Năm 1972, chiến tranh quốc cộng giữa Nam Bắc khốc liệt xảy ra ở Quảng Trị, La Vang bị tàn phá nặng nề. Bao công trình kiến tạo đều bị bom đạn san bằng, ngôi thánh đường còn một nữa phía sau, chỉ trừ ba cây đa nhân tạo nơi đài Mẹ, tục truyền là nơi Mẹ đã hiện ra là còn nguyên vẹn.
Mùa xuân 1974, Ðức Mẹ thánh du Ðạo Binh Xanh quốc tế tổ chức đã đến La Vang trong cảnh hoang tàn, nhưng rất đông con cái mẹ đến kinh viếng.
Những người lính nhảy dù tham dự Thánh Lễ tại La Vang sau khi Quảng Trị được tái chiếm đóng cuối 12/1972
Từ sau năm 1975, mặc dù hoàn cảnh có khó khăn, chính quyền Cộng Sản cấm ngặt những sự tụ tập ở linh địa La Vang, tuy thế con cái Mẹ không riêng gì ở giáo phận Huế mà nhiều nơi trong nước Việt Nam, vẫn tìm cách về bên Mẹ.
Mãi đến năm 1990, chính quyền thấy rằng việc nghiêm cấm giáo dân hành hương “về bên Mẹ” là bất lợi, nên chính quyền huyện Triệu Hải (tỉnh Quảng trị) cho phép tổ chức đại hội trong sự hạn chế tối đa. Văn bản cho phép của huyện chỉ có trước một tuần lễ, và chỉ cho phép linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang, cha sở Diên Sanh kiêm linh địa La Vang, đứng ra điều hành thôi. Bởi đó, về mặt tổ chức chẳng có gì. Ðiện đèn lờ mờ chẳng ra sao, máy móc âm thanh phát tiếng cũng èo uột… nhưng về mặt tinh thần đạo đức của trên 20,000 giáo dân lên đến tột độ.
Phần còn lại của Thánh Đường La Vang năm 1994
Năm 1993, đại hội La Vang lần thứ 23 diễn ra từ thứ năm 12 tháng 8 đến 15-08-1993. Ðại hội lần này tuy còn bị hạn chế nhưng cũng được rộng mở hơn, lý do chính quyền CS nhận thấy có lợi về mặt chính sách và vật chất, chỉ riêng việc độc quyền giữ xe cũng đã thâu được mấy triệu đồng, chưa kể việc cho thuê đất để các quán xá dựng lên…
Ngày bế mạc có gần 50 ngàn con Mẹ từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Sài Gòn, Ðà Lạt, Gia Lai, Kontum, Ðà Nẵng cùng với giáo dân Huế cung nghinh Mẹ qua các con đường quanh linh địa, có cả trên 100 đơn vị.
Hôm nay, ở quê người, nhớ về Quảng trị, nơi chôn nhau cắt rốn, một tỉnh miền Trung tuy nghèo nàn nhưng đậm đà biết bao tình quê hương. Tôi cầu xin Mẹ La Vang cho quê hương tôi thoát khỏi bao đau thương, một ngày nào được trở về sống những ngày còn lại của cuộc đời để rồi được chết chôn trong lòng đất Mẹ.
Bùi Văn Giải