Chúng tôi thăm Tượng Đài Đức Mẹ Măng Đen lần đầu tiên vào ngày 28 tháng 12 năm 2006 và được anh Lâm kể chuyện về việc phát hiện ra Tượng Đài như thế nào. Đức Cha Micae giao trách nhiệm cho cha Giuse Nguyễn Thanh Liên Tổng Đại Diện và tôi tìm hiểu Tượng Đài, nên chúng tôi tìm cách đến thăm chị Đào Thị Hương và xin chị cho biết việc phát hiện Tượng Đài Đức Mẹ Măng Đen như thế nào.
Chị Đào Thị Hương, 40 tuổi, ở xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, ở Hà Tĩnh vào Kontum sinh sống từ cuối năm 1986 đầu 1987. Khi vào đây, chị làm ở lâm trường Măng Cành Một….Sau khi chào hỏi, về công ăn việc làm của gia đình chị Hương, chúng tôi gồm có cha Truyền, quản lý giáo phận, anh Tâm và tôi, anh Lâm cũng có mặt tại nơi anh cư trú. Chúng tôi xin đi vào đề ngay. Chị Hương trình bày sự việc với những lời chân thành, một vài câu rất khí khái. Chúng tôi giữ cách nói và xin ghi lại phần nội dung cuộc nói chuyên giữa chúng tôi và chị Hương vào ngày 20 tháng 05 năm 2008 như sau:
Chị Hương nói:
– Khi đó không phải nhà con phát hiện nữa, mà ai cũng thấy. Con không có bên tôn giáo, không có bên nào cả, nhà con bên lương. Nhưng cái tâm niệm của con thì luôn luôn nghĩ rằng là hình người đứng giữa trời tượng trưng cho một con người đứng giữa trời. Cho dù không phải là tượng Mẹ mà bất kể một tượng gì con cũng tưởng nhớ.
PV: Chị thấy, rồi những người khác thấy. Vậy họ có nói gì không?
– Họ làm thinh, nhưng lâu nay con vẫn lên. Khi đó, tượng Mẹ đứng như thế này, tất cả xung quanh đó có những cục đá rất đẹp, cục đá tự nhiên, nửa chìm nửa nổi tạo thành những cái bàn rất to, có những cái to gấp đôi gấp ba cái bàn bình thường này cho nên thích, đẹp lắm.Nhưng mà cũng qua một thời gian con cũng lên . Qua ba năm liền con chăm sóc, cuốc cỏ, mỗi năm như thế có hai lần con lên.
PV: Hồi đó chị thấy bức Tượng mất đầu hay mất tay chưa ?
– Khi đó vào đầu năm 1987, tượng vẫn còn nguyên, chưa mất đầu, mất tay…Nhưng vào cuối năm 1987 tượng bị mất đầu.
PV: Chị có biết tại sao không?
– Không biết.
PV: Thế còn cái tay?
– Mất cái đầu và mất cái tay luôn.Tháng 11 năm 1987, ông xã con đi học nghề ở trường Trung Ba Nghĩa Bình. Sau đó khoảng một tháng thì về thăm con, ông xã con nói tượng bị mất đầu, ông xã con nói lên tìm cái đầu để gắn lên. Thế rồi nhà con lên đó tìm, nhà con banh hết lớp lá khô ở rừng lên và cũng chẳng thấy. Mãi cho đến năm 2004, khi đó nhà con làm mỏ đá gần ở đó, thợ đá của nhà con là dân Hà Tĩnh cũng là người Công giáo, tên Hoàng. Khi họ bắt đầu ủi con đường đó là khoảng năm 2004 hay 2005 gì đó họ ủi con đường đó. Trước khi ủi, người lái xe ủi ở nhờ nhà của con, anh ta tên Vỹ, công nhân của công ty Tường Long. Ông xã con mới nói như vầy: “Mày ủi gần tới chỗ đó, chỗ có tượng Mẹ. Mày để ý chứ đừng có ủi đi”, ông xã con dặn thằng lái xe ủi như thế. Thằng lái xe ủi trưa tự nhiên nó về, nó nói: “Chui cha, em thấy tượng Mẹ rồi, em giật mình sợ quá, em tắt máy em về”. Ông xã con mới hỏi: ”Có gì mà phải sợ, mày thấy thì mày để im đó, mày đừng có ủi đi là được”. Chiều nó vẫn đi làm, nó lên thì nó gặp một người đi khai thác núi, ông này mới nói là để tao đập nó ra. Tao xem thử, tao đặt máy vào tao rà tao thấy là phần trên thì nó kêu (cái máy), phần dưới nó kêu, mà ở giữa nó không kêu, máy nó im ru. Tao nghĩ là có cái gì trong đó. Đây là cái lời của thằng Vỹ về thuật lại cho nhà con. Nhà con mới nói: “Mai mày lên mày gặp ông ấy mày nói với ông ấy đừng có đập, trong đó chỉ có bê-tông, cốt thép thôi chứ không có cái gì trong đó đâu. Và nói với với ông ta rằng, ông ta đập tượng Mẹ như thế nào thì mai tao lên tao đập ổng như thế ấy. Cho nên đừng có đập, đập thì coi chừng đó.” Thằng Vỹ – lái xe ủi lên gặp ông ta và thuật lại như thế, và ông ta không dám đập. Cách đó khoảng hai hay ba tháng gì đó, ngay ngã ba con đường ủi đó có những viên đá to, nó lăn xuống giữa đường, con mới cho thợ xuống đó đục để lấy viên đá chẻ, tình cờ con chợt nhớ lại những người công nhân làm cho con gồm mười lăm công nhân, quê ở xã Bình Lộc, huyện Nam Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong đó có người tên Hoàng, nó có hoa tay giỏi lắm. Con mới nói với nó rằng bay làm đi, chặp nữa tao đưa bay lên tượng Đức Mẹ, nó nghe thế là nó đòi đi lên tượng Mẹ. Lúc đó con đường này dốc lắm, vì mới ủi sơ sơ thôi. Thế là thằng Hoàng chạy lên, con mới nói, tượng Mẹ đó. Nó chạy lên, rồi nó dọn cỏ, nó làm gọn gàng sạch sẽ đâu ra đó thì nó nói thế này: “Chị ơi, bên em, em nói thật với chị chắc chắn chị ở bên lương chị không biết đâu, đây là tượng Đức Mẹ, Người này là bên em, bên Công giáo tưởng nhớ về Mẹ rất nhiều. Cho nên bây giờ chị giúp em gọi cho em thợ chụp hình để chụp rồi đem về ngoài quê em, để em nói cho ngoài đó để họ biết được. Nể tình chị em quen biết làm việc lâu năm, chị cho em xin một chút xi-măng và cát để em làm lại cái đầu cho Mẹ. Con nghe như thế nên rất mừng.
– Một hôm tình cờ con nói chuyện với bà chủ tịch phụ nữ của huyện, nói chuyện một cách buâng quơ. Bà chủ tịch mới nói như thế này: “Mày ơi, cái này mày làm chưa được đâu, mày phải về và báo với chính quyền, nếu họ cho phép thì mày mới được tôn tạo chứ là như thế này thì không được đâu.”
– “Chị này hay, em thích thì em làm chứ em chẳng có ý gì hết, hoàn toàn không có. Thôi thì chị hãy cứ im để em làm”. Sau đó bà trả lời là: “Tao biết thì tao nói với mày như thế. Chứ còn làm hay không thì sau này hậu quả tự mày chịu chứ tao không biết”.
– Khi đó con cũng nghĩ như thế thôi chứ ai làm gì thì làm, ai nói sao thì cứ nói.
Thế là ban đầu cứ đưa cát, xi-măng lên cho chúng nó… Tụi nó đục cái đầu, rồi đục cái tay đẹp lắm. Đục đẽo xong thì tụi nó lên ráp vào tượng. Khoảng ba ngày sau thì công an lên bắt mấy người thợ và nhốt chúng ba ngày. Trước khi chúng bị bắt thì họ về hỏi con: chúng là công nhân của chị và làm gì, thì con cũng trả lời thật tình có sao nói vậy, không thêm không bớt.
Con trả lời: Tôi không có mờ ám, không vi phạm, không làm gì sai trái hết. Thế bây giờ có hỏi tôi một ngàn lần tôi cũng nói như thế.
Ba ngày sau được thả ra, ba người công nhân về nói với con: “Chị ơi chắc em phải về, thứ nhất là cũng mưa gió rồi, thứ hai nữa công an cứ kêu lên kêu xuống thế này thì không biết em có làm được hay không”. Khi đó con mới nói tuỳ thôi, về thì cứ về, nếu có gì họ kêu bay thì bay cứ vô, bay vô bay thăm là quyền của bay chứ tao không biết. Bay vô bay đục đá bay làm để bay kiếm tiền, còn cái chuyện kia đối với tao thì ngoại lệ, mình chẳng qua là trong cái tâm thôi. Nhưng bên bay cảm, tưởng niệm là quan trọng lớn nhất, trọng Bà nhất, cái đó thì ở bên Công giáo có, chứ chị thì chị không biết, và anh em họ về từ đó đến giờ.
Cho đến tháng tháng 8 năm 2006 gì đó, anh Lâm đây mới nghe ai kể lại nghe nói là con nói như thế đó. Anh Lâm mới hỏi và nhờ con dắt lên để chỉ thì con cũng sẵn sàng dẫn lên chỉ, rồi cũng chụp hình. Sau này anh Lâm về có nói với ông cha sao đó thì ổng mới hỏi địa chỉ của thằng Hoàng. Gần giữa năm ngoái, ông cha (sau này chúng tôi biết, đó là cha Nguyễn Thanh Liên) có điện ra gặp thằng Hoàng, thằng Hoàng nó cũng vào nhưng lúc đó cha đau rồi sau đó nó điện vô đây cho con. Con mới nói bây giờ đã có cái đầu rồi, chỉ còn hai cánh tay, bây giờ mày làm rồi cầm vô đây.
PV: Làm lại mới đây hay sao ?
– Làm lại vào năm 2005, sau khi làm cái đầu, cái tay rồi thì bị đập hai cánh tay tiếp. Cha gì đó có điện ra ngoài để gặp thằng Hoàng, thì nó gọi lại cho con. Giờ thì hai cánh tay bị đập mất rồi, vậy thì làm hai cánh tay tiếp và còn để đâu đó trong nhà của con.
PV: Hiện giờ tay vẫn chưa gắn?
– Chưa gắn, nhưng mà nó điện cho ông cha và anh Lâm thì anh Lâm nói đừng có gắn.
PV: Còn việc chồng của chị đi học thì sao? Vì sao anh quay về tìm cái đầu?
– Anh nói là cách đây mấy năm ảnh nằm mơ gì đó với nội dung là “về tìm lại dùm cái đầu”, tự nhiên ổng về thăm vợ thăm con và ổng đến cái tượng đó thì cái tượng đó không có đầu, lúc đó là vào tháng 11 hay tháng 12 năm 1987.
PV: Lúc chị và anh Lâm lên chụp hình tượng lúc đó còn nguyên hay mất đầu, mất tay rồi?
– Cái đấu thì còn đó nhưng đôi tay thì không rõ lắm, cái này phải hỏi anh Lâm.
PV: Cái đầu đó thì do ai làm?
– Do anh Hoàng làm đầu và hai tay, rồi gắn lên. Sau đó hai tay bị đập mất. Cha Liên có gọi thằng Hoàng mời nó vô, sau đó thằng Hoàng gọi điện cho con và con nói với nó rằng Tượng bị đập mất hai tay rồi. Thế là ở ngoài đó, thằng Hoàng làm hai cái tay rồi cầm vô trong này luôn.
PV: Hồi đó chồng chị đi về, có làm chưa hay chỉ đi tìm thôi?
– Chưa, mười mấy năm sau khi có thợ thì mới nói thợ làm. Tại vì con sực nhớ lại như vầy, buổi sáng mỗi lần mấy đứa ngồi dậy đọc kinh, khi đó con mới chợt nhớ mấy đứa này là ở bên Công giáo, cũng vừa ngay lúc đó nhìn lên thì nhớ tới tượng Mẹ thì nói cho tụi nó biết và tụi nó chạy lên trên đó.
PV: Sau khi chị phát hiện tượng Mẹ như vậy thì bên công an, chính quyền, bạn bè có hỏi gì chị không?
– Họ cũng có hỏi, năm 2004 hay năm 2005 lúc làm cái đầu.
PV: Người ta hỏi gì?
– Chị phát hiện lúc nào? thì con cũng thật tình kể lại toàn bộ sự thật, con viết bản tường trình cũng kể lại toàn bộ sự thật. Bây giờ các chú có bắt tôi viết một ngàn lần thì tôi cũng viết như vậy thôi chứ chẳng thêm bớt. Chẳng có mờ ám gì, chỉ có trong lương tâm tôi nghĩ như thế.
PV: Công an đó ở đâu?
– Đó là công an huỵên, tên là Hoa.
PV: Lúc đầu chị lên đó thấy tượng còn nguyên, khi phát hiện ra tượng mất đầu mất tay thì dân ở đây người ta có bàn tán gì không?
– Không, bình thường, họ không để ý đến chuyện đó. Chỉ có gia đình con và mười lăm công nhân bên Công giáo thôi.
PV: Khi mà ủi Tượng thì có thấy vấn đề gì không?
– Hoàn toàn không có. Con cũng nghe nói là ủi rồi sẽ bị sập xuống, máy bị tắt nhưng hoàn toàn không có sự việc đó xảy ra. Tượng Đức Mẹ vẫn đứng như thế, xe ủi chỉ ủi mất hành lang của cái bệ tượng của Mẹ.
PV: Từ hôm mà chị gặp gỡ rồi qua quá trình gặp gỡ với công an cho đến bữa nay chị có thấy bình an trong tâm hồn không? Có lo lắng gì không?
– Không, hoàn toàn không lo lắng gì hết. Con không sợ gì hết, con ra cho công an xử bắn cũng được, vẫn thế thôi. Trong tâm con rất thoải mái, có khi Mẹ thương Mẹ phù hộ cho thì biết đâu được.
PV: Chị có thấy cảm giác là Mẹ thương hay không?
– Có. Con nói thật từ khi con bước chân vào đây, con chỉ có hai bàn tay trắng. Nhưng bây giờ con thật hạnh phúc vì có hai đứa con đang học đại học ở Sài Gòn.
PV: So với bạn bè của chị thì chị thấy hạnh phúc hơn không?
– Con hơn hẳn những người bước chân lên mảnh đất Tây nguyên này.
PV: Về gia cảnh,chị thấy tương quan gì khi chị lo, chị giúp giữ tượng đài với đời sống bây giờ. Chị thấy sao ?. Chị có cảm thấy như là Mẹ thương không, và chị nghĩ sao?
– Con thường thường vẫn lén lên cầu nguyện với Mẹ. Tại vì sao? Bên con là bên Lương, tương lai con của con còn phía trước. Bây giờ con chỉ sợ ảnh hưởng đến tương lai của những đứa con của con chứ riêng con thì con không sợ gì hết. Cho nên từ chỗ đó con mới đi lên viếng Mẹ, có khi 5 giờ sáng con dậy con đi viếng Mẹ nhưng chồng con chẳng biết con đi đâu. Nhưng trước khi con đi lên Mẹ, con thường mua bông hoa, trái cây để sẵn cho sáng hôm sau đi lên Mẹ.
PV: Chồng chị thấy sự kiện chị hay đi như vậy thì chồng chị có nói gì không?
– Không phản đối một cái gì cả, chồng cũng như vợ. Đó chính là cái tâm.
PV: Còn mấy đứa con của chị như thế nào?
– Mấy đứa con của con không ở đây.
PV: Chúng nó có biết không?
– Chúng nó biết chứ, khi về chúng vẫn lên thăm Mẹ. Và thằng con trai của con nó cũng có chụp tấm hình của Mẹ cách đây mấy tháng. Con sống ở Tây nguyên có hai đứa con, một trai và một gái. Tuy hai đứa con của con sinh ở Tây Nguyên nhưng chúng ít sống ở Tây nguyên, khi nhỏ con gởi chúng trong nhà các sơ, bây giờ con vẫn gởi chúng trong các sơ tại Sài Gòn. Đứa lớn học đại học năm thứ hai, đứa nhỏ học lớp mười một…
PV: Cảm ơn chị và chúc chị , cả gia đình được sức khoẻ.
Măng Den, ngày 20 tháng 05 năm 2008
Lm NGUYỄN HOÀNG SƠN