Trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 đã biến Thị xã Quảng Trị thành đống gạch vụn.
Trung Tâm La Vang, cách Thị xã Quảng Trị chừng 13 cây số về hướng Tây Nam, cũng nằm trong số phận tiêu điều đó. Khu vực La Vang bị mất an ninh từ sau trận Mậu Thân 1968 vì là nơi có nhiều đồi núi, nên Việt Cọng đã len lỏi hoạt động tại đây từ độ ấy.
La Vang, từ giữa thập niên 50 và trong thập niên 60, là khu vực Công giáo sầm uất vì có nhiều giáo xứ được mọc lên sau Hiệp Định chia cắt Đất Nước 1954.
Từ ngả ba Long Hưng trên Quốc lộ 1, tiến về hướng Tây, là vùng La Vang, cách quốc lộ 1 chừng 3 cây số.
Trên con đường dẫn đến Trung Tâm La Vang, hai bên trục lộ là các giáo xứ được thành lập như La Vang Tả, La Vang Hữu, đều có nhà thờ tương đối khá đẹp .Từ La Vang Chính (Đền Thánh La Vang) đi về hướng đông ra quốc lộ 1, là Giáo xứ La Vang Thượng.
Trung Tâm La Vang có một công trình kiến trúc rất đẹp và trang nghiêm, đó là Công trường Mân côi. Công trường rộng hơn 500 mét, chiều dài từ cổng vào Thánh Đường gần 1 cây số, với 15 pho tượng điêu khắc diễn tả Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm VUI, THƯƠNG, MỪNG. Các pho tượng này được trình bày công phu và đầy nghệ thuật. Tượng cao hơn 2 mét , đứng trên bệ cao 2 mét.
Phía sau Thánh Đường, là đồi Golgotha (Núi Sọ), được dựng 14 Chặng Đàng Thánh Giá theo đường vòng cung, chu vi khoảng bốn cây số, đường đi và về được nối bằng hai cây cầu bắt qua dòng suối, trông rất đẹp mắt. Vào các dịp Hành hương, ban đêm mà rước kiệu đi qua ngọn đồi này thì trông thật tuyệt vời.
Bên phải của Công trường Mân Côi, còn có Hồ Tịnh Tâm. Hồ được trồng hoa sen. Hằng năm, cứ đến Tháng Hoa, là Hoa sen nở đầy hồ, hương thơm ngào ngạt.
Trung Tâm còn có Nhà Cha Sở khá rộng rãi, Dòng Mến Thánh Giá, các ngôi nhà Tĩnh Tâm, gồm hơn 200 phòng với đủ tiện nghi dành làm nơi nghỉ ngơi cho các linh mục hay tu sĩ đến tạm trú mỗi khi có Đại Hội, hay khách hành hương dùng để ở tạm vào những lần hành hương lẻ tẻ.
Ngôi Thánh Đường được xây dựng xong từ năm 1928, thời Đức Cha Lý coi sóc Địa Phận Huế.
Tưởng cũng nên nhắc lại, Linh Địa La Vang đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chuẩn nhận là Vương Cung Thánh Đường bằng Tông Thư Magno Nos (Để Muôn Đời Ghi Nhớ) ký ngày 22/8/1961 và đã được các Đức Giám Mục miền Nam công bố lúc 7 giờ tối ngày 22/8/1961 trong Thánh Lễ Đại Triều tại La Vang.
Trong Tông Thư, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nhấn mạnh…”Từ nay bất cứ ai, bất cứ quyền bính nào vi phạm Sắc Chỉ của Ta, vô tình hay hữu ý, đều là bất thành,vô hiệu”.
Tông Thư đã xác định ý của các Đức Giám mục miền Nam muốn dâng riêng cho Đức Mẹ một đền thờ để nhờ Mẹ bảo trợ và ban cho Giáo Hội cũng như Đất Nước, hưởng tự do.
Tất cả những hình ảnh đó đã bị tiêu tan trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Từ các giáo xứ chung quanh La Vang cho đến Thánh Địa, chỉ còn lại đống gạch vụn.
Tại Trung Tâm La Vang, cọng sản đã dùng những vị trí kiên cố như Thánh đường, các nhà Tỉnh Tâm, để bắn trả phi cơ oanh kích trong vùng, chắc cũng không ngoài mục đích mượn bom đạn Mỹ để xóa tan Linh Địa này.
+++
Năm 1976, tôi đến Thánh Địa Mẹ vào một buổi sáng khi còn ở trong trại tù cải tạo. Chuyện là tôi và hai anh em nữa cũng là giáo dân Phủ Cam, được trại đưa đi tháo, gỡ mìn ở Như Lệ, Quảng Trị.
Sáng hôm đó, ba anh em chúng tôi được phân công đi lấy kẻm gai. Trên đường đi tìm kẻm gai, tự nhiên chúng tôi lại có ý nghĩ muốn viếng Đền Mẹ và chúng tôi đã quyết định đi thật nhanh để đến viếng Mẹ.
Thật sự, từ năm 1972 đến nay (1976), tôi chưa hề biết Đền Thánh ra sao.
Từ trại mìn, chúng tôi không rõ cách La Vang bao xa, nhưng chúng tôi đã đi hơn 01 giờ đồng hồ với tốc độ rất nhanh, nghĩa là vừa đi vừa chạy nữa.
Chúng tôi đi vào con đường tắt, nên không rõ Công Trường Mân Côi đích thực hư hại ra sao. Tôi đoán chắc hơn 80% các bức tượng đã bị hư hại vì nhìn quanh, toàn Trung Ttâm đã trở thành bình địa, chỉ còn lại Đài Đức Mẹ với 3 cây đa bằng ximăng cốt sắt còn đứng vững.
Ngôi thánh đường trơ trọi ngọn tháp chuông và còn một chút mái che bàn thờ chính, chưa sập.
Tất cả trở nên hoang vu. Cây cối mọc um tùm.
Ngôi Nhà Nguyện hình như là một khoảng còn lại của căn nhà cha sở trước đây.
Chúng tôi vào chầu Mình Thánh Chúa tại căn Nhà Nguyện này.
Ra khỏi Nhà Nguyện, chúng tôi thấy cha Nguyễn vinh Gioang đạp chiếc xe đạp tiến về Nhà Nguyện.
Được biết cha Gioang ở Diên Sanh, kiêm luôn La Vang vì nơi đây họ không cho linh mục ở.
Cha Gioang chào chúng tôi vội vã vì thấy chúng tôi đang mặc áo quần tù cải tạo:
– ”Các anh từ đâu đến”.
Tôi nói đùa:
– ”Chúng con từ giáo xứ Phủ Cam”.
Cha cũng nhanh trí nói luôn:
– ”Cha biết rồi, nhưng sáng nay, từ đâu đến”.
– “Chúng con từ Như Lệ, đang gỡ mìn ở đó”.
– ”Thôi các anh đi, cha sẽ cầu nguyện”.
Chúng tôi liền lo loay hoay tìm mấy đoạn kẽm gai vì thấy có bóng áo vàng (công an) xuất hiện. Thây kệ …, chúng tôi chia nhau đi ra các bụi cây.
Tôi lại gặp một nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đang làm cỏ cho mấy vồng sắn. Chị nói nhỏ:
– ”Ở đây, công an nhiều lắm, các anh ơi! Xin Chúa chúc lành cho các anh”.
– ”Cám ơn chị.” Tôi trả lời và cứ rảo bước theo công việc để tránh …
Đó là lần đầu tiên tôi đến La Vang kể từ ngày cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa cho đến khi xuôi tay cho mệ nuốt (vào tù và đang ở trong tù).
Điều tôi viết hôm nay không phải để ghi lại hình ảnh đẹp đẽ của Trung Tâm La Vang vào thập niên 60 và cái điêu tàn của Trung Tâm khi chiến tranh xảy đến.Tôi chỉ nói lên cái cố tình muốn Xóa Tan Linh Địa La Vang …. Nhà cầm quyền tỉnh Bình Trị Thiên coi Thánh Địa La Vang như một Gai Nhọn cần nhổ đi, hay xóa tan, cũng thế.
Việc đầu tiên tôi xin được trình bày … bằng cách không cho linh mục nào đến ở đây cả, cho nên linh mục Nguyễn vinh Gioang, từ giáo xứ Diên Sanh, được Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền bổ nhiệm kiêm luôn La Vang.
Tại Đền Thánh La Vang, Nhà Nước cấm không cho cử hành Thánh Lễ, cho nên linh mục Nguyễn vinh Gioang đã khôn ngoan dùng một từ mới trong khi dâng Thánh Lễ tại La Vang, đó là Giờ Ngôn Lễ.
Được biết kể từ năm 1976, đã có một số giáo dân trở về sống bên đất Mẹ để được gần gủi Mẹ .
Một kỷ niệm khó quên trong đời tôi, đó là việc tôi cùng gia đình đã được dự Giờ Ngôn Lễ này vào một ngày Chúa Nhựt, năm tôi cải tạo mới về.
Hôm đó, trước ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời, gia đình chúng tôi đi hành hương.
Khi đến Đền Mẹ, chúng tôi đi vào Nhà Nguyện. Tôi thấy ngoài cửa, có Bảng ghi ”Chúa Nhựt Giờ Ngôn Lễ: 11 giờ 00”. Tôi chả hiểu ất giáp chi mô. Tôi hỏi một giáo dân đứng gần đó:
– ”Ngôn Lễ là gì?”
Anh ta trả lời:
– ”Ở đây, công an cấm làm lễ, nên cha Gioang đổi thành Ngôn Lễ đó”.
Đúng 11 giờ, tôi thấy cha Gioang đặt áo lễ trên bàn Thánh, rồi ngài lui đằng sau với giáo dân và bắt đầu bằng nghi thức của một Thánh Lễ. Đến khi Đọc Truyền Phép thì ngài nhanh nhẹn bước lên Bàn Thánh để đọc Lời Truyền Phép, sau đó, ngài đưa Mình Thánh Chúa cho giáo dân và kết thúc Thánh Lễ.
Tôi lại nghĩ xấu: “Thánh Lễ thời cọng sản cũng phải vội vả vì sợ mất giờ lao đông của dân!”
Đó là chuyện cấm Thánh Lễ.
Chuyện kế tiếp tôi xin được trình bày, có tầm vốc quan trọng hơn, đó là chuyện Cấm Hành Hương La Vang, cấm giáo dân đến La Vang.
Kể từ ngày Quân đội ”Giải Phóng” chiếm miền Nam thì giáo dân địa phận Huế được cái diễm phúc thường xuyên nghe các cán bộ phường, xã, khu phố, hằng năm cứ đến gần ngày 15 thánh 8, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là họ tập trung dân chúng để phổ biến lệnh Nhà Nước cấm giáo dân Hành hương La Vang.
Khi tôi cải tạo về, tôi cũng đã nghe nhiều năm về vụ này trước khi qua Mỹ.
Phường Phước Vĩnh, khu phố tôi ở, hễ gần đến ngày hành hương, họ tập trung dân lại để học tập về thành tích Chống cọng của Thánh Địa La Vang. Họ nói: ”La Vang là thành trì chống cọng của Miền Nam.Hiện đảng và nhà nước cấm giáo dân tụ tập tại La Vang” rồi họ tha hồ đọc những bài báo đã viết trên tờ Nguyệt San Lavang, tờ Nguồn Sống (xuất bản trước 1975)…
Từ sáng sớm ngày 15 thánh 8 hằng năm, công an đón đường trên suốt Quốc Lộ 1, kiểm tra Chứng Minh Nhân Dân, thấy ai Thiên Chúa giáo là đuổi lui.
Tôi thường đi hành hương bằng xe đạp, cũng đã nhiều lần bị đuổi lui, dĩ nhiên tôi cũng tìm cách băng qua ruộng lúa để đi đến Đất Mẹ…
Năm 1987, gia đình tôi đi La Vang trên chuyến xe đò. Khi xe đến Mỹ Chánh thì bị công an kiểm tra giấy tờ. Tất cả những người trên xe, ai Thiên Chúa Giáo đều bị đuổi xuống xe. Chúng tôi ra hiệu cho tài xế, rồi tìm cách len lỏi vào chợ và tiếp tục lên xe để đi tiếp.
Đức cố Tổng Giám Mục Nguyễn kim Điền là vị Chủ Chăn Địa Phận Huế, La Vang nằm trong Địa phận Huế thuộc trách nhiệm của ngài, nhưng họ tuyệt đối cấm không cho ngài đến La Vang….
Một điều cảm động nhất, là nhân dịp Hành Hương vào năm 1990, trong Thánh Lễ Đại Triều tại Đài Đức Mẹ, Đức Hồng Y Phạm đình Tụng đã nói trong nước mắt:
– ”Lần đầu tiên, tôi được đến với Mẹ La Vang hôm nay…”
…
Nguyễn An Quý