Mẹ La Vang – Mẹ mất sớm, tôi ở cùng cha từ nhỏ. Cha là một quan chức hồi hưu, tôi học lớp Tử Niên trường Đồng Khánh. 

Năm ấy cha tôi mắc phải bệnh lao, tôi đành xếp sách lo phụng dưỡng cha già. Vốn không dư dật khá giả, nay phải thuốc thang cho cha, nhà tôi lâm cảnh túng bấn. Đã thế, trong cơn quẩn bách, tôi phải vơ vét hết những tư trang kỷ niệm cuối cùng dùng vào các việc dị đoan, cúng bái chỉ mong cứu mạng cha già.

Tôi nhớ có lần chị Xuân, bạn thân nói chuyện Đức Bà La Vang ở Quảng Trị hay làm phép lạ, thi ân giáng phúc cho người dù lương hay giáo. Tôi giấu cha tôi lặng lẽ ra miền La Vang với một chút hy vọng. Tôi là người lương, không biết đọc kinh, không biết cầu nguyện nhưng thấy người ta vào nhà thờ, tôi vào theo. May sao khi ra cửa gặp cha Tây, mặt mày hiền từ, nghe tôi nói hoàn cảnh ngài an ủi đôi lời rồi cho ăn cơm, sai người múc cho tôi chai nước giếng và còn hứa sẽ cầu nguyện cho gia đình tôi.

Linh Đài Đức Mẹ La Vang trước khi được trùng tu

Thế rồi một thời gian cha tôi trở bệnh nặng. Trong lúc vô kế khả thi tôi sực nhớ tới chai nước giếng La Vang. Vừa uống xong một ly nhỏ, cha tôi buột miệng: “Mát mẻ thật!”, khi ấy khuôn mặt cha tôi trông thơ thới như người khỏe mạnh, rồi ngả mình an giấc.

Từ giờ phút ấy chai nước đối với tôi trở nên vật quý giá vô cùng. Suốt đêm tôi ngồi ôm chai nước, chỉ chờ cha tôi thức giấc để rót thêm cho uống. Uống được vài lần cha tôi hết ho hen, ngủ yên cho tới sáng. Ôi nước giếng La Vang, thần dược hiệu nghiệm. Tôi sung sướng đến quên cả mệt mỏi dù đã thức trắng một đêm. Cha tôi tỉnh giấc, tôi định vớ chai nước rót thêm nhưng cha tôi ngăn lại hỏi: “Con ơi, vậy chớ thuốc gì đâu mà chỉ vài ly nhỏ mà bệnh cha qua một đêm mười phần đã hết tám chín?” Tôi thưa bẩm ậm ẹ cho qua chuyện, không dám nói tới chữ “La Vang” vì biết cha tôi trước nay không ưa gì chữ “đạo”.

Một tháng sau, uống hết chai nước thì cha tôi lành mạnh lại như xưa, ăn uống, đi đứng bình thường.

Tôi không thể không nghĩ đến Đức Bà La Vang đã ban ơn tái tạo đấng sinh thành. Tôi giấu cha tôi, nói đi dự đám cưới rồi lẻn ra La Vang tạ ơn Thánh Mẫu. Ai dè ở nhà có người đâm tin, cha tôi giận dữ cầm gậy săng (gỗ) tức tốc lên tàu hỏa ra La Vang tìm tôi. Bao nhiêu nỗi bực tức đều được trút lên cây gậy săng. Tôi cắn răng chịu trận, bầm mình bầm mẩy, tóc tai bù xù, miệng tứa máu. Trên chuyến tàu vô, người ta nhìn tôi mỉa mai thậm tệ, chắc họ nghĩ trong đầu tôi là gái hư bỏ nhà đi hoang.

Nhà thờ Đức Mẹ La Vang trước năm 1972

Về nhà tôi còn chịu thêm mấy trận đòn như thế vì cha tôi chưa nguôi giận cái tội tôi đi đạo. Tôi cố chịu đựng và thầm hy vọng đòn vọt nầy có thể cảm hóa được cha tôi. Mà quả như tôi dự đoán, khi giận thì đánh đập tưng bừng nhưng khi thấy con tơi tả thì cầm lòng không đậu mà khóc ròng theo con. Thừa dịp tôi ôm chầm lấy chân cha tôi kể hết mọi sự tình. Nào chuyện mồ côi nhớ mẹ, nào chuyện tư trang kỷ niệm phải bán đi để thuốc thang cho cha, nào chuyện cái chai nước La Vang có phép mầu nhiệm cải tử hoàn sinh… Thật bất ngờ, cha tôi trở giọng dịu dàng: “Con ơi, thật thì cha chẳng giấu chi con, hồi trước khi con cầm chai rót nước thì lạ sao mắt cha thấy những hào quang sáng láng nhấp nhánh quanh miệng chai. Cha đã cố tình nhìn kỹ đôi ba lần cũng đều thấy rõ như vậy… Nhưng con ơi, hẳn con cũng biết cha là một quan viên ăn trên ngồi trước trong làng mà bây giờ cải lương tòng giáo thì dân làng sẽ coi cha ra sao?” Tôi lựa lời an ủi cha tôi và không quên cầu xin ơn Đức Bà La Vang phù hộ.

Hôm nay, đã mười lăm năm trôi qua, cha tôi đã sống với thái độ tri ân Đức Mẹ La Vang. Tối nào, cha cũng nhắc nhở chúng tôi: “Sắp tới giờ đọc kinh Đức Bà La Vang rồi nghe!”, và như thế, gia đình chúng tôi lại có những đêm đọc kinh đầm ấm, hạnh phúc…