“Tại sao Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, Đấng vô tội đến xóa tội trần gian, mà lại phải cúi đầu đón nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả?” Đó là câu hỏi anh chị em tân tòng hay đặt ra và tín hữu cũng nên đặt lại, để khi tìm được lời giải, sẽ đón nhận bí tích rửa tội một cách tích cực hoặc sống bí tích ấy một cách dấn thân hơn trong suốt hành trình đức tin.
1. Bí tích Rửa Tội: một khởi đầu mới
Khởi đầu cuộc sống công khai, lúc đã 30 tuổi, tức là đã trưởng thành trọn vẹn như người Á Đông vẫn quan niệm “tam thập nhi lập”, Chúa Giêsu tìm đến sông Giođan để xin Gioan Tẩy Giả cử hành phép rửa cho mình. Đây là động thái gây kinh ngạc cho con người thời nay, vì khó hiểu: Đấng không có tội lại đi nhận phép rửa làm gì. Nhưng người ta cũng sớm hiểu ra rằng: phép rửa của Gioan Tẩy Giả chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Chính Gioan Tẩy Giả đã minh định: “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và trong lửa”. Khi Chúa Giêsu nhận phép rửa này, ngoài việc “nhập thế đến cùng”, khiêm tốn xếp hàng đứng chung với các tội nhân đợi chờ đến phiên, Ngài còn hữu ý qua động thái có một không hai đó, công khai khởi đầu cuộc sống mới: cuộc rao giảng Tin Mừng cho mọi người.
Nếu Giáo Hội khởi đầu phụng vụ Mùa Thường Niên bằng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, thì rõ ràng cũng muốn tín hữu khi cử hành cần ôn lại tầm quan trọng của bí tích rửa tội trong đời sống mình. Có thể hình dung bí tích này như là cánh cửa phân chia tách bạch đời sống, một đàng là khép lại quá khứ của bóng tối của tội lỗi của chết chóc, và đàng khác là mở ra tương lai của ánh sáng của thánh ân của sự sống. Bí tích rửa tội cần thiết cho ơn cứu rỗi, nên bí tích này cũng là khởi đầu cho một sự hiện diện mới: từ kẻ ngoại đạo trở thành người đã tòng giáo; từ một lương dân trở nên tín hữu; từ kẻ xa lạ trở thành người nhà của Thiên Chúa. Quả là một hồng ân vô cùng lớn lao nằm mơ cũng không thấy, vì thế xin tạ ơn Chúa và xin thường xuyên tìm lại ý nghĩa bí tích khởi đầu này để thêm cảm hứng cho đời sống đức tin. Đó không chỉ là nghệ thuật sống đời tôn giáo, mà chính là một tái khởi động, một “bắt đầu lại trong Chúa Kitô”.
2. Bí tích Rửa Tội: một sự sống mới
Nhưng sở dĩ bí tích rửa tội có được tầm quan trọng thiết yếu vì trong bí tích ấy, một sự sống mới đã mở ra không phải cho thể lý mà là cho tâm linh: sự sống trong Chúa Ba Ngôi. Thật vậy, khi nhận bí tích, tín hữu thông qua dấu bề ngoài được rửa bởi nước, đã được đón nhận ơn thánh bề trong là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Anh chị em nhớ lại: khi đổ nước trên đầu thụ nhân của bí tích, thừa tác viên đã đọc công thức “Cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Đơn giản chỉ có thế trong cung cách cử hành, nhưng hiệu quả ơn thánh ngay lập tức lại phong phú bội phần. Bằng những hình ảnh do Thánh Kinh gợi ý, người ta trở thành thành viên trong Dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của chính Thiên Chúa hằng sống. Chính khung cảnh thần hiển của Phúc Âm hôm nay là một minh họa sống động cho sự sống phong phú này: Chúa Giêsu cúi mình trên dòng nước, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình bồ câu và tiếng Chúa Cha xác nhận “Này là Con Ta yêu dấu”.
Nếu thích dùng kiểu nói “phép lạ” để diễn tả, thì bí tích rửa tội chính là một phép lạ cả thể tác động trên một cá thể trong suốt chiều dài cuộc sống. Người ta được tắm gội trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô và được thần hóa một cách nhiệm mầu, để từ đó có thể phát biểu ngất ngây như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, hay đầy xác quyết như thánh Augustinô: “Chúa đã tạo dưng con người cách lạ lùng và còn tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”. Bí tích rửa tội chính là hồng ân tái tạo những gì con người trong tội Nguyên Tổ đã đánh mất để phục hồi trong phẩm chức cao quý: trở thành những người con trong Người Con Duy Nhất.
3. Bí tích Rửa Tội: một sứ vụ mới
Có một chi tiết phụ rất dễ bị lướt qua trong ngày lễ hôm nay nhưng lại giầu ý nghĩa, đó là việc Chúa Giêsu chịu phép rửa không xảy ra trong âm thầm giữa nơi vắng vẻ, mà ở chỗ công khai đông người qua lại, giữa dân chúng. Chỉ nguyên chi tiết này thôi có lẽ cũng đã lý giải được tại sao Chúa Giêsu chịu phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả: Ngài muốn liên đới phận số với tất cả mọi người, gánh vào mình thân phận tội lỗi để từ đó tỏ mình ra là Đấng xóa tội trần gian. Đồng thời cũng từ đó, Chúa Giêsu khai mào cuộc sống công khai, chính thức thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh nạn tật nguyền trong dân chúng. Lời Ngài nói là Lời chân lý khai quang tâm hồn, dẫn người người về đường ngay nẻo chính Nước Trời, và việc ngài làm là việc giải thoát đem lại ơn cứu rỗi, đưa toàn thể nhân loại vào trong tình nghĩa thiết ngàn đời với Thiên chúa tình thương. Vắn tắt, Ngài khai mở kỷ nguyên cứu rỗi.
Bí tích rửa tội trong đời sống Kitô hữu cũng thế, không chỉ đem lại ơn cứu rỗi cho từng cá nhân biết lãnh nhận, mà còn đặt tất cả vào trong một tập thể rộng lớn là gia đình của Thiên Chúa, tức là Giáo Hội, là cộng đoàn cùng hiệp thông sự sống của Chúa hôm nay và cùng chia sẻ một vận mạng ngày mai trong tin yêu hy vọng. Như vậy hôm nay nhờ bí tích rửa tội, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín; ngoài ra, trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc sầu thảm hoặc giữa cơn thử thách ngặt nghèo; hơn nữa, trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.
Tóm lại, bí tích rửa tội là một khởi đầu mới, đem lại sự sống mới và trao gửi một sứ mạng mới. Ôn lại những điểm giáo lý cơ bản trong ngày lễ kính Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay tức là cùng lúc quyết tâm sống ý nghĩa bí tích rửa tội một cách quyết liệt hơn, nhất là trong năm Đức Tin này; đồng thời cũng là dịp hành hương đầu năm mới dương lịch 2013, nên trong tâm tình kính mến, xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Tàpao, cho từng người chúng ta được mọi sự bình an trong ngoài, biết theo gương Mẹ để sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, cũng như biết sống xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa, bằng một đời Kitô hữu trưởng thành, nhiệt thành và trung thành.