Phần 1: CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC MẸ LA VANG
Tháng 4 năm 2012, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam họp tại Xuân Lộc quyết định khởi công việc xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang, thuộc Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ủy thác cho Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giáo phận Huế thay mặt Hội Đồng Giám Mục Việt Nam làm “Chủ đầu tư”, Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn, Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Nghệ thuật Thánh phụ trách phần kỹ và mỹ thuật, Linh mục Giacobe Lê Sỹ Hiền, Quản nhiệm Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang làm “Trưởng Ban Quản lý Dự án”.
Tháng 10 năm 2012, trong phiên họp thường niên tại Thanh Hóa, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã bổ nhiệm một BAN KIẾN THIẾT ĐỀN THÁNH LA VANG gồm:
1. Trưởng ban kiêm đặc trách thi công: Đức TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giáo phận Huế.
2. Phó trưởng ban đặc trách kiến trúc: Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn, Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Nghệ thuật Thánh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
3. Phó trưởng ban đặc trách tài chính: Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hoá và Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng.
Ban Kiến thiết Đền Thánh La Vang, được sự chấp thuận của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhân dịp Đại hội XII diễn ra tại Sài Gòn ngày 7 tháng 10 năm 2013 đã quyết định thành lập UỶ BAN VẬN ĐỘNG QUỸ KIẾN THIẾT ĐỀN THÁNH LA VANG do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đặc trách.
Ngày 15 tháng 8 năm 2012, ngày lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, ngày truyền thống hàng năm của Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, trước sự chứng kiến của hàng trăm ngàn tín hữu từ khắp nơi tụ về, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cùng với sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa thánh tại Việt Nam và 17 vị Giám mục khác đến từ các Giáo phận ở Việt Nam, đã long trọng cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang. Công trình được bắt đầu ngay sau ngày đại hội này.
———————————————-
Phần 2: GIAI ĐOẠN THI CÔNG THÍ NGHIỆM THỰC ĐỊA
Toàn bộ diện tích 12.000 mét vuông được phân chia làm 19 lô đất theo kết quả khảo sát địa chất. Thực hiện thực tế khoan và ép mỗi cọc trên một lô đất, lấy kết quả thực tế để quyết định hiệu chỉnh chính xác các thông số kỹ thuật từng cọc.
Công việc khá vất vả do thời tiết ở Quảng Trị mưa bão liên tục, thi công cơ giới gặp nhiều khó khăn. Công việc được hoàn tất vào tháng 2 năm 2013.
———————————————-
Phần 3: THI CÔNG CÔNG TRÌNH – TỔNG QUÁT
Vì tính chất đặc thù của công trình cũng như hoàn cảnh việc xây dựng cụ thể tại Việt Nam, Ban Quản Lý Dự án phân chia công trình theo 5 giai đoạn, mục đích gói gọn từng phần công trình, dễ dàng trong việc chuẩn bị, chủ động được trong phần giám sát, lượng giá công việc, thanh toán và thanh quyết toán.
Sơ đồ phân chia giai đoạn thi công và tiên lượng dự toán công trình:
Các đơn vị được chỉ định tham gia thi công theo từng giai đoạn (cho đến hiện nay):
– Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Kiến Lương phụ trách phần thi công.
– Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Nhật Nam phụ trach phần Giám sát.
– Công ty TNHH Xây dựng Công trình Công nghiệp Quốc Thái An (NAINCONS) phụ trách phần tư vấn quản lý dự án.
– Phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng LAS-XD 429 thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Nhật Nam (ISO 9001:2008) phụ trách phần thí nghiêm và kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng.
Một số bộ môn đặc biệt được phối hợp thi công bởi các công ty:
– Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Sản xuất Việt Thương phụ trách phần thi công hệ thống âm thanh và truyền hình.
– Công ty TNHH Thương mại Ánh sáng Sơn Anh phụ trách phần thi công hệ thống chiếu sáng mỹ thuật công trình.
———————————————-
Phần 4: THI CÔNG CÔNG TRÌNH – GIAI ĐOẠN 1
Thi công phần móng cọc công trình. Từ ngày 14/03/2013 đén ngày 15/08/2013. Đơn vị thi công thực hiện các công việc:
– Đúc cọc tại chỗ.
– Khoan dẫn và ép cọc theo thiết kế: 1.343 cọc.
Công trình sử dụng:
– 2.500 khối đất đào.
– 2.100 khối bê tông.
– 130 tấn thép các loại.
– Máy thi công: 2 máy ép cọc và tải ép 200 tấn, và các máy móc khác như máy đào, ô tô vận chuyển, máy thủy bình, máy kinh vĩ, máy đầm, cùng một số máy khác.
Tổng mặt bằng hầm 2:
———————————————-
Phần 5: THI CÔNG CÔNG TRÌNH – GIAI ĐOẠN 2
Thi công phần đài móng, đà dầm, sàn, tường cột hầm hai. Từ ngày 03/06/2013 đến ngày 19/01/2014. Đơn vị thi công thực hiện các công việc:
– Liên kết cọc bê tông và xây dựng toàn bộ nền móng công trình.
– Xây dựng tường bao che hầm hai.
– Lắp ráp hai cẩu tháp phục vụ cho việc thi công các giai đoạn sau.
– Lắp đặt hệ thống tiếp địa an toàn công trình.
Công trình sử dụng:
– 1.300 khối đất đào.
– 4.800 khối bê tông.
– 615 tấn thép các loại.
– 2.100 m2 ván khuôn.
– Máy thi công: 2 cần cẩu tháp bán kính 50m, 2 máy bơm bê tông, 13 xe vận chuyển bê tông, máy thủy bình, máy kinh vĩ, máy đầm và một số máy móc khác.
Sơ đồ khối lượng thi công đến nay đạt được và sơ đồ hoạt động hai cẩu tháp:
Công trình đang thực hiện nốt những công đoạn còn lại của giai đoạn này, nhằm kết thúc vào ngày 19/1/2014 trước khi tạm nghỉ để mừng Xuân Giáp Ngọ (Tết Nguyên Đán). Công trình dự định bắt đầu làm việc lại vào ngày 17/02/2014.
Cho đến nay, việc thi công được đánh giá tốt, công việc vận hành đúng quy trình kỹ thuật, Ban Giám đốc đơn vị thi công bám sát hiện trường, giải quyết cấp thời các chi tiết thi công. Đơn vị giám sát thực hiện chức năng với tinh thần cao, nắm vững kỹ thuật và phương pháp giám sát, thực hiện đầy đủ các hồ sơ cho công trình. Ban Quản lý Dự án giao ban hàng tuần với các đơn vị tham gia thi công công trình, giải quyết cấp thời các phát sinh, theo dõi chặt công trình và chuẩn bị cho các giai đoạn kế tiếp.
Khó khăn lớn nhất cho việc thi công là thời tiết thất thường, trời mưa bão liên tục trong năm qua làm gián đoạn nhiều ngày nhiều tháng, kế đến là công trình ở vùng sâu vùng xa, việc cung ứng vật tư cũng như bê tông thương phẩm gặp nhiều trở ngại. Xin Mẹ La Vang chúc lành cho công trình hoàn thành tốt đẹp.
Ban Quản Lý Dự Án