Giáo phận Vĩnh Long hiện có tất cả ba Trung tâm hành hương : Trung tâm hành hương Mẹ Fatima Vĩnh Long, Trung tâm hành hương Đình Khao kính nhớ Thánh Tử đạo Philipphê Phan Văn Minh và Trung tâm hành hương La Mã Bến Tre kính nhớ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trên những trang giấy nầy, chúng tôi hân hạnh giới thiệu cùng quí độc giả đôi nét về Trung tâm hành hương Mẹ Fatima Vĩnh Long.

I. Cơ sở vật chất.

Trung Tâm hành hương Mẹ Fatima Vĩnh Long toạ lạc tại xã Tân Ngãi, Thành Phố Vĩnh Long. ĐT : 070.3816332 ( Fatima). Xây dựng Trung tâm nầy là sáng kiến của Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện. Ngài cho khởi công ngày 17/02/1965 và ngày 13/05/1965 khánh thành Tượng đài và Trung tâm. Ngài muốn cho Giáo phận có nơi để giáo dân xa gần hành hương kính viếng nhớ ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (Bồ Đào Nha) năm 1917, có nơi huấn luyện các hội đoàn và có nơi cho các họ đạo luân phiên đi hành hương. Hằng năm trung tâm nầy tổ chức hai ngày hành hương cấp Giáo phận 12-13/5 và 12-13/10 để khách hành hương cầu nguyện và học hỏi về Đức Mẹ. (N.B. 1/ Cha Stêphanô Bùi Văn Hồng quản lý Giáo phận xây dựng Nhà thờ trước, sau đó mới xây Lễ đài và Tượng đài ; 2/ Linh mục đoàn Giáo phận Vĩnh Long đóng góp để chuộc Tượng Đức Mẹ).

II. Ngoại cảnh và ý nghĩa .

Trung Tâm hành hương Fatima có diện tích khoảng 11.500m2. Mặt trước 79m chạy dọc theo Quốc lộ 1, mặt sau 56m chạy dọc theo sông Cái Côn. Chiều dài từ lộ đến sông 158m. Khu vực đất nầy là do ông Tôma Nguyễn Thới Tứ dâng tặng cho Giáo phận Vĩnh Long, trong khu đất có cơ sở của Dòng Kitô Vua Vĩnh Long. Ông dâng tặng gần hai mẫu đất. Sau năm 1975, Nhà nước Vĩnh Long trưng dụng phần đất của Dòng Kitô Vua và một phần đất của Trung tâm, diện tích bị trưng dụng khoảng 9000m2. Hiện tại, mộ ông Tôma Nguyễn Thới Tứ còn nằm phía sau lưng Tượng đài Đức Mẹ và một nền mộ còn trống dành cho vợ ông. Nhưng không may, bà bị mất tích sau năm 1975.

Vị trí địa lý như thế thật thích hợp cho mọi người đến với Mẹ Maria về đường bộ lẫn đường sông. Với đường sông, giáo dân Giáo phận Vĩnh Long đến từ những họ đạo xa xôi 7-8 giờ đồng hồ trên những chiếc tàu chở khách. Họ trôi nổi trên dòng sông Cửu Long và theo sông Cái Côn chạy đến phía sau Trung tâm. Với đường bộ, Quốc lộ 1 rộng rãi đủ chỗ cho xe khách hành hương các loại ghé xuống Trung tâm.

Vào Trung tâm hành hương Fatima, nhìn từ phía Quốc lộ, một phần nhỏ phía trái là nhà ở của Dòng Kitô Vua, còn phía phải, cạnh ranh giới cơ sở nhà nước, là ngôi Nhà thờ dài (bao gồm nhà Cha xứ) 50m và rộng 25m có chỗ cho 400 giáo dân tham dự nghi thức phụng vụ, ngày trong tuần và ngày Chúa nhật đều có thánh lễ. Trong những ngày hành hương 12-13/5 và 12-13/10, Nhà thờ nầy là nơi tập trung các toà giải tội cho giáo dân xa gần muốn giao hoà cùng Thiên Chúa và cũng là nơi để chầu Mình Thánh Chúa.

Ra khỏi khu vực Nhà thờ, cũng phía Quốc lộ nhìn vào, chúng ta sẽ theo hai con đường đá lát dẫn đến Lễ đài : Một cạnh Nhà thờ dẫn đến phía phải Lễ đài và một ngay giữa sân dẫn đến ngay Lễ đài. Bước lên 7 nấc thang của Lễ đài, trên Lễ đài, có một bàn thờ Dâng lễ ; phía sau bàn thờ là tượng đài Đức Mẹ Fatima. Tượng đài Đức Mẹ cao 8m được xây dựng kiên cố, riêng tượng Đức Mẹ Fatima cao 5m trắng toát chấp đôi tay đỡ lấy tràng chuỗi 50 bằng đá. Mẹ dịu hiền đứng trên một chân đế cao hơn 2m, chấp tay nhìn đoàn con đến với Mẹ và tràng chuỗi trên tay Mẹ nhắc đoàn con của Mẹ phải năng lần hạt Môi khôi để thánh hoá bản thân.

Không hẹn mà gặp, không mời mà đến, thật là ngẫu nhiên, tại sao phía sau lưng Tượng đài lại có một cây me trên trăm tuổi có đường chu vi khoảng 6-7m ? Như thế, nhìn toàn cảnh Lễ đài, Tượng đài, và cây me trăm tuổi nầy thì chúng ta có thể tưởng tượng nó giông giống cảnh Đức Mẹ hiện ra trên cây Sồi làng Fatima năm xưa (13/05/1917) với ba em bé.

Nếu chúng ta nhìn hai bên, song song với Lễ đài và cách Lễ đài khoảng 10 m, chúng ta sẽ thấy những nhà tiền chế lợp tôle to rộng. Những nhà nầy dùng cho khách hành hương đứng ngồi nghỉ chân đôi chút khi cảm thấy mệt. Phía sau Lễ đài và sau cây me trăm tuổi, là những dãy nhà dành cho những sinh hoạt của trung tâm được các Linh mục phụ trách quan tâm xây dựng : những phòng nghỉ ngơi dành cho khách hành hương, phòng trưng bày những ảnh tượng và sách vở thiêng liêng mà khách hành hương có thể chuộc đem về nhà để tôn kính hoặc thực hành các việc đạo đức khác, phòng dành cho việc ẩm thực trong những ngày lễ hội hành hương và những khu vực dành cho việc vệ sinh.

Ngoài khu vực nhà ở Dòng Kitô Vua, khu vực Nhà Thờ, khu vực Lễ đài, phía trước Lễ đài là một sân bãi thoáng rộng (kể cả hai con đường) được che phủ bởi những cây cổ thụ, cho bóng mát đáng kể. Sân bãi nầy là nơi để giáo dân đứng viếng Đức Mẹ và tham dự Thánh Lễ đồng tế được tổ chức trong những ngày lễ hội hành hương. Sức chứa của sân bãi nầy khoảng 4000 người, nhưng có những ngày hành hương giáo dân kẻ ra về người mới đến khoảng 20000 người (trong một ngày).

Nếu có dịp nào đó trong những ngày lễ hội hành hương, thì mời độc giả “hãy đến mà xem” một cảnh tượng nói lên lòng sùng kính Đức Mẹ hết sức mình của những khách hành hương. Cũng trong sân bãi nầy, họ trải những tấm vải nylon, đặt đồ đạt cá nhân, tụ họp theo nhóm, theo họ đạo, ngồi ở đấy, đứng ở đấy, ngủ ở đấy, đọc kinh cầu nguyện suốt đêm khi có thể được, vừa đọc kinh hoặc hát cộng đồng, vừa cầu nguyện cá nhân với những tâm sự riêng với Mẹ, nhờ Mẹ chuyển cầu những ước mong, chuyển cầu những ơn xin, cho cá nhân, cho gia đình, cho Giáo hội và cho xã hội.

Trung tâm hành hương Fatima cũng là một họ đạo. Số giáo dân hiện có khoảng 700. Thời gian đầu, các Cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách nơi đây : Cha Tuyên (từ ngày thành lập đến 1968) ; Cha Yến (1968-1975) ; Cha Đức (1975-1980) dòng Phanxicô ; Hai Cha Giáo phận Vĩnh Long tiếp tục : Cha Joachim Hồng Minh Nghiệm (1980-1989) ; Cha Phaolô Lưu Văn Kiệu (1989-). Các việc mục vụ cũng giống như những họ đạo bình thường : ngày Chúa nhật và ngày trong tuần đều có thánh lễ cho giáo dân tham dự, có những lớp giáo lý cho trẻ em và người lớn, Cha phụ trách còn đi công tác mục vụ gia đình, thăm viếng, đưa Mình Chúa, xức dầu bệnh nhân….

III. Chương trình hành hương được tổ chức như sau:

Từ ngày thành lập Trung tâm cho đến năm 1975, vào các ngày 13 của các tháng Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín và Mười hằng năm và ngay cả vào các ngày lễ Đức Mẹ và ngày Chúa Nhật đều có đông đảo giáo dân đến tham dự Hành Hương, học hỏi và cầu nguyện, qua việc tham dự Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, Rước Kiệu, Lần Chuỗi, Suy Niệm theo sự hướng dẫn của Linh mục phụ trách.

Sau năm 1975, vì hoàn cảnh không thuận lợi, giáo dân các nơi xa rất ít hành hương, chỉ có các giáo dân ở gần, vùng Vĩnh Long vẫn giữ thói quen đạo đức này.

Từ năm 1989, Cha Phaolô Lưu Văn Kiệu đặc trách Trung Tâm Hành Hương Fatima Vĩnh Long. Việc hành hương Đức Mẹ, dưới sự đôn đốc, hướng dẫn của Cha, ngày càng khởi sắc. Người tín hữu khắp nơi, nhất là trong Giáo phận, đến tề tựu quanh Mẹ ngày càng đông đảo, đặc biệt trong hai dịp Hành Hương chính thức của Giáo phận Kính Đức Mẹ vào ngày 12-13/05 và 12-13/10 hằng năm. Ngoài ra, vẫn có luôn luôn nhiều đoàn hành hương đến cầu nguyện, tĩnh tâm vào các ngày khác trong năm. Số lượng người tham dự : 12-13/05 hằng năm là khoảng 12.000 người, 12-13/10 là khoảng 18.000 người.

Việc tổ chức Hành Hương 12-13/05 và 12-13/10 hằng năm, ngoài việc Đức Giám Mục Giáo Phận hướng dẫn chủ đề học hỏi cầu nguyện và chủ sự Thánh Lễ đồng tế, còn có sự tham dự của các Linh mục trong Giáo phận. Nội dung Hành Hương là học hỏi theo chủ đề về Mẹ Maria. Các việc đạo đức trong ngày hành hương gồm có : cầu nguyện, sám hối, lần chuỗi, kiệu tôn vinh Đức Mẹ, các giờ suy niệm có minh hoạ của các Hội Dòng. Chương Trình hành hương bắt đầu từ 12 giờ trưa ngày 12, các Linh mục hướng dẫn suy niệm, giải tội, cầu nguyện, lần chuỗi. 5 giờ chiều ngày 12, Đức Giám mục Giáo phận chủ lễ khai mạc hành hương. Tối đến, các Dòng Tu trình diễn trên Lễ đài những bài diễn nguyện diễn tả những mầu nhiệm về Chúa và Mẹ Maria, nhắn nhủ khách hành hương, nhớ đến con người thấp hèn, qua lời cầu bàu của Mẹ, được nhiều ơn Chúa, phải biết dâng lên Chúa và Mẹ lời cảm tạ tri ơn và những bài ca chúc tụng. Các hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum, Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, Dòng Chúa Chiên Lành, Dòng Chúa Quan Phòng phụ trách mục diễn nguyện nầy. Riêng Dòng Kitô Vua và nhiều cộng tác viên chuyên môn đãm nhận nhiều lãnh vực khác để ngày hành hương tiến hành tốt đẹp.

Sau những màn diễn nguyện, đến phần lần chuỗi, kiệu Đức Mẹ, có suy gẫm những sự Vui, Thương, Mừng, Sáng. Nghỉ ngơi đôi chút, khách hành hương được mời đến dự buổi chầu Mình Thánh Chúa đặt tại Lễ đài. Sau đó, một thánh lễ của đêm canh thức được tổ chức lúc nửa đêm trong bầu khí êm đềm vắng lặng và thánh thiện.

Một đêm với Mẹ Maria thật xứng đáng. Sáng sớm, vào lúc 5 giờ, một Linh mục cử hành thánh lễ đánh dấu một ngày mới, ngài kêu gọi mọi người trở về với thực tại của ngày hành hương và chuẩn bị cao điểm ngày nầy là Thánh lễ đồng tế do Đức Giám mục chủ lễ lúc 9 giờ sáng ngày 13. Buổi lễ được diễn ra rất nhịp nhàng và thứ tự.

Sau khi ổn định khách hành hương, đâu vào đấy, đứng trong những khuôn nhân tạo, thì đoàn đồng tế bắt đầu di chuyển từ trong Nhà thờ ra Lễ đài khoảng trên 100m. Đi trước là đội kèn mặc y phục mầu trắng đầu đội mũ kết pi đặc biệt giống như những người quân nhạc oai hùng, họ tấu lên những bài ca nhập lễ liên quan đến lễ Đức Mẹ, lẫn trong tiếng kèn có tiếng hát của toàn thể khách hành hương, việc đó tạo cho buổi lễ thêm phần long trọng và hoành tráng. Kế đến, thánh giá đèn hầu, các hội đoàn, tiếp theo là các Linh mục đồng tế (khoảng trên dưới 80) và sau cùng, Đức Giám Mục đầu đội mũ mitra và tay cầm gậy Mục tử cùng đi với hai Linh mục phụ lễ và những thầy giúp lễ đi theo sau.

Các bài đọc, các đáp ca, những bài thánh vịnh được trích trong bộ lễ Kính Đức Mẹ, những bài hát trong Thánh lễ được chọn lọc đều liên quan đến Đức Mẹ. Tuỳ theo đề tài học hỏi trong năm mà Đức Giám mục nhắn nhủ trong bài giảng. Đức Giám mục kết thúc ngày hành hương với những lời tạ ơn Chúa và Mẹ Maria, cám ơn tất cả các Linh mục, tu sĩ nam nữ, các cộng sự viên trong ngày hành hương và ngài cũng xin ơn Chúa phù hộ cho đoàn chiên của Chúa, cho tất cả mọi người ra về bình an và sống an lạc trong vòng tay trìu mến của Mẹ Maria.

Mặc dù, nơi trung tâm nầy không có những phép lạ đặc biệt nào xảy ra, nhưng nhờ Mẹ khẩn cầu, ơn phúc của Chúa xuống tận tâm hồn khách hành hương, điều đó làm cho khách hành hương ra về lòng thấy dâng trào niềm vui phơi phới và như còn vương vấn một điều gì với Mẹ, nhưng cũng đành phải chờ ngày lễ hội hành hương lần tới.

(Nguồn: giaophanvinhlong.net)