Hội”. Như thế tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu nhiềm xác tín sâu xa của người tín hữu Kitô, khi nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của Chúa Kitô Nhập Thể, mà còn của mọi tín hữu Kitô. Người được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ kẻ sống, thì thật chính đáng khi Người là Mẹ Giáo Hội và là Mẹ đích thực của mỗi chúng ta.
Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của các Linh mục
Ngày nay, Đức Maria hiện diện giữa Hội Thánh để tiếp nối sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Hội thánh. Trong Hội Thánh, Đức Maria vừa là người “môn đệ đầu tiên” tin tưởng vào Thiên Chúa vừa là “chứng nhân” tiên khởi cho tình yêu cứu độ của Chúa Cha. Đức thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II lý giải: “Quả thực, người môn đệ yêu quý, là một trong Nhóm Mười Hai, tại Nhà Tiệc Ly đã nhận lệnh truyền “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19) cũng chính là người đã được Chúa Kitô từ trên thập giá trao phó cho Mẹ Ngài: “Đây là con Mẹ” (Ga 19,26). Qua những lời Chúa cứu thế đang hấp hối thốt ra, người mà trong Ngày thứ Năm Tuần Thánh đã nhận quyền cử hành bí tích Thánh Thể, cũng là người được trao phó là con của Mẹ Ngài. Vì thế, tất cả chúng ta nhờ bí tích truyền chức linh mục, đã nhận được cùng một quyền năng như Gioan, thì theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta cũng là những người đầu tiên nhận Đức Maria là Mẹ chúng ta. Do đó, tôi mong ước tất cả anh em cùng với tôi, gặp lại nơi Đức Maria người Mẹ của chức Linh mục, chức vụ mà chúng ta đã nhận được từ Chúa Kitô”.
Thánh Gioan, người Tông đồ đã được Chúa gọi (Mt 4,21) người môn đệ được Chúa yêu (Ga 13,23), và có thể nói là vị Tân linh mục vừa được thụ phong tại Nhà tiệc ly, đã thực thi di chúc của Chúa Giêsu. Ông đưa Đức Maria về nhà mình, để Mẹ dạy bảo, ủi an, nâng đỡ và giúp ông kiên trì thực thi sứ vụ trước những thử thách khó khăn. Ông đưa Đức Maria về nhà mình, để ông thay Chúa Giêsu thể hiện bổn phận hiếu thảo: yêu mến, vâng phục, bàn hỏi và bắt chước gương sống của Mẹ, nhờ đó mỗi ngày ông trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Noi gương Thánh Gioan Tông đồ, người linh mục cũng phải đưa Đức Maria vào cuộc đời mình, để nhờ Mẹ hướng dẫn, chúng ta có thể trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Giêsu, và cố trở nên “Alter Christus- Chúa Kitô khác” để tiếp tục công trình cứu độ trần gian của Ngài.
Để kết thúc bài suy niệm này, tôi xin kể ra đây một câu chuyện đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa:
“Một chú bé nghèo khổ, quần áo tả tơi, không biết chữ o tròn hay méo, lê đôi chân gầy đi đến một khu phố nghèo nàn ở Paris, thủ đô nước Pháp. Chú ấy tên là Gioan, 7 tuổi, đi tìm một ông lão tên là Bouin, cũng nghèo, sống bằng nghề viết thư mướn. Chú bé vào nhà, lễ phép cúi chào cụ già, và xin giúp đỡ. Ông già hỏi chú: “Cháu muốn gì?” Chú lễ phép thưa: “Cháu muốn viết một lá thư”. Ông già bảo chú trả 10 xu. Chú bé ngập ngừng rồi thưa: “xin lỗi cụ, cháu không có tiền”. Nói xong chú thất thểu ra đi. Ông già ngó theo thương hại, kêu ngược lại: “Ê bé, mày không có 10 xu sao? Mày con ai?” Chú từ tốn đáp: “Dạ cháu là con của mẹ cháu”. Ông già nói: “Vậy là ta hiểu rồi, cháu không có 10 xu, mẹ cháu cũng không có, vậy thì viết thư để xin chút cháo phải không?” Chú bé khẽ gật đầu. Ông già nói tiếp: “Được rồi, vào đây ông viết hộ cho”. Ông Bouin thầm nghĩ, hy sinh chút mực, nửa tờ giấy thì cũng chẳng làm mình nghèo thêm đâu. Ông lấy giấy ra, cầm bút, chấm mực, viết chữ thật đẹp: “Paris, ngày tháng năm… Kính thưa ông…”, ông đọc lại cho chú bé nghe và b ảo muốn viết gì thì nói để ông viết tiếp. Chú bé ấp úng: “Dạ không phải ông”. Ông lão gạn hỏi: “không phải ông, thì bà?” Chú bé thưa: “Dạ bà, mà cũng không phải”. Ông Bouin thấy bực mình, ông bắt đầu cáu gắt: “đã không biết ai để gửi, mà lại còn đòi viết thư”. Chú bé lấy hết can đảm thưa: “Cháu muốn viết thư cho Đức Mẹ Maria”. Không cười nữa, ông già nghiêm nghị nói: “Ta không cho là mày muốn chế nhạo lão già này, hãy ra khỏi cửa, xéo đi gấp”. Chú bé ngoan ngoãn bước ra khỏi cửa, đôi chân đầy bụi và rướm máu. Thấy chú bé quá hiền, ông già động lòng trắc ân gọi chú trở lại và quan sát nét mặt chú bé. Ông lùng bùng: “Chà! Lắm kẻ nghèo đói ở Paris này”. Ông hỏi chú bé: – “Tên cháu là gì?” – “Dạ, tên cháu là Gioan”. “Gioan gì nữa?” – “Dạ, Gioan thôi ạ”. “Nhưng cháu muốn thưa gì với Đức Mẹ?” – “Dạ, cháu muốn thưa với Người là mẹ cháu đã ngủ từ bốn giờ chiều hôm qua, xin Người đến đánh thức mẹ cháu dậy, cháu không làm sao gọi mẹ cháu dậy được”. Con tim cụ già nhói lên trong lồng ngực vì ông hiểu sự gì đã xảy ra. Ông hỏi tiếp: – “Mà tại sao lúc nãy cháu bảo viết thư xin chút cháo?” Chú bé trả lời: – “Dạ đúng như vậy, trước khi ngủ, mẹ cháu cho cháu miếng bánh cuối cùng. – “Còn mẹ cháu ăn gì?” – “Đã mấy ngày rồi, mẹ cháu không ăn gì, mẹ cháu nói mẹ không đói” – “Nhưng lần này thì cháu thấy sao?” – “Mẹ cháu lạnh lắm, nhà cháu chũng lạnh lắm, hai tay mẹ cháu bất động và đang chắp trên ngực, mặt mẹ cháu trắng bệch”… Ông già thầm nghĩ: chà, tôi đang thu tiền, tôi đang ăn no, tôi đang uống ngon, mà bên cạnh tôi, lại có người đàn bà chết đói. Ông gọi đứa bé lại bên ông, đặt nó ngồi trên gối và nói hết sức dịu dàng: – “Cháu ơi, thư cháu đã được viết rồi, được gởi đi rồi và đã được nhận rồi. Hãy dẫn ông đến nhà mẹ cháu”. –“Được, cháu sẽ dẫn ông tới, nhưng tại sao ông lại khóc? Cậu bé Gioan ngạc nhiên hỏi cụ già như thế. Ông già trả lời: “Ông đâu có khóc”. Nhưng ông ôm ghì cậu bé vào lòng, nước mắt giàn giụa chảy xuống trên nó. Đàn ông ai lại khóc? Ông đứng lên và dường như ông đang nói với người vô hình: “Bà mẹ đáng thương ơi, bà hãy vui lên. Các bạn tôi có nhạo cười, tôi cũng mặc. Bà ở đâu, tôi muốn đi thăm và dẫn đứa bé này về, thiên thần bé nhỏ đáng thương này, nó sẽ không bao giờ lìa xa tôi nữa, bởi vì lá thư gửi cho Đức Mẹ tuy không được viết kia đã có hai kết quả: là cho cháu bé một người cha và cho tôi một tấm lòng với niềm tin mến vào tình thương yêu của Đức Mẹ Maria”.
Câu chuyện cảm động này giúp chúng ta không biết người đưa thư nào đã mang những loại thư chưa viết này đi, nhưng lá thư ấy đã thấu tới trời, đến tận ngai tòa Đức Trinh Nữ Maria, nên đã có kết quả thật cảm động như chúng ta vừa nghe. Chớ gì mỗi người chúng ta để cho Đức Mẹ đánh động con tim của các linh mục và mọi người để thực thi bác ái như cụ già Bouin đối với bất cứ Gioan nào chúng ta gặp trên cuộc đời còn đầy khó khăn thử thách này. Với ơn gọi và sứ mạng của linh mục Chúa Giêsu Kitô và các Kitô hữu, chúng ta hãy hăng hái ra đi làm chứng về tình yêu thương của Thiên Chúa: “Hãy đem tin mừng đến cho những người nghèo khổ, đem niềm hy vọng cho những người thất vọng, đem niềm tin đến cho người chưa tin, đem niềm vui đến cho những người sầu khổ, đem tình yêu đến cho những người bị loại trừ, đem sự hòa giải đến cho những người bị mặc cảm, đem sự kính trọng đến cho những người bị khinh khi, đem ơn Cứu độ đến cho tất cả mọi người” (Thư HĐGM VN). Nguyện xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Thiên Chúa, luôn ban cho các linh mục của Mẹ và cộng đoàn hiện diện muôn Hồng ân của Chúa, xứng đáng là chứng nhân của Tin mừng tình yêu của Chúa nơi Giáo Hội và trong thế giới hôm nay. Amen”.
Sau thánh lễ, quý linh mục trở về Tòa Giám Mục tiếp tục những ngày tĩnh tâm. Khách hành hương lên núi lần chuỗi, cầu nguyện bên Mẹ Tà pao.