Những chuyện rất hấp dẫn trong Đại Hội La Vang lần thứ 28 được Lm Phêrô Hồng Phúc kể lại trong bài giảng ngày 17/8/2008 tại Phát Diệm, mà chính ngài đã chứng thực.
Kính thưa quý ông bà, anh chị em,
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một đức tin đã từng tiềm ẩn trong cõi lòng của một người đàn bà dân ngoại. Canaan không phải là dân riêng của Chúa. Vậy mà người đàn bà này đã đến với Chúa Giêsu trong một đức tin mạnh mẽ, một đức tin tiềm ẩn từ trong cõi lòng và được biểu lộ bề ngoài một cách kiên nhẫn.
Đối với những người Do Thái, nếu chúng ta gọi họ là con chiên thì quan điểm của họ đối với những người dân ngoại, họ rất khinh miệt gọi như là chó. Đức Giêsu đã dùng từ ngữ thông thường của dân tộc ấy để thử lòng tin của người đàn bà này rằng: ‘không nên lấy bánh của con cái trong nhà mà ném cho chó’. Người đàn bà này không những không tự ái, mà còn biểu lộ một lòng khiêm tốn kiên nhẫn của mình :
– Vâng, thưa Ngài, đúng như thế! Nhưng những con chó con cũng được ăn những mẩu bánh từ bàn rơi xuống.
Vì lý do khiêm tốn, kiên nhẫn, chân thành này. Đức Giêsu đã nói với bà rằng:
– Hỡi bà, bà có lòng mạnh tin, bà muốn sao, bà được như vậy.
Câu chuyện về người đàn bà dân ngoại, có đức tin mạnh mẽ và đã được như ý này, khiến cho chúng tôi nhớ tới hình ảnh của mấy ngày qua trong Đại Hội La Vang. Tôi dẫn đoàn đi diễn nguyênj, cho nên cần phải đi từ rất sớm, 7h sáng ngày 12.8.2008 phải có mặt. Xe của chúng tôi kể như là vào đầu tiên, và vì thế theo luật – những ước lệ không thành luật – thì những xe nào đi đầu tiên là về cuối cùng. Chính vì vậy mà chúng tôi có thời gian để theo dõi suốt một tuần Đại Hội vừa qua. Con số của những người về đầu tiên chỉ là vài ba nghìn người.
Hôm 13.8.2008 tôi được trực tiếp chứng kiến bầu trời lạ trên Linh đài của Đức Mẹ La Vang. Bầu trời đã đổi mầu, bốn mầu tất cả từ mầu hồng sang mầu đỏ, dừng lại rất lâu ở mầu xanh, rồi chuyển sang mầu sẫm và trở về bình thường. Trong suốt thời gian như vậy, hào quang rực sáng xung quanh và mặt trời chiếu sáng – hình chụp xa – giống như là hình thánh thể, và hình chụp gần thì thấy các tia hào quang sáng, toả sáng rực như là cầu vồng, đỏ, vàng, lục, lam, chàm, tím, có hết các mầu. Lúc ấy thì chừng khoảng 5000 người trong sáng ngày 13.8.2008 chứng kiến, người ta khóc, người ta vỗ tay mỗi khi mặt trời chuyển mầu, và có một ai đó chạy suốt từ dưới chạy lên, miệng la thất thanh :
– Mẹ ơi !
Tất cả bầu khí như vậy diễn ra trong một không gian rất uy nghiêm và linh thiêng trước Linh đài của Đức Mẹ.
Buổi chiều hôm ấy, con số đã gấp mười lần khoảng năm sáu chục nghìn người. Ngày hôm sau, từ năm sáu chục nghìn người, cấp số nhân lên tới một hai trăm nghìn người. Và đến ngày cuối cùng, con số lên tới khoảng năm trăm, sáu trăm nghìn người. Có người còn mạnh dạn đánh giá, có số tới bẩy trăm nghìn người. Tất cả đều qui tụ về La Vang. Cả một không gian rất là rộng, nhưng mà chỗ nào cũng có người về hành hương bên Mẹ. Đầu tiên là chọn nhà, chọn hè (hiên nhà), rồi đến chọn nhà bạt, sau đó chọn sân. Cuối cùng chọn chỗ trống. Sau nữa thì bất kỳ chỗ nào. Cả cái nắng chang chang, ba nhăm, ba sáu, ba bẩy độ không có một ai kêu ca, phàn nàn. Những sinh hoạt đắt đỏ, từ 15.000 đồng một bát phở, 25.000 đồng vào những ngày cuối, gấp đôi 30.000 đồng… Người ta không phải vì những miếng ăn hay cảnh du lịch như thăm rừng Cúc Phương, mà tất cả về đây với một tinh thần hy sinh để đến với Mẹ cho nên không ai phàn nàn kêu ca vì những sinh hoạt thiếu thốn, đắt đỏ
Ngày 13 đến ngày 14.8.2008 toàn bộ La Vang hết sạch nước, kể cả đoàn diễn nguyện được ở Nhà Trung Tâm ba tầng, ưu tiên đặc biệt cũng hết nước. Từ tầng ba, xuống tầng hai, xuống tầng một cũng không còn một giọt nước nào. Tất cả nước để lấy làm phép cũng không còn. Đi mua, tôi là người đi mua vét hai ca nước vét cuối cùng (tất nhiên không phải chính tôi, mà tôi nhờ người đi mua). Để cho chúng ta thấy được rằng, con số về đông đã làm tất cả hình thức ở bên ngoài càng trở nên khó khăn. Vậy mà người ta đã canh thức suốt đêm ở Linh đài của Mẹ.
Tối 12.8.2008 chúng tôi tổng duyệt với các tiết mục văn nghệ chào mừng từ mười Giáo phận của miền Bắc. Mỗi một giáo phận, trung bình là 15 phút diễn suốt tới mười một rưỡi, mười hai giờ đêm và từ mười hai giờ đêm tiếp tục canh thức cho tới sáng.
Ngày 13.8.2008 là ngày Chầu Thánh Thể, cả đoàn, lúc bấy giờ là khoảng bẩy mươi nghìn người đi theo đoàn rước Thánh Thể, cung nghinh Thánh Thể rất là long trọng, sốt sắng tiến về Linh đài của Mẹ. Người ta canh thức suốt đêm để Chầu Thánh Thể.
Ngày 14.8.2008 là ngày Đại Hội có lễ riêng chia cho các giới, Hiền Mẫu, Gia Trưởng, Khuyết Tật, Linh Mục, Tu sĩ. Buổi chiều cùng ngày, có 150 em thiếu nhi từ Nam Định về Dâng hoa kính Đức Mẹ.
Sau đó chuẩn bị cho các tiết mục Diễn nguyện của mười giáo phận. Mỗi một giáo phận đầu tư thấp nhất như ở Phát Diệm là vài chục triệu đồng, cao nhất như ở Hà Nội là ba trăm triệu đồng. Là đầu tư cho các diễn viên, cho chuyến đi, cho các việc ăn uống, cho những gì liên quan đến đêm diễn nguyện, các thiết bị máy móc, kỹ thuật, băng hình… Không có ai nói đến tiền ở đây, nhưng mà nói để cho chúng ta thấy rằng, bằng những đồng tiền thể hiện công lao mồ hôi và sự hy sinh đóng góp để tất cả mọi sự tập trung về bên Linh đài của Mẹ.
Ngày 14 là như vậy, cho đến đêm Diễn nguyện xong là mười hai giờ đêm. Đoàn của Phát Diệm chúng ta, ban đầu thì rất là mặc cảm vì khó có thể hội nhập được với các giáo phận khác đầu tư rất lớn. Nhưng thật bất ngờ, khi diễn vở kịch ‘Mặc cảm về bệnh phong’ thì cả hàng trăm nghìn người im phăng phắc theo dõi. Theo như chúng tôi nhận được tin nói là có rất nhiều người khóc. Có thầy nói là con khóc suốt từ đầu đến cuối. Và tiếng vỗ tay nổi lên lớn nhất trong tất cả các đoàn. Đoàn Phát Diệm được đánh giá là một đoàn rất là ấn tượng. Và người ta đánh giá nội dung của buổi hoạt kịch là có tính nhân văn sâu sắc, có cổ võ cho ơn gọi, có tâm tình tạ ơn Đức Mẹ La Vang và nhất là có hình ảnh của Đức Kitô thương người nghèo, thương người bệnh phong. Sau đêm biểu diễn đó, người ta tiếp tục canh thức bên Linh đài Đức Mẹ cho đến sáng.
Thánh lễ Bế mạc ngày 15.8.2008 có 14 Giám mục, 600 linh mục và khoảng 600.000 giáo dân diễn ra ở ngay Linh đài. Chúng tôi được nghe ba bài giảng rất sâu sắc, bài giảng của Đức Cha Giase Nguyễn Chí Linh, Giám quản của chúng ta ; bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt và bài giảng của Đức Cha Chủ Tịch HĐGM Việt Nam Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Trong Thánh lễ cũng có những hình ảnh rất là ấn tượng :
- Thứ nhất là có một đoàn hành hương Thái Lan, họ được xin đăng ký vào đoàn dâng lễ vật, ăn mặc rất là chỉnh tề. Và ngoài những lễ vật về rượu, bánh lễ, rồi nến, hoa, hương như bình thường họ còn có cây bạc: các loại tiền trên thế giới, tiền Mỹ, tiền Đức, tiền Singarpo, tiền Malaixia, tiền Trung Quốc, tiền Thái Lan, tiền Việt Nam… chăng kín một cây theo thế đa làng toàn tiền hết, trên cùng là lá cờ nhỏ của Thái Lan. Đoàn dâng lễ vật của Thái Lan đi lên rất là trang trọng và ý nghĩa.
- Thứ hai là, trong bài đọc cũng đọc hai thứ tiếng. Chiều ngày 14.8.2008 thì đọc bằng người Vân Kiều. Sáng ngày 15.8.2008 thì tiếng Nam Kinh đều là người Trung Quốc. Một Giáo Hội thầm lặng, đã đọc lên tiếng thánh thư của mình, sau đó là tiếng Việt Nam.
Tôi kể rộng ra một chút để chúng ta hình dung, tại sao những đoàn nước ngoài lại gây ấn tượng, bởi vì tôi đã sang Thái Lan dịp đi Italia, máy bay bị lui lại mất 24 tiếng nên chúng tôi thuê một chiếc xe 12 chỗ ngồi đi vòng quanh Bangkoc để tham quan. Muốn đến Nhà thờ thì không có, nghe tin đoàn các cha hôm trước đi du lịch ba ngày cũng không tìm thấy Nhà thờ. Tôi nói với anh tài xế là, anh tìm cho tôi một Nhà thờ Công giáo. Anh tài xế điện hỏi về trung tâm du lịch hướng dẫn, rồi người ta hướng dẫn cho anh ấy tìm thấy một Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Khi chúng tôi vào, gặp cha Dòng Chúa Cứu Thế đã cao tuổi lắm, ngót…90 tuổi rồi, nhưng vẫn còn rất là khoẻ và một số sơ Thái Lan. Có một sơ bập bẹ được mấy tiếng Việt, các cha thích quá đến hỏi chuyện thì sơ nói được ‘Việt Nam’, ‘Hà Nội’ rồi… tắc tịt! Chỉ nói có bằng ấy thôi còn tất cả chúng tôi trao đổi bằng tiếng Anh. Qua đó tôi được biết ở Nhà thờ mỗi Chúa nhật quy tụ khoảng 3000 giáo dân nhưng mà đến từ 36 nước trên thế giới. Thái Lan thì người Công giáo rất ít, bên Phật nhiều hơn. Tây Du Ký trong tập cuối cùng, tập 24 phải sang bên Thái Lan để quay được những cảnh của đất Phật.
Vì vậy có một đoàn hành hương đến để dâng lễ vật là rất quý.
Còn Trung Quốc là Giáo Hội thầm lặng. Hai cha ở Trung Quốc sang gặp tôi ở Chính Toà Phát Diệm, nói vui là:
– Chúa không công bằng, bởi vì, một đất nước rộng lớn như Trung Quốc thì lại quá ít giáo dân. Mà Việt Nam nhỏ như thể này (cử chỉ hai ngón tay cái và tay chỏ khép lại) thì quá đông giáo dân và sầm uất như thế này.
Thật sự, một đất nước hơn một tỉ người. Trong khi đó, một đất nước Việt Nam hơn tám mươi triệu dân thì có số Công giáo khoảng sáu triệu, chúng ta vẫn giữ khoảng 8%. Nhưng mà ở Trung Quốc không biết có nổi 0,8% hay không. Vì thế chúng ta có thể nói được rằng, Chúa rất thương Việt Nam chúng ta. Và khi có hai người Nam Kinh và Vân Kiều đọc tiếng Trung Quốc lên thì ai cũng cảm động vì một Giáo Hội thầm lặng lên tiếng trước Linh đài của Mẹ La Vang.
Tôi kể sơ qua như vậy để chúng ta thấy được rằng, ở nơi Đất Mẹ La Vang là nơi diễn ra những gì là của con cái, của lòng hiếu thảo dâng kinh lên Đức Mẹ. Và thực sự, trong những ngày ở La Vang chúng tôi cảm nhận sâu sắc Mẹ La Vang là người Mẹ của tình thương, người Mẹ nâng đỡ ủi an, xoa dịu của con dân đất Việt.
Trong hơn 200 năm trước đây, tôi đọc lịch sử và đêm diễn nguyện do chủ nhà 30’ trường ca lịch sử diễn lại, hình ảnh của những bước chân, những con người chạy loạn của thời kỳ bách hại Đạo. Họ đã đến quy tụ tới một khu rừng linh thiêng chính là La Vang ngày nay vì khu rừng đó toàn những cây lá vàng mà ngày nay chúng ta gọi là La Vang. Những cây ấy không còn nữa, chính nơi mà Đức Mẹ hiện ra thì bây giờ cây đã chết. Nhưng mà nhà kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, cũng là nhà kiến trúc sư đã thiết kế Dinh Độc Lập của phủ Tổng Thống ngày xưa, thì bây giờ chính ông đã thiết kế ba cây cổ thụ lớn. Nay người ta đánh bóng lại cây như là sống (trước người ta để nguyên xi – măng). Và ba cây, chứ không phải một cây khiến chúng ta nhớ đến ca dao Việt Nam:
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao.
Đây là một hòn núi cao của Đức Tin mà đúng như lời Chúa dạy rằng :
Nếu các con có Đức Tin bằng hạt cải thì các con bảo núi này mọc lên, nó cũng mọc lên.
Ở giữa rừng La Vang như vậy, mà chúng ta thấy, từ đó cho tới nay có 600.000 người quy tụ về, trong tương lai còn tiếp tục nữa, còn nhiều nữa. Đúng ra là cả đất nước Việt Nam qui tụ về bên Mẹ. Như vậy thì từ những rừng thiêng nước độc bây giờ không còn gì là nước độc nữa mà chỉ còn là rừng thiêng và mạch nước trong lành ấy đã trở thành mạch nước thánh. Bởi vì Đức Tin đã thay thế cho những gì là sợ hãi, những gì là nước độc. Do vậy, chúng ta xin với Đức Mẹ La Vang cũng như xin Chúa thêm cho Đức Tin còn yếu kém của chúng ta.
Ngày hôm nay, cùng với người đàn bà đất Canaan chúng ta biểu lộ
– Một Đức Tin kiên nhẫn trong thực hành;
– Một Đức Tin chan hoà trong đời sống;
– Một Đức Tin tiềm ẩn trong những khó khăn mà chúng ta cần vượt qua những thách đố;
– Một Đức Tin được giải toả như ánh sáng của bầu trời lạ La Vang;
– Một Đức Tin qui tụ con cái khắp xa gần như máu về tim;
– Và một Đức tin bền vững như Đức Mẹ La Vang vẫn luôn đứng vững để bảo trợ và để yêu thương, xoa dịu những vết thương của con cái.
Sự sống của Đức tin phải được thể hiện bằng đời sống mỗi ngày của chúng ta.
Về với Mẹ La Vang, chúng tôi nhận được hình ảnh này, là sứ điệp của Mặt trời giống như Thánh Thể để nói lên rằng, Mẹ muốn cho con cái của Mẹ, ngoài việc tôn vinh Mẹ hãy tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể. Để đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được Chúa thực hiện cho chúng ta lời hứa này: ‘Những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con’. (Mt 11,28)
Mẹ La Vang hiện ra, nâng đỡ những giáo dân đã bị nạn, bị bách hại, thì hôm nay Chúa Giêsu Thánh Thể là nơi ẩn núp cho những tâm hồn đau thương hãy về bên Chúa để cả Mẹ, cả Con cùng cứu giúp những ai cơ cực, hoạn nạn. Chúng ta chưa nhận ra tình thương ấy vì Đức Tin của chúng ta còn yếu kém. Một lần nữa chúng ta hãy xin với Chúa như các Thánh Tông Đồ : ‘Lạy Chúa con tin, nhưng xin thêm đức tin cho lòng tin còn yếu kém của chúng con.’ (Lc 17,5)
Và ngay bây giờ chúng ta cùng tuyên xưng đức tin còn yếu kém đó của mỗi người chúng ta.
Lm Phêrô Hồng Phúc (Teresa Avila Thuỳ Chi ghi âm và đánh máy)