Nhiều luận cứ đưa ra nói về nguồn gốc tên gọi La Vang:
1. Một lập luận nói tại rừng La Vang có một thứ cây giây leo, tên Cây Vằng, người ta hái Lá Vằng phơi khô bán cho sản phụ uống. Lá Vằng là một vị thuốc bồi dưỡng sức khoẻ, làm gia tăng máu huyết, đưa huyết áp lên, làm co rút tử cung của sản phụ nhanh mà không đau bụng, làm sản phụ nhiều sữa, gương mặt tươi tắn hồng hào. Từ chữ Lá Vằng đọc trại đi thành La Vang.
2. Thuyết thứ hai nói rằng nơi chốn rừng rú La Vang vốn xưa kia nhiều cọp beo hại người (gia đình bên ngoại ba tôi ở Lại Môn La Vang có người con dâu bị cọp chụp). Do đó xưa kia những người đi rừng đi rú, ở lại đêm thường chia nhau thức canh, thấy động thì ‘la vang’ lên để mọi người đến tiếp cứu. Hai lý luận, cái nào nghe ra cũng chính đáng, có lý, nhưng chúng ta thử nhìn vào một gốc cạnh địa phương để tìm hiểu sự thật là như thế nào về nguồn gốc của tên linh địa ngày nay nổi tiếng thế giới là La Vang.
Với tên gọi là La Vang, có nhiều cách lí giải khác nhau
Thật tình chuyện lá vằng là có thật. Tuy người ta gọi là uống lá vằng, nhưng sự thật là ngưởi ta uống hết cành lá dây leo, vì lá nhỏ và dây nhiều. Nhưng cần nghiên cứu về thứ tiếng dân quê rừng rú để biết sự thật. Chuyện quan trọng là tiếng nói và chữ viết của người Quảng Trị rất chỉnh (chỉ hay sai dấu hỏi ngã). Trong lúc người Huế, xa Quảng trị có 55 cây số, mà phát âm nhiều chữ khác hẳn. Ngoài cái sai hỏi ngã của người Miền Trung, người Huế học theo điệu nói uốn éo bắt chước theo các bà Hoàng gốc miền Nam thành ra cách phát âm rất sai. Chẳng hạn chữ THIÊN là trời thì họ đọc là THIÊNG (thiêng liêng), NÓI thì họ đọc là NOÁI vv., và họ cho vậy là ra vẻ quí tộc, rồi quen miệng luôn. Trở lại người đưa ra ý kiến rằng La Vang là do chữ Lá Vằng đọc trẹo mà thành, người đề ra đó có lẻ cũng nghe người Huế đọc sai, nên mới sai nghĩa của cây lá hoàn toàn. Vì cây Lá Vằng tên thật là Lá Vằn (đọc đúng theo âm điệu của dân Quảng Trị), theo Huế là Vằng.
Vậy chúng ta thử nghĩ từ ‘Lá Vằn’ rất nặng nề có thể biến thành chữ La Vang cho người Quảng Trị không? Vì vốn chữ La Vang là chữ của người dân quê rừng rú Quảng Trị đặt ra. Người Quảng Trị không bao giờ kêu miền rừng rú LA Vang là ‘La Van’ để người Huế biến thành La Vang sau đó. Người Quảng Trị kêu là La Vang tức là kêu đúng nghĩa của nó không sai. Còn cây LÁ VẰN thì hiện tại người Quảng Trị vẩn kêu ‘lá vằn’ nặng nề nghe ra chẳng thanh bai đẹp đẽ gì, nhưng họ vẩn kêu đúng như vậy. Tính như vậy thì chữ ‘Lá Vằn’ khó mà là nguồn gốc của tên La Vang, phải không thưa quí vị ?
Bây giờ chúng ta tính tới giả thuyết thứ thứ hai. La Vang là do chữ LA TO, LA LỚN lên. LA to lớn tiếng cho VANG dậy lên mọi người cùng nghe. Cách giải thích nầy do cụ thượng thư Nguyễn Hữu Bài đưa ra. Dân Quảng Trị nghèo khổ vào rừng đốn củi đốt than kiếm ăn thường họ phải kiếm tranh tre làm nhà chòi ở lại nhiều ngày cho một chuyến. Để tự bảo vệ cho nhau họ phải thay phiên thức đêm đốt lửa đánh kẻng. Nếu có nguy biến thì la lên kêu cứu nhau. Nhưng tiếng Quảng Trị thường kêu là LA TO, người Bắc thì bảo là LA LỚN, dân Nam thì gọi LA BỰ. Dân Quảng Trị nhất là dân quê rừng rú lại không dùng từ nghe rất oai hùng huy hoàng mà thanh bai là chữ ‘Vang’.
Chữ ‘Vang’ không ẩn ý khẩn cấp cứu nguy trái lại nó ẩn nghĩa : hay, đẹp, oai, hùng, rộng lớn, sang trọng, hoành tráng mà lãng mạng nữa. Trong nguy khốn họ dùng chữ đơn sơ là : la to, la hét, la hoảng, bớ bà con cứu với cứu với. Tiếng kêu la cứng rắn chắc nịch chứ không vang dội, trừ ra họ nghe tiếng vang dội lại của núi rừng. Khi có tiếng vang dội lại của núi rừng thì tiếng đó mới là tiếng ‘vang’ hùng vĩ. Như vậy là có la thì nó sẽ vang dội lên từ núi rừng, chứ không phải tiếng của họ là ‘la vang’. Vậy họ dùng chữ La Vang là muốn nói rằng lúc họ la lên thì nghe vang dội lại tiếng của núi rừng chăng ? Luận cứ thứ hai nầy xem ra chỉ có nghĩa lý 50%.
Một điều chúng ta không thể chối cải là, chính dân quê rừng rú Quảng Trị là những người đã đặt ra tên La Vang. Họ hoàn toàn là dân đơn sơ, mộc mạc, ăn nói tự nhiên, không hề nói trật nói trẹo từ lá vằn ra la vang, cũng không la vang để xin cấp cứu. Như vậy giả thuyết Lá Vằng có vẻ là không hợp lý và luận điểm thứ hai chỉ có nghĩa 1 phần.
Vậy tên LA Vang mà dân tiều phu đi rừng đi rú đặt ra đó là do đâu ? Chúng ta thữ dựa trên tính chất hiền hoà mà cương trực, mộc mạc mà thẳng thắn, tiện tặn mà giàu lòng, nghèo khổ mà bất khuất của dân Quảng Trị để tìm hiểu ý nghĩa của tên linh địa La Vang.
Tên gọi La Vang cũng có thể hiểu là tiếng la được vang lên
Trong việc tìm hiểu về cuội nguồn tên La Vang, tôi xin đưa ra một nhân chứng. Chính thị là tôi, sinh quán tại làng Cổ Thành tỉnh Quảng Trị. Tôi xin phép dông dài một chút về khía cạnh lịch sử nhỏ của tỉnh Quảng Trị: Làng Cổ Thành, sinh quán của tôi, nguyên là thành cổ của chúa Nguyễn Hoàng khi vào Nam lập nghiệp. Đến đời Sãi Vương thì chợ Sãi được dựng lại ở ngay giữa 2 làng Cổ Thành và Hậu Kiên. Hậu Kiên là tên 1 trong 5 đạo binh của chúa Nguyễn Hoàng khi vào Nam dựng lập nên để chống chúa Trịnh, gồm : Tiền Kiên, Trung Kiên, Hậu Kiên, Tả Kiên và Hữu Kiên. Sau khi quân đội dời vào Quảng Hoá tức Huế sau nầy thì tên đạo binh trên trở thành tên làng. Hai làng nầy nằm trên một địa thế rất đẹp là mảnh đất được con sông Thạch Hãn rẻ đôi ôm bọc. Sự kiện lịch sử trên đây cũng là nguyên nhân khiến Đức Mẹ hiện ra lại La Vang Quảng Trị. Nguyên nhân rất đơn giản, Quảng Trị tuy nhỏ và nghèo, cái xứ ‘chó ăn đá gà ăn muối’, nhưng là đất tổ nhà Nguyễn, lại sát nách kinh kỳ, nên các vua cấm đạo lo bài trừ thật kỷ cái gai trong bọc. Nên việc giết đạo ở Quảng Trị thật ồn ào da diết, người ta quyết diệt tuyệt căn, nhất nước. Mà có tuyệt căn như vậy dân chúng mới vào rừng cầu nguyện để Đức Mẹ hiện ra.
Gia đình ba mạ tôi ở Cổ Thành. Tôi tuy là con thứ 5 của gia đình 7 con, nhưng được Mạ tôi cưng đặc biệt, từ bé tí mạ đi đâu cũng đem tôi theo. Trong nhà ba tôi có chiếc xe ngựa và ‘xe tay’ tức là xe kéo có chú kéo xe. Vì vậy từ 2, 3 tuổi tôi đã thấy mình được ngồi trong lòng mẹ đi La Vang. Sau khi đi tản cư về năm 1947, ba mạ tôi dọn lên chợ tỉnh Quảng Trị. Tôi học trường tiểu học Têrêxa của các chị Nhà Phước Trí Bưu. Tuy còn nhỏ mà cứ đến Chúa Nhựt tôi thường xin phép mạ một mình đi kính viếng Đức Mẹ La Vang với 1 loong gạo và 1 cái trứng trong tay. Ra đến ngã tư rẻ lên La Vang là đứng đợi dân làng gánh củi gạo đi buôn, tôi nắm gióng (của gánh củi hay gạo) xin chạy bộ theo. Lên đến La Vang tôi tìm ngay đến các O Nhà Phước gởi gạo và trứng xin nấu dùm. Vậy là tôi vào Đền Đức Mẹ lân la cầu nguyện, đến trưa tôi ra xin mấy O ăn cơm. Ăn xong một mình tôi thơ thẩn ra vào để rồi chiều xế bóng ra đường cái kiếm người xin đi theo về tỉnh lỵ. Khi ra vào chầu Mẹ, tôi thường hay ra phía sau Đền Thờ, nhìn ngắm núi rừng xa xa… Tôi tự cho mình làm thí nghiêm: Tôi đứng nhìn vào vách núi La Vang xa xa, kêu lên « Thanh ơi ». Phải mấy tích tắc sau tôi mới nghe một tiếng đáp lại thật lớn « Thanh ơi », thật oai phong hùng vĩ mà cũng thật dễ sợ! Tôi cố nghiên cứu cho ra lý do. Tôi rất thích làm thí nghiệm tiếng dội, tôi la và có tiếng vang lên như vậy. Tôi mới bừng tỉnh ra rằng do tiếng la mà vang lên đó nên dân địa phương đơn sơ mộc mạc gọi nơi đây là LA VANG ? Thật là âm vang hùng vĩ khó tả so với tiếng la cấp cứu thường.
Vậy thì tiếng ‘vang’ dội từ núi rừng trong những lúc dân quê rừng rú ‘la’ cấp cứu lên, phải chăng đó mới thật là tiếng ‘Vang’ danh từ trong tên linh địa ‘La Vang’. Như vậy tiếng ‘Vang’ không thể do chữ ‘vằn’ đọc trẹo mà ra. Cũng không thể là ‘trạng tự’ của tiếng ‘la’ cấp cứu của do dân tiều phu ngày xưa. Tiếng ‘vang’ chính là tiếng dội của rừng núi từ tiếng ‘la’ cấp cứu của dân đi rừng. Vậy tiếng ‘Vang’ là một danh từ chứ không phải là trạng từ của tiếng la. Dân đi rú ngày xưa đã ghép tiếng ‘La’ của mình với tiếng ‘Vang’ dội lại của núi rừng : « Mấy ‘en’ ơi, tui thấy mổi lần miền ‘la’ lên thì tiếp theo, núi rừng ‘vang’ dội đến rùng rợn! Như rứa cọp beo khôn sợ mà chạy răng được chớ. Chổ ni đúng là chổ La (và) Vang thiệt. Chổ ni miền kêu là La Vang hè.» « Chú mi nói rứa là trúng lắm đó, cứ kêu chổ ni là La Vang cho tau.» (tôi tưỡng tượng những trao đổi ngày xưa giữa tiều phu). Đó phải chăng là nguồn gốc chính đáng của tên kép linh địa LA VANG. Vậy La Vang chính thật là danh từ kép rồi.
Tên gọi La Vang mang nhiều ý nghĩa khác nhau
Sở dỉ tôi đặt nặng vấn đề tìm hiểu về nguồn gốc tên gọi linh địa, vì tên La Vang có nhiều ý nghĩa LA VANG rất tuyệt vời. Tỉnh Quảng Trị vốn là đất tổ nhà Nguyễn dấy nghiệp, là đất cho các bà Hoàng trốn lánh khi có loạn, lại ở sát nách Đế đô. Nên không nơi nào bị giết nhiều như Quảng Trị. Tại Trí Bưu các lăng tử đạo tập thể ngập đồng. Dân làng Trí Bưu hần như CG cả làng. Từ lúc 4 tuổi ở ký túc trong dòng Mến Thánh Giá Trí Bưu, tôi đã nghe kể rằng quân binh trong Huế ra đuổi hết dân làng vào nhà thờ rồi chất củi đốt (chính cả trường chúng tôi đã chạy chơi ù mọi, đá banh trên lăng tử Đạo lớn).
Ý nghĩa La Vang đầu tiên là tiếng ‘la vang’ trong âm thầm nhiệm mầu của Đức Tin các thánh tử đạo lên với Thiên Chúa trên trời. Tiếp đến là tiếng ‘la vang’ thứ hai, la vang âm thầm trong nguyện cầu của những người đói khát ốm đau khốn khổ run sợ nương nấu trong rừng. Và tiếng La Vang đó đã thấu đến tai Nữ Vương Thiên Đàng. Tiếng La vang đó đã kéo Ngài xuống với dân tộc Việt Nam. Nhờ tiếng La vang đó mà dân tộc Việt Nam được biết bao ơn lành tự Trời đổ xuống.
Một tiếng La Vang thứ ba là tiếng Đức Mẹ trã lời « Chúng con hãy cam lòng chịu khổ (để góp phần đền bồi phạt ta trái tim yêu thương của Chúa Giêsu và trái tim bị lưởi đồng đâm thâu của Mẹ)». Sao mà khổ vậy Mẹ ôi ! chúng con đã khổ nhiều rồi, nhưng Mẹ muốn chúng con ‘cam lòng chịu khổ’ nữa. Lời ấy Mẹ vẩn gởi cho chúng con bây giờ đây và mãi mãi, chúng con xin vâng.
Tiếng La Vang thứ tư là tiếng dội trở lại của Nữ Vương Thiên Đàng trong lòng mổi một người khi bước chân đến La Vang. Như tiếng La Vang của Đức Mẹ nói với mọi người, cũng như nói với một người Phật giáo có lòng tin vào Mẹ là thân phụ của nữ nhạc sĩ Lê Tín Hương (Hiệp Nhất số 64) «Ta là Đức Mẹ La Vang, Ta đến cứu con đây ». Ôi! phước lộc vô vàn, quí báu biết là bao nhiêu! Trước câu thú thật thoát ra từ miệng của một người cha gia đình Phật tử thủ cựu. Và cảm động chi xiết khi chính Đức Mẹ nhận mình là ‘Ta là Đức Mẹ La Vang’. Đức Mẹ La Vang, La Vang cái tên mà dân quê mùa Quảng Trị đã đặt cho Mẹ, Mẹ nhận. Đây đúng là một phút giây lịch sữ quí báu vô ngần. Chúng ta còn đòi phép lạ nào để chứng minh, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đã nhận lảnh tên Đức Mẹ La Vang hiện ra trên mảnh đất đau buồn Quảng Trị trung tâm của nước Việt Nam, với dân tộc Việt Nam.
Đức Mẹ La Vang la vang lên cho chúng ta nghe, nhưng khổ thay không phải lúc nào chúng ta cũng nghe thấy tiếng Đức Mẹ rõ ràng đâu. Tiếng Mẹ lại càng la vang thêm và rồi sớm muộn gì chúng ta cũng nghe tiếng la vang của Đức Mẹ La Vang dội lại từ núi rừng Tin Cậy, từ núi rừng Yêu Thương Kính Mến, từ núi rừng Cầu Nguyện của các thánh tử đạo, của những người con yêu của Mẹ là của chúng ta hết thảy. Và Đức Mẹ càng la vang hơn nữa thúc dục chúng ta ăn năn thồng hối, sống theo tinh thần Phúc Âm Chúa Giêsu, làm gương tốt cho trẻ con, cho người ngoại giáo, làm tông đồ cho Chúa giữa trần gian u tối. Và ý nghĩa thứ năm và cũng là cuối cùng là một tiếng La Vang dội khắp thế giới hiện sinh chìm đắm trong vật chất u ám từ linh địa nghèo nàn đau khổ La Vang qua núi rừng cầu nguyện của các CĐNVCG khắp thế giới. Tiếng dội La Vang đã lan ra khắp hoàn cầu, và dội lên vủ trụ thấu tới Thiên Đàng. Ân đức của Đức Mẹ từ đất Quảng Trị đau thương đã lan ra khắp mọi miền trên thế giới tới Thiên Đàng.
Nguyên bao tiếng ‘La Vang’ đó đã là phép lạ lớn lao của Mẹ Maria. Nơi đây hiện đã trở thành nơi LA lên để nghe tiếng VANG dội cho cả Thiên Đàng, cho nước Việt Nam và cả thế giới cùng nghe. Như vậy tên La Vang có nhiều ý nghĩa thật tuyệt diệu vô cùng, ý nghĩa hay hơn đâu khác mà đức Mẹ hiện trên khắp thế giới. Phải chăng Đức Mẹ đã mặc khải cho dân quê mùa rừng núi chọn cho Mẹ cái tên LA VANG mầu nhiệm ?
Lạy Đức Mẹ La Vang, chúng con không biết gì hơn là bao nhiêu lòng Yêu Mến vô vàn dâng lên Mẹ. Có những lúc chúng con thờ ơ với Mẹ, nhưng xin Đức Mẹ cứ xem như chúng con vẩn thầm thỉ với Mẹ liên liên như trong những giây phút ân tình nhất.
Trích VietCatholic News