Kính thưa Đức Hồng Y Ivan Dias, Đặc sứ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân tộc của Tòa Thánh,
Kính thưa Ngài Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân và chính quyền các cấp hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị,
Kính thưa quý Đức Tổng Giám Mục và quý Đức Giám Mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và các Hội Đồng Giám Mục anh em,
Kính thưa quý vị Bề Trên của các Hội Dòng,
Kính thưa quý vị Thượng khách,
Kính thưa quý vị và anh chị em thân mến,
1. Hôm nay, tại Linh Địa La Vang, trong thời điểm cử hành đại lễ bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công giáo Việt Nam, năm kỷ niệm hai sự kiện lịch sử trọng đại: 350 năm Tòa Thánh thiết lập hai Địa phận Đại Diện Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong, 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Công giáo tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam cùng với mọi thành phần Dân Chúa trên Quê hương thân yêu, cũng như đang sống ở hải ngoại, xin mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria trong kinh tạ ơn, để dâng lên Thiên Chúa lời tri ân cảm tạ tự đáy lòng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1, 46-47).
2. Hội đồng Giám mục Việt Nam cảm nhận biết bao hồng ân của Thiên Chúa trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội mình, một Giáo Hội đã được sinh ra và lớn lên từ dòng máu của các chứng nhân đức tin, nguyện tiếp nối truyền thống tuyệt vời của tổ tiên, hân hoan sống tình hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Tông đồ Phêrô, Đức Thánh Cha BÊNÊĐICTÔ XVI, qua sự hiện diện của Vị Đặc sứ khả kính, Đức Hồng Y IVAN DIAS, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc cùng Phái đoàn Tòa thánh, và sự hiện diện đầy tình nghĩa của các Dòng Tu, các Tổ chức quốc tế và các Phái đoàn công giáo tại nhiều quốc gia.
3. Hội đồng Giám mục Việt Nam trân trọng sự hiện diện của Ngài Phó Thủ tướng Chính Phủ cùng với quý vị đại diện Chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương; xin trân trọng sự hiện diện của các vị đại diện các Tôn giáo bạn và tổ chức xã hội tại địa phương.
4. Cử hành Năm thánh là dịp Giáo hội nhìn lại và lắng nghe bài học lịch sử: sự xuất hiện của Đạo Công giáo tại quê hương Việt Nam, Đạo Phúc Âm, Đạo của Yêu thương và Phục vụ, không nhằm mục đích nào khác hơn là muốn mang đến cho Đất Nước và Dân tộc Việt Nam sứ điệp Tin Mừng: Thiên Chúa yêu thương và cứu độ con người. Lịch sử Dân tộc cho thấy đức bác ái của đạo Công giáo đã gặp gỡ lòng từ bi bao la của Phật giáo, cảm thức tâm linh sâu sắc của Đạo giáo, triết lý xã hội thực tiễn của Khổng giáo và lòng mộ đạo bẩm sinh của người dân Việt, luôn tôn kính Trời-Phật, luôn thực hành đạo hiếu, để bày tỏ lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành, cũng như đối với các bậc anh hùng dân tộc. Sự gặp gỡ lịch sử giữa những giá trị tâm linh ấy góp phần làm nên chiều sâu cho nền văn hóa Việt Nam. Lịch sử cho thấy rằng: bên cạnh những đóng góp rất đáng trân trọng của các tôn giáo bạn, đạo Công giáo đã mang lại cho Dân tộc chúng ta những hoa quả văn hóa tốt lành, như chữ Quốc ngữ, thi ca, thánh ca, giáo dục, kiến trúc Công giáo, và sự dấn thân nhiệt tình của nhiều thế hệ người Việt Nam Công giáo nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng.[1] Những công dân Công giáo hôm nay và ngày mai tiếp tục làm cho đạo Phúc Âm sinh nhiều hoa quả tốt lành hơn nữa, bởi lẽ Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam ý thức rất rõ về sứ vụ của mình là “loan báo Phúc Âm và làm chứng về Chúa Kitô như nét đặc thù và việc phục vụ cao nhất mà mình có thể hiến tặng cho đồng bào, và qua đó góp phần vào việc phát triển nhân bản và tâm linh của con người, đồng thời đóng góp cho sự phát triển đất nước”. [2]
5. Nhìn lại Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, chúng ta có thể ghi nhận những nét nổi bật: Lễ khai mạc tại Sở Kiện thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, nhằm ngày lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 24 tháng 11 năm 2009; Đại Hội Dân Chúa từ ngày 21 đến 25 tháng 11 năm 2010 tại Trung Tâm Mục Vụ Saigon của Tổng Giáo phận Thành phố Hồ chí Minh; và hôm nay, đại lễ bế mạc Năm Thánh tại Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc La Vang thuộc Tổng Giáo phận Huế. Đất nước Việt Nam liền một dải từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, là một quốc gia thống nhất; Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam cũng là một Giáo Hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền, có chung một sứ vụ, là “loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, góp phần kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước này”. [3]
6. Tôi xin được thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam và thay mặt Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam nói lên lời cám ơn chân thành với Đức Hồng Y Ivan Dias:
– Đức Hồng Y đã đến thăm chúng con với danh nghĩa là Vị Đặc sứ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: điều đó chứng minh Giáo Hội Công giáo Việt Nam luôn sống hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô ở trần gian và qua ngài, hiệp thông với Giáo Hội Công giáo toàn cầu;
– Đức Hồng Y còn đến với chúng con trong tư cách là Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc: chúng con biết ơn Đức Hồng Y và nhân cơ hội này, chúng con muốn nói lên lòng hiếu thảo, tri ân đối với Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, và với tất cả những ai, vì yêu mến Chúa và Phúc Âm của Chúa, đã quảng đại hy sinh và giúp đỡ chúng con.
Chúng con hãnh diện có Đức Hồng Y ở giữa chúng con để chủ tế Thánh Lễ bế mạc Năm Thánh và chia sẻ Lời Chúa cho Dân Chúa.
Kính xin Đức Hồng Y đệ trình lên Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI lòng biết ơn, yêu mến và trung thành của mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam đối với Vị Đại Diện Chúa Kitô. Các lời giáo huấn và sứ điệp của Ngài luôn là nguồn cảm hứng, khích lệ lớn lao và hướng dẫn sáng suốt cho Giáo Hội Việt Nam chúng con.
7. Tôi chân thành cám ơn Ngài Phó Thủ Tướng Chính Phủ và các vị đại diện Chính quyền các cấp, đã đến tham dự lễ bế mạc Năm Thánh của cộng đồng Công giáo Việt Nam tại linh địa La Vang này. Chúng tôi nguyện luôn đồng hành cùng Dân tộc mình, góp phần vào sự nghiệp chung: “xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng”. [4]
8. Tôi cũng chân thành cám ơn các Vị Khách quý đến từ các Giáo Hội Công giáo thuộc nhiều châu lục, cám ơn các Dòng Tu, các tổ chức quốc tế; cám ơn Quý vị Đại diện các tôn giáo bạn đã bày tỏ sự liên đới với chúng tôi.
Sau hết, xin chân thành cám ơn mọi thành phần Dân Chúa đã đóng góp bằng lời cầu nguyện, bằng sự hy sinh thầm lặng, bằng ý kiến xây dựng, và bằng cả chia sẻ vật chất để cho các cuộc lễ trong Năm Thánh này được diễn ra tốt đẹp.
9. Giờ đây, chúng ta hướng lòng về Đức Mẹ La Vang, để gửi gắm những tâm tình và quyết tâm của chúng ta cho Đức Mẹ, là người Mẹ hiền đầy lòng nhân ái, luôn cứu giúp và che chở đoàn con cái chạy đến cùng Mẹ:
“Lạy Đức Mẹ La Vang, xin Mẹ đồng hành với chúng con trong cuộc hành trình đức tin bước theo dấu chân Chúa Giêsu, sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đích thực và sự phát triển toàn diện của tất cả mọi đồng bào Việt Nam thân yêu của chúng con. Amen”.
La Vang, ngày 05 tháng 01 năm 2011
+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn,
Tổng Giám mục Hà Nội,
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam