TTHH Đức Mẹ La Vang – Lúc 16g00 ngày 22.01.2015, đoàn xe chở Đức Hồng YFernando và phái đoàn đã đến TTHH Đức Mẹ La Vang bình an, sau đó di chuyển vào quảng trường Mân Côi trong sự chào đón của đông đảo giáo dân đứng hai bên, cùng lúc đó đội kèn Giáo phận Thái Bình trổi lên những khúc ca đón chào, làm cho những giây phút đầu tiên tại TTHH Đức Mẹ La Vang thêm phần long trọng.
ĐHY Fernando Filoni cùng phái đoàn di chuyển lên Linh Đài Đức Mẹ La Vang, sau đó cùng với Đức TGM Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng dâng hoa lên Đức Mẹ La Vang. Tiếp theo là phần gặp gỡ của ĐHY Fernando Filoni với các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh và Giáo dân của Giáo tỉnh Huế.
Cùng tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Fernando Filoni, còn có sự hiện diện của: Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam; Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Sài Gòn; Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Huế; Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Phó Tổng thư ký Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Mỹ Tho, các Giám mục và hơn 300 Linh mục của Giáo tỉnh Huế, cùng rất đông các tu sĩ nam nữ của các Hội Dòng và Giáo dân trong Giáo phận Huế.
Cha Quản Nhiệm TTHH Đức Mẹ La Vang Giacôbê Lê Sĩ Hiền giới thiệu và chào mừng ĐHY Fernando Filoni, ĐHY Leopoldo Girelli và phái đoàn các Đức Giám mục hiện diện.
Kế đến, Đức TGM Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã có đôi lời với Đức Hồng Y Tổng Trưởng, quý Giám mục, Linh mục, tu sĩ và cộng đoàn dân Chúa đang hiện diện: “Chiều hôm nay, Giáo tỉnh Huế hân hoan và vinh dự được đón tiếp ĐHY Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đức TGM Leopoldo Girelli và quý Đức Cha, đến kính viếng Trung tâm hành Hương Đức Mẹ La Vang, cũng là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc của Giáo Hội Việt Nam”.
Đức TGM Huế Phanxicô Xaviê cũng giới thiệu đôi nét về Giáo tỉnh Huế: “Ngày 24.11.1960, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, bằng sắc lệnh Venerabilium Nostrum, đã thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sai Gòn. Sắc lệnh viết: Tất cả các giáo phận của ba giáo tỉnh lệ thuộc trực tiếp vào Bộ Truyền bá Đức Tin, nay được gọi là Bộ Loan báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Giáo tỉnh Huế chỉ có sáu giáo phận: Đó là Giáo phận Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Kontum và Ban Mê Thuột”.
Bên cạnh đó, Đức TGM Huế cũng điểm qua đôi nét về Thánh Bộ Truyền Giáo: “Thánh Bộ Truyền Giáo được được Đức Thánh Cha đặt ra để chăm lo công việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc như tên gọi. Nhưng cách riêng, Bộ được giao cho trách nhiệm chăm sóc một cách đặc biệt những Giáo Hội địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề truyền giáo như thiếu ơn gọi, nghèo nàn về vật chất, gặp nhiều trở ngại do bên ngoài gây nên. Trách nhiệm của Thánh Bộ là hướng dẫn, điều phối toàn bộ công việc liên quan đến vấn đề truyền giáo. Riêng các vùng đất trực thuộc Bộ Truyền Giáo, Bộ còn chăm sóc đến ơn gọi, thao thức thiết lập hàng giáo phẩm địa phương, giới thiệu các ứng viên cho chức Giám Mục, phát triển hàng giáo sĩ địa phương, giúp đỡ công tác bác ái xã hội, các trường học, và nhất là các chủng viện. Giáo Hội Việt Nam chúng ta, mặc dù Hàng Giáo Phẩm đã được thiết lập, nhưng Đức Thánh Cha vẫn còn ưu ái cho Giáo Hội tại Việt Nam còn được sống và phát triển dưới sự dẫn dắt và giúp đỡ của Bộ Truyền Giáo. Đây là một ân huệ nói lên sự quan tâm đặc biệt và lòng yêu thương của Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Tổng Trưởng.”
Sau cùng, Đức TGM Huế giới thiệu với Đức Hồng Y Tổng Trưởng và cộng đoàn Dân Chúa sơ lược đôi nét về lịch sử hình thành và phát triển của Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang: “La Vang là một vùng đất thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 60 km về phía Bắc. Ngày xưa, cách đây hơn 200 năm, La Vang là một vùng đồi núi hiểm trở, hoang vu, rừng thiêng, nước độc, ít người lui tới.
Ngày 17.8.1798, Vua Cảnh Thịnh của Nhà Tây Sơn ra sắc lệnh cấm đạo Công giáo. Cuộc bách hại và tàn sát xảy ra khắp nơi trong vùng Quảng Trị này. Một số giáo dân quanh vùng La Vang đã tìm cách chạy trốn vào vùng rừng núi La Vang để tránh cơn bách hại. Đêm đêm, tại đây, họ thường qui tụ bên gốc cây đa cổ thụ để đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi, cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ thương cứu họ khỏi mọi nguy hiểm hồn xác.
Theo lời truyền tụng, một hôm, trong lúc họ đang cầu nguyện thì Đức Mẹ hiện ra trong ánh hào quang rực rỡ, mình mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Giêsu, có hai thiên thần chầu hai bên. Mẹ âu yếm an ủi con cái Mẹ bằng những lời sau đây: “Hỡi các con, các con hãy tin tưởng, hãy cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ này về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn nầy, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”.
Từ đó, TTHH Đức Mẹ La Vang đã trở thành một nơi quy tụ nhiều người lương giáo đến cầu khẩn với Mẹ nhân lành, và đã được Mẹ ban nhiều ơn lành hồn xác.
Sau cuộc bách hại, năm 1886, Đức Giám Mục Caspar, Giám mục của giáo phận Huế, đã cho xây một nhà nguyện tại La Vang để tôn kính Đức Mẹ với tước hiệu: “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu”.
Năm 1928, dưới thời Đức Cha Eugène Allys, một nhà thờ rộng lớn hơn đã được xây dựng để đáp ứng với số khách hành hương ngày càng đông.
Ngày 22.8.1961, nhà thờ này đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường với tông thư “Magno Nos”.
Đền Thánh này đã bị tàn phá hoàn toàn trong cuộc chiến 1972, chỉ còn trơ chiếc tháp cổ loang lổ vết bom đạn.
Ngày 01.05.1980, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đồng ý thiết lập Linh Địa La Vang làm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc, lặp lại quyết định ngày 13.4.1961 trước đây của Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam.
Sau năm 1975, một phần lớn đất của La Vang bị trưng dụng, nhờ sự can thiệp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã đồng ý trả lại cho La Vang 19 hecta 106m2, vào ngày 17.11.2009. Từ đó, chương trình tái thiết Trung Tâm La Vang mới được công khai đặt ra và được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chính thức chấp thuận.
Hiện giờ, công trình xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang đã khởi công được hai năm và như chúng ta đang thấy ở phía sau. Nếu mọi điều kiện thuận lợi, nhất là vấn đề tài chính được xuôi thuận, thì công trình có thể hoàn thành vào cuối năm 2018 để dâng kính Đức Mẹ.
Từ hơn 200 năm nay, nhiều người lương giáo ngày ngày vẫn hành hương về Đức Mẹ La Vang cầu nguyện, và Mẹ đã giữ lời hứa, ban nhiều ân phúc hồn xác. Hằng năm, có ba cuộc hành hương theo truyền thống, và ba năm một lần, có Đại Hội hành hương tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang.”
Tiếp theo, là bài nói chuyện của Đức Hồng Y Tổng Trưởng với cộng đoàn tham dự.
Trước hết, Đức Hồng Y Fernando Filoni bày tỏ niềm vui sướng khi được đặt chân đến Linh địa Đức Mẹ La Vang, nơi mà Mẹ đã hiện ra an ủi con dân của Mẹ cách đây hơn 200 năm. Đồng thời, Ngài cũng nhắn nhủ với cộng đoàn rằng:
“Tôi biết rõ và Đức Thánh Cha cũng biết TTHH Đức Mẹ La Vang là một nơi hết sức thân thương và quý giá đối với người tín hữu Công giáo Việt Nam và Giáo hội toàn cầu.
Nếu chúng ta hỏi ở Việt Nam nơi nào thân thương nhất để sùng kính Đức Mẹ, chắc hẳn đó chính là La Vang. Và tôi rất cảm động khi được đến đây, được hiện diện dưới chân Đức Mẹ và cùng cầu nguyện với anh chị em.
Chúng ta có mặt ở đây cùng với Đức Mẹ La Vang trong tình hiệp nhất và trong lời cầu nguyện với nhau. Tuần qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm 2 nước Á Châu: Sri Lanka và Philippines, chúng ta hy vọng một ngày không xa, Đức Thánh Cha sẽ hiện diện nơi đây.
Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã giao phó Đức Mẹ cho Thánh Gioan, và Đức Mẹ cũng luôn chăm lo cho Thánh Gioan, điều đó cho chúng ta thấy rằng Đức Mẹ cũng hằng gìn giữ Hội Thánh của Chúa Kitô luôn mãi. Sứ Điệp mà Đức Mẹ gửi đến cho chúng ta, cho tôi, cho các Giám mục, Linh mục, tu sĩ và giáo dân, cũng giống như điều Đức Mẹ đã gửi đến khi xưa cho những người khốn khổ chạy đến cùng Mẹ tại chốn này: “Hỡi các con, các con hãy tin tưởng, hãy cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ này về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”. Chúng ta hãy chạy đến và hãy cầu nguyện với Mẹ cho công việc thánh hóa bản thân chúng ta, cho gia đình được bình an. Để qua Đức Kitô, Đức Mẹ đem đến cho chúng ta sự tha thứ, yêu thương, những ơn ích phần hồn và phần xác.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho công việc truyền giáo trên đất nước Việt Nam, tại Giáo tỉnh Huế, cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho toàn thể Giáo hội, cho hòa bình trên đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới.
Nhiệm vụ của tôi là lo việc truyền giáo ở trên toàn thế giới, thế giới hôm nay vẫn còn chiến tranh, bạo hành, tham nhũng…Ước gì những lời nguyện cầu của chúng ta dâng lên, được Mẹ nhậm lời, đặc biệt cho những ai đang đau khổ, nạn nhân của chiến tranh, khủng bố, cho các tín hữu đang bị bách hại ở Iraq, Châu Phi, có thể vượt qua được những khó khăn này.”
Ước gì những lời chia sẻ thiết thực, gần gũi và đầy ý nghĩa của Đức Hồng Y Fernando Filoni, giúp cộng đoàn tham dự được ý thức sâu xa hơn sứ vụ truyền giáo mà Chúa Giêsu đã trối lại cho Hội Thánh trước khi về trời: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy”. Ước gì lời bầu cử của Đức Mẹ La Vang và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, đốt nóng và làm mới lại chức vụ ngôn sứ của mỗi tín hữu, để mọi thành phần dân Chúa biết cộng tác với nhau trong công cuộc loan báo Niềm vui Tin Mừng cho khắp mọi miền Đất Nước Việt Nam.
Mọi thành phần tham dự đã dành những tràng pháo tay thật dài khi lắng nghe bài chia sẻ của ĐHY Fernando Filoni.
Buổi gặp gỡ kết thúc. Mọi người cùng chuẩn bị để tham dự Thánh Lễ đại triều tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang do Đức ĐHY Fernando Filoni chủ sự vào lúc 17g15 cùng ngày.
Ban Truyền Thông TGP Huế