Tà Pao tháng 11 đã chuyển mùa với những vuông mía dọc đường trổ cờ trắng xóa, nhưng vẫn còn thi thoảng những giọt mưa bay, như làm dịu trời và cũng như muốn thử thách lòng người.
Mưa
Trước lúc kiệu Đức Mẹ tối 12.11, 7 giờ, những hạt mưa bất chợt từ đâu gieo xuống, mới đầu là nặng hạt rồi chuyển thành màn mỏng trải đều khắp cả vùng linh địa Tà Pao. Tội nghiệp những người đang nối đuôi nhau trước tòa Hòa Giải phải vội vàng tan hàng tìm nơi ẩn trú. Tội nghiệp mấy linh mục đang gặp gỡ các hối nhân phải ngồi lại chịu trận. Mưa. Các linh mục trong Ban Quản Trị Trung Tâm Thánh Mẫu Tà Pao lo lắng không biết có nên thực hiện cuộc rước Đức Mẹ như chương trình đã dự liệu không. Cứ theo thông lệ thì không, vì mưa sẽ làm ướt hết, từ Tượng Đức Mẹ tới đoàn rước, làm nhớp đường kiệu và làm tắt hết những ánh nến trên tay. Nhưng cũng có ý kiến tích cực của một linh mục đã hiện diện ở Tà Pao lâu năm: “Trời mưa lúc nào không biết, chứ lúc kiệu, chầu Thánh Thể hay cử hành Thánh Lễ, chưa bao giờ mưa lại làm cản trở giờ phút linh thiêng”. Bồn chồn và hy vọng.
“Có kiệu Đức Mẹ không?” Một linh mục dòng Châu Thủy hỏi và có tiếng đáp tập thể: “Có chứ, chúng ta có mặt ở đây tối 12 là để làm việc này”. Mọi người đưa mắt biểu đồng tình và chuẩn bị hàng lối. Ít phút sau, đoàn rước bắt đầu, với dù che mũ đội, và không thiếu tiếng trống dập dồn của giáo xứ Vũ Hòa. “Trời mưa thì mặc trời mưa, Đi kiệu Đức Mẹ trời chừa tôi ra”. Tưởng chỉ là ý nguyện mông lung họa theo câu ca dao cường điệu trước trời mưa gió, nào ngờ sự thể lại xảy ra đẹp hơn ước nguyện. Di chuyển được chừng 50m, từ nhà mặc áo tới nhịp cầu dẫn lên Quảng Trường, thì lạ lùng làm sao, mưa màn chuyển thành mưa lất phất và rồi đột nhiên tạnh hẳn, để mái dù hạ xuống cho tượng Đức Mẹ vươn cao và tiến thẳng tới lễ đài trong tiếng hát rền vang: “Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không…”
Tiếp theo, giờ chầu Thánh Thể và lần hạt bên Mẹ Tà Pao được diễn ra trong trang nghiêm sốt sắng với số khách hành hương, vì điều kiện trú mưa lúc trước, đã trở thành những người ở gần Thánh Thể và tượng Đức Mẹ hơn cả bao giờ. Dù phải ngồi bệt xuống sàn, nhưng nét mặt rạng rỡ và ánh mắt sáng ngời thay cho ánh nến lung linh tối 12 tại Quảng Trường tháng này.
Nắng
Nếu vì điều kiện thời tiết, cuộc rước tối 12 không lột tả được tâm tình yêu mến Đức Mẹ của tập thể tín hữu hành hương, thì sáng 13, mọi sự dường như đã được cân đối lại. Trời thanh thanh chờ bình minh đến. Dù Núi Ông đối diện Tà Pao bị che khuất bởi làn sương mờ, nhưng toàn cảnh Quảng Trường và lễ đài lại quang đãng như báo hiệu một ngày nắng đẹp.
Giờ khấn bắt đầu vào lúc 6g30 như thường lệ với sự hiện diện của Đức Giám Mục Giáo Phận và mọi thành phần Dân Chúa. Những ý khấn là tổng hợp bao ước nguyện về mọi cảnh ngộ đời sống được dâng lên bằng nghi thức trang trọng. Những kinh khấn được đọc chung với sự góp giọng của mọi miền đất nước.
7g bước vào Thánh Lễ. Cùng đồng tế với Đức Giám Mục là quý linh mục Hạt Trưởng Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Đức Tánh, khoảng 30 linh mục dòng triều thuộc Giáo Phận Phan Thiết và nhiều nơi khác. Khách hành hương đã đến chật Quảng Trường. Các Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết, Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục và Trợ Thế Thánh Tâm Chúa Giêsu, trong tu phục bản dòng, đã tạo nên sắc màu cho phần cánh trái lễ đài; trong khi phần cánh phải, các ca viên giáo xứ Vũ Hòa, tuổi từ 15 đến 51, đã đem đến một màu trắng tinh khôi nổi bật trên nền cỏ xanh long lanh sương mai dưới ánh nắng nhẹ.
Thánh Lễ hôm nay kính nhớ biến cố Đức Mẹ Dâng Mình. Cùng với ý hướng phụng vụ, Đức Giám Mục xin mọi người chung lời cầu nguyện cho các linh hồn trong tháng 11, cho các nạn nhân bão Haiyan tại Philippines còn sống hay đã qua đời, và đặc biệt cho những người sống đời thánh hiến. Xin nhờ gương lành và lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, cho đời sống mọi người trở nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa. Nghe như trong gió sớm lâng lâng quyện bay lời bài hát “Đời con như của lễ luôn để dâng…” Giảng trong Thánh Lễ, Đức Giám Mục giúp cộng đoàn ghi nhận ba ý nghĩa của biến cố Đức Mẹ Dâng Mình: Dâng Mình là tìm gặp Thiên Chúa trong nhà của Người; Dâng Mình là tìm lắng nghe và thực thi thánh ý; và Dâng Mình là tìm chuẩn bị cho sứ vụ mai ngày. Thánh Lễ kết thúc với nghi thức làm phép nước và tượng ảnh như thường lệ.
Dù mưa hay nắng
Khi giải tán cộng đoàn, luôn có một số rất đông khách hành hương muốn biểu tỏ lòng yêu mến Giáo Hội qua nghi thức bình dân là hôn nhẫn Giám Mục. Rút kinh nghiệm từ những tháng trước vốn thường xảy ra chen lấn xô đẩy mất trật tự và mất đi ý nghĩa của nghi thức, lần này, quý cha và quý vị trong Ban Trật Tự đã khéo tổ chức để những ai tham gia được hướng dẫn đi vào hàng lối, mong việc phục vụ được chu đáo hơn. Bắt tội Đức Cha Giuse phải đứng cả 45 phút cho dòng người được toại nguyện.
Sau nghi thức đại chúng này, có dịp kề cận tại bữa ăn sáng, được biết Đức Cha rất hài lòng, vì một mặt được phục vụ mọi người đồng đều và mặt khác được ân cần lắng nghe cũng như thăm hỏi những người có hoàn cảnh đặc biệt. Có phái đoàn năm người công giáo Nhật hiện diện từ chiều 12, leo lên Tượng đài Đức Mẹ trên núi, tham dự nghi thức lần hạt và chầu Thánh Thể, và sáng 13 cũng hòa theo lòng sốt sắng của con cái Đức Mẹ mà khấn xin và dâng lễ, dù chẳng hiểu ngôn ngữ Việt Nam. Họ thấy lạ và thích khi nghe lần hạt hai bè “Kính mừng…Thánh Ma…” rộn ràng và rập ràng từ người lớn đến trẻ em. Có phái đoàn Việt kiều đến từ vùng Nam Cali gặp lại người quen, không chỉ tay bắt mặt mừng mà còn bổng trầm lời kinh tiếng hát ca tụng và khấn xin. Cũng có những phái đoàn khác đến từ đồi núi cà phê Ban Mê hay từ ruộng đồng Cái Sắn thẳng cánh cò bay. Gọi nhau í ới và chỉ trỏ “Mẹ kìa!” Có mấy người đến từ Giáo Phận Bà Rịa gặp Đức Giám Mục Giuse cứ nắm chặt tay như quen biết lắm. Mà chừng như cũng quen biết thật theo nghĩa “ nhất cận lân, nhì cận thân”, vì xét cho cùng Bà Rịa chính là hàng xóm láng giềng của Giáo Phận Phan Thiết. Và thân thương biết bao khi nghe nhóm này tự nhiên gọi Đức Giám Mục Giuse là “Đức Cha Tà Pao”. Không biết Đức Cha Giuse nghĩ gì, nhưng trộm nghĩ nơi đây không còn ranh giới địa lý nữa, vì tất cả mọi người đều thuộc về gia đình của Đức Mẹ.
Nắng đã lên. Mọi người chia tay. Như còn lưu luyến. Hướng đến ngày 13 tháng sau. Nghe trong bước chân đi có lời ước hẹn:
Tà Pao ai đến một lần,
Sẽ còn đến nữa chẳng ngần ngại chi.
Chuyện mưa nắng, vẫn thường khi,
Miễn là gặp Mẹ từ bi, mừng rồi!
Anh Vũ