Môt biến lịch sử thật trọng đại và ý nghĩa sâu sắc đang diễn ra trong lòng Dân tộc và Giáo Hội Công giáo Việt Nam, mà bất cứ người giáo dân Việt nào cũng không thể không quan tâm đặc biệt: Năm Toàn Xá Kỷ Niệm Hai Trăm Năm (1798 – 1999) Ðức Mẹ hiện ra tại linh địa La Vang đang khai diễn trên Quê Hương Việt Nam.

Riêng với người Công giáo Việt Nam, được chứng kiến gián tiếp nhất là được hân hạnh trực tiếp tham dự Lễ Hội 200, Kỷ niệm Ðức Mẹ hiển linh tại thánh địa La Vang vẫn là một vinh dự hiếm có và một niềm tự hào lớn lao nhất trong cuộc sống của họ. Vì trong đời sống quá ngắn ngủi của thân phận con người, họ rất hiếm có cơ hội trở thành nhân chứng lịch sử của một biến cố trọng đại chỉ xảy ra sau 200 năm kỷ niệm.

Tính cách trọng đại của biến cố lịch sử này đã được chính Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc đến rất nhiều lần. Ngài đã không ngừng ân cần nhắn nhủ giáo dân Việt Nam hãy tìm hiểu Sứ Ðiệp La Vang để áp dụng vào đời sống họ: Ðó là thực hiện Tinh Thần Sám Hối, Kiên trì Ðào Sâu Ðức Tin để Canh Tân Ðời Sống Công giáo, đặt trọn Niềm Hy Vọng và Phó Thác Tương Lai Giáo Hội và Quê Hương cho Mẹ La Vang.

VÀI NÉT LỊCH SỬ VỀ LINH ÐỊA LA VANG

Cách đây đúng hai thế kỷ, La Vang chỉ là một khu rừng hẻo lánh không ai biết đến. Nhưng từ năm 1960, năm Tòa Thánh Vatican chính thức thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, La Vang đã trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc của Dân tộc và Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Hai trăm năm trước đây, La Vang là một phường nhỏ bé, mất hút giữa chốn rừng thiêng nước độc, ít người qua lại, ngoại trừ một số tiều phu từ tỉnh Quảng Trị len lỏi đi sâu vào rừng đốn củi kiếm sống. Theo địa lý, La Vang cách cố đô Huế 58 cây số về hướng Tây Bắc và cách Thị xã Quảng Trị 6 cây số. Theo Giáo quyền, La Vang là lãnh thổ thuộc Giáo xứ Cổ Vưu, Giáo hạt Dinh Cát, Tổng Giáo Phận Huế. Theo Hành chánh, hiện nay La Vang thuộc xã Hải Phú, Quận Mai Lĩnh, tỉnh Quảng Trị. Thuở xa xưa, La Vang là lãnh địa thuộc Châu Ô của người Chàm. Trên vùng đất này, hiện nay có một con sông mang tên sông Ô Lâu và nhiều di tích của người Chàm còn sót lại. Nhưng từ năm 1307, lãnh địa Dinh Cát đã trở thành lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

Theo sử sách để lại thì giáo dân Cổ Vưu và đồng bào địa phương này chuyên sống nghề phá dãy làm củi. Một con đường mòn dẫn sâu vào trong khu rừng hẻo lánh cách xa Giáo xứ Cổ Vưu 5 cây số. Sau khi đồng bào đốn củi đem về bán thì khu rừng được khai quang, biến thành nương dãy để trồng lúa ngô khoai sắn, nuôi sống người dân nghèo đơn sơ chất phác của miền đất khô cằn cày lên sỏi đá!!

Năm 1798, dưới thời Vua Cảnh Thịnh, tức Thái Tử Nguyễn Quang Toản, con Vua Quang Trung, cuộc bách hại đạo Công giáo đã trở nên kinh hoàng khủng khiếp!? Hàng trăm giáo dân Cổ Vưu đã trốn tránh trong khu rừng Lá Vằng, vì nơi đây có nhiều cây lá vằng. Loại cây này là một vị thuốc rất tốt chữa nhiều thứ bệnh. Danh xưng Lá Vằng dần dần qua thời gian biến đổi thành địa danh La Vang.

Nhờ địa thế hiểm trở hẻo lánh, không những giáo dân Cổ Vưu mà cả các giáo xứ chung quanh như Hạch Hoa, Thạch Hãn cũng chạy vào trốân trong khu vực La Vang. Họ sống trong cảnh tỵ nạn, đói khổ cơ cực, thiếu lương thực, không thuốc men, và đêm ngày lo sợ bị quân quan ruồng bắt!! Hoàn cảnh khốn cùng đã gia tăng Niềm Tin của giáo dân nơi Thiên Chúa và Ðức Mẹ qua lời cầu kinh mỗi ngày sớm tối. Và lời cầu xin tha thiết van nài của họ đã thấu tới trời nên Ðức Mẹ đã xuất hiện để nâng đỡ ủi an những giáo dân kiên trung khốn cùng.

Theo những tiền nhân kể lại, trong cơn bách hại khủng khiếp vào giữa năm 1798, trong lúc hàng trăm người tập họp đọc kinh cầu nguyện dưới gốc cây đa cổ thụ, mà nay là vị trí của Linh Ðài Ðức Mẹ, họ đã được hân hạnh nhìn thấy một Bà đẹp mặc áo choàng, trên tay bồng Chúa Hài Ðồng. Ngài đã lên tiếng ủi an họ và dạy họ ngắt những cành lá chung quanh nơi họ trốn tránh, nấu nước uống sẽ được lành mọi thứ bệnh. Ðức Mẹ còn hứa: “Từ nay về sau, bất cứ ai đến khẩn cầu Mẹ tại nơi đây sẽ được Mẹ ban ơn phù trợ.” Ðức Mẹ còn xuất hiện nhiều lần như vậy để an ủi nâng đỡ họ.

Sự kiện lạ lùng về Ðức Mẹ xuất hiện tại khu rừng La Vang từ đó được loan truyền khắp các vùng lân cận. Nhiều đồng bào không phân biệt tôn giáo đã tìm đến khẩn cầu Mẹ. Rất nhiều người đã nhận được ơn lành hồn xác như lời Ðức Mẹ đã hứa.

Dòng dã 200 năm qua, Mẹ La Vang đã đổ chan hòa không biết bao nhiêu hồng ân cho dân tộc Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, chính kiến, miễn là họ thật lòng chạy đến khẩn cầu Mẹ nâng đỡ bảo vệ trong cơn khốn cùng. Quả thật, La Vang là một niềm tự hào của mọi người Việt Nam, vì nơi đây đã trở thành linh địa, để Mẹ trên trời đặt chân đến thăm viếng và ủi an đồng bào chúng ta trong cơn nguy khốn.

Cách đây đúng 11 năm, ngày 19 tháng 6, 1988, tại công trường kinh thành bất diệt Vatican, nhân dịp tôn phong 117 Anh hùng Tử đạo của dân tộc chúng ta lên bậc Hiển Thánh, chính Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc đến Linh địa La Vang và Ngài đã chia sẻ Niềm Tự Hào của dân tộc chúng ta. Vì chính nhờ Tinh Thần Bất Khuất trung kiên với Niềm Tin Công Giáo, mà Dân tộc Việt Nam đã đóng góp hàng trăm ngàn Anh Hùng Tử Ðạo cho kho tàng tinh thần và sự thánh thiện của Giáo Hội Mẹ La Mã trong bốn thế kỷ vừa qua.

Vài nét lịch sử Linh địa Mẹ La Vang.72

Dòng dã 200 năm qua, Mẹ La Vang đã đổ chan hòa không biết bao nhiêu hồng ân cho dân tộc Việt Nam.

TIN VỀ LỄ HỘI 200 NĂM MẸ LA VANG

Theo chương trình ban tổ chức, Năm Toàn Xá Kỷ Niệm 200 năm Mẹ La Vang đã khai diễn từ ngày 1 tháng 1, 1998 tại Vương Cung Thánh Ðường La Vang Quảng Trị. Nhưng trọng tâm những ngày chính thức Khai Mạc Năm Toàn Xá đã được long trọng tổ chức trong ba ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8, 1998 ngay trên phần đất Linh địa La Vang. Và Năm Toàn Xá Kỷ Niệm sẽ bế mạc từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8, 1999.

Trong lúc chúng tôi đang viết những dòng chữ này cống hiến cho độc giả thì Lễ Hội Bế Mạc Năm Toàn Xá Kỷ Niệm 200 Năm đang khai diễn tại Linh Ðịa La Vang. Theo các nguồn tin của hãng Thông tấn Fides, hàng đoàn người khắp mọi miền đất nước, trong đó có những phái đoàn xuất phát từ Pháp, Ý, Hoa Kỳ, Úùc, Gia nã đại, Âu Châu đang đổ về Linh địa La Vang, mặc cho những ngăn cấm của chính quyền, những hiểm nguy thiếu thốn và làn gió Lào nóng như thiêu như đốt!!

Bất cứ ai quan tâm theo dõi ba ngày Lễ Hội Khai Mạc Năm Toàn Xá Kỷ Niệm 200 năm Ðức Mẹ xuất hiện tại La Vang năm ngoái, với sự tham dự đông đảo trên 200,000 người, giữa một vùng đất khô cằn oi bức, thiếu thốn mọi tiện nghi, đều đồng ý với nhận định của các thông tín viên ngoại quốc: “Ðây là một cuộc biểu dương Niềm Tin Tôn Giáo lớn lao nhất tại Việt Nam, kể từ sau ngày người cộng sản xâm chiếm Miền Nam tháng tư đen năm 1975, đồng thời cũng là một cuộc trắc nghiệm cho chính sách cai trị của họ”.

Tổng hợp tin tức các hãng thông tấn quốc tế và các đài phát thanh ngoại quốc, người ta được biết: Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, đặc biệt Tổng Giáo Phận Huế, đã chuẩn bị Lễ Hội Kỷ Niệm trọng đại này từ nhiều năm nay, qua những tâm thư, những thông cáo, kèm theo những chiến dịch kêu gọi cầu nguyện, hy sinh đóng góp, cũng như những công tác tái thiết đường xá, công trường, khuôn viên thánh đường, nhà tiếp đón v.v.. Riêng ngôi thánh đường La Vang lịch sử với ngọn tháp gãy đổ, với những bức tường rêu phong hoang tàn, vết tích của chiến tranh vẫn còn đó, mặc dầu giáo quyền rất nhiều lần xin tái thiết nhưng vẫn không được chấp thuận!!..

Cao điểm ba ngày Lễ Hội La Vang Khai Mạc Năm Toàn Xá Kỷ Niệm là cuộc Cung Nghinh Thánh Tượng Mẹ La Vang, sáng thứ bảy 15 tháng 8, 1998 rất trọng thể, do Ðức Hồng Y Phạm Ðình Tụng chủ tế với tư cách Ðặc Sứ của Ðức Thánh Cha, vì nhà nước đã tìm đủ cách ngăn cản không cho Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến chủ tọa.

Thánh tượng Mẹ La Vang được cung nghinh trong Lễ Hội Kỷ Niệm được tạc theo nét dịu dàng thanh thoát của một phụ nữ Việt Nam, đầu đội vương miện, trang phục goàng hậu, tay bồng Chúa Hài Ðồng.

Những người hành hương đến từ khắp miền đất nước, từ Cà Mau Bến Hải đến Cao Bằng Lạng Sơn. Họ thuộc mọi thành phần xã hội, già trẻ lớn bé nam nữ, đại diện cho trên bảy triệu giáo dân Việt Nam thuộc 25 giáo phận khắp ba miền Trung Nam Bắc. Có rất đông những đồng bào Thượng, sắc tộc thiểu số và đông đảo đồng bào ngoài công giáo. Họ đến bằng mọi phương tiện: máy bay, xe lửa, xe hơi, xe đò, xe gắn máy, xe đạp và cả đi bộ!! Nhiều người hành hương là những giáo dân thành kính, họ vừa đi vừa đọc kinh, mang tràng hạt và áo Ðức Mẹ trước ngực. Rất nhiều người hành hương đã xụt xì khóc khi hôn chân tượng ảnh Mẹ cao bằng người thật, được đặt ngay chính địa điểm nơi Ðức Mẹ hiện ra cách đây 200 năm.

Các thông tín viên ngoại quốc cho biết thêm: Vì số người hành hương lên tới trên hai trăm ngàn, nhà tiếp đón thì quá nhỏ, nên người ta đã dựng những lều trên những bãi đất trống chung quanh thánh địa. Phóng viên Ðài VOA đã gọi đó là “Thành phố lều trại” hoặc “Khách sạn ngàn sao” vì dưới bầu trời đầy trăng sao. Trong khi nhà nước tuyên bố không thể tiếp tế thì người hành hương đã mang theo lương thực và chia sẻ cho nhau từng miếng cơm ngụm nước. Vấn đề an ninh trật tự trong khuôn viên thánh địa do đội ngũ trên một ngàn thanh niên Giáo phận Huế tình nguyện đảm trách. Mọi người có tinh thần trách nhiệm cao và đề cao cảnh giác nên không xảy ra điều gì lộn xộn.

Khách hành hương về bên Mẹ vì niềm tin. 73

Chung một niềm tin, mọi khách hành hương đổ về bên Mẹ.

Khách hành hương trong và ngoài nước, giáo dân hoặc không công giáo, kinh cũng như thượng, tất cả đều hành hương đến đây chỉ vì Niềm Tin. Họ suy tôn tri ân Mẹ và cầu khấn ơn lành cho cuộc sống đã quá nhiều khổ đau tinh thần và vật chất, nơi một dất nước thiếu Tự do Dân chủ và Nhân quyền chỉ là chiếc bánh vẽ!! Vì thế các phóng viên ngoại quốc đã gọi linh địa La Vang trong những ngày lễ hội là ” Thủ đô của Niềm Tin và Tình Thương.”

Kể từ Lễ Hội La Vang Khai Mạc Năm Toàn Xá năm ngoái, dòng dã trong suốt thời gian một năm, rất nhiều giáo dân thuộc 25 giáo phận trong toàn quốc đã hành hương đến linh địa La Vang. Họ đến đây với tư cách cá nhân hay theo từng phái đoàn. Với những tín hữu không thể đến La Vang, nhiều giáo phận và giáo hạt đã tổ chức việc tôn kính Mẹ La Vang tại địa phương. Hai mươi lăm tượng Mẹ La Vang đã được làm phép trong lễ hội khai mạc năm ngoái đã được rước về các giáo phận. Và trong suốt Năm Toàn Xá này, thánh tượng Mẹ La Vang đã luân phiên được rước đến các giáo xứ và các gia đình. Theo ban tổ chức, trong năm qua, nhiều ngày có đến trên hai ngàn người đến linh địa La Vang hành hương, kể cả những đồng bào không công giáo và người Việt hải ngoại. Và nhiều người đã được Ðức Mẹ đã ban rất nhiều ơn lạ đặc biệt.

Các nguồn tin của hãng thông tấn Fides cho hay: Ban tổ chức Lễ Hội Bế Mạc Năm Toàn Xá 200 Năm Mẹ La Vang năm nay cho biết sẽ có tuần tam nhật đại lễ với những nghi lễ của Giáo hội, các cuộc rước kiệu, các màn trình diễn của các đội chiêng trống và đại vũ hội. Các sinh hoạt sẽ bắt đầu từ ngày 13 tháng 8, 1999 với một thánh lễ trọng thể sau cuộc rước kiệu với cờ mang biểu tượng của 25 Giáo phận và cờ ngũ hành của dân tộc. Ngày 14 tháng 8, 1999 có buổi Sám Hối và Canh Thức bên Mẹ tại Linh đài nơi Ðức Mẹ đã hiện ra. Ban tổ chức cho biết đội trống của Giáo xứ Nam Ðịnh ở miền Bắc và các đội cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên sẽ tham dự đêm canh thức. Ngoài ra còn có các ca đoàn nổi tiếng của các giáo phận, đặc biệt Ca đoàn Thành phố Sàigòn, sẽ phụ trách trong các lễ nghi phụng vụ.

Nguồn tin của UCA News cho biết: Tòa Thánh đã đề nghị Ðức Hồng Y Jose Sanchez của Phi Luật Tân, Nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Tu sĩ, làm Ðặc Sứ cho Ðức Giáo Hoàng trong Lễ Hội Bế Mạc năm nay, nhưng chính quyền Hà Nội đã từ chối. Vì thế Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, sẽ chủ tọa thánh lễ bế mạc ngày 15 tháng 8, 1999. Ngoài ra, ngài cũng chủ tọa cuộc Cung Nghinh Thánh Tượng Mẹ La Vang, sau khi “Ðại Vũ Hoa Hồng” do 200 nữ tu dòng Mến Thánh Giá Huế trình diễn kết thúc, tượng trưng cho 200 năm kỷ niệm.

NGHĨ GÌ QUA LỄ HỘI LỊCH SỬ LA VANG?

Với biến cố lịch sử nhiều ý nghĩa 200 năm mới có một lần, mỗi người chúng ta sẽ có những phản ứng suy nghĩ khác nhau, tùy theo quan điểm, lập trường, lượng thông tin nhận được và tâm tình mỗi người. Vì tính cách quá đặc biệt của biến cố lịch sử La Vang, bản thân tác giả bài này cũng đã dành nhiều thời giờ suy nghĩ để tìm bài học cho mình. Quả thật, dù nhìn dưới bất cứ khía cạnh nào, Lễ Hội Kỷ Niệm 200 Năm Mẹ La Vang vẫn là một biến cố lịch sử quan trọng với bản thân người Công giáo Việt Nam, với Giáo hội Công giáo, với Dân Tộc Việt và ngay cả với nhà nước cộng sản Việt nam.

a) Với Người Giáo Dân Việt Nam: Là một dân tộc luôn tôn trọng lễ giáo hiếu đễ với tổ tiên cha mẹ, xưa nay người công giáo Việt vốn nổi tiếng có lòng tôn sùng Ðức Mẹ một cách đặc biệt hơn các dân tộc khác. Vậy còn gì hạnh phúc và vui mừng khi được vinh dự trực tiếp tham dự Lễ Hội ngay tại linh địa La Vang. Thảng hoặc vì hoàn cảnh ngàn trùng xa cách , họ cũng tìm đủ cách tham dự một cách gián tiếp. Ðây là dịp để họ bộc lộ tâm tư tình cảm vui buồn với Mẹ. Ðây là ngàn năm một thuở được tâm sự với Mẹ qua những nhọc nhằn trong cuộc sống, khấn xin Mẹ ban muôn hồng ân để vững tâm tiến về phía trước. Trong Lễ Hội La Vang, chắc chắn mỗi giáo dân sẽ sám hối để lãnh ơn toàn xá, kiên trì đào sâu Ðức Tin, Canh Tân đời sống, để hoàn toàn phó thác Gia đình, Giáo hội, Quê hương cho Mẹ La Vang.

Kỉ niệm 200 năm hành hương Mẹ La Vang. 73

Mọi người dù ở xa, bị ngăn cấm, đều bất chấp để được gần Mẹ.

Hành hương La Vang trong năm lịch sử kỷ niệm 200 năm, với giáo dân Việt, là một sinh hoạt tinh thần chưa bao giờ xảy ra trong cuộc đời ngắn ngủi của họ, vì thế không có thế lực nào có thể ngăn cản bước chân hành hương của họ! Ðó là lý do giải thích tại sao đang khi nhà nước tìm mọi cách ngăn cấm, hạn chế thì các giáo dân trong và ngoài nước vẫn tìm về Thánh địa La Vang, bất chấp mọi hiểm nguy đang đón chờ họ!! Ðó cũng là lý do giải thích trong Lễ Hội Khai Mạc năm vừa qua đã có trên 200,000 người tham dự và Lễ Hội Bế Mạc năm nay cũng vậy.

b) Với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Với nhận định vô tư thẳng thắn, người ta có thể nói mà không sợ sai lầm: Từ ngày chủ thuyết cộng sản xuất hiện trên đất nước Việt năm 1930, một tôn giáo được đảng này đặc biệt chiếu cố, tìm mọi cách tinh vi khoa học để triệt hạ là đạo Công giáo. Nhưng tại sao lãnh tụ của họ đã chết mà công giáo vẫn tồn tại và phát triển hơn trước?! Năm 1969, khi Hồ Chí Minh chết, số giáo dân chỉ trên hai triệu thì nay đã trên bảy triệu. Trải qua một quá trình bị bách hại dã man đủ cách trong 69 năm (1930 – 1999), tại sao trong Lễ Hội La Vang, các thông tín viên ngoại quốc lại viết: “Ðây là một cuộc biểu dương Niềm Tin lớn lao nhất tại Việt Nam, kể từ sau ngày người cộng sản xâm chiếm Miền Nam.” Ðó là sự quan phòng của Thiên Chúa với Giáo Hội Việt Nam, qua sự cầu bầu của Mẹ La Vang.

Ðể tri ân Mẹ đã đổ chan hòa bao hồng ân trên Giáo hội, thiết tưởng chúng ta có một nhiệm vụ quan trọng là hãy thực hiện lời Tuyên Ngôn của Hội Ðồng Giám Mục Việt nam, một thành viên trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, khi các ngài tuyên bố: “Giáo hội Công giáo đã cắm rễ sâu tại lục địa Á Châu, là vùng đất được coi như chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới. Và các tôn giáo lớn này đã là những con đường hướng dẫn đa số các dân tộc Á Châu đến với Thượng Ðế và cũng là phương tiện để Thượng Ðế đến với họ”. Với tư tưởng này, lễ Hội La Vang là một dịp để Giáo Hội Việt Nam kiên trì đào sâu hơn Sứ Mệnh Truyền Giáo, quan tâm đặc biệt đến việc Hội Nhập Văn Hóa Dân Tộc và nhu cầu Ðối Thoại Liên Tôn.

c) Với Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam: Qua Lễ Hội La Vang, một người dân giả với học lực bình thường cũng thấy rõ sự lúng túng của nhà nước trong chính sach đán áp tôn giáo của họ. Nêu lý do “vệ sinh, kinh tế ” nhưng thực tế là lo sợ sức mạnh tinh thần của tôn giáo, ban đầu giới hạn lễ hội trong phạm vi địa phương, tức tỉnh Quảng Trị và Huế. Họ ngăn cấm các cuộc hành hương từ các địa phương trong nước và cả ngoại quốc. Khi Ðức Giáo Hoàng ngỏ lời muốn thăm viếng Lễ Hội La Vang thì họ đã từ chối, viện lý do không đủ phương tiện đón tiếp ngài.

Hãng thông tấn AP thông tin: Trên một rừng 200,000 người tham dự Lễ Hội Khai Mạc La Vang. Mọi người đề cao cảnh giác, tự động giữ trật tự, không một bóng cờ đỏ sao vàng, không ai mang hình ảnh Hồ chí Minh, mà Lễ Hội tôn giáo này được tổ chức ngay trên đất nước đang sống dưới chế độ cộng sản vô thần!! Ðây có lẽ là bài học trắc nghiệm cho chính sách cai trị của họ! Và độc giả từ đó cũng biết người dân trong nước hiện nay có thái độ nào với chế độ!!

Lịch sử thế giới và cả lịch sử Việt nam đã chứng minh: Lấy vũ lực đàn áp niềm tin người dân, chẳng những niềm tin không bị tiêu diệt, mà còn thúc đẩy cho hạt giống niềm tin nảy mầm, bám rễ sâu hơn và nhanh chóng phát triển. Sức mạnh Tinh thần của Niềm Tin Tôn giáo không vũ lực nào có thể đàn áp được!? Phải chăng đó là bài học cho nhà nước qua lễ hội La Vang.

d) Với Dân Tộc Việt Nam. Năm 1798, dưới thời vua Cảnh Thịnh, nhà Tây Sơn, sau này dưới thời nhà Nguyễn, Văn Thân, chỉ có đạo Công giáo là nạn nhân duy nhất của chính sách cấm đạo của nhà cầm quyền. Nhưng với sự quan phòng của Thiên Chúa qua Mẹ La Vang, Giáo hội Công giáo không bị tiêu diệt mà trái lại còn phát triển như người ta thấy hiện nay. Từ kinh nghiệm đau thương đó, người dân Việt nam có quyền tin tưởng rằng: Hiện nay với chính sách đàn áp cả 5 tôn giáo lớn của nhà nước cộng sản là Phật giáo, Công giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo, Tin Lành làm sao họ có thể tồn tại?! Những thế lực bạo tàn sẽ xụp đổ không sao tránh khỏi! Ðó chỉ là sự tái diễn của lịch sử!!

Cũng như tại Lộ Ðức nước Pháp, Fatima nước Bồ đào Nha, trong đoàn người hành hương kính viếng khấn xin Ðức Mẹ không phải chỉ là dân Công giáo, nhưng là mọi người thuộc mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, chính kiến thì tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang cũng vậy. Tình Thương của Mẹ La Vang thật bao la mênh mông, không biên giới, không phân biệt tôn giáo, người Kinh người Thượng, người Việt nam hay ngoại quốc, nghĩa là tất cả những ai mà những nỗi đau khổ tinh thần vật chất đang đè nặng trên cuộc sống họ, đang cần sự nâng đỡ bảo trợ của Mẹ La Vang.

Do đó Lễ Hội La Vang là một Bài học Tình Thương cho mọi người Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Hãy quên đi những hận thù của lịch sử. Hãy xóa bỏ những khác biệt chính kiến, địa phương. Hãy vượt qua những ngăn cách vì chia rẽ, hiểu lầm. Có như thế, chúng có quyền tin tưởng rằng: “Một Tương Lai Tươi Sáng sẽ đến với Dân tộc Việt Nam” vì Ðức Mẹ đã phán khi hiện ra tại La vang: “Bất cứ ai đến khẩn cầu sẽ được Mẹ chấp nhận”. Mong lắm thay!