Đức Mẹ Tà Pao – Trung tâm hành hương Đức Mẹ Tà Pao (Bình Thuận)

Với sự yêu thương của Đức Mẹ và sự quan phòng của Thiên Chúa, trong mấy chục năm gần đây, Đức Mẹ đã hiển linh và làm phép lạ ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Sau Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị, thì Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Tà Pao cũng đã được nhiều người biết đến và hiện đang là một trong những Trung Tâm Hành Hương lớn của người Công Giáo Việt Nam ở phía nam đất nước. Bức Tượng Đức Mẹ đã được đặt trên núi Tà Pao. Tượng này được đúc bằng xi măng và sơn trắng, cao 3m, đặt trên một bệ vuông cao 2m. Quần thể công trình bao gồm tượng đài và lễ đài Đức Mẹ Tà Pao.

Xem thêm:

1. Địa chỉ Đức Mẹ Tà Pao – Hướng dẫn đường đi Đức Mẹ Tà Pao

Điểm Hành Hương Đức Mẹ Tà Pao thuộc Giáo Hạt Đức Tánh, Giáo Phận Phan Thiết. Về hành chính thì thuộc Xã Đồng Kho, Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.

Nếu chúng ta xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, khoảng cách từ Bến Xe Miền Đông (TP HCM) đến Đức Mẹ Tà Pao khoảng 171 km theo hướng Đông Bắc, đi ô tô khoảng 3giờ 30phút. Về đường đi, chúng ta có thể lái xe từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Long Thành, qua Dầu Giây/ĐCT01, QL1A và QL55 sẽ đến xã Đồng Kho, nơi có tượng đài Đức Mẹ Tà Pao.

2. Sự tích Đức Mẹ Tà Pao

Sự việc bắt đầu bằng câu chuyện ba em học sinh Phương Lâm thấy Đức Mẹ hiện ra và bay về phía bên kia núi. Ngày 29.9.1999, lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, một nhóm giáo dân vùng Phương Lâm và phụ cận, rồi sau đó các vùng Dốc Mơ, Gia Kiệm, Hố Nai, Sài Gòn…tuôn đổ về vùng giáp ranh giữa Phương Lâm và Tánh Linh với ước mơ được nhìn thấy Đức Mẹ Tà Pao hiển linh.

tour hành hương đức mẹ tà pao
Đường lên núi Đức Mẹ Tà Pao

3. Lịch sử thăng trầm Đức Mẹ Tà Pao

Thánh tượng Đức Mẹ được đặt trên Đồi Tà Pao, theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, thì đây là một trong những bức tượng Đức Mẹ đã được chính cố Tổng Thống G.B. Ngô Đình Diệm chỉ thị cho đặt làm trong năm 1959 nhân dịp Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc Lần I tại Sài Gòn.

Ngày 08 tháng 12 năm 1959, Nghi lễ khánh thành và làm phép Thánh Tượng Đức Mẹ Tà Pao đã được tổ chức cách hết sức long trọng, mang tầm cỡ quốc gia. Từ năm 1964 trở đi, quân đội Mặt Trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam làm chủ toàn bộ vùng Bắc Ruộng hay Bắc Sông La Ngà nơi tọa lạc Thánh Tượng Đức Mẹ Tà Pao. Vì hoàn cảnh chiến sự, không còn mấy ai lui tới, Tượng Đài Đức Mẹ Tà Pao trở thành nơi hoang phế, cây cối mọc um tùm che khuất.

Sau 1975, khi hòa bình vừa mới lập lại trên quê hương đất nước, một số anh chị em giáo dân, theo chỉ đạo của các Đấng Bản quyền, đã âm thầm đi tìm kiếm lại Tượng Thánh của Mẹ trên Núi Tà Pao.

Vào cuối năm 1989 và đầu năm 1990, một nhóm 4 người gồm các ông Phêrô Trần Vĩnh Tính xứ Tân Lý, Tôma Nguyễn Đình Can xứ Thanh Xuân, Phêrô Trần Dư Thế xứ Vinh Tân thuộc Huyện Hàm Tân lên Vùng Kinh tế mới phối hợp với ông Phêrô Nguyễn Quang Tính xã Đức Tân kinh tế mới, đến địa bàn Tà Pao liên hệ với ông Cáp Sanh. Các ông đã đi tìm lại tượng Đức Mẹ Tà Pao. Sau nhiều giờ tìm kiếm vì rừng cây rậm rạp, cuối cùng tìm ra Tượng Mẹ bị cây cối che lấp nhưng Thánh Tượng ở trong tình trạng đầu- tay- chân bị bể nát. Ngay sau khi trở về, hai anh em lên đo đạc Tượng Mẹ : chiều cao, rộng, hoành, và bán kính; sau đó chụp hình bốn phía đưa về.

duc me ta pao

Cuối tháng 6-1991, được sự cho phép của Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Giám Mục Phan Thiết lúc bấy giờ và sự động viên của Linh mục Fx. Đinh Tân Thời – quản xứ Duy Cần, giáo dân tại đây đã nhờ điêu khắc gia Lê Phát (giáo xứ Ngũ Phúc, Xuân Lộc) sửa chữa, làm mới hoàn toàn nửa thân phía trên của Tượng Đức Mẹ bao gồm từ phần chắp tay trở lên đến đầu.

Đến ngày 28 tháng 7 năm 1991, họ hoàn thành được phần dưới Tượng Mẹ. Sáng 30 tháng 7 năm 1991, nửa phần trên Tượng Mẹ được đưa lên núi. Họ ráp vào với phần dưới khít y chang, thấy vậy, họ mừng qúa la to lên giữa rừng quên cả chuyện mình đang làm chui…Ngay sau đó, Tượng Mẹ được quét vôi lên, chụp hình Tượng Mẹ.

Sáng 01 tháng 8 năm 1991, Thánh Tượng Mẹ Tà Pao chính thức ngự trị trên ngọn núi Tà Pao với màu trắng sừng sững. Nhưng ít ai biết rằng phần nửa trên thân tượng Đức Mẹ Tà Pao là hoàn toàn được làm mới do điêu khắc gia Lê Phát thực hiện.

Ngày 10 tháng 8 năm 1991, mấy người sửa chữa đã đem 6 tấm hình về cho Đức Cha Nicolas. Họ mừng Lễ 15 tháng 8 năm 1991 và lấy đó làm mốc hoàn thành để kỷ niệm hằng năm. Năm 2001, giáo dân có tổ chức 10 năm tại Nhà thờ Tánh Linh do cha Phêrô Đinh Đình Chiến chủ trì cầu nguyện.

4. Thánh Lễ tại núi Đức Mẹ Tà Pao

Trên núi Tà Pao thường xuyên có Thánh Lễ để ca tụng Chúa và cảm tạ Đức Mẹ. Xin được điểm lại một vài Thánh Lễ gần đây trong năm 2018.

Vào lúc 6g30 sáng ngày 13.02.2018 (nhằm ngày 28.12 Âm Lịch). Tiết trời se lạnh tại núi rừng Tà Pao nay dần tan biến, báo trước một mùa đông sắp tàn phai, để chuẩn bị cho một mùa xuân mới– năm Mậu Tuất. Cộng đoàn đã cùng nhau quy tụ về bên Mẹ trong dịp hành hương tháng 2 để tạ ơn Thiên Chúa về muôn ơn phúc một năm qua và dâng lên Mẹ lời cầu xin trong đầu năm mới.

trung tâm hành hương đức mẹ tà pao

Sau giờ khấn, đúng 7g00 thánh lễ do Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Phan Thiết chủ tế, tham dự thánh lễ còn có cha Tổng Đại Diện và quý cha. Mở đầu thánh lễ, Đức cha chia sẻ đôi điều và mời gọi cộng đoàn biết chúc tụng tôn vinh Mẹ Maria là hình ảnh và là Mẹ hiền của Hội Thánh, biết noi gương Mẹ Maria sống đức Tin, đức Ái trong việc vâng nghe và tìm Thánh Ý Chúa.

Tiếp đến, ngày 12.3, ngày hành hương dành cho Giới Gia Trưởng. Trong tháng 3/2018, Giáo hội sống Mùa Chay Thánh, đây cũng là dịp Giáo hội kính nhớ Thánh Cả Giuse. Đặc biệt là Giới Gia trưởng, Thánh Giuse chính là mẫu mực của một người chồng thuỷ chung tận tuỵ, một người cha khả ái hiền hoà. Hàng năm, dịp tháng ba, giới Gia trưởng hành hương về bên Mẹ Tà Pao. Qua đó, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Bổn mạng, xin cho các Gia trưởng ơn khôn ngoan, lòng nhiệt thành làm tông đồ giáo dân và trở nên Giuse trong gia đình của mình.

Bài chia sẻ của cha Phêrô Phan Ngọc Cẩm, chánh xứ Phan Rí Cửa, đặc trách Gia Trưởng hạt Bắc Tuy, về đề tài “Gia Trưởng sống Năm mục vụ : đồng hành với gia đình trẻ”. Cha mời gọi các Gia Trưởng hãy noi gương Thánh Giuse sống công chính, trách nhiệm, thể hiện tình bác ái ngay trong chính gia đình mình qua việc tậm tâm chăm sóc yêu thương vợ con, xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Các gia trưởng không chỉ giữ đạo tại tâm mà phải làm gương sáng đời sống đức tin bằng những hành động cụ thể cho gia đình, giáo xứ và giáo phận.

Vào ngày 13 hàng tháng vẫn thường có Thánh Lễ do Giám mục giáo phận Phan Thiết cử hành trên núi hoặc dưới chân núi tại Trung tâm Hành Hương Đức Mẹ Tà Pao.

5. Đi viếng Đức Mẹ Tà Pao

Kể từ đầu năm 2000, nhiều đoàn người đổ xô về núi Tà Pao để hành hương. Từ đó đến nay, nhiều người Công giáo đã tường thuật lại nhiều câu chuyện lạ và ơn lạ xung quanh bức tượng Đức Mẹ Tà Pao.

Hiện nay, tượng Đức Mẹ Tà Pao và khu vực khuôn viên đã được Tòa Giám mục Phan Thiết tiến hành trùng tu với hai hạng mục là xây dựng lễ đài và xây dựng bậc cấp để lên núi. Lễ đài được xây dựng trên nền cũ với diện tích 200m², còn bậc cấp được xây mới với chiều dài 250m và rộng 2m, tất cả khoảng trên 400 bậc, nhằm mục đích tạo điều kiện để khách hành hương thuận tiện khi lên núi viếng Đức Mẹ. Công trình này đã được khánh thành vào ngày 13 tháng 5 năm 2007.

Năm 2009, Giáo phận Phan Thiết tổ chức “Năm Thánh Đức Mẹ Tà Pao” để kỉ niệm 50 năm khánh thành bức tượng. Sự kiện này thu hút rất đông khách hành hương đến khu vực này mỗi tháng.

đức mẹ tà pao
Hàng ngàn người tham dự Thánh Lễ tại Tà Pao

Sau một thời gian, đã có nhiều người giáo dân và khách hành hương từ Bắc chí Nam đến Đức Mẹ Tà Pao ở Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận để chiêm ngắm, cầu nguyện và xin ơn. Và rồi từ đó, biết bao phép lạ và ơn lành đã được thuật lại như những chứng từ ân sủng của Thiên Chúa ban cho, qua trung gian Đức Mẹ Tà Pao. Mặc dù chưa thấy một tiếng nói chính thức nào của Đức Mẹ được ban ra tại đây, nhưng “thông điệp” đã loan đi khắp cùng mọi nơi, với mọi tầng lớp, kể cả các anh chị em khác tôn giáo. Đã một lần đến với Mẹ là người hành hương lại muốn đến lần thứ hai. Mẹ không hẹn hò với ai, nhưng ai cũng thấy gần gũi với Mẹ như lòng bên lòng, Tà Pao đã trở nên một điểm hẹn cho người Công Giáo và cả người ngoài Công Giáo.