Sáng ngày 13.2.2014, ngày hành hương đầu năm mới. Hàng chục ngàn người về bên Đức Mẹ Tà Pao. Trời thật đẹp, một màu ngát xanh đại ngàn. Gió nhẹ dịu mát trong lành. Nắng lên, bầu trời ngập nắng vàng.
Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục GP Phan Thiết chủ tế thánh lễ. Cùng đồng tế có Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục GP Cao Bằng Lạng Sơn, và 70 Linh mục trong ngoài giáo phận. Các Linh mục đến từ Canada, từ Vĩnh Long, từ Huế… các Linh mục Dòng Châu Thủy, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Don Boscô, Dòng Đức Mẹ người nghèo…đến sớm giúp giải tội ban tối và sáng sớm.
Đoàn rước các Linh Mục tiến lên Linh Đài Mẹ Tà Pao
Đúng 6g30: 3 vị Giám Mục cùng tham dự giờ khấn Đức Mẹ với cộng đoàn.
Đến 7giờ 30: đoàn đồng tế tiến lên lễ đài. Đội trống Giáo xứ Vũ Hoà tấu vang khúc ca tán tụng Mẹ. Ca đoàn Giáo xứ Thanh hải hoà vang ca nhập lễ.
Lời mở đầu, Đức Cha Giuse ngỏ lời với cộng đoàn hành hương.
Trong nắng sớm của một ngày mới, xinhợp với Đức Cha Giuse, Đức Cha Phaolô, cùng quý Cha đồng tế, hân hạnh gởi đến cộng đoàn hành hương sáng nay lời chào mừng rất đặc biệt.
Xin có lời chào các bệnh nhân hành hương đến đây để phó dâng cho Mẹ vận đời của mình, ở đó có những đau khổ, có những đau đớn mình gánh chịu, xin Mẹ mở lối chỉ đường cho mình biết đón nhận tất cả những gì Chúa gởi đến trong đời, biết kết hợp với mầu nhiệm thánh giá và cùng với Mẹ để trở thành của lễ xin dâng lên Chúa.
Chào mừng những ai trong trong gia đình có người đau yếu, và mình đến đây với sứ mạng chuyển những ước vọng chính đáng của gia đình lên Chúa qua Đức Mẹ, mình là người chăm sóc bệnh nhận tại gia, mình là người gắn bó với những người trọng tuổi già yếu, xin Mẹ chuyển cầu cho mọi người được sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, mong làm tròn nhiệm vụ trong gia đình.
Lời chào đặc biệt dành cho cộng đoàn hôm nay trong bước đường của đầu năm mới, đến đây dưới chân Đức Mẹ, ký thác đường đời cho Chúa để Mẹ chuyển cầu, với những ý khấn tốt lành như thực hiện qua giờ khấn.
Với những ý nguyện ấy, xin Mẹ chuyển cầu chúc lành. Tim chúng ta cùng đập chung để ký thác cho Đức Maria tại Trung Tâm Đức Mẹ Tà pao.
Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân giảng lễ, suy niệm Tin mừng (Ga 2, 1-18): Tiệc cưới Cana.
Trọng kính Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận Phan Thiết.
Trọng kính Đức Cha Phaolô.
Kính thưa tất cả quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh, quý Cụ, quý Ông, quý Bà, quý vị và anh chị em rất thân mến!
Hôm nay, tại linh địa Đức Mẹ Tàpao này, chúng ta hiệp ý dâng lễ nhớ Đức Mẹ Lộ Đức – ngày 11 tháng 2 năm 1858 tại hang Massabiel – Lộ Đức, nước Pháp; Bernadette mới 15 tuổi chưa biết đọc, biết viết vì gia đình nghèo, em phải ở nhà phụ việc gia đình; lúc đó cùng với 2 bạn gái khác đi nhặt củi ở cửa hang. Thật bất ngờ, Đức Mẹ đã chọn Bernadette để hiện ra nói chuyện với em. Đức Mẹ còn hiện ra với em nhiều lần, và ngày 25 tháng 3 năm đó; Đức Mẹ đã tỏ tên của Người là: “Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội”. Đức Mẹ cũng tỏ 3 điều bí mật cho Bernadette và Sứ điệp của Mẹ tại đây: “cầu nguyện cho kẻ có tội; hãy đi nói với linh mục để xây kính Nhà thờ tại đây để mọi người tới kính viếng Đức Mẹ”. Đức Mẹ hứa cùng Bernadette: “Mẹ không hứa ban cho con hạnh phúc đời này, nhưng là hạnh phúc đời sau”. Giáo hội đã đặt lịch lễ Đức Mẹ Lộ Đức vào ngày 11 tháng 2 hàng năm, và năm 1992; Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chỉ định ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức là ngày thế giới cầu cho các bệnh nhân.
Với anh chị em đang hiện diên nơi đây, linh địa Đức Mẹ Tàpao thật thân thương và là nơi con cái Đức Mẹ bày tỏ lòng kính mến, sùng mộ người Mẹ Thiên quốc, luôn yêu thương con cái của Mẹ, mỗi người chúng ta đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, đều mang trong mình bệnh tật thể xác hoặc tinh thần, nên càng cần sự đỡ nâng, cầu bầu đầy tình yêu thương của Đức Mẹ.
Mọi người sốt sắng tham dự Thánh Lễ
1.Tiệc cưới Cana: sự hiện diện của Mẹ Maria
Những ngày đầu năm nay, chúng ta chứng kiến bao bạn trẻ tổ chức cưới, để tình yêu của mình được Thiên Chúa chúc phúc qua Hội Thánh. Tiệc cưới luôn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho đôi tân hôn và những người tham dự. Hôm nay, bài Phúc âm cũng kể lại một bữa tiệc cưới của một đôi bạn trẻ tại Cana; ngày cưới thật đặt biệt vì có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và các môn đệ của Chúa. Theo thói quen, người môn đệ không phải là người đi trước, nhưng luôn theo sau người Thầy của mình. Chúng ta có lý do để nói rằng sự hiện diện của Đức Maria trong tiệc cưới Cana như một vị khách độc đáo và danh dự, nhưng Đức Maria đã thể hiện sự khiêm tốn và đúng vai trò của mình khi lui lại đằng sau Chúa Giêsu, để qua Chúa Giêsu, vinh quang của Thiên Chúa Cha được tỏ hiện và để giờ của Chúa Giêsu được bắt đầu qua bữa tiệc cưới này. Cũng qua tiệc cưới Cana mà Đức Mẹ đã thể hiện sự mẫu mực của người môn đệ trên con đường theo Chúa. Nói theo tư tưởng của Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Rôma: “hãy mặc lấy Chúa Kitô” (Rm 13,14), thì Đức Mẹ Maria đã mặc lấy Chúa Kitô ngay từ giây phút Mẹ cất tiếng “xin vâng”, và Đức Mẹ luôn mặc lấy Chúa trong suốt hành trình của mình. Sự hiện diện âm thầm khăng khít của Đức Mẹ bên Chúa đã thể hiện tư cách mẫu mực của người môn đệ. Từ đó, Mẹ bắt đầu theo Chúa Giêsu trong thành trình rao giảng của Người. Chính sự hiện diện tuy âm thầm nhưng khăng khít của Đức Maria bên Chúa Giêsu là một mẫu gương cho ơn gọi Kitô hữu của chúng ta. Quả thế, chính Đức Maria nhắc lại cho chúng ta nguồn gốc và căn tính của chúng ta. Cùng với Đức Maria, các Kitô hữu đã khởi sự hiện hữu như cộng đoàn của những kẻ tin và những kẻ dõi theo bước Chúa Giêsu. Ngoài ra, Đức Maria cũng được ca tụng là thành phần tuyệt hảo, là kiểu mẫu đầu tiên và mẫu gương trổi vượt nhất của đức tin và đức ái”.
2.Tiệc cưới Cana: sự can thiệp thân thương của Đức Mẹ
Rượu là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên niềm vui trong tiệc cưới, nhưng tiếc thay, tiệc cưới Cana chưa tàn đã hết rượu. Đức Maria cho thấy Mẹ luôn quan tâm đến nhu cầu của người khác bằng một thái độ đức tin và sự tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu- Con của Mẹ.
Đức Maria quan tâm về việc thiếu rượu có thể được hiểu theo một nghĩa tượng trưng về tình trạng của dân Do thái. Trước hết, thiếu rượu được diễn tả như thể “họ đang trở nên trống rỗng và là nạn nhân của những luật lệ vô nghĩa của nhóm biệt phái”. Tiếp đến, nước để dùng trong nghi lễ thanh tẩy theo luật cũ tại tiệc cưới Cana không còn cần thiết nữa nhưng giờ đây nó được thay thế bằng rượu mới thượng hạng là chính Chúa Giêsu. Cuối cùng, khung cạnh tiệc cưới là hình ảnh sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân Người; hình ảnh bữa tiệc cánh chung của Đấng Messia; và rượu là hình ảnh quen thuộc của tình yêu Thiên Chúa và loài người. Chúa Giêsu cũng đã nói về những giáo huấn của Ngài như rượu mới không thể chứa đựng trong bầu da cũ. Đây chính là lúc cần phải thay thế rượu cũ bằng một thứ rượu mới hoàn hảo hơn. Khi Đức Mẹ nói với những người giúp việc tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5), những lời nói của Đức Maria không chỉ cho thấy Mẹ hiểu rõ Con mình, nhưng còn thể hiện một thái độ tin tưởng và vâng phục như người tôi tớ. Thái độ âm thầm, điềm tĩnh của Đức Maria không phải là một sự hụt hẫng thụ động, nhưng là một niềm tin đang thúc bách hành đông. Đức Maria chờ đợi trong tin tưởng, vì thế phép lạ đã xảy ra.
3.Tiệc cưới đức tin và cuộc đời: sự cầu bầu của Mẹ với mỗi người chúng ta
Ngày nay, Đức Maria hiện diễn giữa Hội thánh để tiếp nối sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Hội thánh. Trong Hội thánh, Đức Maria vừa là người “môn đệ đầu tiên” tin tưởng vào Thiên Chúa vừa là “chứng nhân” tiên khởi cho tình yêu cứu độ của Chúa Cha. Do đó, Đức Maria luôn dạy cho con cái mình lời Mẹ đã từng nói với các gia nhân nơi tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Như thế, Đức Maria vừa ước mong con cái mình tin tưởng vào Chúa Giêsu, Đấng “là Đường, là sự Thật và là sự sống” (Ga 14,6), vừa mong muốn con cái mình tin tưởng vào Đức Mẹ như Đức Mẹ đã hằng tin tưởng nơi Chúa Cha.
Thánh Công đồng Vatican II nói: “vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Thật thế, mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Trinh Nữ trên nhân nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô” (LG 60). Như thế, vai trò làm Mẹ của Đức Maria gắn bó và chia sẻ vào sự trung gian duynhất của Chúa Giêsu. Qua đó, Đức Maria đón nhận sứ mạng mới từ Đấng Cứu Thế và tiếp tục sự hiện diện của Người giữa lòng Hội Thánh.
Có câu chuyện tu đức như sau:
Người ta kể lại rằng: Gia đình kia có hai vợ chồng và cô con gái, cuộc sống gia đình nghèo nhưng rất hạnh phúc; xem ra hạnh phúc toát ra từ nơi người vợ cũng là người mẹ: niềm vui, nụ cười đôn hậu, yêu thương và bà làm bất cứ việc gì cũng tràn đầy niềm vui, đặc biệt bà nấu ăn rất ngon; cô con gái lớn lên trong tình thương của cha mẹ, cô ước mơ sau này nếu lập gia đình mình cũng phải cố gắng như người mẹ tạo lập hạnh phúc gia đình. Thời gian trôi qua, cho tới ngày cô lập gia đình, trước khi về nhà chồng, cô xin mẹ dạy cho cô bí quyết của hạnh phúc. Bà mẹ đã dạy dỗ con gái, cẩn thận hơn, bà còn viết ra giấy và cho vào một hộp nhỏ có khóa như của hồi môn tặng con gái. Người con gái sau khi về nhà chồng đã làm cho gia đình nhà chồng cảm nhận niềm vui lớn lao; xem ra hạnh phúc lan tỏa từ con dâu cũng là người vợ mới này. Thỉnh thoảng người chồng thấy vợ mở hộp nhỏ xem gì đó rồi khóa lại, anh muốn được xem nhưng người vợ tủm tỉm: đó là bí mật của mẹ con em… Một hôm khi người vợ về thăm cha mẹ, người chồng thấy chìa khóa vẫn cắm ở chiếc hộp (người vợ quên); anh liền mở ra và thấy trong hộp nhỏ không phải là đồ trang sức hay tiền bạ, mà là một tờ giấy với những dòng chữ của người mẹ: “con yêu quý của mẹ, từ nay bất cứ con làm việc gì: làm việc, đối xử, tiếp xúc, hay nấu ăn, trong mọi phút giây con hãy đặt vào đó trọn vẹn tình yêu của con – mẹ yêu con”.
Khi người chồng xem xong, anh cảm động trào nước mắt, hóa ra hạnh phúc không phải tự nhiên mà có, hạnh phúc mà người vợ anh mang lại chính từ sự cố gắng mỗi phút giây hằng ngày bằng chính tình yêu của mình.
Kính thưa cộng đoàn hiện diện, câu chuyện tu đức cho chúng ta một cảm nhận về vai trò của người mẹ, chính bà đã sống hạnh phúc khởi đi từ chính cuộc đời mình, và giờ đây khi con gái lập gia đình, bà liền truyền lại cho cô gái bí quyết để sống tình yêu và hạnh phúc.
Khi chúng ta đến với linh địa Đức Mẹ Tà pao này, chúng ta xác tín: chính nhờ Mẹ Maria mà chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã ló rạng. Mẹ Maria đã được sinh ra trong nhân loại mang vết tích của tội nên Mẹ cảm thông, chia sẻ với kiếp sống bất toàn của con người. Lịch sử nhân loại là lịch sử vấp ngã, phản bội, nên Mẹ là nơi nương tựa của những con người yếu hèn, tội lỗi.
Khi chúng ta nhìn lên Đức Mẹ Maria “ngôi sao dẫn đường”, là “bình minh của Ơn cứu độ”, chúng ta chắc chắn sẽ được Mẹ hướng dẫn đến cùng Chúa Giêsu Kitô. Nơi Mẹ Maria, chúng ta học được đức tin, đức cậy và đức mến. Nhất là trong lúc khó khăn thử thách, và mang trong mình “bệnh tật thể xác, tinh thần” chúng ta biết có Mẹ Maria để tín thác và cậy trong, là Đấng luôn cầu bầu cùng Thiên Chúa cho chúng ta biết sống luật yêu thương của Thiên Chúa nơi cuộc sống Kitô hữu mỗi ngày.
Nguyện xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Thiên Chúa, luôn ban cho cộng đoàn hiện diện muôn hồng ân của Chúa, xứng đáng là chứng nhân của Tin mừng tình yêu của Chúa nơi Giáo hội và trong thế giới hôm nay. Amen.
Cuối thánh lễ, Cha Đaminh Nguyễn Văn Hoàng, Quản nhiện TTTM Tàpao dâng lời cám ơn.
Kính chúc quý Đức Cha, quý Cha, quý Thầy Phó tế, quý Chủng sinh và quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý khách hành hương năm mới bình an trong tình yêu của Thiên Chúa là mùa xuân vĩnh cửu, một năm mới hạnh phúc trong vòng tay của Đức Mẹ Tà pao, một năm mới hiệp nhất trong tư thế là những chi thể trong một thân thể nhiệm mầu là Hội Thánh.
Cám ơn quý Đức Cha. Ngài kể chuyện, cách đây vài tháng cha quản nhiệm và cha phó quản nhiệm của Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang có đi hành hương và thăm TTTM Tàpao, ngài có gặp con và hỏi rằng: làm sao mà Tàpao này khách hành hương mỗi ngày một đông? Con chỉ nghĩ trong lòng, con bảo như thế này: cha phải hỏi Đức Mẹ, con không biết hết. Mà có một điều con biết chắc và con chia sẻ với cha đó là: vào mỗi tối 12, Đức giám mục giáo phận chúng con, ngài chủ sự các giờ kinh, tràng chuỗi mân côi, chầu thánh thể, kiệu Đức Mẹ, đàng Thánh giá Mùa Chay và sáng 13 là thánh lễ cầu cho nhu cầu của quý khách hành hương. Không chỉ có mình Đức Cha, cách đây vài năm khi Đức Cha Nicôla còn khỏe ngài thường xuyên hiện diện với 2 vị tiền nhiệm.
Cám ơn quý cha đã nhiệt thành đến giải tội và dâng lễ. Cám ơn quý khách hành hương đã góp phần làm cho trung tâm lớn lên mỗi ngày. Những bó hoa tươi như tâm tình biết ơn dâng lên quý Đức Cha và Cha Tổng.
Cuối thánh lễ, Đức Cha Giuse làm phép nước và ảnh tượng cho khách hành hương.
Ca đoàn Mai Tâm thuộc Tòa Tổng Giám Mục Sài gòn chụp hình lưu niệm với quý Đức Cha và dâng những ca khúc kính Đức Mẹ Tà pao.
Đức Mẹ chính là thầy dạy đức tin và lòng yêu mến. Tin và yêu giống như đôi cánh giúp cho Mẹ bay lên rất cao, lên tới Thiên Chúa.Tin và yêu giống như chiếc chìa khóa có thể mở được cánh cửa khó mở nhất. Mở được cả cánh cửa nước trời, mở được cả tâm hồn của Thiên Chúa.
Mọi người ra về với niềm tin và lòng yêu mến Đức Mẹ nhân hiền, ai cũng mang theo niềm vui và ơn lành của Đức Mẹ Tà pao những ngày đầu năm mới.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An