trung tâm hành hương đức mẹ la vang

TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG – THÁNH ĐỊA LA VANG QUẢNG TRỊ

Trên thế giới, trải qua chiều dài lịch sử của Giáo Hội Công Giáo, đã có rất nhiều Thánh địa về Đức Mẹ, những nơi mà Đức Mẹ đã làm phép lạ hay Đức Mẹ đã hiện ra như Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Mễ Du,… Và hầu như ở mỗi nước đều có những thánh địa Đức Mẹ. Qua đó chứng tỏ Đức Mẹ rất quan tâm và thương yêu loài người. Bởi vì cuộc sống con người thời nào cũng gặp đau khổ, có khi đau khổ về vật chất, có khi về bệnh tật, có khi vì bị bách hại Đạo. Trong sự yêu thương đó của Mẹ, Đức Mẹ đã hiện ra tại La Vang, tỉnh Quảng Trị trong thời gian bắt đạo của vua Cảnh Thịnh.

Xem thêm:

1. Đức Mẹ hiện ra tại La Vang khi nào?

Ba anh em nhà Tây Sơn đã nổi dậy và lật đổ được Chúa Trịnh phía bắc và chúa Nguyễn phía nam. Sau đó, Nguyễn Huệ lên ngôi vua, lấy hiệu là Quang Trung. Vào năm 1792, chẳng may, Vua Quang Trung mất sớm, để lại quyền kế vị cho người con trai, người này đã trở thành vua Cảnh Thịnh. Trong khi đó, Nguyễn Ánh vẫn tiếp tục nổi dậy quyết giành lại ngai vàng ở phía nam. Trong thời gian này, Nguyễn Ánh là hậu duệ các Chúa Nguyễn vẫn nổi dậy chống lại Tây Sơn. Sau một lần thất bại, Đức Ông Pierre Pigneau de Behaine đã thuyết phục Nguyễn Ánh cầu cứu Vua Louis XVI của Pháp.

Tượng Đức Mẹ La Vang bằng đá cẩm thạch tại Linh Đài

Vua Cảnh Thịnh biết được Nguyễn Ánh nhận được sự hỗ trợ của các nhà truyền giáo Pháp và lo rằng người Công giáo Việt Nam sẽ ủng hộ và theo Nguyễn Ánh nên vua Cảnh Thịnh bắt đầu ra các chỉ thị cấm đạo. Ngày 17 tháng 8 năm 1798, vua Cảnh Thịnh ban hành sắc lệnh cấm đạo, lệnh cho tiêu diệt đạo Công giáo (thời đó gọi là đạo Giatô), là đạo ngoại quốc, phải triệt hạ các nhà thờ và các chủng viện, truy nã các đạo trưởng (Linh mục).

Năm 1798 là cao điểm của biến cố bắt đạo của Vua cảnh Thịnh đối với các tín hữu Công Giáo. Nhiều người Công Giáo từ Cổ Vưu, Thạch Hãn… chạy vào ở ẩn trong rừng vắng hiểm trở. Trong thời gian ở đây, giáo dân đã thiếu thốn thức ăn nước uống và bị bệnh tật. Hàng đêm, mọi người tụ họp nhau cầu nguyện Kinh Mân Côi. Một lần đang khi cầu nguyện Kinh Mân Côi, mọi người thấy một vị Phụ Nữ đẹp tuyệt vời, mặc áo choàng, hiện ra gần một đại thụ trong hào quang rực rỡ. Các Kitô hữu tại đây nhận ra Vị Phụ Nữ này là Đức Mẹ Maria vì Người bồng Chúa Hài Đồng và có hai thiên thần cầm đèn chầu bên cạnh. Hình ảnh Đức Mẹ La Vang bồng Chúa Hài Đồng Giêsu đã được lưu lại và tạc tượng như chúng ta thấy ngày nay. Đức Mẹ đã an ủi những người hiện diện và dạy họ bẻ lá cây quanh đó nấu uống sẽ được lành bệnh. Đức Mẹ La Vang cũng hứa bất cứ ai tới cầu nguyện tại đây sẽ được Đức Mẹ ban ơn phù hộ.

2. Đức Mẹ La Vang ở đâu ?

La Vang có thể là Phường Lá Vằng ngày xưa, như được ghi trong địa bạ làng Cổ Vưu thiết lập thời Triều Lê. Cổ Vưu là một họ đạo thuộc giáo xứ Dinh Cát. Giáo xứ Dinh Cát được thành lập vào thế kỷ 17, nay đổi tiên là giáo xứ Trí Bưu, gần thị xã Quảng Trị.

Ngày xưa, người dân tại Cổ Vưu sinh sống bằng nghề đi rừng (lấy gỗ và bẫy dã thú) và thêm nghề nông. Sau một thời gian gia tăng diện tích canh tác, bà con Cổ Vưu phá một khu rừng để trồng khoai sắn và cấy lúa. Khi diện tích khai hoang canh tác tăng lên và nhiều người tới sinh sống ở đó, họ đã xin lập phường, mà vì tại đây có nhiều cây lá vằng, nên lấy tên là Phường Lá Vằng, sau thành từ La Vang.

Ngày nay, Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang nằm ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, về giáo quyền thì thuộc về Tổng Giáo phận Huế. Phía bắc Quảng trị giáp với Quảng Bình, phía Nam giáp với Thừa Thiên Huế. Nếu chúng ta thuê xe đi La Vang từ Huế thì đi theo quốc lộ 1A về hướng bắc khoảng 54km là đến, mất khoảng 1h20’. Từ Quốc lộ 1A có hai lối vào Đức Mẹ La Vang. Điều đầu tiên mà người ta nhìn thấy khi đến La Vang là cổng chào với hàng chữ “Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang”. Cổng chào được thiết kế theo lối Phương Đông, trông rất Việt Nam. Bước qua cổng chào là một lối đi vào chính giữa rộng 32m. Toàn bộ La Vang chiếm một diện tích khá lớn 190.106 m2 với khung cảnh thiên nhiên hài hòa, hai bên có 2 hồ nước.

3. Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang

Vào sáng 22.08.1961 nhà thờ Đức Mẹ La Vang đã được xức dầu đền thánh, trước hàng giáo sĩ và 300.000 giáo dân, Đức ông De Nitris, thư ký Tòa Khâm Mạng, đại diện Tòa thánh tuyên đọc sắc chỉ nguyên bản La Tinh của Đức Thánh cha Gioan XXIII nâng Đền Thờ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường. Sau đó, Đức Tổng Giám mục Phêrô Martino Ngô Đình Thục tuyên bố: “Kể từ nay Vương Cung Thánh Đường và khu vực Thánh Địa La Vang là Nhà của Mẹ, Đất của Mẹ, là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc.”

Vì nhà thờ Đức Mẹ La Vang ngày xưa (1928) đã bị phá hủy năm 1972, nên vừa qua Giáo Hội Việt Nam đã quyết định xây dựng lại một ngôi thánh đường mới to đẹp hơn ở vị trí gần đó. Ngày 15/08/2012, Giáo Hội Việt Nam đã long trọng cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang. Về kích cỡ, nhà thờ Đức Mẹ La Vang mới này là công trình lớn nhất của Giáo Hội Việt Nam từ trước đến nay. Theo dự toán, nếu hoàn tất các hạng mục của Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, số kinh phí lên đến hàng ngàn tỉ đồng Việt Nam (tương đương với gần năm mươi triệu đô la Mỹ).

Phối cảnh Vương Cung Thánh Đường La Vang đang được xây dựng

Bên cạnh Linh Đài, Vương Cung Thánh Đường đang được xây dựng, vẫn còn di tích của nhà thờ La Vang cổ (hoàn thành 1928). Ngoài ra, Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang còn có nhà xứ, nhà hành hương là nơi để các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân lưu trú nhiều ngày và còn nhiều công trình kiên cố khác đã tạo nên không khí thánh thiện.

4. Phép lạ Đức Mẹ La Vang

Ông Nguyễn Long Hoan, sinh năm 1930, tại xứ Tân Phong, Quảng Trạch, Quảng Bình bị bệnh phong thấp khá nặng lúc 14 tuổi. Ông đã chữa rất nhiều bệnh viện nhưng đều không khỏi.Với niềm tin vào Đức Mẹ La Vang, ông đã đến với Mẹ và phép lạ đã xảy ra, ông đã lành bệnh, không tái phát.

Tiếp đến, có một người có tên là Trần Văn Ninh, Sinh năm 1972. Thuộc giáo xứ Định Quán, Gíáo phận Xuân Lộc đã được chữa khỏi bệnh tâm thần. Ngay sau khi được cầu nguyện và cho uống nước Đức Mẹ, anh đã trở lại tỉnh táo, thanh thản và hết bệnh. Anh cùng gia đình và bà con Giáo xứ Định Quán đã cảm tạ ơn Đức Mẹ La Vang thương ban chữa lành anh.
Đức Mẹ La Vang cũng đã chữa lành anh Nguyễn Văn Triều, 33 tuổi, hiện ở giáo xứ Ngọc Lâm, Huyện Xuân Lộc, Tỉnh Đồng Nai khỏi bệnh mất trí và nói nhảm. Cả gia đình hết sức vui mừng cảm tạ Đức Mẹ La Vang đã làm phép lạ để cứu chữa anh.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh chụp hình với các Linh Mục và cộng đoàn trước Linh Đài

5. Kinh Đức Mẹ La Vang

Kinh Đức Mẹ La Vang đã ra đời vào dịp Năm Toàn Xá Ðức Mẹ La Vang, kỉ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. (1798-1998). Lời kinh nầy đã được Imprimatur, tại La Vang ngày 08 tháng 12 năm 1997, do Ðức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể, Giám quản tông tòa Huế khi đó. Kinh Đức Mẹ La Vang gồm hai phần chính: phần đầu là phần ca ngợi về sự vinh quang, thánh thiện của Mẹ và sự đoái thương của Mẹ khi chọn La Vang mà hiện đến. Phần sau là những lời cầu xin của con cái Mẹ, xin cho được nhân hậu, bao dung, bồi đắp cuộc sống, xin cho đức hạnh, lòng cậy trông. Và lời cầu xin cuối cùng là sau cuộc đời nầy xin được về sống bên Mẹ, hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời.

(Quý vị có thể tham khảo Kinh Đức Mẹ La Vang ở cuối bài)

6. Đại Hội Đức Mẹ La Vang

Đại Hội Đức Mẹ La Vang cứ 3 năm diễn ra một lần. Cho đến nay Đại Hội La Vang đã được diễn ra 31 lần. Đại hội lần thứ 31 là đại hội mới nhất vào 3 ngày 13,14,15 tháng 8 năm 2017. Theo chiều dài lịch sử thì Đại Hội Đức Mẹ La Vang lần thứ I được tổ chức vào năm 1901. Về ngày tổ chức thì có khác nhau nhưng cũng nằm trong tháng 8. Kể từ Đại Hội Đức Mẹ La Vang lần thứ 23, Đại Hội diễn ra từ ngày 13.08 – 15.08.1993. Từ đó đến nay Đại Hội La Vang diễn ra trong ba ngày 13, 14, 15 tháng 8, 3 năm 1 lần.


Trong ba ngày Đại Hội diễn ra, thường có nhiều hình sức sinh hoạt của một số hội đoàn, có thảo luận theo chủ đề, có kiệu Đức Mẹ rất long trọng với nhiều thành phần dân Chúa tham dự. Có thể nói, cuộc rước kiệu Đức Mẹ là một nghi thức rất đặc biệt để tôn kính Đức Mẹ trong dịp Đại Hội. Tiếp đến, có 1 đêm diễn nguyện được đầu tư hết sức công phu và đêm chầu Thánh Thể bên Mẹ. Thánh Lễ long trọng nhất trong 3 ngày Đại Hội là thánh lễ mừng kính trọng thể Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vào sáng 15 tháng 8. Đây cũng là Thánh Lễ bế mạc Đại Hội.

Ngoài những năm có Đại Hội Đức Mẹ La Vang được tổ chức long trọng, thì hàng năm, Tổng Giáo phận Huế vẫn tổ chức hành hương Đức Mẹ La Vang vào ngày 15.8.
Bên cạnh đó, cứ vào sau tết âm Lịch, khoảng mồng 3,4 tết thì lại có kiệu Đức Mẹ Minh Niên. Đầu tháng 5 thì có thánh lễ khởi đầu tháng Hoa Đức Mẹ.
Hàng ngày, ở Linh Đài La Vang, vẫn có nhiều thánh Lễ do các linh mục trong các đoàn hành hương từ xa tới dâng lễ.
Có thể nói, tại trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang ngày nào cũng tràn ngập Thánh lễ và lời ca tụng Chúa và Mẹ Maria.

7. Hành hương Đức Mẹ La Vang

Ngày nay có rất nhiều đoàn hành hương từ nhiều nơi đến với Đức Mẹ La Vang, trong nước cũng như nước ngoài. Có người thì đi cá nhân hoặc gia đình, có người thì đi theo sự tổ chức của giáo xứ. Có người thì không có điều kiện tổ chức thì đi theo Tour hành hương Đức Mẹ La Vang được thực hiện bởi một số tổ chức. Các đoàn hành hương ở xa thường qua đêm tại khu nghỉ dưỡng của Trung Tâm Hành Hương La Vang được quản lý bởi các Soeur hoặc tự cắm trại trên đất La Vang. Ở đây, thánh lễ được dâng thường xuyên hàng ngày tại nhà thờ tạm và tại Linh Đài, nên rất thuận tiện cho giáo dân tham sự Thánh Lễ. Khi đêm đến, các đoàn hành hương này thường ra Linh Đài Mẹ để đọc kinh Mân Côi, cầu nguyện và xin ơn. Tiếng Kinh của họ vang lên đã tạo nên một không khí linh thiêng ấm áp và đầy thánh thiện. Có lẽ Đức Mẹ La Vang đã nghe và nhận lời họ cầu xin. Tuy nhiên Mẹ ban ơn cho mỗi người một cách khác nhau, có người cảm nhận được, có người chưa thấy được. Nhưng trên hết, có lẽ là ơn bình an. Ai đi đến đây cũng thấy bình an và vơi đi nỗi buồn trong cuộc sống.

Nguyên bản: KINH ĐỨC MẸ LA VANG

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang
đầy muôn ơn phước, ngời chói hào quang,
muôn vàn Thần Thánh không ai sánh bằng.
Ðức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ,
tinh tuyền thánh thiện,
sinh Ðấng cứu độ muôn loài.
Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến,
cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo,
giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề.
Từ ấy gót chân Mẹ bước đến,
vẫn mãi đầy ơn thiêng.
Ơn phần hồn ơn phần xác,
người bệnh tật kẻ ưu phiền,
nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời.
Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang,
Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời,
cùng là Thánh Mẫu loài người chúng con.
Cúi xin xuống phước hải hà,
đoái thương con cái thiết tha van nài.
Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu,
đại lượng bao dung,
cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.
Xin Mẹ phù hộ chúng con,
luôn sống đức hạnh,
đầy lòng cậy trông.
Và sau cuộc đời nầy,
xin cho chúng con được về sống bên Mẹ,
hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.