I. NHỮNG NHÂN VẬT TRỌNG YẾU TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG

1. ĐỨC CHA CASPAR LỘC – NGƯỜI VÉN BỨC MÀN BÍ MẬT LA VANG

Năm 1864, nhân chuyến công du về Pháp sau chỉ dụ tha tháp của vua Tự Đức, Đức cha Sohier Bình đã làm chủ lễ truyền chức Linh mục cho thầy Louis Caspar. Chính sự cảm phục các bậc đàn anh về sự gian nan và đổ máu mà Đức cha Sohier Bình là nhân chứng hùng hồn, đã quyết định phần lớn hướng đi Đàng Trong của thừa sai Louis Caspar.

Cha Louis Caspar sinh ngày 23.03.1841 tại Obernai, vùng Bas Rhin, gần biên giới Pháp Đức. Được cử sang Việt Nam, nhập địa phận Tây Đàng Trong ngày 15.02.1865, với tên Việt là Lộc.

Trong 15 năm ở địa phận Tây Đàng Trong, ngoài những trọng trách được giao phó: giáo sư chủng viện Lái Thiếu, bề trên trường Thầy Giảng…, ngài dành nhiều thời gian nghiên cứu đến thông thạo Việt ngữ và Hán, Nôm. Điều này giúp ích rất nhiều cho ngài trong suốt 26 năm lãnh đạo giáo phận Huế – một vùng đất bấy giờ Nho giáo đang chiếm lĩnh ảnh hưởng.

Năm 1880, ngài được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám mục ĐDTT giáo phận Bắc Đàng Trong, hiệu tòa Canathe. Lễ tấn phong tại Sài gòn ngày 24.08.1880. Đến Huế đầu tháng 09.1880.

Những năm đầu ở Huế, ngài không thể không chú ý đến một sự kiện được truyền tụng trong dân gian lương giáo: Sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Nhưng vốn bản tính khiêm cung, từ tốn ngài không thể không thận trọng về một sự kiện khó lòng kiểm chứng vì đã gần 100 năm trôi qua. Ngài chỉ âm thầm tìm hiểu, ghi nhận, và chủ định đề cao những giá trị tinh thần nhằm gia tăng lòng sùng kính Đức Mẹ nơi người giáo hữu.

Để phát huy lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang, hơn ai hết ngài ủng hộ và ban phép lành cho những cuộc rước kiệu hằng năm từ Cổ Vưu vào La Vang do giáo xứ Cổ Vưu tổ chức, tiền thân của Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang sau này.

Hơn hết, chính ngài đã quyết định xây dựng tại La Vang ngôi nhà thờ ngói dâng kính Đức Mẹ vào năm 1886. Chẳng may, giáo phận Huế lâm nạn Văn Thân, phải trễ mất 9 năm, 1894, mới khởi công được. Nhà thờ ngói đã hoàn tất vào năm 1900 – Năm khánh thành cũng là năm Đức cha ban hành định lệ “ba năng một lần kiệu trọng thể từ Cổ Vưu vào La Vang”.

Kiệu trọng thể theo thời gian tuy có thay đổi về nghi thức và tổ chức, nhưng định lệ “ba năm một lần ” vẫn được tôn trọng cho đến ngày nay.

Năm 1906 Đức cha Caspar tộc từ giã giáo phận Huế đi Rôma và được ĐGH ban phép về nghỉ dưỡng bệnh tại quê nhà. Ngài qua đời năm 1917.

2. ĐỨC CHA ALLYS LÝ – NGƯỜI XÂY ĐỀN NƠI HOANG ĐỊA

Đức cha Allys Lý là người có công rất lớn đưa giáo phận Huế tới thời kỳ phồn thịnh với phong trào tòng giáo đạt hiệu quả cao trong giới bình dân và hoàng tộc. Một hệ thống dòng tu phồn thịnh và một chương trình hiện đại hóa cơ sở vật chất cho giáo phận Huế, trong đó nổi bật là nhà thờ Phủ Cam, nhà thờ Phanxicô, Tòa Khâm Mạng và đền thờ Đức Mẹ La Vang – Một trong những công trình kiến trúc nhà thờ hàng đầu Việt Nam và Đông Dương hồi bấy giờ – Đã được ĐGH Gioan XXIII nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường vào năm 1961.

Nhưng tại sao lại phải xây dựng một ngôi đền thờ nguy nga nơi hoang địa, trong khi đó Tòa Giám Mục Huế đang là những dãy nhà ngói đơn sơ? Điều này chí có thể giải thích là do bởi lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang và muốn những gì tốt nhất dành cho Mẹ.

Hơn thế nữa, Đức cha Allys Lý còn từng bước nâng thánh địa La Vang từ một điểm hành hương giáo hạt, giáo phận lên hàng toàn quốc. Theo đó:

– Ngài đã tổ chức thành công tất cả sáu kỳ Đại Hội La Vang, từ Đại Hội 4 (1910) đến Đại Hội 9 (1928).

 – Từ Đại Hội 6 (1917), hành hương La Vang đã được cải cách từ một ngày lên ba ngày gọi là TAM NHẬT. Hai ngày đầu tổ chức tại La Vang, ngày thứ ba rước kiệu Đức Mẹ từ Cổ Vưu vào La Vang.

– Tổ chức thành công rực rỡ Đại Hội La Vang lần thứ 9 (1928), Đại Hội đầu tiên mang tính toàn quốc và Đông Dương. Từ Đại Hội này danh tiếng Đức Mẹ La Vang đã vượt địa phận Huế đến với mọi miền, mọi xứ: Bắc, Trung, Nam, cả Ai Lao và Cao Miên. Năm 1931, do già yếu và bị mù lòa, ngài được Tòa thánh cho phép nghỉ hưu. .

Đức cha Allys Lý qua đời lúc 11 giờ trưa ngày 23.04.1936 tại Tòa Giám Mục Huế, hưởng thọ 84 tuổi (1852 – 1936), 61 năm Linh mục truyền giáo tại Việt Nam, trong đó 28 năm Giám mục với 23 năm lãnh đạo giáo phận Huế và 5 năm hưu trí.

Điều đặc biệt là trong suốt cuộc đời 61 năm Linh mục thừa sai, ngài chưa một lần trở về giáo xứ Paimport, giáo phận Rennes, vùng bán đảo Bretagne quê hương ngài, mặc dù bấy giờ phương tiện đi lại đã dễ dàng hơn, thuận tiện hơn. Chính yếu là tâm nguyện hy sinh trọn đời cho giáo phận Huế và Đức Mẹ La Vang.

Hiện Đức cha đang an nghỉ trong khu lăng mộ nghĩa trang Linh mục Huế tại núi Thiên Thai.

3. PHƯỚC MÔN QUẬN CÔNG NGUYỄN HỮU BÀI – NGƯỜI MANG TÂM HUYẾT CANH TÂN NHÀ MẸ, DẪN LỐI ĐƯA NGƯỜI VỀ VỚI MẸ

Cụ Nguyễn Hữu Bài sinh ngày 28.09.1863 tại làng Cao Xá tỉnh Quảng Trị. Cao tổ của cụ, dòng dõi danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, người làng Mỹ Hương, tỉnh Quảng Bình. Thân sinh cụ Bài là cụ Nguyễn Hữu Các, cháu gọi thánh tử đạo Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh Năm bằng chú ruột.

Cụ Bài xuất thân là chủng sinh chủng viện An Ninh rồi Pénăng, nhưng không có ơn gọi. Cụ vào đời với chức thừa phái Thương Bạc. Dần dần nhờ tài năng, uy tín và lòng chính trực cụ được thăng đến thượng thư Bộ Lại. Đường hoạn lộ của cụ trải qua 50 năm dưới mười triều vua, khi thăng khi trầm nhưng mọi chuyện đều tiền hung hậu kiết. Theo cụ, tất cả là nhờ ơn Đức Mẹ La Vang. Để tỏ lòng biết ơn, cụ nhờ cha sở Cổ Vưu sắm một cỗ kiệu sơn son thếp vàng dâng kính tạ ơn Mẹ, dùng vào các cuộc rước kiệu.

Không có kỳ hành hương lớn nhỏ nào mà không có mặt cụ. Cụ đóng góp nhân lực, vật lực tối đa cho việc tổ chức rồi lặng lẽ đến với Mẹ như một người con thảo bình thường, một khách hành hương trong ngàn vạn khách hành hương khác, tin yêu và khiêm tốn.

Bên cạnh đó là tâm huyết canh cánh của cụ muốn La Vang độc lập về hành chánh để việc mở mang được thuận lợi hơn. Tâm nguyện chính đáng này dù đời cụ chưa thể thực hiện, ngoại trừ những cống hiến lớn lao cho việc hoàn thành đền thờ Đức Mẹ La Vang 1928, song hẳn trên quê Trời cụ đã mãn  nguyện khi nhìn thấy các thế hệ hậu duệ đang từng bước thi hành lời khấn hứa kiến thiết La Vang, mở mang quê Mẹ.

Không những năng đến với Mẹ, cụ còn đưa người khác đến với Mẹ, hễ có dịp. Câu chuyện vua Khải Định là một trường hợp điển hình. Một vị vua từ nhỏ đã quy y Phật pháp thế mà vẫn bị cụ thuyết phục, ít ra hai lần sắm sửa lễ vật phúng khấn và tạ ơn Đức Mẹ La Vang.

Trước đó là trường hợp người họa sĩ tài hoa ngoại giáo Nguyễn Khắc Nhân: “Năm 1906, Đức Thành Thái bị truất ngôi, cụ Nguyễn Khắc Nhân, Hàn Lâm viện biên tu tòng sự ở bộ Công, buồn tình cáo lão về quê nuôi mẹ già. Cụ bà Tôn Nữ Thị Quyên và ba con Phi Hổ, Phi Long, Phi Hùng ở lại Huế. Về Hà Nội ít lâu, tình lưu luyến vợ con lại đưa quan Biên về kinh. Cụ bị tình nghi là mưu đồ chống Pháp nên bị 18 tháng tù quốc sự phạm, lại bị đày ra Quảng Trị. Ổ đây cụ gặp Quận Công Nguyễn Hữu Bài là bạn đồng chí… Trong cuộc đào viên kết nghĩa này, tài ba của cụ Nguyễn Khắc Nhân lại bừng sáng lên, nhất là trong lãnh vực thi ca và hội họa về tôn giáo… Nhiều họa phẩm như Thánh Gia Thất, Thánh Đường La Vang vẫn còn lưu lại hậu thế.”[1]

 “Mà hẳn thật, từ ngày thầy này vẽ bức tượng ấy đến nay, qua một năm, thì Đức Mẹ đã xuống ơn mà bồi công lao khó nhọc, mà Đức Mẹ ban một ơn trọng, chẳng phải ơn thường là ban cho thầy ấy đặng trở lại làm con cái Đức Chúa Trời.”[2] Ngày chịu phép Rửa tội, người bọ đỡ đầu không ai khác hơn chính là cụ Nguyễn Hữu Bài.

Công trình ngũ phước[3] một thời được tiếng của cụ, trong đó Phước Môn nằm cạnh La Vang, được lập ra không ngoài mục đích để giáo dân được gần Mẹ, nương cậy Mẹ, phụng tự Mẹ. Hiện nay Phước Môn trực thuộc giáo xứ La Vang.

Những phút cuối đời khi xe Hồng Thập Tự đưa cụ từ Phước Môn vào bệnh viện Huế chữa chạy, cụ cũng bảo ghé La Vang viếng Mẹ, phó thác việc sinh tử trong tay Mẹ.

Cụ qua đời ngày 28.07.1935 tại tư thất ở Bến Ngự, hưởng thọ 73 tuổi. Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn chủ lễ quy lăng đưa linh cữu cụ về an táng tại quê nhà Phước Môn, ở đó trên ngọn đồi thông vi vu, trăng thanh gió mát cụ ngó về La Vang đêm ngày hành hương bên Mẹ.

4. LINH MỤC MORINEAU TRUNG – NGƯỜl QUẢN GIA TRUNG TÍN

Linh mục Morineau Trung sinh năm 1873 tại Salle de Vihiers, giáo phận Angers, vùng Bretagne, Tây Bắc nước Pháp. Thụ phong Linh mục năm 1898. Gia nhập địa phận Huế cùng năm.  

Trong suốt 50 năm phục vụ giáo phận Huế, ngài được giao phó nhiều trọng trách mà bao giờ cũng hoàn thành theo phận sự.

Nhưng có lẽ thành công mỹ mãn nhất, tinh thần và vật chất, theo ngài thổ lộ chính là công trình đền thờ Đức Mẹ La Vang. Qua đó Đức Mẹ đã biến đổi tâm hồn cứng cỏi ngài thành một niềm tin sắt đá và hết lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang.

Năm 1923, Linh mục quản xứ họ đạo Chợ Lớn JB Hướng, trong dịp hành hương La Vang lần đầu tiên đã nghe ngài tâm sự, kể lại: “Chính mình cha Morineau là cha sở Cổ Vưu nói với chúng tôi rằng ban đầu nghe thiên hạ đồn Đức Mẹ La Vang tôi không tin. Nhưng từ khi về làm cha sở ở đây ở lâu tôi thấy nhiều sự tôi hết chối đặng.”[4]

Trong những ngày đầy âu lo của tháng 12.1945, theo lệnh chính phủ chuẩn bị ra tập trung ở giáo xứ Cầu Rầm (GP Vinh), trong những lúc hàn huyên tâm sự cha Morineau Trung thường nhắc đến Đức Mẹ La Vang: “Tôi là người Pháp, có nơi hành hương danh tiếng là Lộ Đức, nơi Mẹ đã hiện ra năm 1858. Nhưng sau một thời gian phục vụ Đức Mẹ La Vang và nghe biết nhiều ơn lạ, cảm động , tôi tin Đức Mẹ La Vang hơn Đức Mẹ Lộ Đức danh tiếng.”[5]

Một điểm đáng lưu ý khác, được cha Morineau Trung xác nhận: “Đức Mẹ La Vang thương người lương đặc biệt”[6]  và cũng theo ngài “trong các cuộc hành hương hồi bấy giờ có đến 1/3 lương dân tham dự.” [7]

Do bởi lòng tin yêu Đức Mẹ ngài không quản khó nhọc, mỗi ngày, bất luận mưa nắng, từ năm 1924, đạp chiếc xe đạp Peugeot từ Cổ Vưu lên La Vang để đôn đốc công việc xây đền thờ Mẹ .

Ngoài ra, vì biết đường sá La Vang khó đi, lên gò xuống nổng, đất đá ngổn ngang, ngài đã nhờ sở Công chánh Quảng Trị san ủi, trải đá con đường tỉnh lộ 1 hơn hai cây số từ ga La Vang thẳng vào đền thờ. Nhờ vậy các vật hạng xây đền Mẹ được vận chuyển dễ dàng hơn đồng thời khách hành hương đến với Mẹ cũng thuận tiện hơn. Người lữ hành chỉ cần “xuống xe lửa lên xe kéo” là đã đến La Vang, không như trước đây chỉ có cách đi bộ.

Cha Morineau qua đời ngày 20.04.1948, hưởng thọ 75 tuổi, 50 năm Linh mục. An nghỉ tại giáo xứ Cầu Rầm, nơi bị tập trung theo lệnh chính phủ.

5. ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHÊRÔ MÁCTINÔ NGÔ ĐÌNH THỤC – NGƯỜI KHỞI XƯỚNG VÀ KIẾN THIẾT TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG

Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục sinh ngày 06.10.1897 tại giáo xứ chính tòa Phủ Cam nhưng nguyên quán làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Được Đức cha Allys Lý gởi đi du học trường Truyền Giáo Rôma và đã đậu ba bằng tiến sĩ: Triết học, Thần học và Giáo luật. Tại nơi đang đu học ngài được thụ phong Linh mục ngày 20.12.1925. Trở về địa phận Huế năm 1929.

Năm 1938, Tòa thánh thành lập GP Vĩnh Long, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục ĐDTT, hiệu tòa Soesina. 

Năm 1960, Tòa thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba tổng giáo phận Hà Nội, Huế, Sài gòn, ngài được bổ nhiệm Tổng Giám mục chính tòa tổng giáo phận Huế.

Trước biến cố 01.11.1963 đảo chánh lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm – bào đệ ngài, theo khuyến cáo của Đức Khâm sứ Asta – Đức cha đã sang Rôma tham dự Công đồng Vatican II và sau đó không thể trở về Việt Nam.

Tuy thời gian lãnh đạo tổng giáo phận Huế quá ngắn ngủi (1961 – 1963), nhưng Đức TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đã để lại một chương trình cải cách cũng như những công trình xây dựng lớn lao, trong đó ngài đã đem hết tâm huyết để kiến thiết Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang trở nên một nơi xứng đáng của sự cầu nguyện và đền tạ toàn quốc, là tấm bia hùng vĩ lưu truyền cho con cháu mai sau. [8] 

Không thể không nhắc lại, năm 1961, từ kiến nghị của ngài mà Hội Đồng Giám Mục Miền Nam đã chấp thuận La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc. Đồng thời cũng từ kiến nghị của ngài mà Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã ban hành sắc lệnh “Để Muôn Đời Nhớ” nâng đền thờ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường.

Đã có một thời gian dài, do khủng hoảng tinh thần, ly khai Giáo hội. Nhưng ơn Mẹ La Vang đã dẫn dắt ngài ra khỏi cuộc khủng hoảng, hòa giải với Giáo hội và trở về với cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. 

Tháng 08.1984, nhân đến chủ tọa ngày lễ Thánh Mẫu ở Carthage, ngài nói: “Từ 20 năm nay tôi chưa hề thấy người Việt đông như thế này. Nay Mẹ đưa tôi về đây gặp anh chị em lần sau hết. Xin phú thác anh chị em trong Thánh Tâm Mẹ. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi được chết lành.”[9] 

Đức Cha qua đời ngày 13.12.1984. Hưởng thọ 87 tuổi. Thi hài được an táng tại nghĩa trang Resurrection Cemetary, Springfield, Missouri, Orléans. USA.  

II. CÁC BẬC VỊ VỌNG KÍNH VIẾNG ĐỨC MẸ LA VANG

A. CÁC BẬC VỊ VỌNG TRONG GIÁO QUYỀN

1. CÁC ĐỨC HỒNG Y

• Ngày 07.01.1955, Đức Hồng y Francis Spellman, Tổng Giám mục New York, nhân dịp đến thăm địa phận Huế đã ra La Vang kính viếng Đức Mẹ. Đức Hồng y chủ tế thánh lễ tạ ơn tại bàn thờ Đức Mẹ, cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam. Ngài phát biểu trong xúc động: “Tôi cầu nguyện và tin tưởng chắc chắn thế nào Đức Mẹ La Vang cũng sẽ thắng và đem lại hòa bình cho Giáo hội Việt Nam.”[10] 

• Ngày 19.03.1955, Đức Hồng y tiên khởi Úc châu Norman Thomas Giltroy, Tổng Giám mục Sydney, Australia đáp máy bay đến Sàigòn, thân hành viếng thăm, ủy lạo đồng bào di cư. Từ Sàigòn ngài đến các nơi Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng và cuối cùng dừng chân ở giáo phận Huế. Ngài đã ra kính viếng Đức Mẹ La Vang, nhưng tôn trọng ý kiến của ngài GP Huế không đưa đón rình rang mà chỉ cử đoàn hướng dẫn.[11] 

• Năm 1959, NĂM THÁNH MẪU VIỆT NAM, Đức Hồng y Agagianian, đặc sứ của ĐGH Gioan XXIII đã đến chủ tọa ĐẠI HỘI THÁNH MẪU TOÀN QUỐC tại Sàigòn. Sau Đại Hội, Đức Hồng y đặc sứ đi thăm các giáo phận cao nguyên và miền Trung. Điểm cuối cùng và quan trọng nhất là thánh địa La Vang.

Hôm ấy đồi La Vang xám xịt trong cơn mưa càng lúc càng nặng hạt. Nhưng lạ thay, một biển người chừng mười lăm, hai mươi ngàn, hàng lối chính tề nao nức đội mưa chào đón ngài. Ngài xuống xe thân mật tiếp xúc với mọi người ngay giữa sân trong cơn mưa tầm tã rồi xúc động nói: “Các con thân yêu! Cha cầu mong ơn thánh sủng và phúc lành Chúa đổ xuống trên các con như những giọt nước mưa đang rơi xuống La Vang lúc này.”[12]

Đức Hồng y đặc sứ cử hành thánh lễ dưới bóng từ bi của Đức Mẹ La Vang. Sau thánh lễ, ngài đến quỳ cầu nguyện rất lâu trước linh đài Đức Mẹ. Tiếp đó ngài đi vào phòng khánh tiết viết vào sổ lưu niệm những dòng quý báu bằng La ngữ: “Với lòng ngưỡng mộ của con cái thảo hiếu, con sấp mình dưới chân Mẹ chí thánh của Thiên Chúa trong thánh đường này. Với một đức tin sắt đá, con khẩn khoản nài xin lòng nhân từ Thiên Chúa đổ xuống mọi ơn lành như mưa trên trời rơi xuống đem mọi phúc đức và bình an cho Giáo hội và dân tộc Việt Nam để vinh danh Chúa Kitô-Vua, để sáng danh Giáo hội Công giáo, người Mẹ hiền từ, để các linh hồn được ơn cứu rỗi, hầu nên một đoàn chiên dưới quyền chăn dắt của một Chúa chiên.”[13] 

• Ngày 01.07.1989 Đức Hồng y Roger Etchegaray, chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh về Công Lý – Hoà Bình, đại diện Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã có mặt ở Việt Nam, thực hiện chuyến thăm 11/25 giáo phận Việt Nam từ ngày 01.07- 13.07.1989[14] 

Ngày 08.07.1989, đang ở thăm giáo phận Huế, Đức Hồng y R. Etchegaray đã ra kính viếng Đức Mẹ La Vang. Ngài vô cùng xúc động khi tận mắt chứng kiến những đổ nát hoang tàn còn đọng lại sau chiến tranh, nhưng ngài cũng không khỏi sững sờ ngạc nhiên, cảm phục khi nhìn thấy trong tang thương con cái Việt Nam vẫn một lòng tin yêu sùng kính Đức Mẹ La Vang.

Cũng trong dịp này, cha sở Diên Sanh kiêm La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang đã đệ trình lên ĐTC Gioan Phaolô II một lá thư tường trình về “những cuộc hành hương và đời sống cầu nguyện tại linh địa La Vang trong những ngày tháng đầy khó khăn và tế nhị sau năm 1975”.

• Chiều 14.08.1996, Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần đầu tiên đến La Vang, chủ tọa Đại Hội 24. Trong không khí tưng bừng của cuộc đón rước ngài chân thành phát biểu: “Tôi cảm tạ Chúa và Mẹ Maria đã ban cho tôi được dịp lên hành hương nơi linh địa La Vang này. Một ơn mà tôi hằng mong ước được thực hiện.” Đức Hồng y chủ tế thánh lễ đồng tế bế mạc – Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – sáng 15.08.1996.

Lần thứ hai, lúc 16.30 thứ bảy ngày 14.08.1998 – Ngày thứ hai trong Tam Nhật đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang – Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đặc sứ của ĐGH Gioan Phaolô II, đến chủ tọa đại lễ. Cộng đồng dân Chúa do các Đức Giám mục dẫn đầu long trọng nghinh đón ngài trong tiếng vỗ tay rền vang.

Đức Hồng y đặc sứ thay mặt Đức Thánh cha Gioan Phaolô II trao dây Pallium cho Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, người vừa được Tòa  thánh bổ nhiệm Tổng Giám mục Huế vào ngày 01.03.1998, đồng thời chủ tế thánh lễ đồng tế bế mạc – Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – sáng 15.08.1998 và giảng về đề tài “Sống đức tin theo gương Mẹ”.

Đúng một năm sau, cũng vào ngày giờ nói trên cộng đồng dân Chúa hành hương La Vang, lần thứ ba hân hoan chào đón Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam đến chủ tọa đại lễ bế mạc NĂM TOÀN XÁ ĐỨC MẸ LA VANG. Cũng như hai lần trước, Đức Hồng y chủ tế thánh lễ đồng tế bế mạc – Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – sáng 15.08.1999 và giảng về đề tài “Hành Hương”.

2. CÁC ĐỨC KHÂM MẠNG TÒA THÁNH

• Ngày 08.03.1923, sau cuộc kinh lược các giáo phận miền Bắc, Đức Khâm sai Lécroart đang có mặt ở Hướng Phương, GP Vinh, chuẩn bị vào thăm GP Huế. Đức cha Allys Lý dẫn đầu phái đoàn chờ nghênh đón ở họ đạo Bồ Khê, nam sông Gianh. Ngày 09.03.1923 Đức Khâm sai đến Cổ Vưu, chiều đến Huế.

 Tại Huế, Đức Khâm sai mở cuộc viếng thăm giáo quyền và chính quyền trong suốt một tuần lễ. Ngày 16.03:1923, Đức Khâm sai đi ngược ra Quảng Trị thăm sở Đất Đỏ, Di Loan, Cổ Vưu, Phước Môn rối qua La Vang kính viếng Đức Mẹ.

Đức Khâm sai cùng phái đoàn vào nhà thờ ngói cổ quỳ cầu nguyện rất lâu. Sau đó ngài nhận cuốn sổ vàng từ tay cha sở Cổ Vưu Morineau Trung và viết vào đó những dòng quý báu ghi nhớ cuộc kính viếng Đức Mẹ La Vang.[15] 

.  Ngày 20:05.1925 ĐGH Piô XI ban hành tông thư Ex Officio Supremo thành lập Tòa Khâm Mạng Đông Dương và Thái Lan, trụ sở đặt tại Việt Nam. Đồng thời ngày.25.05.1925, bổ nhiệm Đức Giám mục Constantino Ayuti người Ý làm khâm sứ tiên khởi.

Ngày 25.11.1925 Đức Khâm sứ Ayuti đến Sàigòn. Ngài đi thẳng ra Hà Nội xem xét tình hình rồi trở về Huế. Tại đây ngài đã đi thăm chủng viện An Ninh, sở Phước Môn và qua La Vang kính viếng Đức Mẹ . Sau cuộc viếng thăm này Đức Khâm sứ quyết định, theo ý kiến cụ Bài, thiết lập Tòa Khâm Mạng ở Phủ Cam.

Ngày 26.11.1928 Đức Khâm sứ Colomban Dreyer đến Huế thay Đức Khâm sứ Ayuti qua đời đột ngột ngày 29.07.1928 khi đang thăm viếng Đà Lạt. Đức Khâm sứ Dreyer là vị khâm sứ đầu tiên ở trong tòa nhà Khâm Mạng Phủ Cam (khánh thành ngày 01.05.1928), cho đến năm 1936. Trong thời gian 8 năm này, Đức Khâm sứ đã nhiều lần ra La Vang chầu Đức Mẹ.

. Năm 1937 Đức Khâm sứ Drapier đến Huế và ngài đã ở Tòa Khâm Mạng suốt 13 năm. Ngài là người hết lòng tin yêu Đức Mẹ La Vang, vì thế trong những ngày tháng nguy nan do thế giới đại chiến thứ hai gây ra, ngài đã gởi thông cáo kêu gọi mọi người hướng về Đức Mẹ La Vang để xin ơn hòa bình.

Dịp Đại Hội La Vang 12 (1938), ngài chủ tế thánh lễ bế mạc sáng 19.08.1938 tại đền thờ Đức Mẹ La Vang. Đó cũng là kỳ Đại Hội duy nhất mà ngài tham dự, bởi sau đó do hoàn cảnh chiến tranh, Đại Hội La Vang bị gián đoạn 17 năm.

Năm 1950, Đức Khâm sứ Drapier thuyên chuyển đi nơi khác. Tòa Khâm Mạng Huế được dời ra Hà Nội. Năm 1959 bãi bỏ. Tái lập tại Sàigòn.

• Đức Khâm sứ Giuseppe Caprio ít nhất đã hai lần đến La Vang. Một lần vào ngày 16.07.1956, ngài chủ tế thánh lễ với sự tham dự của một vạn giáo dân. Lần thứ hai vào dịp Đại Hội La Vang 14, ngài cử hành thánh lễ tại linh đài Bát Giác ngày 21.08.1958 – Ngày Công Giáo Tiến Hành toàn quốc – trước 10.000 giáo hữu, đa phần là giới chức Công Giáo Tiến Hành.[16] 

 Ngày 22.08.1961, ngày bế mạc Đại Hội La Vang 15, từ Sài gòn Đức Khâm sứ Mario Brini đã gởi bức điện tín như sau: “Thinh cầu Đức Tổng Giám mục đặt dưới chân Đức Mẹ La Vang những lời khẩn cầu sốt sắng của tôi hiệp với những lời khẩn cầu của hàng giáo phẩm Việt Nam, để xin nước Chúa Ki tô toàn thắng nhờ Mẹ Maria. “Đồng thời, cũng ngày này Đức Khâm sứ Mario Brini đã cử Đức ông De Nitris, thư ký Tòa Khâm Mạng tới dự Đại Hội, nghinh rước và tuyên đọc bằng La ngữ sắc chỉ Tòa thánh nâng đền thờ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường.[17]

Ngày 28.11.1964 Đức Khâm sứ Angelo Palmas đã tới La Vang trong sự đón tiếp của 7.000 giáo dân. Ngài đến linh đài Đức Mẹ cầu nguyện xong nghe đọc chúc từ. Ngài ban huấn từ và dâng thánh lễ tại linh đài.[18] 

3. CÁC ĐỨC GIÁM MỤC NGOÀI NƯỚC

• Năm 1928 Đức cha Gouin, Giám mục địa phận Lào đã đến La Vang tham dự Đại Hội 9.

• Năm 1952, trong tình cảnh an ninh chưa mấy sáng sủa, Đức cha Laosdeat, Giám mục địa phận Lào đã đến La Vang kính viếng Đức Mẹ.

• Năm 1955 Đức cha Eris O Brien, Tổng Giám mục thành Canberra Úc châu đã đến La Vang kính viếng Đức Mẹ, cùng một lượt với Đức Hồng y Giltroy và Linh mục Daniels, đại diện Đức Hồng y Yring thành Cologne.

• Năm 1958 Đức cha U Win, Giám mục tiên khởi Miến Điện, cùng bốn Linh mục tháp tùng Toupha, Su, Wong và D’Erie, nhân chuyến viếng thăm Công giáo Việt Nam, đã đến La Vang tham dự Đại Hội 14. Các ngài đã có mặt suốt ba ngày Tam Nhật.[19] 

• Ngày 30.08.1999, đáp lời mời của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, một phái đoàn của Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ gồm Đức Giám mục trưởng đoàn (Đức cha Joseph Antony Fiorenza, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục và Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ), ba Đức Giám mục thành viên (Đức cha Théodore E.Mc. Carrick, TGM Neward, chủ tịch UB Chính Sách Quốc Tế của HĐGMHK + Đức cha John S. Cummins, GM Oakland, thành viên UB GMHK về Di Dân + Đức cha John H. Ricard, chủ tịch HĐ Giám Đốc Điều Hành CRS), ba giáo dân (ông Kenneth Hackett, giám đốc điều hành CRS[20]+ ông Lacy Wright, phụ tá giám đốc UB Giám mục về Di Dân và Tị Nạn + ông Thomas Quigley, cố vấn chính sách Á châu HĐ Công Giáo Hoa Kỳ) và Linh mục gốc Việt Lê Quang Hiền, phụ trách tham vấn và thông dịch, đã có mặt ở La Vang nhân chuyến viếng thăm Việt Nam.

Phái đoàn đã đến chầu Đức Mẹ tại linh đài rồi vào quỳ cầu nguyện rất lâu trong ngôi nhà nguyện bằng tôn thấp nóng.

Sau bữa cơm trưa thân mật, phái đoàn được thưởng thức vũ điệu “Cầu Xin Mẹ La Vang” do đoàn dân tộc Bru trong y phục truyền thống của mình biểu diễn.

Phát biểu cảm nghĩ, Đức cha trưởng phái đoàn nói: “Giáo dân Việt Nam thật sự hạnh phúc hơn giáo dân Hoa Kỳ vì vinh dự có Đức Mẹ La Vang. Giáo hội Hoa Kỳ tuy rộng lớn nhưng không có nơi nào có dấu chân Mẹ. Vậy ước gì Giáo hội Hoa Kỳ được là đứa con nuôi của Đức Mẹ La Vang.”

Đáp lễ cuộc viếng thăm này, ngày 10.11.2003 phái đoàn các Đức Giám mục Việt Nam do Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch HĐGMVN dẫn đầu đã đến chào mừng HĐGMHK tại hội nghị thường niên ở thủ đô Washington, và đã tặng HĐGMHK bức tranh thêu Đức Mẹ La Vang.

4. CÁC ĐỨC GIÁM MỤC TRONG NƯỚC

Thật khó có thể liệt kê hết tên tuổi các vị Giám mục trong nước đã từng đến kính viếng Đức Mẹ La Vang. Tuy nhiên, có một điều dễ dàng nhận thấy là hầu hết, nếu không nói là tất cả, các Đức Giám mục trong nước đều tôn sùng, phục lụy Đức Mẹ La Vang mà đa phần các vị đều ít nhất một lần đến La Vang bái chầu Mẹ. Hơn thế nữa, có thể nói mỗi Đức Giám mục trong nước là một tấm gương yêu mến Đức Mẹ La Vang mà giáo dân Việt Nam hằng ngưỡng mộ, noi theo.

Cho đến ngày thiết lập hàng giáo phẩm VN, ngoại trừ các Đức Giám mục lãnh đạo địa phận Huế, có thể kể tên một số các Đức Giám mục trong nước đã từng có mặt ở La Vang, một hoặc nhiều lần: Grangeon Mẫn (Qui Nhơn), Eloy Bắc (Vinh), Marcou Thành (Phát Diệm), Vandale Vạn (Hưng Hóa), Tardieu Phú (Qui Nhơn), Piquet Lợi (Nha Trang), Nguyễn Bá Tòng (Phát Diệm), Nguyễn Văn Bình (Sàigòn), Hoàng Văn Đoàn (Qui Nhơn), Phạm Ngọc Chi (Đà Nẵng), Jacques Mỹ (Lạng Sơn), Seitz Kim (Kontum), Nguyễn Huy Mai (Ban Mê Thuột), Đan Viện phụ Phước Sơn Benoit (Henri Denis) Thuận, và các Đức Giám Mục gốc Huế đang lãnh đạo các địa phận khác: Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu), Ngô Đình Thục (Vĩnh Long), Lê Hữu Từ (Phát Diệm), Nguyễn Văn  Hiền (Sàigòn). Về sau có Đức cha Nguyễn Văn Thuận (Nha Trang) và Phạm Văn Lộc (Kontum).[21] 

Có thể kể thêm các vị tân Giám mục miền Nam đang tĩnh tâm tại đan viện Thiên An năm 1960 cũng đến với Mẹ: Trần Văn Thiện (Mỹ Tho), Nguyễn Văn Thiện (Vĩnh Long), Nguyễn Kim Điền (Cần Thơ), Nguyễn Khắc Ngữ (Long Xuyên). Về sau có Đức cha Lê Văn Ấn (Xuân Lộc).[22] 

Sau đó, do chiến tranh và hoàn cảnh, các Đức Giám mục ít có cơ hội đến La Vang. Ngoại trừ một lần các Đức Giám mục giáo tỉnh Huế đến dâng thánh lễ đồng tế tại La Vang, ngày 09.02.1980, dịp tĩnh tâm tại Huế. Mãi đến năm 1998, năm cử hành đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, hoàn cảnh thuận lợi hơn, các Đức Giám mục mới có cơ hội đến La Vang.

• Trong đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang có mặt Đức Hồng y Phạm Đình Tụng và các Đức Giám mục Nguyễn Văn Hòa (Nha Trang), Huỳnh Văn Nghi (Phan Thiết), Nguyễn Văn Nhơn (Đà Lạt), Phạm Minh Mẫn (TpHCM), Nguyễn Sơn Lâm (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Nho (Nha Trang), Nguyễn Tích Đức (Ban Mê Thuột), Trần Thanh Chung (Kontum), Nguyễn Văn Sang (Thái Bình), Nguyễn Văn Yến (Phát Diệm), Nguyễn Quang Tuyến (Bắc Ninh).

• Trong Đại Hội La Vang 25 (1999) – Bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang – có mặt Đức Hồng y Phạm Đình Tụng và các Đức Giám mục Lê Đắc Trọng (Hà Nội), Ngô Quang  Kiệt (Lạng Sơn), Cao Đình Thuyên (Vinh). Nguyễn Tích Đức (Ban Mê Thuột), Nguyễn Văn Hòa và Nguyễn Văn Nho (Nha Trang), Nguyễn Văn Diệp (Vĩnh Long), Nguyễn Văn Nhơn (Đà Lạt), Nguyễn Văn Trâm (Xuân Lộc), Nguyễn Văn Sang (Thái Bình), Trần Đình Tứ (Phú Cường), Lê Phong Thuận (Cần Thơ), Bùi Văn Đọc (Mỹ Tho), Phạm Minh Mẫn (TpHCM), Nguyễn Sơn Lâm (Thanh Hóa), Nguyễn Quang Sách (Đà Nẵng), Nguyễn Soạn (Qui Nhơn), Nguyễn Quang Tuyến (Bắc Ninh), Nguyễn Văn Yến (Phát Diệm), Linh mục Giám quản Nguyễn Thái Hà (Hưng Hóa) và Đan Viện phụ Thiên An Huỳnh Quang Sanh.

• Trong Đại Hội La Vang 26 (2002) có mặt Đức Hồng y Phạm Đình Tụng và các Đức Giám mục Phạm Minh Mẫn (TpHCM), Lê Đắc Trọng (Hà Nội), Nguyễn Thanh Hoan (Phan Thiết), Nguyễn Văn Hòa và Nguyễn Văn Nho (Nha Trang), Ngô Quang Kiệt (Lạng Sơn), Hoàng Văn Tiệm (Bùi Chu), Nguyễn Soạn (Qui Nhơn), Nguyễn Tích Đức (Ban Mê Thuột), Nguyễn Văn Nhơn (Đà Lạt) và Đan Viện phụ Thiên An Huỳnh Quang Sanh.

Không thể không nhắc đến các Đức Giám mục lãnh đạo giáo phận Huế mà mỗi vị được xem là một “Giám mục của Đức Mẹ La Vang “: Caspar Lộc, Allys Lý, Chabanon Giáo, Lemasle Lễ, Urrutia Thi, Ngô Đình Thục, Nguyễn Kim Điền, Nguyễn Như Thể.

Qua sự hiện diện gần như đầy đủ của các Đức Giám mục, có thể nói, kể từ đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang thì La Vang không còn là chuyện riêng của giáo phận Huế nữa mà là chuyện chung của HĐGMVN và cả Giáo hội Việt Nam. 

5. CÁC TÔNG ĐỒ NHIỆT THÀNH CỦA ĐỨC MẸ LA VANG[23]

• Đức Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn được xếp “đệ nhất tông đồ” về sưu tầm sử liệu Đức Mẹ La Vang với những bài giảng sinh động hùng hồn trong các kỳ đại hội. Bên cạnh đó là những công trình nghiên cứu, những bài viết về ơn lạ đăng tải liên tục trong Nam Kỳ Địa Phận. Hơn hết là công lao truy tìm, hiệu đính Vãn La Vang, một tác phẩm quý bị thất lạc nhiều năm.

Kể từ ngày được bổ nhiệm Giám mục Bùi Chu, thời gian không cho phép ngài tiếp tục công việc tốt đẹp này, nhưng lòng trí ngài thì bao giờ cũng ở bên Mẹ. Như Đại Hội La Vang 12 (1938), không thể vào tham dự, ngài ân cần gởi bức điện tín:

“Monseigneur Lemasle, La Vang

Avec chère Mission Huế, Bùi Chu et son Evêque unissent leur joie, prières et louanges devant Notre Dame de La Vang” (Kính gởi Đức cha Lemasle Lễ, La Vang – Một lòng một ý cùng địa phận Huế, địa phận và Giám mục Bùi Chu hiệp sự vui mừng, lời cầu nguyện và câu chúc tụng dâng lên trước tòa Đức Mẹ La Vang)[24] 

• “Đệ nhị tông đồ ” phải kể đến là Linh mục Giuse Trần Văn Trang với TỰ TÍCH TÔN KÍNH ĐỨC MẸ LA VANG, xuất bản năm 1923. Bên cạnh đó là những bài thuyết giảng,  những bài phóng sự Đại Hội La Vang, những bài ơn lạ Đức Mẹ La Vang đều đặn xuất hiện trên Nam Kỳ Địa Phận. Ngoài ra cha Giuse Trang còn sáng tác nhiều bài thơ hay về Đức Mẹ La Vang, nhằm nung nấu lòng tin yêu Đức Mẹ nơi người tín hữu. Đồng thời ngài tận dụng mọi cơ hội để quảng bá quyền phép Đức Chúa Bà La Văng nơi lương dân. Ngài xứng đáng với danh hiệu Tông đồ dân ngoại và Tông đồ Đức Mẹ La Vang.

• Không ai khác hơn, chính Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá là vị “đệ tam tông đồ” của Đức Mẹ La Vang trong lãnh vực này với những bài thơ hay, những bài ơn lạ hấp dẫn và những bài phóng sự Đại Hội La Vang đặc sắc xuất hiện liên tục trên Nam Kỳ Địa Phận. Bên cạnh đó, một công trình nghiên cứu riêng về sự tích, địa bạ, lịch sử Đức Mẹ La Vang, công phu và tỉ mỉ, giúp ích rất nhiều cho những ai muốn tìm hiểu về Đức Mẹ La Vang.

• Có thể kể thêm: Linh mục Giacôbê Nguyễn Linh Kinh với công trình sưu tập 400 trang bản thảo bị thất lạc. Linh mục Mathêô Lê Văn Thành với sách Đức MẸ LA VANG (1955). ông Phạm Đình Khiêm với sách ĐỨC MẸ LA VANG LÀ NỮ VƯƠNG CHIẾN THẮNG (1959). Linh mục Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc với sách LINH ĐỊA LA VANG (1970). Linh  mục Hồng Phúc (CSsR) với sách Đức MẸ LA VANG VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM (1998). Linh mục Nguyễn Tự Do (CSsR) với sách Đức MẸ LA VANG 200 NĂM (2000)…

• Không thể không nói đến Linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang, người đã ra sức gìn giữ và bảo vệ La Vang trong những năm tháng đầy khó khăn và tế nhị (1975 – 1995). Đồng thời âm thầm ghi chép và lưu giữ những tài liệu lịch sử quý giá về thánh địa La Vang. Cho đến nay, mặc dù rời nhiệm vụ đã mười năm (1995 – 2005), ngài vẫn tiếp tục sưu tập và kiểm chứng những ơn lạ Đức Mẹ La Vang, cập nhật hóa phần thời sự La Vang rồi đưa vào mạng Internet hoặc công bố trên nội san SỐNG TIN MỪNG một công trình chỉ có mình ngài độc diễn.  

B. CÁC BẬC VỊ VỌNG TRONG CHÍNH QUYỀN

Lịch sử còn ghi lại nhiều cử chỉ tốt đẹp của chính quyền, từ xưa tới nay, đối với thánh địa La Vang. Có thể ghi lại:

• Ở tiền bán thế kỷ XX, trong các kỳ kiệu lớn, lễ lớn, người ta thường dễ dàng nhận ra các vị chức sắc cao cấp trong chính phủ đến tham dự. Đó là các vị quan khâm sứ, công sứ người Pháp trong chính phủ Bảo Hộ, các vị quan thượng thư, tuần phủ, án sát trong chính phủ Nam Triều. Đứng đầu, thường thấy là  thượng thư Nguyễn Hữu Bài.

• Vua Khải Định, dù chưa một lần đến La Vang song qua ơn Mẹ đã ban cho nhà vua khỏi bệnh vào dịp Tứ Tuần Đại Khánh 1925, đã khiến nhà vua hai lần cử phái bộ triều đình ra La Vang phúng khấn tạ ơn Mẹ:

“Một chiều kia cha Morineau Trung ở Cổ Vưu vào La Vang đột ngột bảo ông từ Lê Hộ dọn dẹp trang hoàng đền thờ. Mãi đến nửa đêm hai chiếc xe hơi đưa những vị khách trọng đến. Ấy là lễ tạ ơn của nhà vua. Năm sau, vua Khải Định lại ngã bệnh nguy cấp. Một lần nữa, vua sai cụ Bài ra La Vang khấn xin Đức Mẹ. Lễ vật vua dâng kỳ này là hai cây sáp ong to lớn cao một thước, vòng lưng ba tấc rưỡi…”[25]

• Ngày 01.09.1954 Hội Đồng tỉnh Quảng Trị viếng thăm thánh địa La Vang dịp đình chiến.[26] 

• Ngày 27.01.1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm cùng nhiều bộ trưởng trong chính phủ VNCH, hơn 200 đại diện các phái đoàn kiểm soát đình chiến (Anh, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Philippine…) cùng 12 ký giả, nhiếp ảnh nước ngoài đã đến La Vang kính viếng Đức Mẹ.[27] 

• Ngày 15.08.1958, tổng thống Ngô Đình Diệm cùng các nhân vật cao cấp trong chính phủ VNCH, quốc hội và quân đội, trong đó có đại tướng Lê Văn Tỵ đã đáp máy bay xuống sân bay Đông Hà rồi đi xe hơi lên La Vang kính viếng Đức Mẹ.[28]  

• Ngày 01.10.1958 phái đoàn quốc hội VNCH do hai ông Phạm Văn Nhu (chủ tịch quốc hội) và ông Trần Văn Lắm dẫn đầu đã đến La Vang kính viếng Đức Mẹ. Phái đoàn đã để lại bút tích trong sổ vàng La Vang.[29]  

• Ngày 08.12.1958, nhân ngày lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội, một phái đoàn gồm các nhân vật cao cấp trong chính phủ VNCH do ông Trương Vĩnh Lễ dẫn đầu đã đến La Vang. Phái đoàn sốt sắng tham dự thánh lễ và nghe giảng về đề tài “Đức Mẹ Maria, Đức Mẹ La Vang”.[30] 

• Ngày 16.08.1961, một ngày trước khai mạc Đại Hội La Vang 15, tổng thống Ngô Đình Diệm và phái đoàn cao cấp chính phủ VNCH đã đến La Vang. “Như những giáo dân ngoan đạo khác, ông Ngô Đình Diệm, tổng thống VNCH, cũng đã hành hương đến La Vang. Bằng một cử chỉ tôn kính Đức Mẹ, từ cổng tam quan ông xuống xe cởi giày đi chân đất đến đền thánh, vào quỳ trước bàn thờ chính, cùng với Đức Tổng Giám mục bào huynh Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục bên trái và Đức Tổng Giám mục Urrutia Thi bên phải, cầu nguyện rất lâu với Đức Mẹ La Vang xin cho nước nhà bình yên, dân an quốc thái.”[31] 

Rời đền thờ, theo sự hướng dẫn của cha sở La Vang, cụ và phái đoàn đến quỳ chầu Đức Mẹ tại linh đài một lúc rồi mới lưu luyến từ giã.

• Ngày 22.08.1961, ngày bế mạc Đại Hội La Vang 15, phái đoàn chính phủ VNCH gồm nhiều tướng lãnh và các vị lãnh đạo cao cấp, do phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đã tới La Vang tham dự và chào mừng Đại Hội.

Cũng vào dịp này, dễ dàng nhận ra sự có mặt của tướng Pérakiraly, một vị tướng lãnh trong quân đội Hungari.

• Sau cuộc chính biến ngày 01.1 1.1963, người ta thêu dệt nhiều giai thoại lạnh lùng về đạo Công giáo khiến chính quyền và giáo quyền trở nên không mấy thân thiện. Dù vậy, ngày 17.05.1964 – ngày bế mạc Đại Hội La Vang 16 – vẫn có hai phái đoàn chính quyền của hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên do hai vị tỉnh trưởng dẫn đầu đã đến chúc mừng Đại Hội La Vang trong sự tiếp đón nồng hậu của ban tổ chức và cộng đồng hành hương.

• Những năm gần đây, mỗi lần La Vang có đại lễ, đại hội, chính quyền hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đều có cử đại diện đến chào mừng và dự lễ. Họ phát biểu những lời chân tình và thân thiện.  

III. CÁC CUỘC LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC TẠI LA VANG

Từ trước tới nay, tại La Vang chỉ có ba cuộc lễ truyền chức Linh mục. Đó là:

1. LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC ĐẦU TlÊN TẠI ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG[32]

Sáng ngày 24.01.1959, giáo dân tấp nập đổ về La Vang như một ngày hội. Ai nấy đều cố nhanh chân để có một chỗ trong nhà thờ, sốt sắng dự lễ truyền chức Linh mục cho thầy phó tế Philipphê Trần Văn Hoài, người An Ninh.

Để đảm bảo cho cuộc lễ được trang nghiêm, lúc Đức cha Urrutia Thi và 70 Linh mục bước lên bàn thờ thì các cửa ra vào phải đóng lại vì không còn một chỗ trống. Hàng ngàn giáo hữu  đến sau đành đứng ngoài sân hướng về bàn thánh thông công cầu nguyện cho vị tân Linh mục.

Trong bữa cơm thân mật sau lễ, cha sở La Vang Giuse Trần Văn Tường nhắc lại quãng đường của vị tân Linh mục đã trải qua và cầu xin ơn lành cho những ngày mới trong thiên chức mới. .

Linh mục Philipphê Trần Văn Hoài nay là Đức ông Hoài đang ở Rôma, đã nghỉ hưu.

2. LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC ĐẦU TlÊN TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG[33]

Ngày 05.01.1962, nhằm ngày lễ Chúa Hiển Linh, Đức Tổng Giám mục Urrutia Thi đã cử hành thánh lễ truyền chức Linh mục lần đầu tiên kể từ ngày đền thờ Đức Mẹ La Vang được nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường. Người được vinh dự nhận chức thừa tác vụ Linh mục là thầy Têphanô Nguyễn Như Thể, sinh quán Cây Da, nguyên quán Nho Lâm.

Hôm ấy nhằm tiết đông lạnh rét nhưng vẫn có nhiều Linh mục, tu sĩ, thân nhân tân Linh mục và hàng ngàn giáo dân tề tựu dự lễ.

Linh mục Têphanô Nguyễn Như Thể hiện nay là Tổng Giám mục lãnh đạo tổng giáo phận Huế. 

3. LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC ĐẦU TIÊN TẠI LINH ĐÀI ĐỨC MẸ LA VANG

Ngày 22.08.1968, nhằm ngày lễ Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ theo lịch công giáo địa phận Huế, cũng là ngày kỷ niệm 7 năm cung hiến Vương Cung Thánh Đường La Vang. Dù không tổ chức đại hội cấp toàn quốc, giáo phận Huế vẫn tổ chức kiệu thường niên kết hợp cử hành thánh lễ truyền chức Linh mục tại linh đài Đức Mẹ. Vì thế số giáo dân tề tựu về La Vang hôm ấy có thể lên đến non một vạn người.

Sau cuộc rước kiệu Đức Mẹ, Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền chủ tế thánh lễ truyền chức Linh mục cho thầy Giuse Dương Đức Toại, người An Ninh. Đây là thánh lễ truyền chức Linh mục đầu tiên được tổ chức ngay chính nơi tương truyền Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra.

Linh mục Giacobe Lễ Sĩ Hiền nay là Linh mục quản nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La vang.