Hàng trăm ngàn khách hành hương tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang hoan nghênh sứ điệp Đức Thánh cha thúc giục họ chạy đến cùng Đức Mẹ và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.

Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Tarcisio Bertone đã gửi cho Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể của Huế sứ điệp viết bằng tiếng Pháp của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI hôm 23-7. Sứ điệp này đặc biệt gửi cho khách hành hương tham dự Đại hội Thánh Mẫu La Vang lần thứ 28 của Giáo hội Việt Nam.

Đại hội với chủ đề Đức Maria, nhà giáo dục đức tin, được tổ chức từ ngày 13-15/8 mừng kính lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Thánh địa La Vang ở tỉnh Quảng Trị, cách Hà Nội 600 km về phía nam. Đức Giám mục phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Đệ của Bùi Chu, chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã công bố bản dịch tiếng Việt của sứ điệp trước 300.000 khách hành hương tham dự Thánh lễ khai mạc đại hội lúc 16 giờ ngày 13-8.

Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh của Thanh Hoá, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã chủ tế Thánh lễ này, đồng tế với ngài có 10 tổng giám mục và giám mục cùng với khoảng 300 linh mục trong nước.

Đức Thánh cha nói trong sứ điệp: “Nhân dịp Đại Hội Hành Hương Tam Niên lần thứ 28 tại Đền Thánh Toàn Quốc đang kính Đức Mẹ Là Nữ Vương Hòa Bình, bổn mạng của người Công giáo Việt Nam, Cha chung lòng hiệp ý với mọi tín hữu đang quy tụ về La Vang để mừng kính và tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria là Thầy Dạy Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến”.

Đức Thánh cha lưu ý Đức Mẹ đã quy tụ nhiều người Công giáo Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới đến thánh địa 210 tuổi này để cầu nguyện cho sự hợp nhất quê hương, cho lợi ích phần hồn phần xác, cho sự phát triển xã hội, luân lý và tôn giáo.

Ngài khuyến khích họ chiêm ngắm Đức Mẹ, là người Tôi tớ Khiêm hạ đã để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, tác động sâu xa trong lòng Mẹ, và nhắc người Công giáo Việt Nam nhớ rằng “Mẹ đã ban cho anh chị em tại đây, nơi La Vang này, sứ điệp: “Các con hãy trông cậy. Hãy vui lòng chịu khốn khó và đau thương. Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin”.

Đức Thánh cha mời gọi người Công giáo Việt Nam noi gương Mẹ và trở thành “những tác nhân hoạt động, những nhà giáo dục nhiệt thành và những chứng nhân không mệt mỏi cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với mọi người”. Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha “trao phó toàn thể anh chị em cho Đức Mẹ La Vang là Đấng phù hộ Giáo hội Việt Nam”, và ngài “rộng lòng ban phép lành Toà Thánh” cho tất cả mọi người hành hương tại La Vang và cho hết mọi tín hữu Việt Nam.

Sau khi nghe sứ điệp, khách hành hương đã nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh thể hiện lòng biết ơn đối với Đức Giáo hoàng.

Anh Phêrô Vũ Văn Hiển, cựu tu sĩ dòng Biển Đức nhưng nay muốn theo một dòng tu khác, nói với UCA News rằng sứ điệp của Đức Thánh cha gửi tới La Vang là “sự thể hiện lòng yêu mến và quan tâm đặc biệt của đấng thay quyền Chúa ở trần gian đối với Giáo hội Việt Nam”. Anh Hiển, 38 tuổi, tin rằng Việt Nam “đang ở trong trái tim Đức Thánh cha”.

Một số khách hành hương nói với UCA News rằng sứ điệp an ủi và khích lệ họ làm chứng cho Tin Mừng trên quê hương họ, nơi tự do tôn giáo và nhân quyền không phải lúc nào cũng được tôn trọng, các giá trị đạo đức trong trường học bị xuống cấp và chủ nghĩa duy vật thống trị.

Sứ điệp của Đức Thánh cha đã được mong đợi từ trước đó. Đức ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao Vatican, trong khi dẫn đầu một phái đoàn Vatican sang thăm và làm việc tại Việt Nam bảy ngày hồi tháng 6, đã thông báo Đức Thánh cha sẽ gửi sứ điệp cho đại hội La Vang năm nay.

Ông Phanxicô Atxidi Lê Đình Bảng, 70 tuổi, nhà thơ Công giáo làm người dẫn chương trình đại hội, nói với UCA News Đức Thánh cha gửi sứ điệp sau khi nhà nước trả lại đất Thánh địa cho Giáo hội địa phương hồi tháng 6. Ông Bảng nói điều này cho thấy “một viễn tượng tốt đẹp về quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh Vatican và Việt Nam, đặt tiền đề cho ngày Đức Thánh Cha sẽ đến Việt Nam”.

Trong đại hội ba ngày, khách hành hương tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể, xưng tội, đọc kinh và thưởng thức các tiết mục trình diễn văn hoá. 500.000 khách hành hương đã tham dự Thánh lễ bế mạc hôm 15-8.

Đại hội lần này tôn kính Đức Mẹ La Vang, bổn mạng của người Công giáo Việt Nam.

Đại hội lần thứ nhất diễn ra vào năm 1901 và các đại hội tiếp theo diễn ra sau đó. Các đại hội không được tổ chức từ năm 1938-1954 và trong nhiều năm xảy ra Chiến tranh Việt Nam (1959-1975), nhưng đã được tổ chức đều đặn lại ba năm một lần từ năm 1998.

Năm 1798, Đức Mẹ được tin là đã hiện ra an ủi người Công giáo địa phương đang chạy trốn cuộc bách đạo dã man thời phong kiến. Họ đã trốn vào rừng nơi mà ngày nay là thánh địa, cách cố đô Huế 60 km về phía bắc.

Năm 1961, các giám mục Việt Nam tuyên bố nơi này là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc.

UCAN