Mẹ Măng Đen – “Hôm nay, chúng ta từ khắp phương trời, từ khắp buôn làng đã về với Mẹ Măng Đen”. Cha Giuse Trần Sĩ Tín, một Lm DCCT truyền giáo trên vùng Tây Nguyên đã thốt lên như trên khi chứng kiến từng đoàn người lần lượt tuốn về với Mẹ Maria Măng Đen, tọa lạc tại thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kontun (cách thành phố Kontun 53 km về phía Đông Bắc) vào chiều ngày 16.9.2013.

Theo tài liệu của Tòa Giám mục Kontum, tượng Đức Mẹ Măng Đen là bức tượng Đức Mẹ Fatima được dựng trên một trụ đài vào giữa năm 1971 tại núi rừng Măng Đen. Sau chiến tranh Việt Nam 1975, bức tượng bị bỏ phế một thời gian dài. Năm 2006, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Kontum lần đầu tiên tới đây dâng lễ. Tháng 9 năm 2011, Sứ thần Tòa Thánh, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam là Tổng giám mục Leopoldo Girelli đến viếng và chủ trì thánh lễ kính Đức Mẹ.  Năm ngoái 2012, lần đầu tiên Giáo phận Kontum tổ chức ngày hành hương vào ngày 15.9, ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi và ấn định ngày này là ngày hành hương truyền thống Đức Mẹ Măng Đen. Ban tổ chức cho biết ngày hành hương năm ngoái ước tính có khoảng 30.000 người tham dự.

Năm nay, ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bì trùng vào Chúa nhật, nên đại lễ Đức Mẹ măng Đen Sầu Bi được dời đến ngày 17.09, nhưng sáng qua, 16.09, lượng người từ các giáo xứ, các buôn làng thuộc Giáo phận Kontum đã trở về linh địa Măng Đen rất đông. Chúng tôi cũng chứng kiến một số biển số xe ô tô từ các tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai, Sài Gòn về tham dự ngày hành hương kính Mẹ.

Vượt hàng trăm cây số trên những dốc đèo quanh co theo hình chữ Z rất khó đi để đến với Mẹ Măng Đen, mỗi người có một tâm tình khác nhau: người xin ơn bình an, kẻ xin ơn chữa lành cho gia đình, người khác xin ơn trở lại, nhưng cũng có người đơn giản hơn, đến đây chỉ là “đi thăm Mẹ”.
Cô Vân ở nhà thờ Bảo Long, Kontum nói: “Tôi dẫn người bạn của tôi đến với Mẹ để nhờ Mẹ chuyển cầu cho người bạn tôi trở lại cùng Chúa. Đã mấy chục năm rồi, người bạn của tôi không đi xưng tội, không đi dự lễ. Dịp này tôi rủ bạn tôi đi để hy vọng người bạn của tôi sẽ trở về cùng Chúa”.

Một cô gái đứng trước tượng Mẹ Măng Đen khóc nức nở. Khi được hỏi, cô nói: “Tôi tội lỗi lắm, đến với Mẹ xin Mẹ chuyển cầu cho tôi”.
Một gia đình trẻ ở làng Konpia, Tumơrong, Kontum vượt hàng trăm cây số đến với Mẹ vì muốn “thăm Mẹ” trong dịp hành hương này: “Gia đình tôi đã đi Đức Mẹ Măng Đen ba lần rồi. Lần này chúng tôi đến thăm Mẹ thôi”.
Mang theo những tâm tình đến với Mẹ trong dịp hành hương này, những người con của Mẹ mua những bông hoa huệ, hoa cúc, nén hương để dâng lên Mẹ. Những bông hoa không mắc tiền nhưng những tấm lòng của con cái Mẹ thì dào dạt.

Suốt buổi chiều 16.09 trời không ngớt nưa, những lều bạt Ban tổ chức căng lên cũng không đủ chỗ cho khách hành hương trú, nhưng hàng đoàn hàng đoàn xếp hàng ngay ngắn tiến tới bước tượng Mẹ Măng Đen, để cầu nguyện, dâng lên Mẹ những bông hoa, nén hương.
Càng về tối, cơn mưa lại nặng hạt hơn. Tuy nhiên chương chình diễn nguyện vào buổi tối 16.09 vẫn điễn ra theo dự kiến.

18 giờ, Đức cha Micaen Hoàng Đức Oanh, Giám mục Kontum đã có mặt ở khu vực linh địa để tham dự đêm diễn nguyện do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) đang phục vụ tại vùng Tây Nguyên phụ trách.
18h45, các anh chị em người Jarai, Bahnar, Xêđăng … mặc sắc phục truyền thống tiến về lễ đài để cử hành đêm diễn nguyện.
Tiếng cồng chiêng dóng lên, ngọn lửa từ đống củi giữa lễ đài cùng với bài hát cầu xin Chúa Thánh Thần với nhiều ngôn nhữ Jarai, Bahnar, Xêđăng … và Kinh cất lên bắt đầu khai mạc giờ diễn nguyện giữa cơn mưa trong đêm tối của núi rừng Tây Nguyên.

Giờ diễn nguyện do cha Giuse Trần Sĩ Tín, DCCT hướng dẫn. Sau bài hát khai mạc, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh chia sẻ với cộng đoàn. Ngài nhấn mạnh để tâm tình cảm tạ Thiên Chúa, cảm tạ Mẹ Maria vì những ơn lành của người trong đời sống Kitô hữu của mỗi người. Đặc biệt Đức cha Micae nhấn mạnh đến ơn đức tin mà Chúa đã ban, và xin Mẹ Maria cho mỗi người được kiên trì giữ vững lòng tin đó.
Đức cha Micae nói thêm: “Chúng ta chỉ tin duy nhất vào Thiên Chúa và vì vậy chúng ta cũng chỉ có một tình yêu với nhau. Chúng ta hãy yêu thương nhau và biết tôn trọng nhau, tôn trọng nhau từ những cái nhỏ nhất”.

Sau lời chia sẻ của Đức cha Micae, cha Sĩ Tín mời gọi mọi người hướng về biến cô Truyền Tin của Mẹ Maria. Ngài nói: “Đó là một biến cố Thiên Chúa ban Con Một của Ngài. Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài, thì không có gì Thiên Chúa không ban cho chúng ta”.
Điểm nhấn trong chương trình diễn nguyện là những lời chứng của những anh chị em đã được ơn của Mẹ Maria, đặc biệt là từ lời chuyển cầu của Mẹ Maria Măng Đen. Cha Tín mời gọi: “Hãy kể lại, hãy cao rao tình thương của Mẹ cho mọi người biết”.

Lời chứng đầu tiên là lời kể của bà mẹ cháu bé Bari. Bà kể về việc Mẹ Maria Măng Đen đã chữa lành cho con của bà là bé Bari được khỏi bệnh tim bẩm sinh.
Sau đó có rất nhiều anh chị em đã bước lên lễ đài để làm chứng về ơn họ đã nhận được từ Chúa từ lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Cha Giuse Sĩ Tín nói rằng: “Tôi tưởng không ai lên làm chứng cho Mẹ nhưng không ngờ lại nhiều đến vậy”.

Mẹ bé Bari kể chuyện Đức Mẹ Măng Đen đã chuyển cầu và bé Bari đã hết bệnh tim bẩm sinh
Đức cha Micae kết thúc giờ diễn nguyện bằng những lời nhắn nhủ với cộng đoàn về việc đi đường, giữ gìn vệ sinh chung. Ngài nói: “Anh chị em từ nãy đến giờ cầu nguyện nhiều, điều đó là tốt lắm; nhưng anh chị em giữ gìn vệ sinh, nhặt rác cũng là thờ phượng Chúa, đi đúng lòng lề đường cũng là thờ phượng Chúa. Đó là làm chứng cho Chúa!”

“Ông cha ông ta trước kia đã loan báo Tin Mừng, hôm nay chúng ta cũng loan báo Tin Mừng bằng những hành động cụ thể như vậy” – Đức giám mục nói thêm.
Giờ diễn nguyện kéo dài đến 21giờ15. Vì linh địa Măng Đen nằm sâu trong khu vực núi của xã Măng Đen, nên các khách hành hương đến ngày hôm trước đều nghỉ lại trong các lán bạt trong khu vực linh địa.

Nhóm PV. VRNs